VnReview
Hà Nội

Đánh giá Honor 10 Lite: smartphone 5 triệu đồng cho người trọng thiết kế và selfie

Tiếp tục "dội bom" phân khúc smartphone phổ thông tại Việt Nam, Honor, thương hiệu con của Huawei, vừa chính thức tung ra mẫu smartphone phổ thông Honor 10 Lite. Sản phẩm có màn hình giọt nước, mặt lưng biến màu, camera selfie 24MP và giá bán 5,29 triệu đồng.

Nhìn qua cấu hình và thông số có thể thấy Honor 10 Lite như một phiên bản rút gọn của chiếc Honor 8X ra mắt cách đây không lâu. Hai máy cùng sử dụng con chip Kirin 710, camera kép ở mặt sau và thiết kế mặt lưng với hiệu ứng vệt sáng. Tất nhiên, với mức giá chênh lệch 700 nghìn đồng, Honor 10 Lite có lượng RAM, độ phân giải camera, kích thước màn hình hay dung lượng pin đều thấp hơn "đàn anh" Honor 8X. Chỉ duy nhất camera selfie phía trước của máy là có độ phân giải cao hơn.

Honor 10 Lite (bên trái) cạnh "đàn anh" Honor 8X (bên phải)

Thông số cấu hình của Honor 10 Lite và Honor 8X

Vậy Honor 10 Lite có đủ hấp dẫn để khiến người dùng phải lựa chọn, hãy cùng tìm hiểu trong bài đánh giá chi tiết của VnReview ngay sau đây. Chiếc Honor 10 Lite trong bài đánh giá này được lấy từ hệ thống Hoàng Hà Mobile với giá bán 4,79 triệu đồng, rẻ hơn 500 nghìn đồng so với giá công bố của hãng.

Thiết kế dễ gây chú ý với mặt lưng lạ mắt

Ngoại hình là điểm gây chú ý đầu tiên trên Honor 10 Lite. Mẫu máy này tiếp tục sử dụng mặt lưng bóng với các hiệu ứng vệt sáng, kết hợp với màu xanh dương gần như đã trở thành một "đặc sản" trên các mẫu smartphone Huawei và Honor. Màu sắc này tuy không còn quá mới nhưng vẫn là điểm giúp model này trở nên nổi bật hơn. Nếu thích khác biệt hơn nữa, người dùng có thể lựa chọn phiên bản màu xanh bạc với hiệu ứng chuyển màu dạng gradient khá lạ mắt.

Hai phiên bản màu sắc xanh biển và xanh bạc của Honor 10 Lite, ngoài ra máy còn có bản màu đen

Ở mặt trước, Honor quyết định chuyển từ màn hình "tai thỏ" sang "giọt nước" với phần viền tương đối mỏng. Tất nhiên, phần cằm vẫn là nơi dày nhất, và đây cũng là yếu tố để phân biệt giữa các máy phổ thông và cao cấp bên cạnh cổng microUSB thay vì Type-C. "Giọt nước" có lẽ là xu hướng chung của các các hãng smartphone muốn "thoát ly" Apple. Dù gì, nếu không có camera quét khuôn mặt 3D, gần như không có lý do gì để các hãng điện thoại phải sử dụng thiết kế "tai thỏ" gây tranh cãi của Apple.

Màn hình giọt nước cùng phần viền tương đối mỏng của Honor 10 Lite nhưng phần cằm vẫn còn dày

Dù có vẻ ngoài bắt mắt nhưng khi cầm 10 Lite trên tay, bạn sẽ cảm nhận ngay thấy sự kém sang do thân máy chỉ sử dụng chất liệu nhựa cho cả phần khung và lớp vỏ. Xét về độ chắc chắn và cứng cáp, 10 Lite không thể bằng "đàn anh" 8X với khung kim loại, lưng kính. Điểm gỡ gạc phần nào ở cảm giác cầm nắm ở mẫu máy là không có điểm nào gây cấn do mặt lưng được bo cong mạnh ở các cạnh. Phần tiếp giáp giữa khung, mặt lưng và màn hình kín khít. Màn hình không bị trồi lên quá nhiều so với phần khung và chất liệu nhựa cũng làm máy đỡ trơn hơn.

