VnReview
Hà Nội

'Tenet': Cần một bộ não siêu phàm để hiểu hết lý thuyết khoa học của bộ phim này!

'Tenet' - tác phẩm mới nhất của đạo diễn Christopher Nolan, là bộ phim được cả giới chuyên môn và khán giả kì vọng sẽ cứu rỗi cho tình trạng ảm đạm của thị trường điện ảnh trong năm nay. Tác phẩm thứ 11 của đạo diễn lừng danh có 2 quốc tịch Anh và Mỹ từng được nhiều chuyên trang đánh giá là : ‘Khó có thể thất bại'. Vậy thực tế chất lượng bộ phim này như thế nào?

Siêu bom tấn 'Tenet' đang khuynh đảo các phòng vé tại Việt Nam

Bộ phim của đạo diễn Christopher Nolan có kinh phí sản xuất khoảng 225 triệu USD đang tạo nên một cơn sốt tại các phòng vé trên khắp thế giới. Tác phẩm được trình chiếu trên 2 định dạng gồm 2D và IMAX. Tuy nhiên, nếu muốn trải nghiệm cảm giác phấn khích và thỏa mãn hoàn toàn khác lạ khi đắm mình vào trong từng khung hình của bộ phim thì bạn nên chọn định dạng IMAX. Ở đó, cả thính gác, thị giác của người xem đều được chiêu đãi một bữa tiệc hoành tráng. Phần hình ảnh được xử lý kĩ càng, cảnh quay hành động đối kháng vốn là điểm yếu của Nolan cũng được cải thiện rất nhiều, phân cảnh cháy nổ chân thực hiệu ứng hình ảnh quay ngược đem lại trải nghiệm 'chưa từng có'.

Xen giữa những khung hình 'hoành tráng đến mức phô trương' đó còn là phần âm thanh cũng được làm khá tốt. Tại những khúc cao trào người xem còn có thể cảm thấy ghế ngồi rung từng nhịp. Tuy nhiên, vẫn có một chút gì đó 'gợn' ở phần âm thanh bởi đôi khi nó hơi lấn sân sang việc dẫn dắt cao trào của bộ phim.;

Nội dung khiến trí não khán giả bị thách thức

Nội dung của 'Tenet' giống như những bộ phim khác của quái kiệt người Anh đều khiến trí não của khán giả bị thử thách. Christopher Nolan cấy vào tác phẩm những kiến thức thực sự đồ sộ để khi rời rạp trí não của khán giả phải phát đi phát lại chương trình '10 vạn câu hỏi vì sao'. Đạo diễn người Anh cũng thành công trong việc bắt người xem phải căng mắt khoảng 2h30' để xâu chuỗi, cố gắng chắp ghép những mốc thời gian, không gian, những chi tiết mang tính cung cấp thông tin rất cao.

Ý tưởng nguyên bản của 'Tenet' được coi là phần thu hút nhất của tác phẩm này và khiến đa phần khán giả ra rạp để hòa mình vào cảm giác tươi mới. Bộ phim xoay quanh một khái niệm thực sự khó hiểu: 'Nghịch đảo thời gian'. Đây không phải là du hành thời gian và càng không phải là kiểu vũ trụ song song như nhiều bộ phim từng đề cập.

Để hiểu 'nghịch đảo thời gian' - nền móng của phim thì chúng ta phải hiểu được lý thuyết cơ bản về nhiệt động lực học. Theo nguyên lý động lực học thứ 2 hay còn gọi là nguyên lý về entropy thì không thể đảo ngược được quá trình nhiệt động lực học của một hệ kín nếu không có tác động từ 'bên ngoài'. Theo tìm hiểu của tác giả thì 'vũ trụ là một hệ kín' phát triển từ thời điểm trật tự (vụ nổ bigbang ) đến trạng thái hỗn loạn. Chúng ta đang ở trong quá trình 'hỗn loạn hóa' của vũ trụ nên cảm nhận thời gian luôn trôi theo một chiều nhất định . Vậy ở đây con người cần tạo thứ gì đó có thể tác động từ bên ngoài hệ kín để đảo ngược quá trình nhiệt động lực học, đảo ngược phương trình Schrödinger .

Và trong thế giới của 'Tenet' con người trong tương lai đã giải được nghiệm của phương trình đó, nó được so sánh giống như việc tạo ra bom nguyên tử, tiềm lực rất lớn nhưng tác hại thì cũng khổng lồ. 'Thuật toán' này có thể mở ra tiềm năng nghịch đảo thời gian, nhưng cũng có thể xóa xổ toàn bộ không gian tại thời điểm nó được kích hoạt trở đi. Để 'thuật toán' này không rơi vào tay của những thế lực đe dọa đến sự tồn tại của nhân loại, nhà khoa học phát minh ra nó đã tự sát, chia nó thành 9 phần và giấu chúng dưới dạng những kim loại có tính phóng xạ cao và gửi về 'quá khứ ' ở những nơi bảo mật hàng đầu thế giới, là các trung tâm hạt nhân của 9 nước nắm giữ vũ khí hạt nhân .

