VnReview
Hà Nội

Đánh giá Xiaomi Mi A3 sau ba tháng ra mắt: Xin đừng quên tên em

Mới chỉ lên kệ ở Việt Nam được khoảng 3 tháng, chiếc Android One thế hệ thứ 3 của Xiaomi có cảm giác đã bị lãng quên, mất dạng trên thị trường vốn đang đầy rẫy sự lựa chọn. Tuy vậy, nếu bạn đang muốn mua một smartphone tầm trung thì xin đừng quên tên sản phẩm này.

Xiaomi đã đi theo một công thức giống nhau khi ra mắt các điện thoại Android One từ trước đến nay. Hãng sử dụng một phiên bản bán ở thị trường Trung Quốc, thay MIUI bằng hệ điều hành Android One thuần của Google và bán ra trên toàn cầu. Chiếc Mi A1 được đổi tên từ Mi 5X, Mi A2 được "tái chế" từ Mi 6X và năm nay Mi A3 là phiên bản Android One của chiếc Mi CC9e ở thị trường Trung Quốc.

So với Mi A2 năm ngoái, chiếc Mi A3 đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực: thiết kế mặt lưng kính bóng bẩy trẻ trung hơn, màn hình chuyển sang tấm nền AMOLED, pin lớn hơn, vi xử lý được nâng cấp và camera sau nhiều hơn trong đó camera chính sử dụng cảm biến 48MP của Sony đang rất thịnh hành ở phân khúc tầm trung. Bên cạnh đó, Xiaomi cũng bổ sung khe cắm thẻ nhớ và cổng 3.5mm, hai chi tiết thiếu vắng khiến Xiaomi bị nhiều người dùng phàn nàn trên Mi A2. Chỉ có một điểm trừ đáng kể nhất ở sản phẩm này là màn hình bị giảm độ phân giải xuống HD, không phải là Full-HD như thế hệ trước.

Trong khi đó, mức giá thực tế trên thị trường của Mi A3 cũng đang rất hấp dẫn. Điện thoại này có giá 5,99 triệu đồng vào thời điểm mở bán ở Việt Nam hồi tháng 8 nhưng hiện tại nhiều nơi giảm giá chỉ còn khoảng 4 triệu đồng. Với những thay đổi và mức giá như vậy, còn có điểm gì để bạn lăn tăn ở Mi A3 nữa không?

Thiết kế: nhỏ gọn, dễ dùng một tay

Máy có thiết kế quen thuộc, nhỏ gọn

Xiaomi Mi A3 có thiết kế với kiểu dáng quen thuộc trong các smartphone giá rẻ và tầm trung hiện nay: khung nhựa, mặt trước là màn hình giọt nước, mặt sau có bề mặt được xử lý hiệu ứng chuyển màu và được bo cong. Điểm khác của Mi A3 là nhỏ gọn với màn hình 6 inch, so với mặt bằng chung trong phân khúc tầm trung là 6.3-6.5 inch. Điều này kết hợp với tỷ lệ thân máy dài (19.5:9) và viền màn hình mỏng nên máy cầm một tay để sử dụng rất dễ dàng. Mi A3 cũng cho cảm nhận chắc chắn và được gia công tốt dù khung máy bằng nhựa.

Cảm biến vân tay trên Mi A3 có tốc độ khá chậm

Mặt trước của Mi A3 là màn hình AMOLED 6 inch với độ phân giải chỉ có HD gây tranh cãi, không phải là Full-HD như thế hệ cũ và có khía giọt nước chứa camera selfie độ phân giải 32MP. Đặc biệt, ở mức giá giờ chỉ còn 4 triệu đồng, Mi A3 là smartphone khá hiếm hoi ở tầm giá này có cảm biến vân tay trong màn hình. Tuy vậy, tốc độ nhận diện của cảm biến vân tay này hơi chậm, tương đương với cảm biến vân tay trong màn hình của chiếc Galaxy A50s nhưng chậm hơn thấy rõ so với chiếc Vivo S1 hay các máy Realme và Oppo. Chính vì vậy nếu không đặt quá vào tính bảo mật thì mở khóa bằng nhận diện khuôn mặt sẽ nhanh hơn.

