VnReview
Hà Nội

Đánh giá Oppo R17 Pro: mọi thứ xoay quanh câu chuyện giá

Nhiều thứ mới mẻ được Oppo đưa vào chiếc Oppo R17 Pro như cảm biến vân tay trên màn hình, công nghệ pin sạc nhanh nhất hiện nay, cụm 3 camera phía sau trong đó có một camera 3D và mặt lưng chuyển màu gradient. Nhưng yếu tố gây tranh cãi nhất ở sản phẩm này lại là mức giá 17 triệu đồng cho một sản phẩm chưa được xem là flagship.

So với các hãng điện thoại Trung Quốc như Xiaomi và Huawei, Oppo lâu nay vẫn luôn định giá sản phẩm của họ cao hơn. Điều này có một phần đến từ cách bán hàng của Oppo chủ yếu qua kênh bán lẻ truyền thống và đầu tư mạnh mẽ vào quảng cáo, không tập trung vào bán online và dùng giá rẻ như là cách truyền thông của Xiaomi.

Tuy nhiên, mức giá 17 triệu đồng cho chiếc R17 Pro lại đang cao một cách thái quá. Vì vậy, không ngạc nhiên khi đa phần các bình luận phản hồi về R17 Pro trong các bài trên tay hay trải nghiệm tính năng của sản phẩm này trên VnReview gần đây đều đề cập đến mức giá, cho rằng đây là giá bán "hoang tưởng", "cao quá nên chỉnh lại đi", "điện thoại Snapdragon 710 đắt nhất"… Phản ứng đó từ người dùng là dễ hiểu bởi Oppo R17 Pro được định vị là sản phẩm cận cao cấp, chứ không phải là smartphone đầu bảng (flagship).

Nhưng tạm đặt mức giá sang một bên thì Oppo R17 Pro có gì thú vị và liệu Oppo có lý do nào để định giá như vậy với mẫu điện thoại này?

Thiết kế: mặt lưng chuyển màu và kính nhám, ít bám vân tay

Kiểu dáng của Oppo R17 Pro trông rất quen thuộc với màn hình "giọt nước", mặt lưng bo cong cùng chất liệu khung kim loại và mặt lưng kính. Tuy vậy, Oppo đã cố gắng tạo sự khác biệt qua công đoạn sơn màu cho sản phẩm. Sơn bề mặt với hiệu ứng chuyển màu bây giờ không còn là mới mẻ ở thị trường điện thoại. Nhiều hãng khác như Huawei đã dùng trên không ít sản phẩm nhưng hiệu ứng chuyển màu trên các máy Oppo vẫn có sự khác biệt.

Oppo R17 Pro với mặt lưng kính nhám cùng hiệu ứng chuyển màu lạ mắt

Bên cạnh màu sắc chuyển đổi lạ mắt, mặt lưng kính của R17 Pro cũng được xử lý hơi nhám, ít bám vân tay hơn so với các mặt lưng kính bóng được dùng phổ thông trên điện thoại hiện nay. Tuy vậy trên mặt lưng, cụm 3 camera sau trông to và lồi lên khá nhiều. Điều này làm giảm đi tính thẩm mỹ trong thiết kế nhưng kích cỡ vật lý của cụm camera lớn lại hứa hẹn sẽ mang lại chất lượng chụp ảnh tốt.

Màn hình "giọt nước" lần đầu xuất hiện trên chiếc Oppo F9 tiếp tục được mang lên R17 Pro

Mặt trước của R17 Pro nhìn giống với chiếc Oppo F9 gần đây từ chi tiết màn hình "giọt nước" đến các đường nét bo ở góc máy. Tuy nhiên, đây là bản cao cấp hơn nên màn hình của máy chuyển sang dùng tấm nền AMOLED. Tấm nền AMOLED không cần đặt đèn nền ở cạnh dưới như màn hình LCD nên viền màn hình của R17 Pro mỏng hơn đáng kể so với Oppo F9, tỷ lệ màn hình/mặt trước đạt khoảng 86% so với 84% trên chiếc F9. Ngoài việc chuyển sang tấm nền AMOLED, Oppo cũng nâng cấp tấm kính bảo vệ màn hình lên phiên bản Gorilla Glass 6 thế hệ mới nhất của hãng Corning hiện nay. Theo nhà sản xuất Corning, Gorilla Glass 6 chống xước tương tự Gorilla Glass 5 nhưng chống rơi vỡ tốt hơn.

