VnReview
Hà Nội

Đánh giá Realme 6 Pro: Biết đòi hỏi gì nữa bây giờ?

Với việc trang bị gần như mọi tính năng cao cấp nhất trong phân khúc tầm trung, Realme 6 Pro đang khiến người dùng phải tự hỏi: Nếu đã như thế này rồi, phiên bản tiếp theo biết nâng cấp cái gì bây giờ?

Mở hộp Realme 6 Pro: Đại chiến danh hiệu "ông vua tầm trung"

Có cảm giác như, Realme đang chạy đua với chính mình, chứ không phải các hãng đối thủ, trong việc ra mắt sản phẩm mới. Liên tục "dội bom" phân khúc với những cái tên chất lượng kể từ khi tách khỏi Oppo. Điều khiến Realme trở nên nổi bật là việc họ luôn tìm được cách cải tiến, đổi mới dù chu kỳ ra mắt rất ngắn, chỉ vài tháng giữa các thế hệ.

Realme 6 Pro, phiên bản kế nhiệm của Realme 5 Pro – từng được VnReview đánh giá sở hữu hiệu năng và chụp ảnh vượt tầm giá – sẽ thể hiện ra sao, khi hai cái tên cạnh tranh là Samsung Galaxy M31 và Redmi Note 9s đều đã khẳng định được giá trị của mình? Mức giá 8 triệu đồng có khiến người dùng phải chùn tay, hay Realme 6 Pro sẽ chứng minh cho họ thấy nó đáng giá tới từng đồng?

Realme 6 Pro phân phối chính hãng tại Việt Nam sẽ có hai màu đỏ và xanh tia chớp, với 8GB RAM và 128GB bộ nhớ trong. Nhân vật chính trong bài đánh giá này của VnReview là phiên bản màu xanh.

Thiết kế bắt mắt nhất của Realme từ trước đến nay

Như tôi đã nói, Realme trở nên nổi bật nhờ luôn tìm được cách cải tiến, đổi mới giữa các chu kỳ sản phẩm, và dễ thấy nhất chính là ở thiết kế, khi tất cả các đời – từ Realme 1 đến nay – đều không trùng lặp thiết kế với nhau. Realme 6 Pro cũng không phải ngoại lệ, khi lần này, hãng mang đến một thiết kế có tên "tia chớp".

Mặt lưng của Realme 6 Pro được phối màu gradient với các đường như tia sét, có hiệu ứng thay đổi màu sắc và độ đậm nhạt theo góc nhìn, trông rất ấn tượng và bóng bẩy. Chúng được bảo vệ bởi tấm kính cường lực Gorilla Glass 5 thay vì nhựa như Realme 6– một điểm cộng giúp cảm giác cầm nắm cao cấp hơn – và màu xanh của Realme 6 Pro hạn chế vết vân tay khá tốt, ít nhất là tốt hơn chiếc Redmi Note 9s mà tôi từng trải nghiệm.

Cũng sở hữu 4 camera sau như phiên bản thường, nhưng phần cứng trên Realme 6 Pro đã được thay đổi, với việc loại bỏ camera đo độ sâu trường ảnh và thay vào đó là camera tele 12MP zoom quang 2X, zoom số 20X. Các camera còn lại của Realme 6 Pro gồm camera chính 64MP dùng cảm biến ISOCELL GW01, camera góc rộng 8MP và camera macro 2MP.

Realme tiếp tục truyền thống "đánh lừa người dùng", khi thông thường bạn sẽ nghĩ rằng camera chính là camera ở trên cùng được làm nổi bật với vòng màu vàng. Trên thực tế, đó là camera góc rộng, trong khi tiếp theo là camera chính, camera tele và camera macro. Chúng được sắp xếp theo chiều dọc. Realme dường như chưa hứng thú với cụm camera vuông "bếp từ".

Ở mặt trước, chúng ta cũng chứng kiến sự thay đổi khi Realme 6 Pro chào tạm biệt thiết kế "giọt nước" truyền thống và thay vào đó là màn hình đục lỗ hình "viên thuốc". Tại đây, bên cạnh camera selfie 16MP, Realme 6 Pro còn được trang bị thêm camera góc rộng 8MP với góc nhìn 105 độ để người dùng có thể chụp ảnh selfie nhóm thuận tiện hơn, không cần dùng đến gậy selfie.

