VnReview
Hà Nội

Đánh giá Oppo Reno4 Pro: Khi Oppo thay đổi định kiến "giá ảo"

Reno4 Pro là sản phẩm đánh dấu sự thay đổi hoàn toàn về triết lý của Oppo so với lúc chiếc Reno đời đầu ra mắt. Đây có thể xem là hệ quả tất yếu của một thị trường thay đổi liên tục và không ngừng nghỉ.

Có thể nói, dòng Reno của Oppo là một trong những minh chứng rõ rệt nhất về tốc độ mà các hãng smartphone Trung Quốc đang đi. Chỉ mới hơn một năm trước thôi, chiếc Reno đời đầu ra mắt với định hướng phân khúc cao cấp, và cụm camera selfie "vây cá mập" khiến báo chí tốn không ít giấy mực. Ngay sau đó, phiên bản 10X Zoom ra mắt, nó cho thấy sự tự tin của Oppo về khả năng thu phóng mà camera tele trên thiết bị làm được.

Chỉ 14 tháng sau, dòng Reno đã bước tới thế hệ thứ 4 (chưa kể những cái tên bên lề như Reno Z, Reno Ace,…), và Reno4 Pro chẳng còn vây cá mập cũng như camera tele nữa. Đối tượng người dùng hướng tới cũng chuyển từ phân khúc cận và cao cấp sang tầm trung, nhường hoàn toàn đất diễn ở phân khúc cao cấp cho chiếc Find X2.

Đó không phải là điều gì xấu. Camera vây cá mập độc đáo nhưng không thiết thực, bằng chứng là sự ra đi nhanh chóng của trào lưu camera "thò thụt" nói chung. Với phần cứng (và phần mềm) ngày càng được cải thiện, chúng ta có thể zoom 2X, thậm chí 5X với chất lượng chấp nhận được mà không cần đến camera tele. Mức giá dễ tiếp cận hơn hiển nhiên là điều mà người tiêu dùng nào cũng muốn.

Câu hỏi được đặt ra, là khi đi theo một triết lý thực dụng hơn, Oppo Reno4 Pro sẽ đặt mình lên trên những đối thủ cạnh tranh bằng cách nào? Sau hơn một tuần tìm hiểu, tôi có thể "bật mí" cho bạn rằng: Đó chính là nhờ camera, khả năng quay video cùng những sự thú vị mà nó mang lại.

Camera và sự thể hiện của phần mềm

Nhìn trên giấy tờ, thông số camera của Oppo Reno4 Pro không thực sự ấn tượng. Cụm 4 camera sau bao gồm cảm biến chính IMX586 48MP đã từng xuất hiện từ Reno đời đầu, camera góc rộng 8MP 119 độ, camera macro 2MP và camera đo độ sâu trường ảnh 2MP, không còn camera tele. Những thông số này tương đồng với chiếc Reno2 F.

Ở phía trước là camera selfie đục lỗ 32MP cảm biến IMX616 mà chúng ta từng thấy từ flagship như Huawei P40 Pro đến smartphone tầm trung Galaxy A50s, thay vì cụm "đục lỗ kép" (dual punch-hole) 44MP từng có trên Reno3 Pro.

Tuy nhiên, chúng ta đều biết ở hiện tại, phần mềm, hay khả năng xử lý của thuật toán cũng có vai trò quan trọng không kém gì phần cứng, và trải nghiệm của tôi với Reno4 Pro góp phần củng cố điều đó. Chụp ảnh vẫn là thế mạnh của smartphone Oppo từ trước đến nay, và lần này, hai tính năng có thể nói là thú vị nhất trên Reno4 Pro là chụp ảnh/quay phim giữ màu, và quay chuyển động chậm (slow-motion) 960 fps.