Cảm biến vân tay trong màn hình của R17 Pro là loại cảm biến luôn bật, thao tác một chạm

Điểm mới trên mặt trước của R17 Pro là sự xuất hiện của cảm biến vân tay trong màn hình. Đây là cảm biến đa hướng, một chạm và luôn bật giống như các cảm biến vân tay vật lý thông thường. Cảm biến này cũng hỗ trợ tối đa 5 dấu vân tay và được đặt ở vị trí dễ bấm. Tuy vậy, tốc độ cảm biến chưa được nhanh như cảm biến vật lý và cũng chậm hơn đáng kể so với mở khóa bằng nhận diện khuôn mặt. Có lẽ chính vì vậy mà khi đăng ký cảm biến vân tay, điện thoại sẽ gợi ý người dùng kết hợp với mở khóa bằng nhận diện khuôn mặt để tăng tốc độ mở khóa.

Khung kim loại của máy cũng được sơn chuyển màu khớp với mặt lưng

Trên các cạnh, R17 Pro không có cổng âm thanh 3.5mm và tai nghe đi kèm máy cũng là loại dùng chân cắm USB Type C. Máy không có khe cắm thẻ nhớ nhưng dung lượng bộ nhớ trong khá lớn 128GB, thoải mái lưu trữ với hầu hết người dùng. Mặc dù máy không được công bố đáp ứng tiêu chuẩn IP chống bụi nước nào nhưng khay SIM kép vẫn có gioăng cao su.

Máy dùng cổng USB Type C, loa đơn và không có giắc âm thanh 3.5mm

Nhìn chung, R17 Pro có thiết kế dễ cầm nắm, độ hoàn thiện tốt, chắc chắn, cứng cáp, chất liệu khung kim loại/lưng kính phổ thông trên smartphone cận và cao cấp hiện nay cùng cảm biến vân tay trong màn hình đang dần trở thành trào lưu. Mặt lưng chuyển màu và bề mặt sơn được xử lý dễ chịu, đỡ trơn tay và không bám nhiều vân tay như các bề mặt kính bóng thông thường. Tuy nhiên, máy vẫn thiếu một số chi tiết thường có trên những sản phẩm flagship như khả năng chống bụi nước hay sạc không dây.

Máy hỗ trợ 2 khe cắm SIM chuẩn Nano và không có khe cắm thẻ nhớ ngoài.

Màn hình AMOLED màu cân bằng

Màn hình R17 Pro có kích cỡ 6.4 inch, tỷ lệ 19,5:9, độ phân giải Full-HD+ (1080 x 2340 pixel) với mật độ điểm ảnh 402 PPI, ở mức đủ để hiển thị nội dung rõ ràng, chi tiết. Tấm nền màn hình có chất lượng hiển thị tốt. Ở chế độ mặc định, màu sắc hiển thị tươi tắn hơn bình thường đôi chút nhưng vẫn ở mức hợp lý, khá tự nhiên chứ không bị rực lên quá nhiều. Màn hình này cũng mang đầy đủ các điểm đặc trưng của tấm nền AMOLED: màu đen sâu, độ tương phản cao, trong trẻo và góc nhìn rộng. Khi dùng ở ngoài trời, độ sáng tối đa đủ để hiển thị nội dung khá rõ ràng.

