VnReview
Hà Nội

Đánh giá nhanh ROG Zephyrus M: Vẫn thiết kế cao cấp nhưng mức giá đã dễ chịu hơn

Với ROG Zephyrus M, dòng sản phẩm laptop game cao cấp của Asus vẫn được trang bị thiết kế độc đáo và cấu hình ở mức cao nhưng mức giá thì không còn khó tiếp cận như phiên bản Zephyrus đầu tiên.

Tại Computex 2017, Asus đã gây bất ngờ khi công bố mẫu ROG Zephyrus đầu tiên sử dụng card đồ họa GTX1080, tại thời điểm đó là GPU gần như mạnh nhất của NVIDIA. Mặc dù trang bị cấu hình rất mạnh, chiếc Zephyrus nguyên bản vẫn giữ được độ mỏng và cân nặng rất khiêm tốn so với laptop chơi game phổ thông nhờ ứng dụng công nghệ NVIDIA Max-Q, áp dụng những giải pháp giảm xung và điện để giảm tải cho hệ thống nguồn, tản nhiệt.

Với thiết kế đặc biệt và cấu hình mạnh mẽ, Zephyrus là một chiếc laptop gaming cao cấp và được bán với giá tới 80 triệu cho cấu hình cao nhất tại Việt Nam. Dù các game thủ vẫn luôn chịu chi hơn bình thường, đây vẫn là mức giá khó với tới. Do vậy ở phiên bản Zephyrus M 2018, Asus đã đưa ra giá hợp lý hơn cho cả hai phiên bản, bắt đầu từ 50 triệu.

Cấu hình và mức giá của ROG Zephyrus M tại Việt Nam

Về mặt cấu hình, ngoại trừ card đồ họa thấp hơn thì nhiều chi tiết khác của Zephyrus M (GM501) thậm chí còn hấp dẫn hơn thế hệ trước: CPU thế hệ mới với nhiều nhân hơn, màn hình với refresh rate cao hơn, bàn phím cũng có điều chỉnh về hành trình phím, đồng thời sử dụng GPU thường chứ không phải bản Max-Q. Về mặt thiết kế, Zephyrus M vẫn giữ được nhiều nét hấp dẫn trong thiết kế của Zephyrus. Dù vẫn là một laptop game cao cấp, mức giá 50 triệu đã dễ tiếp cận hơn so với thế hệ trước.

Thiết kế

Nắp lưng kim loại với logo ROG đặc trưng trên thế hệ trước tiếp tục được sử dụng trên Zephyrus M

Nhìn vào ngoại hình thì Zephyrus M gần như tương đồng với thế hệ trước. Máy vẫn sử dụng chất liệu hợp kim nhôm, nắp trên có họa tiết xước và đường cắt chéo thú vị, logo ROG đặt lệch và phát sáng màu đỏ. Các góc máy khá vuông vắn, kết hợp với màu vàng đồng ở các viền cắt kim cương tạo cảm giác thanh lịch chứ không mạnh mẽ và màu sắc như những chiếc laptop game thông thường.

Chiếc laptop chơi game này thuộc dạng mỏng nhẹ, tiện đem đi lại, tuy nhiên bạn cũng cần tính đến trọng lượng của cục sạc nữa

Nếu xét trong các laptop chơi game thì trọng lượng, kích thước của GM501 thuộc dạng khá mỏng và nhẹ. Máy có độ dày từ 1,75 đến 1,99 cm, trọng lượng 2,45kg, dày và nặng hơn chút so với thế hệ trước. Dù chưa phải là laptop gaming mỏng nhẹ nhất hiện tại (MSI GS65 Stealth Thin có trọng lượng chỉ 1,8kg) nhưng Zephyrus M vẫn đủ mỏng, nhẹ để đem đi lại, thậm chí là với người mua máy để làm việc.

Khi mở bản lề, nắp lưng cũng mở ra để tản nhiệt hiệu quả hơn

Nắp máy được thiết kế có khe hở để khi gập lại vẫn nhìn được đèn báo trạng thái

Một trong những lý do giúp Zephyrus đời đầu có được độ mỏng của máy là thiết kế tản nhiệt mà Asus gọi là Active Aerodynamic System (AAS). Khi mở bản lề, phần nắp cũng được nhấc lên một chút để lộ ra khoảng trống rộng rãi cho quạt tản nhiệt đẩy khí nóng ra. GM501 tiếp tục sử dụng thiết kế tản nhiệt này, ngoài hiệu quả tản nhiệt thì chuyển động khi mở máy cũng rất độc đáo.