Đảo ngược thời gian ở trong 'Tenet' khác du hành thời gian ở chỗ: 'Người đi ngược lại vector thời gian sẽ thực sự đi từng bước, tức là từng nguyên tử từng electron của người đó sẽ đi ngược lại nguyên lý nhiệt động lực học để quay ngược thời gian. Ví dụ bạn muốn quay lại ngày 2/9/1945 để được xem Bác Hồ đọc bản 'Tuyên ngôn độc lập' thì bạn phải thực sự đi lại từng khoảnh khắc từ hiện tại cho đến năm 1945 chứ không thực hiện bước nhảy vọt như du hành thời gian, điều đáng nói là mọi hành động của bạn sẽ thực sự đi ngược lại quy luật vật lý thông thường, đối với góc nhìn của bạn thì toàn bộ thế giới đang tua ngược, đối với góc nhìn của thế giới thì bạn đang đi ngược.

Đến đây sẽ có rất nhiều câu hỏi về việc làm thế nào để thoát khỏi trạng thái đảo nghịch. Hiểu đơn giản thì chúng ta sẽ nghịch đảo lại quá trình đảo nghịch để trở lại trạng thái ban đầu mà vẫn đến được khoảng thời gian mà mình mong muốn trong quá khứ .

Đây chính là yếu tố khoa học trong phim của Nolan, nó luôn luôn cắm rễ ở trong thực tế, từ 'Memento', 'Prestige', 'Inception', 'Interstellar' và đến nay là 'Tenet' đều dựa trên những lý thuyết có thật. Không những vậy, ý tưởng này của đạo diễn người Anh gần đây đã được thử nghiêm thành công bằng việc quay ngược trạng thái của một qbit trong máy tính lượng tử. Vì vậy, có thể khẳng định 'Tenet' đích thị là một bom tấn dành cho những tín đồ yêu khoa học rồi

Ý tưởng nguyên bản này đem lại cho Nolan quyền 'kể chuyện một cách phóng khoáng', nói đúng hơn là ông đang tận hưởng kiến thức khoa học của mình. Các mốc thời gian trong phim liên tục xoắn vào nhau đòi hỏi khán giả phải động não để ghép nối liên tục những sự kiện và những thời điểm trong dòng thời gian của phim. Ngồi xem phim, bạn sẽ có cảm giác nội dung của nó thực sự quá thách thức với những người ít kiến thức về vật lý.

Tuy nhiên, cũng vì việc đưa quá nhiều kiến thức khoa học vào nên tác phẩm đã khiến người xem liên tục phải động não để nắm bắt nhịp độ. Đôi khi chính vì sử dụng phong cách kể chuyện phi tuyến tính cùng việc đổi địa điểm liên tục khiến khán giả cảm thấy các nhân vật trong 'Tenet' nhảy qua nhảy lại trong không gian khá rối.

Diễn biến phim nhanh, dồn dập và đầy chất khoa học

'Tenet' mang đến nhịp phim nhanh, dồn dập và đầy kịch tính. Nửa đầu tác phẩm là quá trình xây dựng câu chuyện giữa nhân vật chính và một nữ tiến sĩ. Nó cung cấp vừa đủ thông tin để yêu cầu người xem động não , xâu chuỗi các chi tiết đã xảy ra tại nửa đầu để lắp ghép, kết nối .

Diễn biến nửa sau của bộ phim có thể tạm gói gọn trong 4 lần nghịch đảo lớn và 3 gọng kìm thời gian. Gọng kìm thời gian là từ ngữ ám chỉ việc sử dụng sự nghịch đảo thời gian, nó chia ra chủ yếu là 2 hướng, hướng 1 tịnh tiến theo thời gian, hướng 2 nghịch đảo thời gian. Hai đội của một team sẽ chia ra làm 2 hướng theo 2 chiều của thời gian gặp nhau tại thời điểm mục đích nhằm đảm bảo việc hoàn thành của nhiệm vụ khi đã biết trước kết quả .

Gọng kìm thứ nhất (lần nghịch đảo lớn thứ nhất) là việc Sator đoạt mảnh thuật toán trong tay của team của nhân vật chính. Trong sự kiện này chúng ta thấy được sự đảo nghịch của các hiện tượng nhiệt động lực học đã nói ở trên, khi mà lửa thì lạnh, vết thương thì ngày một lan rộng chứ không lành đi …

Lần nghịch đảo thời gian lớn thứ 2 là sự việc team nhân vật chính, Neil, Kat (nằm cáng) quay trở lại sân bay nơi chính nhân vật chính và Neil 'cover lại phiên bản 11/9 trên mặt đất' để nghịch đảo thời gian đưa vết thương từ trạng thái nghịch đảo của Kat về trạng thái tự nhiên

Gọng kìm thời gian thứ 2 là cao trào của phim khi mà đội quân của Neil cùng nhân vật chính sử dụng để đánh vào căn cứ cất giấu và cài đặt thuật toán của Sator nhằm kích nổ , hủy diệt nhân loại.