Khi mới cầm trên tay, cụm camera kép này có thể gây ấn tượng không tốt khi nó "chình ình" trong tầm nhìn, nhưng chỉ sau khoảng 2 ngày sử dụng, tôi đã quen với sự tồn tại của nó và không còn thấy khó chịu nữa.

Các cạnh viền của Realme 6 Pro được làm mỏng, thoáng đãng, với phần cằm dày hơn một chút, thường thấy ở các máy tầm trung. Viền máy vẫn nhô cao hơn so với màn hình, tuy không nhiều nhưng bạn vẫn cảm nhận được nó khi vuốt cạnh.

So với phiên bản thường, Realme 6 Pro có màn hình lớn hơn một chút, 6.6 inch so với 6.5 inch. Nó được bảo vệ bởi kính cường lực Gorilla Glass 5, và Realme cũng dán sẵn một miếng bảo vệ màn hình ngay khi xuất xưởng. Các thông số màn hình khác của máy được giữ nguyên, nổi bật nhất hiển nhiên là tần số quét 90Hz mượt mà, cùng với đó là độ phân giải Full HD+, tấm nền IPS LCD.

Do dùng màn hình LCD nên Realme 6 Pro không có cảm biến vân tay dưới màn hình, thay vào đó hãng trang bị cảm biến vân tay cạnh bên tích hợp vào phím nguồn. Thiết kế này phù hợp với người cầm máy tay phải hơn, nhưng người dùng cũng có thể thiết lập các ngón của tay trái để mở khoá, trong khoảng 1 tuần trải nghiệm thì khoảng 3 lần là tôi phải chạm đến lần thứ hai để mở máy, còn lại thì máy nhận diện một cách chính xác từ lần đầu tiên.

Khác với Redmi Note 9s một chút, hai phím tăng giảm âm lượng của Realme 6 Pro được đưa sang cạnh trái, không chỉ giúp tay người dùng dễ với hơn, nó còn khắc phục vấn đề nhấn nhầm cảm biến vân tay mà tôi từng gặp trên chiếc smartphone của Redmi.

So với bản thường, Realme 6 Pro giữ nguyên độ dày 8,9mm nhưng nặng hơn một chút, 202g so với 191g. Máy hỗ trợ 2 sim cỡ nano với thẻ nhớ riêng biệt.

Về các cổng kết nối, Realme 6 Pro vẫn có jack tai nghe 3.5mm, bên cạnh đó là cổng kết nối USB-C và dải loa đơn. Tuy không công bố chuẩn kháng nước/bụi IP nhưng Realme cho biết máy được thiết kế với ba lớp chống nước, các linh kiện được gắn keo, loa và cổng USB-C được ngăn bởi gel silicon và khay SIM cũng có gioăng nhựa kháng nước.

Màn hình IPS màu đẹp, sống động, có HDR

Tuy Realme không công bố chuẩn High Dynamic Range (HDR), kiểm tra bằng công cụ DRM Info cho thấy Realme 6 Pro có hỗ trợ HDR, thậm chí còn hơn Redmi Note 9s ở khả năng hiển thị dải màu rộng (wide color gamut) cho trải nghiệm trọn vẹn nhất khi xem nội dung HDR.

Chất lượng khi xem HDR trên Youtube (trên) và cùng video đó khi tải về (dưới)

Thế nhưng, Realme 6 Pro hiện cũng đang mắc phải lỗi không hiển thị đúng màu sắc sống động và độ tương phản cao khi xem nội dung HDR trên các ứng dụng như Netflix hay Youtube. Khác biệt ở chỗ, nếu tải về video đó và xem bằng trình phát video thì Realme 6 sẽ hiển thị đúng, còn Redmi Note 9s thì không. Dù sao, đây cũng chỉ là một lỗi về phần mềm và hoàn toàn có thể được khắc phục qua các bản cập nhật OTA.

Tấm nền IPS của Realme 6 Pro thể hiện màu sắc sống động, chân thực, góc nhìn rộng và độ sáng cao dùng tốt ngoài trời. Mặc định, máy sẽ hiển thị ở chế độ màu sinh động đẩy bão hoà màu để nịnh mắt hơn, bạn có thể chuyển sang chế độ nhẹ nhàng để sát với không gian màu sRGB hơn.