Quay chuyển động chậm 960 fps không phải là tính năng gì mới, nhưng chúng được trang bị trên flagship chứ không phải smartphone tầm trung-cận cao cấp như Reno4 Pro. Làm tăng sự kịch tính cho thước phim, Reno4 Pro cần phải bắt được chuyển động trong khung hình, nên trong một vài trường hợp, bạn sẽ thấy đoạn video vừa quay không được ghi lại, rất hiếm gặp thôi. Nhưng khi đã bắt được, thành quả là khá xứng đáng.

Video chuyển động chậm 960 fps

Chụp/quay video giữ màu là một tính năng mới của Oppo, về cơ bản sẽ tự động nhận diện chủ thể (hiện tại chỉ hỗ trợ chủ thể là người) và giữ lại màu sắc của họ, trong khi phông nền xung quanh sẽ chuyển sang đen trắng, với mục đích làm nổi bật chủ thể. Tuy vẫn còn một số vụng về trong việc nhận diện và giữ màu sao cho đúng với ý đồ, trong phần lớn thời gian tính năng này hoạt động hiệu quả. Hơn một tuần sử dụng, có thể nói đây là thứ mà tôi trải nghiệm nhiều nhất trên Reno4 Pro.

Xoá phông giữ màu bằng camera chính thì không có vấn đề gì...

Nhưng chuyển sang camera selfie, nếu bật chế độ làm đẹp sẽ khiến màu da không tự nhiên và ảnh bị dư sáng

Một điểm cần cải thiện của tính năng này là khi chụp xoá phông giữ màu bằng camera selfie, nếu bật cả tính năng làm đẹp sẽ khiến màu da trở nên xám xịt rất kém tự nhiên và ảnh có xu hướng bị dư sáng (over-exposed), dù ở trong điều kiện đủ sáng hay thiếu sáng. Có thể Oppo sẽ tung ra một bản sửa lỗi trong tương lai.

Tính năng quay video xoá phông

Tính năng quay video chống rung

Bên cạnh đó, Oppo Reno4 Pro còn được trang bị một số tính năng khác như quay video siêu chống rung hay xoá phông video. Nhìn chung, Oppo đã mang lại cho người dùng khá nhiều các công cụ phong phú để thoả sức sáng tạo, tập trung vào cả khả năng quay video, trong bối cảnh các hãng smartphone đang lấy camera làm sân chơi cho cuộc đua công nghệ.

Trong những bối cảnh chụp cơ bản, camera của Reno4 Pro vẫn không gây thất vọng. Ảnh có chiều sâu nhờ tái tạo màu sắc sống động và dải tương phản rộng, giàu chi tiết trong điều kiện đủ sáng. Xoá phông nhận diện chủ thể tốt, tách bạch với nền, phông mịn và bokeh tròn, sáng. Thứ duy nhất tôi chưa hài lòng là camera macro 2MP, độ phân giải tương đối thấp khiến ảnh thiếu chi tiết, và thao tác chạm màn hình dường như chỉ để cân bằng sáng chứ không lấy nét, sẽ khiến chúng ta gặp chút khó khăn khi xác định khoảng cách tối ưu để chụp macro.

Dưới đây là một số hình ảnh chụp từ Oppo Reno4 Pro:

*Ảnh chụp camera chính

*Chế độ chụp tự động (trên) và Night Mode (dưới) trong điều kiện thiếu sáng

*Camera góc rộng

Chế độ tự động và Night Mode với camera góc rộng

*Ảnh xoá phông camera chính

*Camera selfie

*Camera selfie, xoá phông

Thiết kế: màn hình cong như đàn anh Oppo Find X2

Không giống như Reno3 với Reno3 Pro, Reno4 Pro có sự khác biệt rất rõ ràng về thiết kế so với Reno4 tiêu chuẩn. Ngay từ mặt trước, Reno4 Pro đã thể hiện sự cao cấp hơn, với phần màn hình vát mép cong 3D, tương tự flagship Oppo Find X2 ra mắt hồi đầu năm.

