VnReview
Hà Nội

"Mình ơi, xin đừng qua sông': Xem, ngưỡng mộ và khóc cùng tình yêu đẹp hơn cả ngôn tình

'Mình ơi, xin đừng qua sông' kể về chặng đường cuối trong chuyện tình 75 năm của cặp vợ chồng Jo Byeong-man và Kang Kye-yeol với những ý nghĩa nhân văn mà có lẽ ai xem cũng sẽ rơi nước mắt vì cảm động.

'Dinh thự oan khuất': Phim kinh dị gây ám ảnh tột độ và nội dung đầy bất ngờ

'Mình ơi, xin đừng qua sông' (tựa tiếng Anh: My Love, Don't Cross the River) là tác phẩm của đạo diễn Jin Mo Young, ra mắt năm 2014 đi theo thể loại tài liệu. Tác phẩm dài 86 phút, kể về cuộc sống đời thực với những hoạt động thường ngày của đôi vợ chồng già Jo Byeong-man và Kang Kye-yeol. Cụ ông Jo Byeong-man khi quay bộ phim đã 98 tuổi còn cụ bà Jo Byeong-man thời điểm đó cũng đã 89 tuổi.

Tác phẩm này là một dự án phim độc lập của đạo diễn Jin Mo Young, ra mắt tháng 11/2014, có kinh phí chỉ 110.000 USD, nhưng ngay khi ra rạp đã tạo nên một cơn sốt tại Hàn Quốc, đạt doanh thu 5,13 tỷ won ngay tuần đầu tiên khởi chiếu. Đến khi kết thúc quá trình chiếu, 'Mình ơi, xin đừng qua sông' bán được hơn 4,8 triệu lượt vé, đạt doanh thu 8 triệu USD. Điều này khiến nó trở thành bộ phim tài liệu độc lập ăn khách nhất xứ sở kim chi, bỏ xa 'Old Partner' công chiếu năm 2009 với doanh thu gần 3 triệu USD. 'Mình ơi, xin đừng qua sông' cũng là tác phẩm phim tài liệu thứ 2 trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc từng đứng đầu bảng xếp hạng doanh thu phòng vé nội địa.

Câu chuyện đẹp về tình yêu

Phim Hàn Quốc từ lâu nay đã nổi tiếng và rất giỏi trong việc lấy nước mắt người xem bởi vô số;những tình tiết cảm động. Tuy nhiên, đó là những chi tiết được các diễn viên chuyên nghiệp diễn xuất theo kịch bản, cố tình tạo nên cảm xúc cho người xem. 'Mình ơi, xin đừng qua sông' thì khác hẳn. Tác phẩm kể về câu chuyện thật về cuộc sống thường ngày của cặp vợ chồng già. Hai nhân vật chính trong phim không phải diễn viên chuyên nghiệp, họ đơn giản làm lại những công việc thường ngày trước máy quay. Bộ phim lấy nước mắt của người xem từ những tình tiết rất thật như thế.

'Mình ơi, xin đừng qua sông' diễn tả cuộc sống của cặp vợ chồng Jo Byeong-man và Kang Kye-yeol từ những góc quay thông thường, không kỹ xảo, không cảnh quay khó, không hư cấu. Tất cả mang một màu sắc giản dị và chân thực tối đa.

Cặp vợ chồng Jo Byeong-man và Kang Kye-yeol sống tại một ngôi làng nhỏ tại tỉnh Gangwon, Hàn Quốc. Họ có tổng cộng 35 con cái, cháu chắt đều sống ở thành phố. Hai cụ không ở cùng các con mà chọn cuộc sống bình dị nơi miền núi. Ở đó, họ trải qua những năm tháng lặng lẽ bên nhau, cho nhau tình yêu giản dị nhưng luôn ngập tràn. Khán giả khi xem phim sẽ thực sự cảm động trước những cử chỉ âu yếm đầy tình cảm của hai người ở tuổi gần đất xa trời dành cho nhau. Họ hái hoa cài lên tóc của nhau, cùng nhau đắp người tuyết, cùng nhau ngắm lá vàng rơi, cùng nhau nghịch nước suối, cùng nhau hát, cùng nhau nhảy múa...