Màn hình giọt nước giúp Honor 10 Lite đỡ vướng mắt hơn tai thỏ của Honor 8X

Máy sử dụng toàn bộ chất liệu nhựa cho phần khung và lớp vỏ

Cổng sạc và truyền dữ liệu vẫn chỉ microUSB thế hệ cũ chứ không phải Type-C mới và tiện lợi hơn

Máy hỗ trợ 2 SIM và khay SIM 2 sẽ dùng chung với khay cắm thẻ nhớ microSD

Màn hình "giọt nước" chất lượng khá, loa ngoài âm thanh lớn

Với kích thước 6.21 inch độ phân giải Full-HD+, tỷ lệ 19.5:9, tấm nền IPS LCD, màn hình của Honor 10 Lite mang lại trải nghiệm ở mức khá. Màn hình này có độ sáng cao, có thể dùng ổn ngoài trời. Màu sắc theo hướng hơi rực rỡ, nịnh mắt, tương phản ổn, góc nhìn rộng, ít bị biến màu, giảm độ sáng khi nhìn ở góc hẹp. Điểm cộng khác là phần viền khá mỏng nên không gian hiển thị thoáng đãng. Thiết kế giọt nước dù lẹm vào nội dung cũng ít gây vướng mắt như "tai thỏ". Tuy nhiên, màn hình này vẫn bị nhược điểm chung của các smartphone tầm trung từ Huawei và Honor là ám xanh, không trong.

Màn hình của Honor 10 Lite cho chất lượng ổn chỉ có điều là vẫn ám xanh, chưa trong

Nếu không thích "giọt nước", bạn có thể tắt nó đi trong phần cài đặt hiển thị. Tất nhiên, lúc này phần viền trên sẽ dày lên đáng kể. Ngoài ra, các tùy chỉnh quen thuộc trên các thiết bị của Huawei và Honor như lựa chọn Chế độ màu theo hướng trung thực (Thông thường) hay nịnh mắt (Tươi sáng), tinh chỉnh nhiệt màu theo tông Ấm hay Lạnh hoặc bất cứ màu sắc nào bạn muốn, chế độ Làm dịu mắt, lọc bớt ánh sáng xanh gây nhức mắt trong đêm vẫn được trang bị.

Có thể tắt giọt nước đi nếu bạn không thích nhưng đồng thời phần trán sẽ dày lên đáng kể

Về âm thanh, Honor 10 Lite có một loa ngoài duy nhất ở cạnh dưới với âm lượng lớn, ít bị rè hay méo tiếng khi vặn lớn tối đa. Loa ngoài này có thể dùng để nghe nhạc nhẹm, xem phim tình cảm hay nghe tin tức thời sự khá ổn. Những yêu cầu cao hơn như chơi game, xem phim hành động, nghe nhạc EDM... sẽ cần đến tai nghe. Nhưng lưu ý là máy không có tai nghe đi kèm mà bạn sẽ cần phải sắm thêm.

Hiệu năng đáp ứng tốt các tác vụ cơ bản

Như đã đề cập, Honor 10 Lite có các thông số liên quan đến hiệu năng gần tương tự như chiếc Honor 8X. Máy sử dụng vi xử lý do Huawei tự phát triển là Kirin 710. Đây là chip xử lý tầm trung mới của Huawei có nâng cấp toàn diện so với Kirin 659 thế hệ trước: tiến trình 12nm tiết kiệm điện năng hơn, có thêm lõi xử lý hiệu năng cao Cortext A73 và GPU mạnh mẽ hơn. Bên cạnh vi xử lý mới, máy có RAM 3GB cùng bộ nhớ 64GB, có hỗ trợ thẻ nhớ microSD dùng chung với khay SIM 2.