Phần "cằm" phía dưới cũng mỏng hơn đáng kể, trong khi ở phía trên chỉ là camera selfie đơn, chiếm ít diện tích hơn so với dạng "viên thuốc" của Reno4. Đây gần như là hình thái thiết kế tràn viền tối ưu nhất, nếu muốn tăng diện tích màn hình hơn nữa thì có lẽ chúng ta phải đợi đến khi ngành công nghiệp đạt được đột phá trong công nghệ camera dưới màn hình.

Reno4 Pro được trang bị cảm biến vân tay quang học dưới màn hình, không loại trừ khả năng đây chính xác là cảm biến cũ trên Reno3 Pro bởi tốc độ mở khoá và khả năng nhận diện vân tay hoàn toàn tương đồng.

Khung và mặt lưng của Reno4 Pro vẫn làm từ nhựa, nhưng được hoàn thiện tốt hơn. Phần màn hình không nhô lên khỏi khung máy như nhiều máy Oppo giá rẻ và tầm trung, một phần do hai cạnh được vát cong 3D, nên khi cầm không có cảm giác cấn tay. Ngoài ra, Reno4 Pro còn là một trong những smartphone mỏng nhẹ nhất ra mắt trong thời gian gần đây, với độ dày 7,7mm ở điểm dày nhất và nặng chỉ 161g, trong khi chiếc Reno3 Pro vốn đã khá "nhẹ cân" cũng đã dày 8,1mm và nặng 175g.

Mặt lưng của Reno4 Pro tiếp tục là một thử nghiệm mới của Oppo, với cả hai phiên bản màu trắng và đen đều được phủ thêm một lớp nhám mờ cho cảm giác cầm nắm tốt hơn, đồng thời hạn chế đáng kể tình trạng bám vân tay.

Cũng có 4 camera nhưng cách sắp xếp của Reno4 Pro có một chút khác biệt so với Reno4, với 4 viên "trân châu" xếp thẳng hàng bên cạnh flash LED, thay vì 1 camera phụ được làm nhỏ lại. Cụm camera lồi lên đáng kể so với mặt lưng, máy sẽ bị kênh lên khi để trên mặt bàn, nhưng có thể khắc phục bằng cách sử dụng ốp nhựa dẻo trong suốt đi kèm bên trong máy.

Sở hữu thân hình "mảnh mai" nhưng Reno4 Pro vẫn được giữ lại cổng âm thanh 3.5mm, bên cạnh cổng USB-C và dải loa đơn. Chúng bị đặt lệch một chút so với khung máy, nhiều khả năng cách sắp xếp linh kiện bên trong buộc Oppo phải hy sinh sự cân đối này. Khay sim 3 (gồm 2 sim nano và 1 khay thẻ microSD) của Reno4 Pro được bố trí trên đỉnh máy, thay vì ở cạnh trái gần nút tăng giảm âm lượng như Reno4.

Giống như một phiên bản Find X2 rút gọn, Reno4 Pro gần như đã đặt ra một tiêu chuẩn mới cho thiết kế của smartphone tầm trung-cận cao cấp. Màn hình cong, viền mỏng, mặt lưng phủ nhám, Oppo đã thực dụng hơn với Reno4 Pro, nhưng bù lại, đây là chiếc Reno đẹp nhất kể từ khi dòng smartphone này ra mắt.

Màn hình OLED sáng đẹp, tần số quét 90Hz, có HDR10

Reno4 Pro trang bị màn hình kích thước 6.5 inch, độ phân giải Full HD+, tấm nền Super AMOLED cho độ sáng tối đa (theo Oppo công bố) là 1100 nits. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là màn hình của Reno4 Pro nay đã hỗ trợ tần số quét 90Hz thay vì chỉ 60Hz như Reno3 Pro, giúp các thao tác cuộn, vuốt trở nên mượt mà hơn. Bạn có thể lựa chọn giữa 60Hz, 90Hz hoặc đơn giản là để chiếc điện thoại tự lựa chọn sao cho phù hợp với ứng dụng và nội dung hiển thị nhất.