Viền màn hình của máy vẫn còn khá dày

Nếu như thiết kế tản nhiệt rất hiện đại thì phần viền màn hình của Zephyrus M lại chưa đi theo trào lưu viền mỏng như nhiều laptop Asus khác. Cả bốn viền màn hình của máy đều khá dày. Hiện tại trong dòng ROG mới chỉ có mẫu Strix Scar II là sở hữu màn hình viền mỏng bằng cách cắt bỏ webcam, và có lẽ phải tới thế hệ sau thì Zephyrus mới có kiểu thiết kế này.

Bàn phím của GM501 đã trở lại cách thiết kế truyền thống chứ không còn phá cách như thế hệ đầu

Sau khi phá cách với thiết kế bàn phím đời đầu, Asus đã trở về với thiết kế truyền thống trên Zephyrus M. Phần bàn phím và phím số được đặt ở giữa mặt phím, phía dưới là touchpad khá nhỏ gọn. Thiết kế này giúp việc sử dụng phím thoải mái hơn nhờ có chỗ để tay, cách sử dụng cũng tự nhiên hơn.

Hành trình phím dài mang lại cảm giác bấm phím ổn, gõ văn bản dài cũng vẫn thoải mái

Bốn phím chức năng được tách riêng để tiện truy cập

Các nút điều hướng cùng phần phím số hơi nhỏ có thể ảnh hưởng tới trải nghiệm chơi game hay làm việc

Kích thước các phím chính hợp lý nhưng phần phím số và nút điều hướng hơi nhỏ, ;hành trình phím (1,7 mm) dài hơn thế hệ trước. Cảm giác gõ phím ổn, kể cả khi gõ văn bản dài cũng khá thoải mái. Nhiều mẫu laptop gaming thường có phím nông để nhận lực nhanh hơn, nhưng cảm giác gõ phím trên Zephyrus M giúp máy thể hiện không tồi trong công việc văn phòng.

Đèn nền phím sáng và có thể điều chỉnh màu khá chi tiết

Asus cũng cung cấp phần mềm Aura Core trong bộ công cụ ROG Center, cho phép người dùng điều chỉnh đèn nền RGB của phím theo ý muốn. Nhìn chung RGB là xu hướng của các thiết bị game thủ, nên Zephyrus M có đi theo trào lưu này thì cũng không lạ.

Touchpad mượt và hỗ trợ cử chỉ tốt nhưng kích thước hơi nhỏ

Touchpad của máy được phủ kính đem lại cảm giác lướt ngón tay rất mượt, hỗ trợ các cử chỉ Precision theo Windows. Kích thước của bàn di này hơi nhỏ nhưng có lẽ cũng không phải là vấn đề lớn với người mua, vì game thủ thường sẽ trang bị chuột rời và bàn di chỉ được sử dụng khi đang di chuyển.

Hầu hết kết nối được tập trung ở cạnh trái. Do thiết kế tản nhiệt khác lạ, cổng cắm nguồn phải chuyển vào giữa

Cạnh phải chỉ có một cổng USB thường và một cổng Type-C

Danh sách cổng kết nối trên Zephyrus M bao gồm 4 cổng USB 3.1, 1 cổng USB Type C hỗ trợ Thunderbolt 3, cổng HDMI 2.0 và giắc cắm tai nghe/micro. Thiếu sót đáng tiếc nhất có lẽ là cổng mạng RJ45.

Sự thiếu vắng cổng mạng có thể lý giải là do thân máy mỏng, nhưng Asus đúng ra nên tặng kèm adapter mạng gắn cổng USB như với thế hệ trước. Với nhiều game thủ chơi online, mạng dây để đảm bảo kết nối ổn định khi chơi vẫn rất cần thiết. Ngoài ra máy cũng không có khe cắm thẻ nhớ, hơi bất tiện với những người cần xử lý phim, ảnh trên chiếc laptop này.

Zephyrus M được thừa hưởng những nét thiết kế cao cấp, thân hình mỏng nhẹ từ thế hệ trước. Ngoại hình của máy không quá hầm hố nên phù hợp với cả những người dùng cần một chiếc laptop đẹp để làm việc và thỉnh thoảng chơi game.

Màn hình và âm thanh

Chất lượng và tốc độ phản hồi của màn hình đem lại cảm giác chơi game FPS rất đã

Màn hình của Zephyrus M có độ phân giải Full HD, kích thước 15.6 inch và sử dụng tấm nền IPS. Tuy nhiên điểm nhấn về màn hình nằm ở thông số refresh rate và thời gian phản hồi của màn hình: 144MHz và 3ms, hỗ trợ G Sync. Trải nghiệm màn hình với tần số quét cao mang lại cảm giác chơi game rất mượt mà, cảm giác khi chơi game bắn súng cũng đã hơn hẳn.