Con chip Kirin 710, RAM 3GB, bộ nhớ trong 64GB đủ để giúp Honor 10 Lite hoạt động mượt mà

Trên các phần mềm đo hiệu năng (benchmark), Kirin 710 vượt trội hơn hẳn Kirin 659 và ngang ngửa với Helio P60 và Snapdragon 660, chỉ thua kém đôi chút so với vi xử lý của Qualcomm về khả năng xử lý đồ họa.;

Điểm Antutu đánh giá hiệu năng tổng thể

Điểm GeekBench đo hiệu năng xử lý lõi đơn và đa lõi của CPU

Điểm Manhattan trong ứng dụng GFXBench đo hiệu năng xử lý đồ họa (GPU) ở độ phân giải thực của máy (onscreen) và độ phân giải tiêu chuẩn Full-HD (offscreen)

Trong sử dụng thực tế, Kirin 710 cùng 3GB RAM trên Honor 10 Lite xử lý tương đối trơn tru các tác vụ thông thường. Việc sử dụng các thao tác cử chỉ thay cho 3 phím điều hướng cũng diễn ra mượt mà. Tốc độ nhận diện khuôn mặt, mở khóa vân tay đều nhanh nhẹn. Tuy nhiên, lượng RAM 3GB sẽ bắt đầu thiếu hụt khi bạn mở nhiều app và trang web cùng lúc. Khi đó, tình trạng load lại sẽ xảy ra khá thường xuyên.

 

Kirin 710 xử lý khá tốt các game trên nền tảng Android hiện nay. Thử với game nặng đồ họa không bị khóa tốc độ khung hình là Dead Trigger 2, máy đạt tốc độ khung hình tối đa 60 fps với độ ổn định tốt: 95% ở mức thiết lập đồ họa cao nhất. Tuy nhiên với game Warhammer 40.000: Freeblade, Honor 10 Lite lại chỉ đạt 43 FPS với độ ổn định 49%, thấp hơn nhiều chiếc Honor 8X.

Đo bằng ứng dụng GameBench, Honor 10 Lite đạt tốc độ khung hình tối đa 60 fps và độ ổn định 95% khi chơi game Dead Trigger 2 ở mức đồ họa cao nhất.

Ở game Warhammer 40.000: FreeBlade, máy chỉ đạt tốc độ khung hình 43fps và độ ổn định 49% khi chơi ở mức đồ họa cao nhất.

Với 2 tựa game online quen thuộc là PUGB Mobile và Liên Quân Mobile, Honor 10 Lite cho trải nghiệm ở mức khá với khung hình 30 fps, độ ổn định lần lượt là 94% và 88%. Tiếc là chip Kirin 710 vẫn chưa được Liên Quân hỗ trợ để mở khóa 60fps. Lưu ý đối với PUBG Mobile, bạn chỉ nên chơi ở mức đồ họa Cân bằng, nếu cố đẩy lên mức đồ họa HD, Honor 10 Lite sẽ rất giật, lag, khó chơi nổi.

PUGB Mobile có thể chơi ổn ở 30fps, độ ổn định 94% với thiết lập đồ họa Cân bằng, khung hình cao

Liên Quân Mobile đạt mức khá 30fps với độ ổn định 88%, tiếc là chip Kirin 710 vẫn chưa thể bật 60fps

Phần mềm chưa có nhiều điểm mới

Honor 10 Lite đã được cài sẵn phiên bản EMUI 9.0.1 dựa trên Android 9. Về cơ bản EMUI 9 trên Honor 10 Lite có giao diện và tính năng không khác biệt nhiều so với EMUI 8 trên các mẫu Honor 8X hay Huawei Nova 3i mà VnReview đánh giá gần đây.

Honor 10 Lite đã cài sẵn EMUI 9.0.1 dựa trên Android 9

Ưu điểm lớn nhất của EMUI có lẽ là thanh tìm kiếm mạnh mẽ, hoạt động mượt mà, có thể truy cập nhanh bằng cách vuốt xuống ở màn hình home. Từ đây, bạn có thể nhanh chóng tìm kiếm ứng dụng cài trên máy, danh bạ hay các thiết lập cài đặt rất tiện lợi.

Chế độ tiệc (Party Mode), cho phép kết hợp nhiều chiếc Honor 10 Lite thành một hệ thống loa di động với nhiều kênh âm thanh khác nhau từng xuất hiện trên chiếc Honor 8X, Nova 3i cũng có mặt. Tuy nhiên, kho ứng dụng Game Suit để tối ưu trải nghiệm chơi game và chặn thông báo làm phiền quá trình chơi đã không còn trên Honor 10 Lite.

Điểm mới đáng chú ý nhất là tính năng Hi Vision ở camera ngoài việc quét mã QR và nhận diện vật thể để tìm nơi bán thì giờ đây còn có thể dịch thuật trực tiếp (tiếc là chưa có tiếng Việt) và phát hiện đồ vật để tiện tìm kiếm thông tin.