Điểm nhấn đáng chú ý nhất trên màn hình của Realme 6 Pro là tần số quét cao 90Hz. Giống như trên màn hình máy tính, tần số quét cao cho phép khung hình được làm tươi nhanh hơn, cho chuyển động mượt mà hơn. Với smartphone, màn hình tần số quét cao sẽ thấy rõ nhất ở thao tác cuộn và chuyển đổi giữa các ứng dụng. Ngoài ra, Realme 6 Pro cũng có thể tự động thay đổi tần số quét về 60 nếu nhận thấy ứng dụng hiện tại không hỗ trợ hoặc không hưởng lợi từ tần số quét cao để giúp người dùng tiết kiệm pin hơn.

Hiệu năng chịu thiệt vì… quá mới, RAM 8GB đa nhiệm thoải mái

Realme 6 Pro là smartphone đầu tiên được trang bị con chip Snapdragon 720G của Qualcomm, với 2 nhân Kryo 465 Gold hiệu năng cao xung nhịp 2.3 GHz và 6 nhân Kryo 465 Silver tiết kiệm năng lượng xung nhịp 1.8 GHz, cùng với đó là 8GB RAM và 128GB dung lượng bộ nhớ trong.

Qua các công cụ benchmark quen thuộc là AnTuTu Benchmark và GeekBench 5, có thể thấy con chip Snapdragon 720G này là "sang ngang" chứ không phải một bản nâng cấp so với Helio G90T trên Realme 6. Tuy nhiên, Snapdragon 720G được sản xuất trên tiến trình 8nm mới, hứa hẹn sẽ tiết kiệm năng lượng hơn.

Chuyển qua hiệu năng chơi game, Realme 6 Pro cũng gặp vấn đề giống Redmi Note 9s là… quá mới, khi các tựa game chưa cập nhật để khai thác tối đa sức mạnh của con chip Snapdragon 720G. Có thể kể đến một vài hạn chế như PUBG Mobile không chơi được mức đồ hoạ HDR, số khung hình trên giây (fps) bị khoá ở 30 đối với "HD" và 40 ở mức "mượt"; Liên Quân Mobile không bật được chất lượng hình ảnh HD.

PUBG Mobile (độc giả click vào ảnh để xem kích thước lớn)

Bằng một chút thủ thuật, tôi đã mở khoá thiết lập đồ hoạ HDR và 60 fps cho Realme 6 Pro. Fps trung bình trong quá trình chơi đạt 45,9 fps, và nếu bạn chấp nhận giảm chất lượng đồ hoạ xuống thì Realme 6 Pro hoàn toàn có thể duy trì ở mức 60 fps – trong các tựa game bắn súng như PUBG Mobile thì fps vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Liên Quân Mobile;(độc giả click vào ảnh để xem kích thước lớn)

Với Liên Quân Mobile, Realme 6 Pro đạt fps trung bình 59,3, gần như xuyên suốt quá trình chơi không hề có hiện tượng giật, lag hay trồi sụt khung hình. Nếu trong thời gian tới tựa game này cập nhật chất lượng hình ảnh HD cho Realme 6 Pro, tôi sẽ thử nghiệm lại và cập nhật bài viết.

Dead Trigger 2 (độc giả click vào ảnh để xem kích thước lớn)

Dead Trigger 2 đã mở khoá chất lượng hình ảnh Ultra High cho Realme 6 Pro, trong quá trình trải nghiệm Redmi Note 9s thì tôi chỉ có thể chơi ở mức High. Trò chơi này cũng hỗ trợ tần số quét 90Hz, tuy nhiên vì lý do nào đó thì Realme 6 Pro vẫn bị khoá ở mức 60. Xuyên suốt trò chơi, máy đạt fps trung bình là 57,6, không sụt khung hình dù ở các cảnh đông quái hay cháy nổ.

Sở hữu dung lượng RAM dồi dào 8GB, Realme 6 Pro hiển nhiên có lợi thế về khả năng đa nhiệm so với Redmi Note 9s hay Galaxy M31. Một số người dùng có phản ánh tình trạng điện thoại Realme có xu hướng "khử" các ứng dụng chạy nền để tiết kiệm pin, tuy nhiên trong thời gian trải nghiệm thì tôi không gặp trường hợp đó.

Phần mềm Realme UI mới, pin thoải mái 1 ngày

Không còn dùng chung ColorOS với Oppo, Realme 6 Pro được cài đặt sẵn Android 10 với giao diện người dùng mới có tên Realme UI. Giao diện này mang phong cách trẻ trung, năng động với chủ đề tươi sáng, lối thiết kế đơn giản mà thanh lịch, khiến tôi nhớ tới giao diện Android One của Google.