Tuy nhiên, màn hình AMOLED của R17 Pro vẫn có khoảng cách khi so sánh với "đàn anh" Oppo Find X hay màn hình AMOLED trên các flagship Galaxy S9/S9+ và iPhone XS Max ở chỗ không rực rỡ và sống động bằng, độ trong trẻo thấp hơn. Hơn nữa, màn hình này không hỗ trợ nội dung HDR, chi tiết thường chỉ có trên các sản phẩm cao cấp.

Hiệu năng chưa tương xứng với mức giá

R17 Pro sử dụng vi xử lý Snapdragon 710. Đây là con chip mạnh ở phân khúc tầm trung, nằm giữa Snapdragon 660 và dòng chip Snapdragon 845 cao cấp. So với Snapdragon 660, con chip Snapdragon 710 có GPU Adreno 616 mạnh hơn, chip xử lý hình ảnh có thể giảm nhiễu đa khung, chip sóng X15 LTE xử lý được nhiều luồng dữ liệu hơn (4x4 MIMO) và có tốc độ tải về đạt gần ngưỡng Gigabit.

Điểm đo hiệu năng tổng thể trên Antutu của Oppo R17 Pro

Cùng với RAM 8GB và bộ nhớ trong 128GB, máy đạt gần 170 ngàn điểm trên ứng dụng đo hiệu năng tổng thể Antutu, cao hơn khoảng 25% so với các máy dùng Snapdragon 660 và gần tương đồng với những smartphone cao cấp của năm ngoái như Galaxy S8, Note 8 hay iPhone 8 Plus. Tuy vậy, khả năng xử lý đồ họa vẫn còn khoảng cách xa so với những smartphone cao cấp đời cũ.

Điểm Antutu đánh giá hiệu năng tổng thể

Điểm Geekbench đo hiệu năng xử lý đơn lõi và đa lõi của CPU

Bài test Manhattan đo hiệu năng xử lý đồ họa của GPU ở độ phân giải tiêu chuẩn Full-HD (off-screen) và độ phân giải thực (on-screen) của máy.

Trong sử dụng thực tế, máy chạy mượt mà với các tác vụ thông thường. Điện thoại này chỉ dùng hết khoảng 3GB RAM trong phần lớn thời gian sử dụng hàng ngày nên lượng RAM thừa đủ cho nhu cầu đa nhiệm. R17 Pro cũng xử lý tốt các game nặng đồ họa hiện nay.

Thử sức với hai tựa game Dead Triggers 2 và Warhammer 40,000: Freeblade, là những game có đồ họa nặng nhất hiện nay trên Android và không khóa tốc độ khung hình, R17 Pro đều đạt tốc độ 60 fps ở chế độ đồ họa cao nhất và độ ổn định khung hình khá cao, ở mức 87%.

Dead Trigger 2 ở chế độ đồ họa cao nhất, R17 Pro đạt tốc độ khung hình 60 fps, độ ổn định khung hình 87%, kết quả được đo bằng Game Bench, ứng dụng chuyên đo hiệu năng khi chơi game tương tự Fraps hay MSI Afterburner trên PC.

Với game Warhammer 40,000: Freeblade ở chế độ đồ họa cao nhất, máy cũng đạt tốc độ khung hình 60 fps, độ ổn định khung hình 86%.

Nhìn chung, hiệu năng từ con chip Snapdragon 710 đủ đáp ứng mọi nhu cầu trên điện thoại. Tuy vậy ở mức giá 17 triệu đồng của sản phẩm, thị trường đang có rất nhiều smartphone sở hữu con chip cao cấp Snapdragon 845 hoặc những chip mạnh mẽ tương tự đến từ Samsung và Huawei, hai hãng tự thiết kế được chip riêng.

Phần mềm quen thuộc, giống với các máy Oppo khác

Về phần mềm, máy hiện cài sẵn bản Color OS 5.2 tùy biến dựa trên Android 8.1. Giao diện và tính năng phần mềm vẫn quen thuộc, giống với các máy Oppo gần đây như Find X, Oppo F9 và Oppo F7.