Nhờ được trang bị G-Sync, khi chơi game ở những cảnh hành động thì hình cũng không bị xé. Khả năng hiển thị thông thường của máy ở mức khá, góc nhìn rộng, màu sắc hiển thị ổn. Màn hình có lớp chống lóa, do vậy khi dùng ở ngoài trời vẫn có thể nhìn được hình ảnh chứ không khó chịu. Nếu như có điểm chưa hài lòng thì đó là độ tương phản chưa ấn tượng, mà game thì thường xuyên có những cảnh tối hoặc chênh lệch sáng, tối.

Loa ngoài của GM501 có âm lượng lớn và chất lượng âm thanh tốt, dùng để chơi game hay xem phim, nghe nhạc đều ổn

Âm thanh cũng là một điểm ấn tượng trên chiếc laptop này. Loa của máy được bố trí ở mặt dưới, khi mở màn hình lên sẽ có khoảng trống để âm thanh dội lên. Âm lượng của loa ngoài lớn và có thể nghe được trong văn phòng có diện tích 20m2, khá ồn ào. Ngoài âm lượng lớn thì chất lượng âm thanh cũng gây ấn tượng, khá chắc và dải cao không tệ nếu bật ở mức âm lượng tầm 70%. Nếu như không có tai nghe tốt thì loa ngoài của Zephyrus M vẫn đủ đáp ứng nhu cầu giải trí bằng phim, nhạc.

Hiệu năng và nhiệt độ

Sự nâng cấp duy nhất về cấu hình trên Zephyrus M là vi xử lý Intel đời 8, và đây là một sự nâng cấp rất đáng quý. Vi xử lý 6 nhân nâng giúp máy hoạt động đa nhiệm hiệu quả hơn hẳn. Với những streamer, vi xử lý thế hệ mới giúp việc vừa chơi, vừa stream nhẹ nhàng hơn.

Điểm số đánh giá hiệu năng xử lý của CPU với Cinebench R15

Với SSD Samsung SM961 dùng chuẩn M.2 NVMe, tốc độ benchmark qua CrystalDiskMark rất ấn tượng

Tất nhiên phần lớn người dùng không phải là streamer, nhưng họ cũng sẽ cảm thấy hiệu năng quả từ vi xử lý mới ở những tác vụ nặng như chơi game hay xử lý phim, ảnh. Sự kết hợp của vi xử lý Core i7, dung lượng RAM 16GB cùng ổ SSD PCIe M.2 tốc độ cao giúp máy xử lý nhẹ nhàng mọi nhu cầu thường ngày của tôi.

Không chỉ chơi game, vi xử lý Intel Core đời 8 còn đáp ứng tốt các tác vụ công việc như chỉnh ảnh, dựng phim

Là một cỗ máy chuyên game, chắc chắn hiệu năng chơi game sẽ là điều được quan tâm nhất. Với màn hình độ phân giải Full HD, card đồ họa GTX 1060 của Zephyrus M đủ sức đáp ứng phần lớn các game hiện nay. Ngoại trừ một số game hạng nhất, yêu cầu cấu hình cao thì phải về thiết lập medium mới có thể ổn định trên 60 fps, còn lại với đa số game cấu hình của máy đã đủ để chơi mượt mà và ổn định trên mức 60 fps.

Trong game "nhảy dù" PUBG, với mức thiết lập đồ họa High thì máy chơi ổn định với mức khung hình trên 70 fps

Khi chơi Project Cars 2 ở mức thiết lập High, máy cũng dễ dàng đạt trên 110 fps. Trong ảnh, khi kết nối qua Steam Link để xuất hình lên TV thì tốc độ khung hình bị khóa ở 60 fps, hình ảnh truyền không dây vẫn đẹp và rõ nét

Dù vậy hiệu năng game chỉ là một nửa vấn đề đối với một chiếc laptop chơi game. Khả năng tản nhiệt là khía cạnh quan trọng còn lại. Khi chơi PUBG trong 30 phút, nhiệt độ CPU đạt tới mức 83 độ C, còn GPU dao động trong khoảng 80 độ C, là những con số hợp lý với một chiếc laptop chơi game mỏng như Zephyrus M. Lúc này phần bàn phím và kê tay chỉ hơi ấm, nhưng phần phía trên bàn phím, nơi đặt cụm tản nhiệt thì rất nóng. Với các game Project Cars 2 và CS:GO thì nhiệt độ khi chơi lâu cũng tương tự.