Bên cạnh những tính năng đã dần trở thành "tiêu chuẩn" như màn hình Always-on (cho màn hình OLED) và điều hướng toàn màn hình, Realme UI có thêm một số tính năng khác khá thú vị như chia sẻ âm nhạc với tai nghe kép – kết nối đồng thời tai nghe bluetooth và tai nghe có dây, chia sẻ dữ liệu một chạm Realme Share, chế độ tập trung Focus Mode chặn thông báo để tránh xao nhãng và chế độ lái xe an toàn tắt tất cả thông báo, chỉ nhận cuộc gọi từ những số đã thiết lập, phông chữ và nút bấm của cuộc gọi được phóng to.

Realme UI được cài đặt sẵn một vài ứng dụng như Báo Mới, Zing MP3, Zalo, nhưng chúng đều được cài đặt dưới dạng ứng dụng thông thường chứ không phải hệ thống, nên bạn hoàn toàn có thể gỡ bỏ chúng nếu không có nhu cầu sử dụng.

Về pin, Realme 6 Pro trang bị viên pin 4.300 mAh, dung lượng khá lớn kết hợp công nghệ sạc độc quyền VOOC 4.0 công suất 30W, mà theo hãng công bố có thể sạc đầy 100% trong 57 phút.

Thời gian xem phim offline liên tục, từ 100% pin xuống 10%, độ sáng 70%

Thời gian lướt web qua Wifi liên tục, từ 100% pin xuống 10%, độ sáng 70%

Thời gian chơi game liên tục qua Wifi, từ 100% pin xuống 10%, độ sáng 70%

Sử dụng thực tế với tần suất trung bình, Realme 6 Pro hoàn toàn "dư dả" cho một ngày sử dụng của tôi, gồm lướt web, chơi game và xem Youtube. Tần số quét 90Hz có hao pin hơn một chút so với 60Hz nhưng không đáng kể. Kiểm tra qua công cụ AccuBattery, Realme 6 Pro sạc từ 12% lên 100% mất 1 tiếng, tuy không nhanh như Realme quảng cáo nhưng vẫn là tốc độ rất ấn tượng và vượt trội hơn hẳn so với Galaxy M31 hay Redmi Note 9s.

Chất lượng camera vẫn vượt tầm giá

Để chụp ảnh đẹp, phần cứng camera chỉ là một trong nhiều yếu tố. Thuật toán xử lý ảnh đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định chất lượng hình ảnh đầu ra. Realme (và Oppo) đã luôn là một cái tên giữ được sự ổn định và dần dần cải thiện những điểm yếu qua từng thế hệ. Realme 5 Pro là một chiếc smartphone với chất lượng camera vượt tầm giá, và điều ấy tiếp tục được phát huy trên Realme 6 Pro.

Tổng cộng, Realme 6 Pro có tới 6 camera, gồm 4 camera phía sau và 2 camera phía trước. Việc trang bị nhiều camera sẽ giúp người dùng có thêm các sự lựa chọn linh hoạt hơn. Sự khác biệt giữa Realme 6 Pro và Realme 6 là không nhiều, cụ thể là phiên bản Pro có thêm camera selfie góc rộng và thay thế camera đo độ sâu trường ảnh hỗ trợ xoá phông bằng camera tele zoom quang 2X, zoom số 20X.

Camera chính của Realme 6 Pro sử dụng cảm biến Samsung ISOCELL GW01 độ phân giải 64MP. Trong phần lớn trường hợp, đặc biệt là khi ánh sáng đẹp, Realme 6 Pro cho ảnh chụp sắc nét, giàu chi tiết, dải sáng rộng và màu sắc thể hiện sống động, dù có lúc bão hoà màu bị đẩy lên hơi cao. Máy cũng có tính năng Chroma Boost để tăng cường tương phản và màu sắc, tuy nhiên giống như tính năng AI trên nhiều máy khác, tôi thường vô hiệu hoá tính năng này để giữ tính chân thực cho hình ảnh.

Không dùng camera đo độ sâu trường ảnh nhưng khả năng xoá phông của Realme 6 Pro vẫn ngang ngửa các đối thủ trong tầm giá có camera này. Phông nền được xoá mịn, chủ thể nhận diện tốt, ít bị lem, tuy nhiên đáng tiếc là chúng ta không thể điều chỉnh mức độ xoá mờ phông sau khi chụp, chỉ có trước khi chụp mà thôi.