Tính năng phần mềm mới nhất có mặt trên R17 Pro và các máy Oppo gần đây là chế độ lái xe thông minh, khá giống với chế độ S-bike trên các máy Galaxy J của Samsung năm ngoái. Chế độ này sẽ kích hoạt khi phát hiện người dùng lái xe để hạn chế cuộc gọi đến và các thông báo nhưng có thể tùy chỉnh để nhận cuộc gọi lặp lại trong vòng 3 phút, tự động nhắn tin trả lời, từ chối cuộc gọi hay tự động chuyển sang loa ngoài khi nhận cuộc gọi.

Các tính năng phần mềm đáng kể khác gồm các thao tác cử chỉ thông minh để điều khiển điện thoại khi màn hình tắt hoặc nhận cuộc gọi; nhân bản ứng dụng để dùng song hai tài khoản với một số ứng dụng; chế độ chơi game giúp trải nghiệm chơi game tối ưu hơn. Máy cũng cho phép ẩn đi 3 phím điều hướng của Android để chuyển qua dùng các thao tác cử chỉ, tận dụng tốt đa màn hình viền mỏng. Khác với các hãng khác, Oppo cung cấp tới 4 tùy chọn điều hướng bằng cử chỉ khác nhau.

Pin SuperVOOC thế hệ mới: sạc nhanh ấn tượng, chỉ 36 phút đầy 100% pin

R17 Pro có pin dung lượng 3700 mAh, hỗ trợ công nghệ sạc nhanh SuperVOOC mới của Oppo với tốc độ sạc nhanh hơn nhiều so với công nghệ VOOC thông thường trên chiếc Oppo F9 cũng như chiếc Find X phiên bản tiêu chuẩn.

SuperVOOC trên Oppo R17 Pro và bản Oppo Find X Laboghini hiện là công nghệ sạc nhanh nhất hiện nay.

Thử nghiệm thực tế bằng củ và cáp sạc đi kèm, máy chỉ mất khoảng 36 phút sạc là đã đầy pin 100% (tính từ lúc cạn hẳn 0% và máy tự tắt). Trong đó, 10 phút đầu sạc được khoảng 41%, 20 phút lên 67% và 30 phút lên 93%. Đây là smartphone có tốc độ sạc nhanh nhất hiện nay. Đặc biệt, máy có thể sạc nhanh bình thường cả khi vừa sạc vừa chơi game. Bên cạnh đó, kết quả thử nghiệm của VnReview cho thấy quá trình sạc cũng không khiến máy bị nóng lên như với các điện thoại sạc nhanh bằng công nghệ sạc Quick Charge của Qualcomm.

Củ sạc VOOC thường của Find X (trái) nhỏ hơn đáng kể củ sạc SuperVOOC của R17 Pro (phải).

Theo Oppo, SuperVOOC đạt được tốc độ sạc đó là nhờ điện áp tăng lên 10V và cường độ dòng điện cũng tăng lên 5A đồng thời viên pin của máy được chia thành 2 cell 1850 mAh để sạc đồng thời. Công nghệ VOOC cũ chỉ sạc pin ở điện áp 5V cùng cường độ dòng điện 4A và viên pin trên điện thoại không tách làm 2 cell như yêu cầu của SuperVOOC.

So sánh tốc độ sạc của VOOC thường trên Oppo Find X và SuperVOOC trên Oppo R17 Pro.

Bên cạnh khả năng sạc nhanh rất ấn tượng, thời lượng sử dụng pin của máy cũng khá tốt. Trên các bài đo pin quen thuộc của VnReview, máy cho thời lượng sử dụng ngang ngửa iPhone 8 Plus ở hoạt động xem phim và chơi game nhưng thua về thời gian lướt web. Kết quả pin như vậy đủ yên tâm dùng thoải mái trong ngày ở cường độ sử dụng cao hoặc có thể kéo dàu 1,5-2 ngày nếu nhu cầu sử dụng trung bình.