Bên cạnh đó, màn hình Reno4 Pro cũng có độ phủ màu đạt 100% DCI-P3, hỗ trợ HDR10 cho màu sắc sống động và chân thực, đặc biệt là khi xem các nội dung HDR trên Netflix, Youtube. Màu đen sâu, tương phản rộng là những đặc điểm quen thuộc của tấm nền Super AMOLED mà chúng ta đều biết.

Tích hợp Dolby Atmos nhưng do chỉ là loa đơn nên chất lượng loa ngoài của Reno4 Pro chỉ "thường thường bậc trung". Âm lượng lớn, không bị rè khi ở mức tối đa nhưng chất âm không thực sự nổi bật.

Màn 90Hz có ảnh hưởng đến pin, sạc 65W nhanh nhất thị trường

Trong bài viết gần đây, VnReview đã tiến hành khảo sát và thấy rằng, Reno4 Pro hiện đang là smartphone thương mại có tốc độ sạc nhanh nhất trên thị trường, với công suất tối đa 65W nhờ công nghệ sạc Super VOOC 2.0. Theo thử nghiệm của VnReview, Reno4 Pro có thể sạc đầy viên pin 4.000 mAh chỉ trong 36 phút, đúng như công bố của Oppo.

Thời gian xem phim liên tục từ pin đầy đến 10%, độ sáng 70%

Thời gian lướt web liên tục từ pin đầy đến 10%, độ sáng 70%

Thời gian chơi game liên tục từ pin đầy đến 10%, độ sáng 70%

Viên pin 4.000 mAh cho thời gian sử dụng khoảng một ngày, cũng không quá quan trọng khi thời gian sạc đầy chỉ hơn nửa tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, một điểm cần lưu ý là chế độ tần số quét 90Hz khiến máy tiêu thụ nhiều năng lượng hơn, so sánh với Reno3 Pro kích thước màn hình tương đồng, viên pin cùng dung lượng 4.000 mAh thì Reno4 Pro "đốt" thêm khoảng 10%.

Hiệu năng đủ dùng, phần mềm ColorOS 7.2 nhiều điểm mới

Về cấu hình, Reno4 Pro và Reno4 đều trang bị con chip Snapdragon 720G của Qualcomm, sau một thế hệ Reno3 bất ngờ chuyển sang chip Helio của MediaTek. Đây là một sự cắt giảm đáng kể so với phiên bản Reno4 Pro nội địa Trung Quốc, vốn sử dụng Snapdragon 765G mạnh hơn, tiến trình 7nm mới hơn và hỗ trợ cả mạng 5G.

Lý do lớn nhất dẫn đến sự "phân biệt" này là vì mạng 5G chưa phổ biến rộng rãi bên ngoài Trung Quốc, các quốc gia khác trong đó có Việt Nam mới chỉ trong giai đoạn thử nghiệm. Xét việc Reno4 Pro chỉ có giá khoảng 8-9 triệu đồng sau khi trừ hết quà tặng, con chip Snapdragon 720G không phải quá tệ, khi Oppo còn phải cân nhắc chi phí ở những khía cạnh khác của chiếc smartphone.

Đo bằng phần mềm AnTuTu Benchmark v8.4.3, Reno4 Pro đạt 258.325 điểm. Trong khi đó, với GeekBench 5, Snapdragon 720G đạt 560 điểm đơn nhân và 1716 điểm đa nhân. Như vậy, so với Helio P95 trên Reno3 Pro, chip xử lý của Qualcomm cho hiệu năng tốt hơn từ 10-15%.

Chọn ba tựa game quen thuộc là Liên Quân Mobile, Dead Trigger 2 và PUBG Mobile, Reno4 Pro – giống như nhiều smartphone khác dùng Snapdragon 720G – cho trải nghiệm mượt mà nếu chấp nhận hạ cấu hình một chút. Kỳ lạ ở chỗ, dù Reno4 Pro có màn hình 90Hz, phần mềm đo fps Perfdog mà VnReview thường sử dụng vẫn chỉ hiển thị là tựa game đang chạy ở 60 fps, ngay cả khi Dead Trigger 2 có tuỳ chọn 90fps trong phần thiết lập đồ hoạ.