Mặt lưng hiệu ứng chuyển màu kiểu vệt sáng

Mặt sau của Mi A3 sử dụng chất liệu kính cường lực Gorilla Glass 5, bề mặt được xử lý với hiệu ứng chuyển màu vệt sáng lạ mắt. Phần khung nhựa có màu đồng nhất với lưng máy. Điện thoại này hiện có 3 lựa chọn màu là trắng, xanh và xám, trong đó màu trắng và xanh trông nổi bật hơn, còn màu xám nhìn nền nã và truyền thống hơn.

Cụm 3 camera sau lồi lên khá cao

Trên các cạnh, Xiaomi đã lắng nghe người dùng đưa trở lại khe cắm thẻ nhớ (dùng chung với một khe cắm SIM) và giắc âm thanh 3.5mm, hai thứ không có trên Mi A2 thế hệ cũ. Máy dùng cổng Type C và có một loa ngoài ở bên phải trên cạnh dưới. Loa ngoài của điện thoại này có âm lượng khá lớn, âm rõ ràng và cân bằng, có thể nói là ổn trong tầm giá 4-5 triệu đồng.

Giắc âm thanh được đưa trở lại

Loa ngoài nằm ở bên phải, dải lỗ bên trái chỉ để tạo cân xứng trong thiết kế

Màn hình: độ phân giải gây tranh cãi

So với thế hệ Mi A2 cũ, màn hình của Mi A3 có 2 thay đổi lớn, một cái được tán dương và một cái thì gây tranh cãi.;Việc chuyển sang tấm nền AMOLED được xem là điểm cộng của sản phẩm nhưng độ phân giải HD+ với mật độ điểm ảnh 268 PPI lại khiến nhiều người bất ngờ. Đây là độ phân giải khá thấp, khiến các biểu tượng ứng dụng và chữ viết hiển thị không sắc gọn, mịn màng. Sự khác biệt này có thể nhận thấy rõ rệt khi so sánh với màn hình cùng kích cỡ có độ phân giải Full-HD.

Không rõ tại sao Xiaomi lại dùng độ phân giải HD trên Mi A3 nhưng đây là máy được hãng này quảng bá là smartphone chơi game giá rẻ, nên độ phân giải thấp sẽ giúp máy chơi mượt mà hơn. Ngoài ra, một lợi ích nữa của độ phân giải HD là thời lượng pin được cải thiện đáng kể.

Màu sắc tươi tắn đặc trưng của tấm nền AMOLED

Về chất lượng hiển thị, màn hinh có những nét đặc trưng của tấm nền AMOLED như màu sắc tươi tắn, độ tương phản cao và góc nhìn rộng. Tuy vậy, nhiệt màu ngả xanh hơi nhiều nên các trang có màu nền trắng nhìn lạnh, không tươi sáng. Ở ngoài trời, màn hình có thể sử dụng thoải mái trong bóng râm hoặc khi trời nhiều mây, còn dưới trời nắng thì vẫn hơi khó nhìn do độ sáng tối đa không cao.

Hiệu năng và phần mềm: đủ dùng, chơi game khá

Xiaomi Mi A3 sử dụng vi xử lý Snapdragon 675, là bản nâng cấp so với con chip Snapdragon 660 trên thế hệ Mi A2 năm ngoái. Ở khía cạnh sức mạnh hiệu năng thì hai con chip này tương đồng nhau. Điểm mà Snapdragon 675 được nâng cấp là hoạt động dựa trên tiến trình 11nm, tiết kiệm điện hơn tiến trình 14nm trên Snapdragon 660 và khả năng xử lý hình ảnh tốt hơn.