Ảnh chụp tự động (trên) và ảnh Night Mode (dưới)

Tôi thường không đánh giá cao khả năng chụp đêm của máy phân khúc tầm trung, nhưng Realme 6 Pro có thể đã khiến tôi phải suy nghĩ lại. Noise được khử khá tốt, máy giữ chi tiết ổn, và chế độ chụp đêm Night Mode thực sự có hiệu quả, kiểm soát ánh sáng tốt hơn để lấy được thêm chi tiết tại các vùng tối.

Từ trên xuống: Zoom 1X, 2X, 5X và 20X

Camera tele của Realme 6 Pro hỗ trợ zoom quang 2X, và trong giao diện máy ảnh thì chúng ta có thêm mức zoom 5X "hybrid", muốn tiến tới mức zoom 20X thì chúng ta phải kéo bằng tay. Tất nhiên, càng zoom xa thì chi tiết càng giảm, qua sử dụng trực tiếp thì tôi thấy mức zoom 5X là tối đa mà bạn nên dùng, nếu không đòi hỏi quá cao thì có thể "châm chước" tới 10X. Khi ở mức zoom tối đa 20X, camera rung lắc mạnh ngay cả với rung động nhỏ nhất, nếu không có tri-pod thì sẽ rất khó để có một bức ảnh ưng ý.

Camera góc rộng đã trở nên phổ biến trong phân khúc này, và Realme 6 Pro đủ khiến tôi hài lòng. Màu sắc và cân bằng trắng của camera này được đẩy lên cao hơn một chút so với camera chính, nên nó sẽ phù hợp để chụp kiến trúc hoặc những phong cảnh với tông màu trắng, sáng làm chủ đạo.

Realme 6 Pro cũng có camera macro chuyên dụng với độ phân giải 2MP. Có hỗ trợ lấy nét bằng cách chạm đã là một điểm cộng cho máy, nhưng giống như các sản phẩm khác trong phân khúc, chúng ta chỉ nên chụp macro ở điều kiện đủ sáng.

Ảnh selfie góc chính (trên) và góc siêu rộng (dưới)

Ảnh selfie góc chính (trên) và góc siêu rộng (dưới)

Camera selfie kép không phải là mới, nhưng thường thì đi kèm camera chính là camera đo độ sâu trường ảnh, chứ không phải camera góc rộng như Realme 6 Pro. Thật đáng tiếc, tôi không thể đi sâu vào khả năng selfie nhóm vì quy định giãn cách xã hội, nhưng tôi đoán nó sẽ hữu ích với những ai có nhu cầu.

Ảnh selfie (trên) và selfie xoá phông (dưới)

Ảnh selfie luôn là một trong những thế mạnh của Realme và Oppo, Realme 6 Pro cũng không ngoại lệ. Màu sắc ảnh tươi tắn, giàu chi tiết, màu da lên tự nhiên nhưng vẫn bị làm mịn nhẹ dù tắt làm đẹp. Tính năng xoá phông hoạt động tốt, làm nổi bật chủ thể, phông nền xoá mịn, nhưng giống như camera chính, bạn không thể điều chỉnh mức xoá phông sau khi chụp.

Tổng kết

Redmi Note 9s và Galaxy M31 có thể nói là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Realme 6 Pro trong phân khúc, nhưng càng đi sâu vào đánh giá, chúng ta càng dễ thấy chiếc smartphone của Realme vươn lên như là một lựa chọn hàng đầu. Tuy có mức giá cao hơn và dung lượng pin không "khủng" bằng hai cái tên kia, nhưng những khía cạnh khác của Realme 6 Pro – từ thiết kế, camera cho đến hiệu năng - đã bù trừ một cách rất hợp lý và tương xứng.

Những ưu điểm của Realme 6 Pro cũng khiến chúng ta phải cân nhắc nhiều hơn về người anh em Realme 6. Tuy phải hy sinh một số tính năng và đặc điểm thiết kế, những giá trị cốt lõi của Realme 6 Pro như camera chính, hiệu năng, sạc nhanh vẫn hiện hữu trên Realme 6, và hơn nữa là bạn sẽ tiết kiệm được thêm một khoản tiền đáng kể đó.

Hoàn Đặng

Chủ đề khác