VnReview
Hà Nội

Đánh giá chi tiết Asus Zenfone Max Pro: khi Asus quyết tâm “khô máu”

Zenfone Max Pro (M1) là sản phẩm cho thấy Asus đang rất nghiêm túc với thị trường Việt Nam, đưa ra một chiếc smartphone có cấu hình, pin và mức giá hợp lý để giành lại thị phần.

Trong vài năm trở lại đây, dòng smartphone Zenfone của Asus không còn sức thu hút như thế hệ đầu, khi các sản phẩm tầm trung hoặc cao cấp Zenfone 3, Zenfone 4 chưa đủ ấn tượng. Thay vào đó, những chiếc Zenfone bán chạy nhất lại thuộc dòng Max, dòng sản phẩm nhấn mạnh tới thời gian sử dụng pin.

Điểm chung của những smartphone dòng Max là có pin dung lượng cao, sử dụng chip tầm thấp để tiết kiệm điện. Tuy nhiên với mức giá cạnh tranh từ các thương hiệu Trung Quốc, có lẽ cách làm đó đã không còn hợp thời. Đó là lý do Asus quyết tâm thay đổi với sản phẩm mới nhất, Zenfone Max Pro (M1).

Đã lâu rồi Asus mới đưa ra một chiếc smartphone với cấu hình tầm trung, sử dụng vi xử lý Snapdragon 636, mà mức giá lại thấp đến vậy. Nếu so sánh cấu hình của hai phiên bản Max Pro (phía dưới), mức giá của chúng tương đương hoặc thậm chí thấp hơn cả chiếc Redmi Note 5 của Xiaomi, hãng điện thoại nổi tiếng với mức giá rẻ.

Tất nhiên, giá bán dù rất quan trọng cũng không thể là yếu tố duy nhất quyết định sự hấp dẫn của một chiếc điện thoại. Vậy bên cạnh mức giá "khô máu", Zenfone Max Pro còn gì khác để thuyết phục người dùng?

Thiết kế

Zenfone Max Pro có thiết kế khá cơ bản, với chất liệu nắp lưng kim loại, kiểu dáng bo tròn không tạo được nhiều ấn tượng. Ngoại hình của máy khá giống những sản phẩm trước đó của Asus, tuy nhiên điểm đáng chú ý là thân máy gọn gàng khi xét tới viên pin dung lượng lớn. Với độ dày 8,5 mm, Max Pro chỉ dày tương đương những chiếc điện thoại khác có pin khoảng 4000 mAh.

Máy sử dụng thiết kế cơ bản với nắp lưng kim loại, viền nhựa. Điểm cộng là thân máy mỏng so với viên pin lớn

Nhờ các góc bo tròn, thân máy dài với chiều ngang hơn 7 cm và trọng lượng 180 g nên máy đem lại cảm giác cầm nắm thoải mái, đầm tay. Cảm biến vân tay được bố trí ở mặt lưng nên khá thuận tiện khi mở khóa.

Cụm camera kép xoay dọc giúp ngoại hình của máy mới lạ hơn so với cách bố trí nằm ngang trên các máy Zenfone trước

Một điểm cộng khác là máy được trang bị khay SIM kép và thẻ nhớ đầy đủ, cho phép lắp cùng lúc hai SIM (cùng hỗ trợ 4G) và một thẻ nhớ Micro SD. Máy vẫn dùng cổng Micro USB và được trang bị giắc cắm tai nghe 3,5 mm.

Nhìn chung ngoài điểm cộng là máy khá mỏng so với dung lượng pin 5000 mAh thì thiết kế của Zenfone Max Pro cơ bản, nhìn hao hao với nhiều smartphone khác cùng tầm giá.