Thời lượng pin đủ dùng thoải mái cả ngày

Honor 10 Lite có viên pin 3.400 mAh, không hỗ trợ sạc nhanh. Củ sạc 5V/2A đi kèm máy mất khoảng 2 tiếng rưỡi để sạc đầy, trong đó 30 phút đầu tiên sạc được khoảng 30% pin và 1 giờ sạc được 55%. Thiếu vắng sạc nhanh và cổng sạc USB Type C là điểm trừ đáng tiếc ở sản phẩm này khi nhiều máy cùng tầm giá có hỗ trợ.

Viên pin 3.400 mAh đủ giúp Honor 10 Lite hoạt động cả ngày nhưng máy lại thiếu sạc nhanh

Với viên pin ngang ngửa mẫu Nova 3i (3340 mAh), thực tế Honor 10 Lite cho thời gian sử dụng tương đồng. Máy đạt kết quả ở mức khá trong các bài test tiêu chuẩn của VnReview, tốt nhất là với hai hoạt động xem phim và lướt web. So với chiếc Honor 8X (3750 mAh), kết quả test pin của Honor 10 Lite không thua thiệt quá nhiều. Kết quả này cho thấy pin là yếu tố người dùng có thể yên tâm ở Honor 10 Lite.

Thời gian xem phim HD chép vào máy liên tục qua phần mềm MX Player ở độ sáng màn hình và âm lượng 70%, tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10%

Thời gian lướt web liên tục qua mạng Wi-Fi ở độ sáng màn hình và âm lượng 70%, cũng tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10%

Thời gian chơi game giả lập liên tục tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10%

Camera chính chất lượng khá, camera selfie ấn tượng

Honor 10 Lite trang bị cụm camera kép ở mặt sau gồm camera chính 13MP f/1.8 và camera phụ 2MP f/2.4 để thu độ sâu ảnh hỗ trợ tính năng chụp xóa phông. Điểm nhấn về khả năng chụp ảnh ở sản phẩm này là camera trước 24MP khẩu độ f/2.0, điểm ảnh 1.8μm, có tính năng ghép 4 điểm ảnh làm 1 để cải thiện khả năng chụp thiếu sáng và hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI) để nhận diện các bối cảnh chụp.

Camera với nhiều chế độ phong phú, chất lượng khá vẫn là thế mạnh của các máy Honor, Huawei

Chất lượng ảnh của Honor 10 Lite gần với mẫu Honor 8X. Ảnh thể hiện màu sắc trung thực, dải sáng và độ tương phản ổn, độ chi tiết khá. Các ảnh chụp ở chế độ AI cải thiện chút về độ tươi tắn cũng như cân bằng giữa các vùng tối sáng trong ảnh nhưng độ chi tiết lại giảm do độ phân giải bị giảm xuống 8MP, không phải là ảnh 13MP như các chế độ khác.

Tính năng AI có thể bật tắt trước và sau khi chụp. Việc tắt mở chế độ AI cũng khá tiện, chỉ cần chạm một lần trên giao diện camera nên bạn có thể chủ động thay đổi theo ý muốn.

Một số ảnh chụp trong điều kiện đủ sáng của Honor 10 Lite. Phía trên là ảnh chụp tự động tắt AI, phía dưới là chụp bật AI.

Khi chụp thiếu sáng, 10 Lite cho chất lượng thấp hơn 8X. Màu sắc không còn giữ được đô chính xác, chi tiết giảm mạnh, thường bết lại. Chế độ AI cũng không cứu vãn được vấn đề chi tiết ngoài việc cải thiện chút về độ sáng và màu sắc.

Một số ảnh chụp trong điều kiện thiếu sáng của Honor 10 Lite. Phía trên là ảnh chụp tự động tắt AI, phía dưới là chụp bật AI.

Máy có chế độ chụp Đêm với cách thức hoạt động giống với chế độ ban đêm của Google trên các điện thoại Pixel. Ở chế độ này, Honor 10 Lite sẽ ghép nhiều ảnh ở các mức phơi sáng khác nhau để tạo ra bức ảnh cuối cùng sáng rõ, chi tiết, màu sắc tươi tắn hơn và dải sáng rộng hơn. Tuy vậy, hạn chế của chế độ Đêm là tốc độ xử lý chậm, thường mất 3 đến 5 giây nên dễ bị rung tay và dễ mờ nhòe nếu có đối tượng chuyển động trong ảnh.