Cái hay của 'Mình ơi, xin đừng qua sông' chính là miêu tả được vẻ đẹp của tình yêu qua những thước phim đơn giản, mộc mạc nhất. Ở đó, mỗi nụ cười của cặp vợ chồng già, mỗi cử chỉ họ dành cho nhau đều hiện lên vô cùng cảm động. Có những chi tiết kiểu như cụ ông trong suốt hơn 70 năm chưa bao giờ chê cơm cụ bà nấu hay cụ ông luôn phải chạm vào người cụ bà mới ngủ trong suốt quãng đời sống với nhau khiến người xem khó tin được trên đời còn những tình yêu đẹp đến thế. Từ đó, mọi thứ hiện lên trên màn ảnh một cách sâu lắng, không màu mè, không kỹ xảo nhưng chạm đến trái tim của bất kỳ ai.

Hạnh phúc của cặp vợ chồng già tại xứ sở kim chi không phải là không có sóng gió. Vấn đề là họ luôn hướng về tình yêu của mình và tâm nguyện ước muốn mãi bên nhau. Đó là thứ đạo diễn bộ phim muốn hướng tới để cho người xem nhìn thấy được rằng trong tình yêu, đơn giản là trao cho nhau niềm tin và sự chân thành, mọi sóng gió cuộc đời khi đó chẳng còn ý nghĩa gì nữa.

Tuy vẫn còn chút suy nghĩ về việc câu chuyện tình yêu của cặp vợ chồng Jo Byeong-man và Kang Kye-yeol có được đạo diễn sắp xếp không khi họ luôn mặc bộ quần áo truyền thống của Hàn Quốc, luôn nắm tay nhau đi bất kỳ đâu... Nhưng khi chợt nhận ra rằng những nhân vật chính trong bộ phim tài liệu kể trên đã 98 và 89 tuổi, họ chẳng còn gì để mất và chắc chắc cũng chẳng việc gì phải diễn thì chúng ta chỉ việc xem và tận hưởng sự hạnh phúc cùng tình yêu của họ.

Nỗi sợ mất nhau

Xem 'Mình ơi, xin đừng qua sông' khán giả sẽ không chỉ cảm nhận tình yêu ngập tràn của cụ bà Jo Byeong-man và cụ ông Kang Kye-yeol mà còn hiểu được thế nào là sự hữu hạn của con người. Ở đó, dù yêu nhau đến mấy, sống hạnh phúc đến mất thì theo thời gian con người sẽ già đi, sẽ không thể sống mãi mãi và ra đi, để bạn đời của mình ở lại.

Khi cụ ông Kang Kye-yeol đã 98 tuổi, sức khỏe không còn tốt, tai đã không còn nghe rõ, liên tục xuất hiện những cơn ho, cụ bà Jo Byeong-man dần xuất hiện những nỗi sợ. Nỗi sợ đó càng trở nên lớn hơn khi chú chó nhỏ mà cặp vợ chồng già đặt tên là 'Con' qua đời. Cụ ông trở nên buồn rầu còn cụ bà thì đừng bần thần nhìn theo bóng chồng và dự cảm về một tang lễ sắp ập đến.

Nếu nửa đầu bộ phim là nụ cười mừng cho hạnh phúc của cụ bà Jo Byeong-man và cụ ông Kang Kye-yeol thì nửa phim về sau khán giả sẽ được sống trong nước mắt bởi nó quá cảm động. Vì vậy, nếu không phải là một người cực kỳ vững vàng về tinh thần thì hãy mang theo khăn giấy khi đến rạp để lau nước mắt khi xem bộ phim này.

'Mình ơi, xin đừng qua sông' cho khán giả biết thế nào là cảm giác dần mất đi người mình yêu thương nhất qua hình ảnh những ngày cuối đời của cụ ông Kang Kye-yeol. Điều này khiến những người xem tác phẩm không thể phân biệt được đây là một bộ phim tươi sáng hay bi kịch về tình yêu nữa. Hình ảnh cụ bà Jo Byeong-man liên tục nói 'rồi em sẽ theo mình sớm thôi' hay thời khắc cụ bà không nỡ rời ngôi mộ của cụ ông, đi được một đoạn rồi quay lại quỳ rạp xuống chắc chắn sẽ ấn tượng rất lâu với bất kỳ ai xem tác phẩm này. Nói cách khác, cái kết được báo trước về sự ra đi của cụ ông Kang Kye-yeol càng khiến vẻ đẹp mong manh của tình yêu hằn sâu vào tâm trí khán giả.