Màn hình và loa ngoài

Màn hình của Zenfone Max Pro M1 hiển thị tốt trong nhà, nhưng độ sáng hơi thấp khi dùng ngoài trời

Máy được trang bị màn hình kích thước 5.99 inch, độ phân giải Full HD+ với tỉ lệ 18:9. Không gian hiển thị rộng, mật độ điểm ảnh đủ để đảm bảo hình ảnh sắc nét. Màn hình được trang bị tấm nền IPS nên góc nhìn rộng, khi nhìn ở góc nghiên thì màu sắc và độ sáng bị ảnh hưởng rất ít.

Độ sáng tối đa của máy đạt khoảng 450 nits, đủ dùng thoải mái trong nhà nhưng khi ra ngoài trời nắng thì hơi thấp, hiển thị khó nhìn. Màu sắc của màn theo hướng trung thực, hơi ngả vàng. Máy có tùy chọn điều chỉnh nhiệt màu nhưng đã không còn ứng dụng điều chỉnh màu chi tiết Asus Splendid.

Loa ngoài to và khi mở lớn âm thanh cũng không bị rè

Loa ngoài của Max Pro có mức âm lượng khá lớn, kể cả khi sử dụng ở ngoài đường thì loa vẫn đủ để nghe. Khi bật mức âm lượng lớn nhất âm thanh vẫn không bị rè, vỡ. Tất nhiên chất âm của loa cũng rất bình thường, nhưng cũng đủ dùng để thỉnh thoảng xem clip, chơi game.

Máy ảnh

Zenfone Max Pro sử dụng camera kép với mô hình gồm một camera chính và camera phụ dùng để đo chiều sâu chứ không phải camera riêng lẻ, góc rộng như các thế hệ trước. Ở mặt trước, máy có thêm đèn flash trợ sáng khi chụp ảnh selfie. Trong hai phiên bản thì bản RAM 4GB được ưu tiên hơn ở cả camera trước và sau. Những nhận xét trong bài được chúng tôi thực hiện trên bản RAM 3GB.

Giao diện camera trên chiếc Max Pro khá cũ kỹ, nhiều điều chỉnh cơ bản như độ sáng phải bấm vài lần mới chinrh được

Nếu như thông số phần cứng khá ấn tượng thì phần mềm, ứng dụng camera của Zenfone Max Pro lại gây thất vọng. Máy sử dụng phần mềm camera gốc của Google, với giao diện cũ kỹ và cách bố trí thiếu hợp lý. Để thực hiện những thay đổi cơ bản như tăng giảm độ sáng, hay chuyển sang quay video thì người dùng cũng phải mất vài lần nhấn.

Tốc độ lấy nét, chụp thông thường khá nhanh, nhưng khi chuyển sang chế độ chụp xóa phông hoặc HDR thì máy lưu ảnh khá chậm, đôi lúc còn lấy nét nhầm hoặc không lưu được ảnh khi bấm chụp thường xuyên. Ứng dụng camera chính là điểm Asus cần cải thiện trong những bản cập nhật tiếp theo.

Ảnh chụp với điều kiện ánh sáng tốt

Ảnh chụp từ Zenfone Max Pro có chất lượng ổn ở môi trường ánh sáng thuận lợi. ;Ảnh có độ chi tiết tốt, màu sắc theo hướng trung thực chứ không rực rỡ nên với ảnh chụp phong cảnh sẽ không nịnh mắt. Dải sáng của ảnh vừa phải, nhưng chế độ HDR không phải lúc nào cũng hiệu quả.

Chế độ HDR đôi lúc khiến cho ảnh giống như có lớp lọc màu, hiệu ứng không phải lúc nào cũng phát huy tác dụng

Tuy nhiên khi ánh sáng kém thì máy thể hiện không tốt, ảnh dễ bị rung và độ chi tiết kém. Ngoài ra do điều chỉnh độ sáng cần tới vài thao tác cũng khiến việc chụp ảnh buổi tối khá khó chịu.