Một số ảnh chụp trong điều kiện cực kỳ thiếu sáng của Honor 10 Lite. Ảnh đầu là ảnh chụp tự động tắt AI, ảnh thứ 2 bật AI và ảnh 3 là sử dụng chế độ chụp Đêm.

Nhờ có camera kép, Honor 10 Lite có thể chụp xóa phông ở mức khá. Ảnh có màu sắc trung thực, nhiều chi tiết và viền chủ thể được xóa tương đối mịn, tự nhiên. Tuy nhiên, những ảnh có chủ thể quá gần với hậu cảnh, hoặc hậu cảnh hơi phức tạp thì máy không tách bạch tốt. Chế độ này cũng không phù hợp để chụp thiếu sáng vì ảnh giảm đáng kể chất lượng. 

Dù chỉ có một camera trước 24MP nhưng Honor 10 Lite vẫn có thể chụp selfie xóa phông. Thậm chí, chế độ xóa phông còn là chế độ mặc định của camera trước. Ảnh selfie gây ấn tượng với độ chi tiết cao, dải sáng rộng, màu sắc cũng theo định hướng tự nhiên giống như camera sau. Giống như camera sau, khi bật AI, ảnh selfie sẽ có màu sắc tươi tắn hơn, gương mặt cũng được làm sáng hơn và bất ngờ là độ phân giải vẫn được giữ nguyên ở 24MP, không bị xuống nên vẫn giữ được độ chi tiết ,sắc nét. Tuy nhiên, các chế độ làm đẹp lại hơi sơ sài. Chỉ có duy nhất một thanh kéo để làm đẹp khuôn mặt, không có các tùy chỉnh sâu về mắt, mũi, miệng, cằm...như nhiều smartphone khác.

Điểm đáng chú ý là camera trước sẽ luôn bật tính năng HDR giúp ảnh selfie cải thiện đáng kể dải sáng, nhất là khi chụp ngược sáng, chênh sáng. Tuy nhiên, người dùng không thể tắt HDR đi, trừ khi sử dụng các hiệu ứng ánh sáng cho khuôn mặt kiểu như Portrait Lighting hoặc bật tính năng xóa phông thì HDR mới bị vô hiệu hóa.

Ảnh selfie tắt AI (bên trái) và bật AI (bên phải)

Ảnh selfie tắt AI, tắt HDR (bên trái) và ảnh selfie bật tính năng xóa phông, tắt AI, HDR (bên phải)

Tổng kết

Trong phân khúc 5 – 6 triệu đồng cạnh tranh cực kỳ khốc liệt với hàng tá sản phẩm đến từ nhiều hãng điện thoại khác nhau, dường như mỗi hãng đã tìm cho mình được một hướng đi riêng. Nếu như Xiaomi nổi tiếng với các điện thoại cấu hình cao, hiệu năng tốt, phù hợp để chiến game, Oppo tập trung vào các sản phẩm với camera selfie cực "ảo", Samsung trở lại bằng mẫu Galaxy M20 với pin "trâu" thì Honor lại có vẻ đang kiên định với chiến lược thiết kế nổi bật, lạ mắt, camera có đầu tư, hiệu năng vừa đủ.

Với Honor 10 Lite, điều này càng được khẳng định khi sản phẩm có thế mạnh về thiết kế dễ gây chú ý. Camera với nhiều tính năng phong phú, hướng đến đối tượng thích mày mò với chất lượng khá cả ở trước và sau. Hiệu năng và pin ổn, đủ để đem lại trải nghiệm tốt ở hầu hết các tác vụ quen thuộc.

Tất nhiên, những ai ưa thích thiết kế kim loại và kính, các đối tượng game thủ, người chú trọng nhiều đến hiệu năng sẽ khó có thể hài lòng với mẫu smartphone này. Bên cạnh đó, khả năng chụp thiếu sáng của camera, hỗ trợ sạc nhanh cho pin và dùng cổng USB Type-C cũng là những điểm Honor cần cải thiện để thuyết phục thêm nhiều đối tượng khác.

Thành Đạt

Chủ đề khác