Cụ thể, Snapdragon 675 có 8 lõi CPU chia làm hai cụm, một cụm 4 lõi hiệu năng cao Kryo 260 Gold (tương tự Cortex-A73) xung nhịp 2Ghz và cụm 4 lõi hiệu năng tiết kiệm điện Kryo 260 Silver (tương tự Cortex A53) xung nhịp 1.8Ghz. So với Snapdragon 660 thì cụm 4 lõi hiệu năng cao của Snapdragon 675 còn thấp hơn 200Mhz. 

GPU trên Snapdragon 675 là Adreno 610 cũng không mạnh hơn Adreno 512 trên chip Snapdragon 660 nhưng tiết kiệm điện năng hơn 20%, theo công bố của Qualcomm.

Trên các ứng dụng đo hiệu năng, Mi A3 có điểm tương đồng so với Mi A2 và chiếc Redmi Note 7 cùng sử dụng Snapdragon 660. Tuy nhiên với lợi thế về độ phân giải HD thấp hơn, Mi A3 có thể xử lý các ứng dụng và đồ họa nhẹ nhàng và mượt mà hơn thế hệ cũ.

Điểm Antutu đo hiệu năng tổng thể của thiết bị

Điểm GFX Bench đo hiệu năng xử lý đồ họa ở độ phân giải thực của màn hình (onscreen) và độ phân giải Full-HD tiêu chuẩn (offscreen).

Với hoạt động chơi game, Mi A3 có thể chơi tốt và mượt các game có đồ họa trung bình, không quá nặng. Còn với các game nặng như Pubg Mobile thì máy có thể ổn định ở tốc độ khung hình trung bình. Chúng tôi đã đo thử bằng ứng dụng GameBench (ứng dụng chuyên dụng để đo mượt mà về trải nghiệm ứng dụng) với một số game quen thuộc trên Mi A3. Kết quả cho thấy máy chơi mượt ở tốc độ khung hình cao 60 fps và ổn định với các game đồ họa vừa phải như Dead Triger 2 và Liên quân Mobile. Tuy vậy với game nặng đồ họa Pubg Mobile thì máy chỉ đạt được 26-30 fps, độ mượt mà ở mức trung bình nhưng độ ổn định cao.

Game bắn súng Dead Trigger 2 không làm khó Mi A3: độ mượt 60 fps và độ ổn định mức khá 82%.

Mi A3 cũng có thể xử lý nhẹ nhàng Liên quân Mobile: 60 fps và độ ổn định mức khá 84%.

Với Pubg Mobile thì Mi A3 thực sự khá vất vả, chỉ đạt 30 fps khi giảm đồ họa xuống mức thấp nhất. 

Về phần mềm, Mi A3 là điện thoại nằm trong chương trình Android One. Các máy trong chương trình Android One chạy nền tảng hệ điều hành Android gần giống như Android thuần (Stock Android) được Google hợp tác chặt chẽ với các nhà sản xuất cung cấp.

Phần mềm Android One gọn nhẹ, không có nhiều ứng dụng rác cài sẵn

Hiện tại, Mi A3 đang chạy Android 9. Ưu điểm chính của nền tảng Android One là tính gọn nhẹ, được cập nhật bảo mật nhanh và cập nhật phần mềm mới sớm, trong thời gian dài. Ngoài 3 ứng dụng là Mi Community, Lazada và Aliexpress thì hãng này không cài sẵn ứng dụng nào khác của hãng và bên thứ ba vào. Vì vậy, không có hiện tượng lặp ứng dụng và ứng dụng rác xuất hiện trên máy. Tuy vậy, nếu so với các điện thoại Xiaomi dùng MIUI thì điện thoại này thiếu một số tính năng thú vị như tăng tốc độ chơi game và chế độ tối, có lẽ phải chờ đến Android 10. 