Ảnh chụp khi điều kiện ánh sáng yếu có độ chi tiết khá thấp, dễ bị nhòe

Máy chụp xóa phông khá chuẩn, ít bị xóa nhầm vào các phần rìa của chủ thể. Người chụp có thể chỉnh mức độ xóa phông trước khi chụp, nhưng chụp xong sẽ không chỉnh được nữa. Tuy vậy trải nghiệm chụp ảnh xóa phông vẫn không thực sự ấn tượng do tốc độ lưu ảnh chậm của phần mềm.

Chất lượng ảnh chụp xóa phông ổn nhưng khi chụp cần phải kiên nhẫn một chút vì máy xử lý hơi chậm

Camera trước cũng có chế độ chụp xóa phông giả lập, nhưng không hiệu quả bằng camera sau. Máy chụp selfie hơi chậm, chế độ làm đẹp đơn giản nên đỡ mất thời gian lựa chọn, điều chỉnh.

Ảnh chụp selfie với chế độ xóa phông

Ảnh selfie chụp mặc định (trái) và khi bật chế độ làm đẹp

Hiệu năng và phần mềm

Trong tầm giá khoảng 5 triệu, cấu hình của Zenfone Max Pro gây chú ý với con chip tầm trung Qualcomm Snapdragon 636, dung lượng RAM và bộ nhớ trong cũng ở mức khá. Cấu hình này đủ để đáp ứng mượt mà các tác vụ sử dụng hàng ngày, không còn thỉnh thoảng bị giật như những chiếc Zenfone Max trước.

Một trong những yếu tố giúp đảm bảo hiệu năng ổn định là phiên bản Android gốc, sự thay đổi đáng chú ý của Asus. Hãng đã bỏ qua Zen UI quen thuộc trên chiếc điện thoại này để có phần mềm nhẹ, hiệu ứng và chức năng cơ bản. Trong sử dụng thực tế, tôi thấy dung lượng RAM 3GB cũng không phải vấn đề vì máy ít khi phải tải lại khi mở lại ứng dụng.

Điểm hiệu năng qua các ứng dụng tương ứng với cấu hình của máy

Không chỉ đáp ứng tốt việc sử dụng thường ngày, Max Pro cũng đem lại hiệu năng tốt trong các game di động. Chúng tôi sử dụng phần mềm GameBench để đánh giá tốc độ khung hình cùng độ ổn định trong các game phổ biến như Liên quân Mobile, PUBG Mobile và tựa game bắn súng với đồ họa ấn tượng Dead Trigger 2.

Trong Liên quân Mobile, ở thiết lập đồ họa cao nhất và không khóa khung hình, máy dễ dàng đạt 60 fps với mức ổn định là 80%. Hình ảnh mượt mà, phản hồi khá nhanh nên các thao tác game cũng dễ chịu hơn.

Với tựa game bắn súng PUBG Mobile, máy có thể mở tới mức đồ họa cao nhưng tốc độ khung hình chỉ khoảng 25 fps, không ổn định. Khi mở mức đồ họa trung bình thì khung hình ở mức 30 fps (game khóa mức khung hình này ở đồ họa trung bình), độ ổn định cao lên tới 92% nên cảm giác chơi tốt, chỉ bị giật ở đoạn nhảy dù chứ trong phần lớn thời gian khung hình mượt mà.

Dead Trigger 2 là tựa game với hình ảnh chi tiết, đòi hỏi đồ họa khá cao để đạt mức tối đa 60 fps. Ở thiết lập hình ảnh cao nhất, Max Pro đạt mức khung hình 50 fps và độ ổn định 87%. Trong những cảnh có đông "quái", khung hình có thể tụt xuống mức 40fps và nhìn chung thì tốc độ phản hồi không thể so với những smartphone cao cấp, nhưng máy vẫn chơigame này ở mức tạm ổn.

Với phiên bản Android gốc trên Zenfone Max Pro, Asus không còn đưa ra các tùy chọn đặc biệt của ZenUI, các ứng dụng cài sẵn của hãng cũng rất ít. Phần mềm gốc Android nhẹ, không bị phần mềm rác (ngoại trừ một loạt ứng dụng của Google) nhưng với nhiều người có thể hơi nhàm chán.