CS:GO tất nhiên không đủ sức "làm khó" card đồ họa GTX 1060. Máy chạy mượt mà ở mức trên 150 fps, hình ảnh rất ấn tượng nhờ màn hình 144 Hz

Hiệu năng của máy còn bị ảnh hưởng trực tiếp khi thay đổi chế độ quạt tản nhiệt. Asus đưa ra 3 chế độ hoạt động của quạt: im lặng (Silent), cân bằng (Balance) và tăng tốc (Overboost), cho phép chuyển đổi tự động hoặc người dùng có thể chuyển đổi bằng phím tắt (Fn + F5) hoặc trong phần mềm ROG Gaming Center.

Khu vực phía trên bàn phím khá nóng khi chơi game lâu, có thể đạt tới gần 50 độ

Khi chuyển từ chế độ Silent sang Overboost, hiệu năng của máy tăng lên rõ rệt, có thể lên tới 30%. Tất nhiên khi chơi game hoặc làm việc nặng, bạn cần chuyển đổi sang chế độ quạt mạnh nhất để có hiệu năng cao nhất. Ở chế độ này quạt chạy khá ồn, nhưng nếu chơi game và dùng tai nghe thì đây cũng không phải vấn đề.

Cấu hình mạnh, máy lại mỏng nên Zephyrus M khó có được thời lượng pin lâu dài. Pin của máy có dung lượng 55 Whr, không phải là mức cao với những laptop 15.6 inch. Dù đã bật sang chế độ đồ họa tích hợp Optimus và làm việc thông thường (duyệt web, dùng bộ phần mềm Office và chỉnh sửa ảnh ngắn) chiếc Zephyrus M cũng chỉ hoạt động được khoảng 3 giờ. Như vậy nếu mang máy ra ngoài một buổi để làm việc, bạn vẫn sẽ phải mang theo sạc, và chiếc sạc này cũng không phải nhẹ nhàng gì.

Sạc là vật bất ly thân với người dùng Zephyrus M. Chiếc sạc này nặng tới gần 1kg, kích thước cũng khá lớn

Kết luận

Đối với những chiếc laptop gaming, mỏng và mạnh là hai yếu tố khiến game thủ tốn tiền, và khi hai yếu tố này cùng kết hợp thì giá của chiếc laptop có thể tăng đến vài lần. Zephyrus đời đầu có cả hai yếu tố, nhưng vẫn còn nhiều thứ cần khắc phục như thiết kế bàn phím không hợp lý, tản nhiệt và nhất là mức giá khá cao.

Zephyrus M mang thiết kế gần giống thế hệ trước, giảm GPU nhưng được nâng cấp cả CPU, màn hình và bàn phím. Quan trọng hơn, mức giá đã thấp hơn Zephyrus đời đầu rất nhiều, nên những game thủ thực sự đam mê có thể "cố chút". Dù vậy, cũng có thể thấy cái giá của "mỏng nhẹ" khi mức giá của chiếc Zephyrus M gần tương đương nhiều laptop chơi game có cấu hình mạnh hơn nhưng cũng nặng hơn, dày hơn từ Asus hay các hãng Acer, MSI. Trong phân khúc, danh hiệu laptop mỏng nhẹ nhất cũng không thuộc về Asus mà là MSI với chiếc GS65.

Dù sao thì cũng không có chiếc laptop nào có thể đáp ứng đủ mọi yếu tố như cấu hình, độ mỏng nhẹ, khả năng tản nhiệt, pin và giá hợp lý, do vậy lựa chọn sản phẩm nào phụ thuộc vào nhu cầu của người mua máy. Khi chấp nhận mua laptop gaming đồng nghĩa người chơi vừa muốn cấu hình mạnh, chơi game tốt nhưng vẫn phải có khả năng di động nhất định, và sẽ phải chịu hi sinh một trong các yếu tố trên. Bạn đọc có thể tổng hợp lại điểm mạnh, điểm yếu của từng máy và chọn theo nhu cầu của mình.

Điểm cộng

- Thiết kế cá tính, trọng lượng nhẹ so với cấu hình

- Màn hình chất lượng cao, 144Hz và hỗ trợ G-Sync

- Cấu hình đủ để chơi mượt phần lớn game ở độ phân giải Full HD

- Chất lượng loa tốt

- Giá dễ chịu hơn so với phiên bản năm ngoái

Điểm trừ

- Thiếu cổng LAN, đầu đọc thẻ nhớ

- Thời gian sử dụng pin ngắn

Tuấn Anh

Chủ đề khác