Thời gian xem phim liên tục tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10%, độ sáng và âm lượng ở mức 70%.

Bài đo thời gian lướt web thực hiện trên mạng Wi-Fi ở độ sáng màn hình 70%, tính thời lượng pin từ 100% đến 10% thì dừng.

Chơi game giả lập trên phần mềm GFX Bench với độ sáng màn hình khoảng 70% cũng tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10% thì dừng.

Tham khảo: Dùng thử SuperVOOC trên Oppo R17 Pro: Sạc nhanh đến mức nào, có nóng không?

Camera chụp đêm khá "ảo", xóa phông ít lỗi

Cùng với pin, camera cũng là điểm mà Oppo chú trọng ở sản phẩm này. Máy sử dụng cụm 3 camera sau và một camera tự sướng độ phân giải 25MP.

Cụm 3 camera sau của Oppo R17 Pro gồm một camera chính 12MP có thể thay đổi giữa hai khẩu độ f/1.7 và F2.4 hỗ trợ lấy nét pha kép Dual-Pixel và chống rung quang học giống như Galaxy S9/Note 9, một camera phụ tới 20MP khẩu f/2.6 chỉ để hỗ trợ chụp ảnh xóa phông và camera thứ ba là một camera quét 3D được nhà sản xuất gọi là TOF (Time of Flight).

Khác Galaxy S9/Note 9, camera chính 12MP ở phía sau của Oppo R17 Pro không cho người dùng tự chọn khẩu độ kể cả ở chế độ chỉnh tay. Máy sẽ luôn tự động quyết định dựa theo điều kiện ánh sáng. Bên cạnh đó, Oppo hiện tại cũng chưa đưa ra phần mềm cần thiết để tận dụng camera 3D ở phía sau. Theo Oppo công bố, camera 3D tới đây có thể sử dụng cho nhiều chức năng như khả năng đo thông tin độ sâu của ảnh một cách chính xác ở khoảng cách 4-5 mét kể cả khi trời rất tối và có thể dùng cho các ứng dụng thước đo hoặc ứng dụng thực tại tăng cường (AR)…

Về phần mềm, ứng dụng camera trông vẫn quen thuộc với giao diện học hỏi từ iPhone. Bên cạnh các chế độ chụp quen thuộc như tự động, toàn cảnh, chân dung xóa phông, chụp gắn hình sticker vui nhộn, chế độ chụp chuyên nghiệp (cho chỉnh ISO, phơi sáng, khoảng cách lấy nét và cân bằng trắng) và chế độ AI thì máy có thêm chế độ chụp đêm có cơ chế hoạt động khá giống với chế độ chụp đêm Night Sight của Google trên những chiếc điện thoại Pixel. Chế độ này sẽ ghép nhiều ảnh ở các mức độ phơi sáng khác nhau để tạo ra một bức ảnh đêm cuối cùng với độ sáng và chi tiết cao hơn.

Khi chụp ở chế độ ban đêm và thiếu sáng, các ảnh chụp thực tế cho thấy ở chế độ Ban đêm của R17 Pro, ảnh có độ chi tiết hơn hẳn chế độ chụp thông thường, ánh sáng cân bằng hơn, ít nhiễu hơn và đặc biệt là ảnh xử lý rất tốt ánh sáng đèn, không bị lốp sáng. Tuy nhiên, chế độ chụp này có hạn chế là tốc độ chụp chậm khoảng 2-3 giây tùy môi trường ánh sáng nên sẽ không phù hợp với những ảnh chụp có đối tượng chuyển động và khi chụp cũng cần phải giữ chắc tay. Bên cạnh đó, do thuật toán đẩy nét và nổi khối lên hơi quá đà nên có thể thấy ảnh chụp đêm trông hơi giả, chi tiết bị gai, gắt, kém tự nhiên. Màu sắc ở chế độ này cũng bị đẩy rực lên, khiến ảnh có phần sặc sỡ thái quá.