Về cuối phim chúng ta biết được rằng toàn bộ sự việc, hành trình của the Protagonist là một gọng kìm thời gian do chính anh là chủ mưu và gửi Neil từ tương lai về để 'team work' với chính bản thân mình lúc trước. Câu thoại của Neil 'What happened, will happen' giống như việc anh biết trước toàn bộ sự việc và đến để đảm bảo rằng mọi thứ diễn ra theo đúng kết quả từ trước .

Sự phát triển nhân vật và kịch bản có phần chưa hợp lý

Những quyết định của nhân vật chính (John David Washington thủ vai) đẩy nhịp phim và các tình tiết khác đi theo. Tuy nhiên lý do để nhân vật chính đưa ra những quyết định đó có vẻ như chưa đủ , hay nói đúng hơn là chưa khiến khán giả có thể đồng cảm. Trong 'Inception' chúng ta có một Dom với quá khứ đau thương đầy mất mát, mong muốn mãnh liệt được trở về với gia đình đến nỗi không dám nhìn mặt con trong mơ, hay trong 'Interstellar' nhân vật Joseph mặc dù hết mực yêu thương con gái nhưng phải chia ly con để đi tìm cho con một tương lai mới, một ngôi nhà mới cho thế hệ tương lai .

Còn ở 'Tenet' chúng ta có một 'The Protagonist' đi cứu thế giới vì … 'chắc là anh muốn thế', rồi đâm nổ một chiếc máy bay chở hàng chỉ để đổi lấy sự giúp đỡ của vợ nhân vật phản diện (dù chưa biết giúp đc gì hay không). Trên quan điểm của tác giả, nhân vật chính mang một màu 'anh hùng' kinh điển, thiếu đi một động cơ mạnh mẽ. Trong toàn bộ câu chuyện người có động cơ và lý do để hành động nhất là Kat, thậm chí phản diện chính Andrei còn cho mình một cảm giác 'con người' nhiều hơn .

Trong 'Tenet' có một nhân vật khác cũng khá thú vị là Neil (Robert Pattinson thủ vai). Người xem không biết được thân phận thật sự của Neil mà chỉ biết đây là người âm thầm giúp đỡ 'The Protagonist'. Việc anh được chiêu mộ bới chính nhân vật chính 'trong tương lai' rồi giúp đỡ đồng đội hoàn thành nhiệm vụ đều có ẩn giấu trong đó một động cơ thúc đẩy có thể là tình bạn, tình thân, cũng có thể là công việc. Chi tiết sợi chỉ đỏ và đồng xu trên của Neil gợi đến sự kết nối , 2 mặt của đồng xu là 2 thế giới đối nghịch, 2 dòng thời gian đối nghịch và anh là sợi chỉ đỏ kết nối 2 dòng thời gian lại với nhau. Có một giả thuyết cho rằng Neil chính là con trai của Kat. Điều này cũng hoàn toàn có thể xảy ra vì rõ ràng Neil không phải là người đến từ dòng thời gian của 'The Protagonist'.

Như đã đề cập, trong 'Tenet', đạo diễn Chistopher Nolan có phần cưng chiều đứa con 'ý tưởng nguyên bản' đến nỗi kịch bản, sự phát triển nhân vật, yếu tố cảm xúc bị đánh đổi để đem đến một trải nghiệm nguyên bản. Nó khiến tác phẩm có khá nhiều sạn không đáng có trong những lần nghịch đảo thời gian. Bản thân tác giả bài viết cảm thấy hơi tiếc nuối cho điều này vì thường thì phim của đạo diễn Nolan sẽ rất chặt chẽ trong yếu tố nội dung.

Kết

'Tenet' sẽ thực sự mang tới cho khán giả trải nhiệm 'chưa từng có' về cốt truyện, ý tưởng nguyên bản, dựng phim, âm thanh và hình ảnh, đặc biệt nếu thưởng thức dưới định dạng IMAX thì mọi thứ còn tuyệt vời hơn. Bộ phim của Nolan vẫn mang phong cách hack não như thường lệ và khiến khán giả chìm vào trong rất nhiều suy nghĩ hỗn độn, phải cực tập trung khi xem.

Tuy nhiên, bộ phim vẫn còn mang lại cảm giác tiếc nuối. Nếu như tình bạn của nhân vật chính và Neil có nhiều đất để phát triển hơn hoặc đạo diễn xoáy nhiều hơn vào cảm xúc của các nhân vật thì ít nhất phân cảnh Kat bắn Sator sẽ không mờ nhạt đến thế. 'Tenet' là một màn thể hiện đỉnh của của Christopher Nolan về kỹ xảo, cốt truyện nhưng về ý nghĩa đọng lại có thể sẽ còn phải xếp sau khá nhiều bộ phim trước đây của ông.

T.C.S

Chủ đề khác