Thiết lập đồ hoạ sát mức tối đa, Reno4 Pro đạt fps trung bình 57.7 trong tựa game Liên Quân Mobile. Fps giai đoạn đi đường luôn ở mức 59-60, sụt giảm nhẹ khi vào giao tranh nhưng không đáng kể

Với PUBG Mobile, ở tuỳ chọn đồ hoạ "mượt", Reno4 Pro duy trì rất tốt fps ở mức 40 tối đa, gần như xuyên suốt quá trình chơi không có hiện tượng giật, lag

Ngay cả khi đã thiết lập mức đồ hoạ Ultra, mở khoá 90 fps, Perfdog vẫn cho thấy hiện tại trò chơi chỉ đang ở mức 60 fps, và fps trung bình của Reno4 Pro là 58.8. Như vậy, trong số 3 trò chơi VnReview lựa chọn, hiện chưa có cái tên nào tận dụng được màn hình 90Hz

8GB RAM là khá dư dả để Reno4 Pro đa nhiệm một cách thoải mái, nhưng thỉnh thoảng máy bị giật lag nhẹ, có thể do Snapdragon 720G cùng GPU Adreno 618 không đủ mạnh để "gánh" màn hình 90Hz.

Về phần mềm, Reno4 Pro được cài sẵn Android 10, giao diện ColorOS 7.2 mới. Một số tính năng nổi bật có thể kể đến như AI App Preloading, theo Oppo thì ColorOS sử dụng thuật toán AI để dự đoán ứng dụng người dùng sử dụng tiếp theo và tải trước nó, cải thiện thời gian mở ứng dụng. Tính năng này học theo thói quen của người dùng, tức sử dụng càng lâu sẽ càng mượt (trên lý thuyết), nhưng do thời gian trải nghiệm máy tương đối ngắn ngủi, tôi chưa có cơ hội kiểm chứng hay có cách nào để so sánh giữa việc có tính năng này hay không có sẽ ảnh hưởng đến tốc độ ra sao.

Oppo Lab cũng là tính năng lần đầu tiên ra mắt trên ColorOS 7.2. Đây là một nền tảng thử nghiệm và phát hành những sản phẩm mới của Oppo, người dùng có thể trải nghiệm các tính năng mới cũng như đề xuất, góp ý cho Oppo. Hiện tại, Oppo Lab hỗ trợ hai chức năng mới là Vòng xoay Quyết định, một tính năng random cho người cần quyết định một việc gì đó (chẳng hạn tối nay ăn gì, xem gì,…) và Nhạc chuông Lab, cá nhân hoá nhạc chuông và âm thanh thông báo. Tuy nhiên, trên máy sample của VnReview hiện không có nền tảng này.

ColorOS 7.2 cài sẵn khá nhiều phần mềm "rác", có thể kể đến như Facebook Lite, TikTok Lite, Messenger,… nhưng ít nhất thì chúng ta vẫn có thể gỡ bỏ chúng nếu không có nhu cầu sử dụng. Ngoài ra, với việc hỗ trợ Oppo Share, người dùng có thể gửi các tệp tin qua giao thức không dây wifi p2p tới các thiết bị Oppo khác hay Xiaomi, Vivo, Realme, nhanh hơn bluetooth truyền thống.

Tổng kết

Không có nhiều điểm để chê trách Reno4 Pro. Mức giá dễ tiếp cận hơn so với những thế hệ trước, thiết kế bắt mắt, màn hình đẹp và camera nhiều công cụ sáng tạo thú vị, Reno không còn bay bổng như khi camera vây cá mập mới ra mắt, hay hãnh diện với khả năng zoom thiếu thiết thực trong sử dụng thực tế. Reno nay thực dụng hơn, nghiêm túc hơn cũng vì thế mà "nguy hiểm" hơn rất nhiều với các đối thủ cạnh tranh.

Hoàn Đặng

Chủ đề khác