Thời gian pin cực kỳ ấn tượng

Pin là điểm mà Mi A3 nâng cấp mạnh so với thế hệ cũ. Máy có viên pin 4.030mAh, lớn hơn 35% so với viên pin 3000 mAh trên Mi A2. Trong khi đó, máy lại có độ phân giải màn hình thấp và con chip Snapdragon 675 trên tiến trình 11nm tiết kiệm điện hơn. Tổng hòa 3 chi tiết đó đã giúp cho điện thoại này có thời lượng pin cực kỳ ấn tượng, cao hơn nhiều các smartphone ở phân khúc tầm trung hiện nay.

Thời gian xem phim liên tục trên trong điều kiện độ sáng và âm lượng ở mức 70%, tính từ khi pin đầy đến lúc còn 10%.

Thời gian lướt web liên tục trên mạng Wi-Fi trong điều kiện độ sáng ở mức 70%, tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10%.

Thời gian chơi game giả lập ở chế độ đồ họa cao, tính từ khi pin đầy đến khi còn 10%.

Mi A3 hỗ trợ sạc nhanh Quick Charge 3 công suất 18W nhưng để tiết kiệm chi phí hãng chỉ tặng củ sạc thường 10W đi kèm. Để tận dụng tối đa tốc độ sạc, bạn cần sắm thêm củ sạc nhanh. Với củ sạc nhanh 18W thì máy hết khoảng 1h40 phút để sạc đầy (30 phút sạc được 45%), còn củ sạc đi kèm mất khoảng 2,5 giờ (30 phút sạc được 27%).

Camera: cả 3 camera cơ bản đều ổn

Theo trào lưu, Mi A3 năm nay cũng sử dụng cụm 3 camera sau gồm chiếc camera chính sử dụng cảm biến IMX582 của Sony, camera góc siêu rộng 8MP và một camera 2MP để hỗ trợ tính năng chụp xóa phông. Ở phía trước, máy có camera 32MP. Camera 48MP của Sony hiện nay rất được ưa chuộng ở phân khúc tầm trung. Đến ngay cả Samsung cũng đã dùng IXM582 cho Galaxy A50s mới đây, chứ không dùng cảm biến 48MP ISOCELL GM2 do chính Samsung phát triển.

Giao diện chụp ảnh quen thuộc của Xiaomi được đưa lên Mi A3

Về ứng dụng, Xiaomi đã đưa ứng dụng camera quen thuộc của MIUI lên Mi A3, chứ không dùng ứng dụng camera mặc định của Google. Ứng dụng này hỗ trợ đầy đủ các tính năng chụp hình quen thuộc trên điện thoại hiện nay như HDR tự động, AI, chân dung, ban đêm, toàn cảnh, video ngắn... Việc điều chỉnh giữa các ống kính camera thường, góc rộng và zoom số 2X có thể chuyển đổi dễ dàng ngay trên giao diện chụp.

Chất lượng ảnh chụp từ camera 48MP, camera góc siêu rộng, ảnh xóa phông kết hợp giữa camera chính với camera 2MP và cả ảnh selfie từ camera 32MP của Mi A3 đều có những nét tương đồng so với các smartphone tầm trung gần đây. Có thể nói sự khác biệt về camera giữa các smartphone tầm trung bây giờ khá ít.

Ở điều kiện đủ sáng, chiếc camera chính của Mi A3 chụp được ảnh nhiều chi tiết, màu sắc tự nhiên, dải sáng và tương phản khá tốt ở điều kiện đủ sáng. Ở chế độ zoom 2X, nước ảnh vẫn giữ được màu sắc và độ chiết không khác biệt so với chế độ thông thường.

Ảnh chụp thông thường (trên) và ảnh ở chế độ zoom 2x (dưới)

Khi thiếu sáng, camera 48MP cũng cho ảnh ở mức khá, màu sắc vẫn giữ được nét tự nhiên, ít nhiễu và độ nét ổn. Chế độ ban đêm giúp cải thiện tổng thể chất lượng bức ảnh, đặc biệt là những vùng tối. Nhưng tương tự chiếc Redmi Note 8 gần đây, chế độ ban đêm của Mi A3 cải thiện các chi tiết trên ảnh ở mức vừa phải, không bị thái quá kiểu "hóa đêm thành ngày" như một số điện thoại khác. Vì vậy, ảnh ở chế độ ban đêm sắc nét hơn nhưng trông vẫn tự nhiên.