Asus gọi điện thoại của mình là "quái vật chơi game" nhưng lại không tích hợp phần mềm Game Genie để chặn thông báo và tối ưu khi chơi game

Đối với người viết, điểm đáng tiếc nhất là Asus gọi điện thoại của mình là "quái vật game", nhưng lại không tích hợp ứng dụng Game Genie với nhiều tính năng hỗ trợ, trong đó quan trọng nhất là chặn thông báo trong game. Ngoài ra ứng dụng camera cũng khá thất vọng, mà theo giải thích của đại diện Asus là hãng không thể tích hợp phần mềm chụp ảnh PixelMaster trên máy không chạy ZenUI.

Về các chi tiết khác của cấu hình, có một điểm cũng đáng nhắc tới là máy không hỗ trợ WiFi băng tần 5GHz, chỉ dùng được băng tần 2.4GHz. Đây không phải là thiếu sót lớn nhưng cũng đáng cân nhắc với những người dùng router mới, hỗ trợ đa băng tần.

Thời gian sử dụng pin

Nếu có gì người dùng phải e ngại, cân nhắc trên Zenfone Max Pro thì đó chắc chắn không phải là pin. Viên pin 5000 mAh, cấu hình tầm trung cùng phần mềm cơ bản thực sự đem lại thời gian sử dụng pin rất tốt trên chiếc điện thoại này. Trong quá trình sử dụng như một máy chính, tôi thường xuyên dùng máy từ 2 – 2,5 ngày mới phải sạc một lần.

Máy đạt thời gian sử dụng dài trong thực tế, có thể lên tới 2,5 ngày

Máy cũng thể hiện rất tốt trong các bài đánh giá tiêu chuẩn của VnReview, gần như luôn dẫn đầu khi so với các smartphone cùng phân khúc. VnReview đã có bài đánh giá chi tiết về pin của Zenfone Max Pro, mời bạn đọc tham khảo thêm.

Kết quả ấn tượng trong các bài đánh giá pin tiêu chuẩn của VnReview

Asus cho biết củ sạc theo máy là sạc nhanh, dù thông số đầu ra là 5V/2A chưa phải thông số chuẩn của QuickCharge 3.0 hay 4.0. Máy sạc đầy sau 3 giờ, trong đó sau 1 giờ đầu tiên đã được khoảng 46%, đủ pin để dùng cả ngày.

Với thời gian sử dụng pin lâu dài, Zenfone Max Pro (M1) xứng đáng là đại diện mới nhất của dòng smartphone pin "trâu" Zenfone Max.

Kết luận

Với chiếc Zenfone Max Pro M1, Asus đã đáp ứng được các khía cạnh rất cơ bản của người dùng smartphone: hiệu năng ổn, pin lâu dài và quan trọng nhất là mức giá rất dễ chịu. Tất nhiên, nếu được đòi hỏi tôi sẽ muốn camera chụp tốt hơn một chút, thiết kế cá tính hơn hay thêm một số tính năng phần mềm hữu ích. Dù vậy, cũng phải thừa nhận rằng ở tầm giá 5 triệu đồng khó có thể yêu cầu một chiếc smartphone phải tốt về mọi mặt, và các khía cạnh mà Asus tập trung là hợp lý.

Trong tầm giá này, đối thủ nặng ký của Max Pro chính là Redmi Note 5. Chiếc điện thoại của Xiaomi nhỉnh hơn về camera và phần mềm MIUI cũng thú vị, nhưng smartphone Asus vẫn ghi điểm nhờ pin ấn tượng. Dù sao thì sự cạnh tranh luôn giúp người dùng có lợi. Có thể nói Zenfone Max Pro M1 là nỗ lực đáng ghi nhận của Asus để đem lại một sản phẩm tốt trong tầm giá, giúp người dùng có nhiều sự lựa chọn hơn.

Tuấn Anh

Chủ đề khác