Ảnh trên chụp ở chế độ thường, còn ảnh dưới ở chế độ Ban đêm. Vùng lốp sáng được xử lý rất tốt ở bức ảnh chụp chế độ Ban đêm nhưng chi tiết bị, độ nét, màu sắc bị đẩy lên quá đà khiến ảnh trông giả, kém tự nhiên.

Ảnh trên chụp ở chế độ thường, còn ảnh dưới ở chế độ Ban đêm, bức ảnh này cho kết quả tương tự khi các vùng lóa sáng đều được khắc phục tốt, nhưng màu sắc, chi tiết vẫn gắt dù chủ thể là khu vực khán đài ở khá xa.
 
 


Ảnh trên chụp ở chế độ thường, còn ảnh dưới ở chế độ Ban đêm

Ảnh trên chụp ở chế độ thường, còn ảnh dưới ở chế độ Ban đêm

Ảnh trên chụp ở chế độ thường, còn ảnh dưới ở chế độ Ban đêm

Ảnh trên chụp ở chế độ thường, còn ảnh dưới ở chế độ Ban đêm

Ở chế độ chân dung xóa phông, cách chụp xóa phông của R17 Pro tương tự như chiếc;Oppo Find X. Khi chuyển sang chế độ chân dung, camera sẽ tự động zoom vào một chút để hiệu ứng xóa phông được rõ nét và tự nhiên hơn. Máy không cho phép lựa chọn mức độ xóa phông cả trước và sau khi chụp. Ảnh xóa phông cũng không chọn lại được điểm nét. Tuy vậy, Oppo đưa vào máy một số hiệu ứng khá thú vị như ảnh đơn sắc, chiếu sáng khuôn mặt, tranh sơn dầu, chiếu sáng cầu vòng hoặc chỉ giữ lại màu sắc trên chủ thể... Các hiệu ứng này có thể chọn trước khi chụp hoặc chỉnh sau khi chụp nhưng không phải ảnh xóa phông nào cũng có thể áp dụng được đủ các hiệu ứng.

Các ảnh trên giữa chủ thể và hậu cảnh xa hoặc hậu cảnh đơn giản thì máy xóa phông mịn, gần như không bị lẹm vào phần tóc hay vai.

Ba ảnh trên thì vùng tóc bị lem, tách bạch chưa thật tốt so với hậu cảnh.

Nhìn chung, chất lượng xóa phông của R17 Pro tương đối ổn, phần phông nền được xóa ở mức vừa phải, tự nhiên, không quá ảo. Những ảnh chụp giữa chủ thể và hậu cảnh có khoảng cách hợp lý hoặc hậu cảnh đơn giản thì phần viền được xóa mịn, tự nhiên. Tuy vậy, những ảnh có hậu cảnh quá gần với chủ thể thì phần viền giữa chủ thể và hậu cảnh vẫn dễ bị lem, xóa nhầm vào phần tóc.

Màu sắc trong ảnh xóa phông có một chút khác biệt so với ảnh thông thường, theo hướng giảm độ tương phản, gần giống như các bộ lọc màu phim, khiến ảnh ảnh trông "deep" hơn. Tuy nhiên, máy chỉ xóa phông tốt nếu chụp chân dung dạng bán thân, camera ở sát chủ thể. Nếu chụp chân dung toàn thân, ảnh xóa phông dễ lỗi, trông không tự nhiên và bỏ sót nhiều khoảng trống cần làm mờ phông nền.

Một số hiệu ứng ánh sáng trong chế độ chân dung của R17 Pro

Với ảnh chụp đủ sáng, R17 Pro cho màu sắc bắt mắt, thường tươi tắn hơn chút so với thực tế. Camera có tốc độ chụp và lấy nét nhanh, hiệu năng ổn định. Dải sáng của ảnh ở mức trung bình và thuật toán làm sắc nét thường được xử lý hơi quá đà, khiến đường nét chủ trong ảnh thiếu đi sự mềm mại và tự nhiên. Ở các cảnh chênh và ngược sáng, chế độ HDR giúp cải thiện độ chi tiết của các vùng sáng tối. Khi bật chế độ AI, máy sẽ hiện lên thông báo khi nhận diện được bối cảnh chụp. Sự khác biệt giữa chế độ tự động và AI thường là không nhiều. 