Những bài học về cách đối xử của con cái với cha mẹ

Cụ ông Jo Byeong Man và cụ bà Kang Kye Yeol lấy nhau từ những năm 30 của thế kỷ trước. Khi đó, cụ bà mới 14 tuổi. Họ trải qua quãng thời gian đầu không hiểu nhau vì hôn nhân là sự sắp xếp của gia đình và phải mất 3 năm mới tìm được tiếng nói chung. Hơn 70 năm tình yêu, họ có với nhau 12 người con nhưng 6 trong số đó đã qua đời vì bệnh tật.

Cặp đôi vợ chồng già không sống cùng các con, chỉ dịp lễ tết hay sinh nhật của 2 cụ là sẽ có những cuộc đoàn viên trong gia đình. Để rồi sau niềm hạnh phúc đoàn tụ đó, con cháu lại lên thành phố để 2 cụ ở lại. Cụ ông Jo Byeong Man và cụ bà Kang Kye Yeol người gần 100 tuổi, người cận kề 90 tuổi nhưng vẫn tự làm mọi việc. Dù cụ ông sức khỏe đã yếu rõ rệt nhưng các con cũng không hề biết rõ bệnh tình và cũng chẳng ai về chăm sóc.

Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói và không thành vấn đề nếu như trong một bữa tiệc sinh nhật, các con của cụ ông Jo Byeong Man và cụ bà Kang Kye Yeol cãi nhau kịch liệt về chuyện chăm sóc cha mẹ. Cặp vợ chồng già chỉ biết 'lặng người' nhìn các con dành cho nhau những lời lẽ không thể chấp nhận được. Cụ ông khi đó đã gần trăm tuổi chẳng thể nào thất vọng hơn và thốt ra 'các con đang làm cái gì vậy'.

Để rồi, khi sức khỏe cụ ông Jo Byeong Man yếu đi một cách rõ rệt và sắp ra đi, các con của cụ mới biết chẳng thuốc nào chữa được cha mình nữa. Họ gọi nhau về, ân hận tiếc nuối, có người bên cạnh cha hứa sẽ sống tốt hơn. Những giọt nước mắt đã rơi nhưng thử hỏi đến thời điểm đó thì còn khóc để làm gì?

Xem phim, khán giả không chỉ có những cảm xúc về tình yêu mà còn nhìn lại bản thân mình và tự hỏi đã đủ yêu thương, chăm sóc cha mẹ của mình hay chưa, đã cho họ những điều tốt đẹp nhất chưa và đã trả ơn sinh thành dưỡng dục của họ hay chưa. Nửa phim phía sau mang đến nhiều nước mắt hơn nụ cười và từ những giọt nước mắt đó, người xem chắc chắn sẽ có những bài học thực sự ý nghĩa.

Kết

Có nhiều thắc mắc tại sao đạo diễn Jin Mo Young lại đặt tên bộ phim của mình là 'Mình ơi, xin đừng qua sông'. Dòng sông ở đây có thể là sông gần nhà gắn với biết bao kỷ niệm của cặp vợ chồng nhưng cũng có thể là sông Tam Đồ ngăn cách sự sống và cái chết.

Bộ phim tài liệu của Hàn Quốc ra mắt năm 2014 nhưng đến hiện giờ vẫn còn nguyên ý nghĩa và xem thực sự xúc động. Dù tác phẩm có cảnh quay không đẹp, khá sơ sài nhưng điều đó chẳng thể nào ảnh hưởng đến chất lượng nội dung mà nó chuyển tải. Tình yêu càng mộc mạc, bình yên thì hạnh phúc càng bền lâu. Hãy xem bộ phim để cảm nhận thế nào là tình yêu thật sự, thế nào là nỗi sợ mất người mình yêu thương nhất và rút ra những bài học thấm thía cho bản thân.

'Mình ơi, xin đừng qua sông' đang được tái phát hành tại các rạp ở Việt Nam.

T.T

Chủ đề khác