Ảnh chế độ chụp thiếu sáng ở chế độ thông thường (trên) và chế độ xóa Ban đêm (dưới).

Ảnh chế độ chụp thiếu sáng ở chế độ thông thường (trên) và chế độ xóa Ban đêm (dưới).

Với chế độ chụp xóa phông, Mi A3 sử dụng camera chính 48MP kết hợp với camera phụ 2MP để tạo bản đồ độ sâu ảnh. Các ảnh xóa phông tách bạch chủ thể với hậu cảnh chính xác và mịn, không bị lem. Giống như các máy Samsung, Xiaomi cho người dùng tùy chỉnh mức độ xóa phông trước và sau khi chụp. 

Camera góc siêu rộng 8MP hiện nay hầu như là chi tiết mặc định trên các smartphone tầm trung. Với camera này, máy có thể chụp được những bức ảnh ở không gian nhỏ, các công trình kiến trúc, phong cảnh hoặc chụp ảnh nhóm. Trải nghiệm camera góc siêu rộng trên Mi A3 cũng không khác với các smartphone gần đây chúng tôi có bài đánh giá như Realme 5 Pro, Redmi Note 8 hay Galaxy A50s. Ảnh đủ sáng có dải sáng rộng, màu sắc lên tự nhiên và độ chi tiết ổn dù không cao như camera chính. Tuy vậy, khi chụp thiếu sáng thì nhiễu và bệt thấy rõ.

Ảnh tự sướng từ camera 32MP của Mi A3 cũng khá ấn tượng: nhiều chi tiết, màu sắc đẹp và khá sắc nét. Chế độ xóa phông cũng tách bạch chủ thể với hậu cảnh khá tốt dù chỉ một camera. Tuy vậy, ở chế độ xóa phông, độ sắc nét của ảnh giảm đi nhiều.

Ảnh ở chế độ thông thường (trái) và xóa phông (phải)

Ảnh ở chế độ thông thường (trái) và xóa phông (phải)

Ảnh chế độ thông thường, bật làm đẹp

Ảnh ở chế độ xóa phông

Tổng kết

Thị trường smartphone đã bước vào giai đoạn chín muồi, sự khác nhau giữa các sản phẩm ngày càng mờ nhạt, đặc biệt là ở phân khúc tầm trung. Điều này đúng với không chỉ thiết kế mà các trải nghiệm cơ bản đều như vậy. Màn hình giọt nước, thân nhựa, mặt lưng bóng với hiệu ứng chuyển màu, tích hợp nhiều camera với chất lượng tương đồng, hiệu năng đủ dùng cho mọi nhu cầu trừ chơi game nặng đồ họa, pin 4.000 mAh đủ sử dụng thoải mái trong ngày và phần mềm thì ngày càng đơn giản gọn nhẹ giống với Android thuần.

Chiếc Mi A3 có tất cả các đặc điểm trên và thậm chí pin của máy còn ở mức rất ấn tượng nhờ độ phân giải và con chip Snapdragon 675 quản lý năng lượng hiệu quả. Trong khi đó, mức giá thị trường hiện tại cũng rất dễ chịu, chỉ còn khoảng 4 triệu đồng. Điểm chê đáng kể nhất ở sản phẩm này là độ phân giải HD, khá thấp khi so với độ phân giải Full-HD được dùng đại trà ở phân khúc tầm trung. Vì vậy, nếu bạn lăn tăn ở điểm này thì tốt hơn hết hãy đến trải nghiệm màn hình của máy trong thực tế trước khi đưa ra quyết định.

TP

Chủ đề khác