Thứ tự 2 ảnh: tự động (ảnh trên) và bật HDR (ảnh dưới).

Với ảnh chụp selfie từ camera trước, Oppo từ trước đến nay vẫn luôn chú trọng vào tính năng này và trên R17 Pro, điều này tiếp tục được duy trì với camera trước độ phân giải cao 25MP, khẩu độ f/2.0, cho phép xóa phông dù chỉ có 1 camera đơn.

Ảnh selfie của R17 Pro giữ vừng truyền thống của Oppo với độ sáng cao, làn da hồng hào. Nếu thích ảnh selfie tự nhiên không quá ảo, bạn có thể tắt hết các hiệu ứng làm đẹp cũng như tính năng AI, lúc này ảnh sẽ giữ lại được đầy đủ chi tiết trên da và cả những nốt mụn nhỏ, lỗ chân lông,... Còn nếu thích ảnh selfie nịnh mắt hơn, Oppo có sẵn nhiều công cụ làm đẹp và tính năng AI hoạt động tương đối hiệu quả để ảnh selfie lung linh, láng mịn hơn.

.

Ảnh chế độ thông thường (trái) và ảnh xóa phông (phải)

Ảnh chế độ thông thường (trái) và ảnh xóa phông (phải)

Ngoài ra, camera trên R17 Pro cũng có tính năng O-Moji cho phép sử dụng chính gương mặt của bạn để tạo ra các biểu tượng cảm xúc động ngộ nghĩnh gần tương tự AR Emoji trên Samsung hay Memoji trên iPhone X. Tuy nhiên, do chỉ là camera 2D nên gương mặt người dùng tái tạo chưa tự nhiên, cử động còn cứng và biểu cảm chưa tự nhiên.

Tổng kết

Với những gì đã thể hiện, Oppo R17 Pro là sản phẩm có nhiều điểm thú vị. Chi tiết sáng giá nhất ở sản phẩm này là khả năng sạc nhanh chỉ 36 phút là đầy pin. Đây là điều mà chưa hãng smartphone nào trên thị trường hiện nay ngoài Oppo đạt được. Ngoài ra, R17 Pro cũng là smartphone có thiết kế bắt mắt, màn hình đẹp, camera với khả năng chụp đêm cũng như tự sướng tốt và thời lượng pin lâu.

Tuy nhiên, mức giá rõ ràng là rào cản lớn nhất để điện thoại này cạnh tranh trên thị trường hiện nay khi mà đối thủ của nó đều là những sản phẩm sừng sỏ như Galaxy S9/S9+, iPhone 8 Plus hay Huawei Mate 20/Mate 20 Pro. Bên cạnh đó, điện thoại này cũng có một điểm hạn chế lớn là chiếc camera 3D hiện vẫn vô dụng gần như chỉ để "làm cảnh", cảm biến vân tay trên màn hình mới mẻ nhưng chậm hơn cảm biến vật lý truyền thống và thiếu giắc cắm âm thanh.

Ngoài ra, máy cũng thiếu một số yếu tố mà các đối thủ cùng tầm giá đang sở hữu như khả năng chống bụi nước, sạc không dây, màn hình hỗ trợ nội dung HDR... Song với những gì hiện có, R17 Pro sẽ là lựa chọn đáng cân nhắc nếu Oppo giảm giá xuống mức hợp lý hơn. Thêm nữa, hãng cũng nên sớm bổ sung chức năng phần mềm để khai thác chiếc camera 3D ở phía sau thay vì chỉ đề cho có như hiện nay.

Thanh Phong

Chủ đề khác