VnReview
Hà Nội

Phim 'Cậu Vàng' thất bại có phải do lỗi của chú chó thuộc giống Shiba Inu?

'Cậu Vàng' chắc chắn thất bại khi phim đã ra mắt được một tuần nhưng chỉ thu về hơn 2,7 tỷ đồng doanh thu phòng vé. Vậy tại sao một tác phẩm được đầu tư kinh phí lớn, chuyển thể từ tác phẩm kinh điển, dàn diễn viên tên tuổi lại có thể thất bại một cách dễ dàng vậy?

'Cậu Vàng': Loạt drama tình cảm nhà Bá Kiến làm lão Hạc lu mờ, tình tiết phim không logic

Trước khi 'Cậu Vàng' được khởi chiếu, thứ người ta bàn luận nhiều nhất về tác phẩm này là những scandal ngoài lề mà nó tạo ra chứ không phải nội dung phim. Trong đó, vấn đề được bàn tán sôi nổi nhất là việc chú chó Vàng không phải là chó cỏ thuần Việt mà lại là giống Shiba Inu của Nhật Bản. Điều này khiến 'Cậu Vàng' khi chưa ra mắt đã bị nhiều người 'ném đá', tẩy chay không thương tiếc.

Tuy nhiên, suy cho cùng thì chất lượng nội dung và các hàm ý sâu xa của một tác phẩm mới là thứ quan trọng nhất khiến khán giả có ủng hộ một bộ phim hay không. Tạo hình một nhân vật cho giống với nguyên tác truyện gốc quan trọng thật nhưng không phải là thứ quyết định đến doanh thu bộ phim. Vì vậy, khi 'Cậu Vàng' thất bại thì không thể đổ lỗi cho một chú chó được mà cần phải nhìn nhận vào thực tế là tác phẩm này dở thật sự. Chú chó Vàng dù lên phim thần thánh đến mức nào thì nó cũng không quyết định được chất lượng nội dung tác phẩm có tốt hay không.

Chất lượng nội dung ở mức kém

'Cậu vàng' được chuyển thể từ tác phẩm 'Lão Hạc' của cố nhà văn Nam Cao. Thực ra, bản điện ảnh của bộ phim này mang những hàm ý tốt đẹp khi nói về lòng trung thành của một chú chó với chủ nhân. Bộ phim ít nhiều nhận được sự quan tâm của khán giả bởi vốn dĩ những nhân vật trong 'Lão Hạc' đã vô cùng quen thuộc với khán giả và ý nghĩa câu chuyện này đã hằn sâu vào tâm trí của rất nhiều thế hệ người Việt Nam.

Tuy nhiên, khi chuyển thể từ một tác phẩm kinh điển sang bản điện ảnh thì những người làm nên 'Cậu Vàng' lại thể hiện trình độ rất 'non tay' và đưa đến cho khán giả một câu chuyện thiếu hợp lý, logic và thừa drama tình cảm. Chuyện phim xoay quanh câu chuyện về chú chó Vàng nhưng thực tế nguyên một khoảng mênh mông ở giữa tác phẩm chủ yếu nói về nhà Bá Kiến với những câu chuyện tình éo le như phim Hàn Quốc.

Đạo diễn của 'Cậu Vàng' dày công xây dựng lên câu chuyện với những nhân vật như Lý Cường, Bá Kiến để đóng vai phản diện. Tuy nhiên, cái phi logic ở chỗ hành động của những người này vô cùng hoang đường. Cốt truyện được đưa ra là Bá Kiến vì tin lời thầy bói mà khao khát mảnh đất có 'long mạch' nhà Lão Hạc. Ông giao cho con trai mình là Lý Cường tìm cách chiếm đoạt mảnh đất này và việc đầu tiên chàng trai trẻ thực hiện để hoàn thành mưu đồ của mình là... đánh bả chú chó Vàng. Một sự phi logic đến lạ thường. Tại sao công việc được giao là chiếm mảnh đất mà lúc thực hiện lại liên quan đến con chó. Toàn bộ phim dường như Lý Cường bị ám ảnh bởi chú chó Vàng chứ không phải là mảnh đất của Lão Hạc. Có vẻ như đạo diễn bộ phim muốn để cho tác phẩm của mình vừa có sự kịch tính của hiện đại nhưng vẫn phải đưa được các tình tiết trong nguyên tác vào. Sự cố gắng đó dường như không mang lại hiệu quả mà lại khiến nhiều chi tiết trở nên phi lý mà theo cách nói của cư dân mạng thì 'cố quá thành quá cố'.

Khán giả có thể dễ dàng nhận ra những sự vô lý đến đáng kinh ngạc trong 'Cậu vàng' và chẳng hiểu sao đạo diễn có thể đưa vào bộ phim này. Cha con nhà Bá Kiến từ đầu đến cuối tin 'sái cổ' vào chuyện 'long mạch' do một ông thầy bói phán rồi còn kiên quyết đòi chuyển mộ cụ tổ về mảnh đất nhà Lão Hạc trước tết. Tuy nhiên cũng 2 nhân vật này lại chẳng kiêng kỵ chuyện quỷ thần mà cuối phim quyết tâm đào mộ lão Hạc lên mà chẳng sợ các thế lực siêu nhiên trừng phạt. Điều gì khiến Bá Kiến và Lý Cường lại đều mang trong mình những tính cách trái ngược nhau ở đầu và cuối phim đến vậy?

Một điểm đáng nói nữa của bộ phim xoay quanh nhân vật Binh Tư - người phảng phất hình bóng của Chí Phèo và nói ra một câu vô cùng đạo lý trong phim: 'Đến con chó còn biết sống cho phải đạo, huống chi là con người'. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rõ ràng rằng các tình tiết xoay quanh nhân vật này là rất thừa thãi. Vì sao một anh chàng đi tù về, chán đời lại có thể sẵn sàng hy sinh để bảo vệ cho vợ 3 của Bá Kiến và người tình chạy trốn. Trong bối cảnh cái đói luôn rình rập, lại đang còn vợ con nheo nhóc ở nhà, một anh nông dân nghèo có thể bỏ qua tất cả để hy sinh vì một tình yêu chẳng biết có đẹp hay không. Cái chết của Binh Tư thật ra không liên quan đến nội dung chuyện phim và nhân vật này xuất hiện dường như chỉ để cứu vợ ba của Ba Kiến - một nhân vật vốn dĩ chẳng liên quan đến anh.

Tình tiết của 'Cậu Vàng' đi theo hướng liệt kê sự việc, rất chậm rãi chứ không mang quá nhiều tầng lớp ý nghĩa sâu xa. Vì vậy, một khán giả bình thường cũng có thể nhận ra được quá nhiều các tình tiết vô lý và phi logic trong bộ phim. Đó là lý do chính khiến tác phẩm này thất bại.

Hơn thế nữa, nếu bỏ qua các tình tiết vô lý thì phần nội dung của 'Cậu Vàng' vẫn thực sự không tạo nên sự đồng tình của khán giả. Đường đường là bộ phim chuyển thể từ một tác phẩm văn học kinh điển nhưng 'Cậu Vàng' lại chủ yếu là các drama tình cảm nhà Bá Kiến. Phần có thời lượng lớn nhất phim và tạo ra những biến cố quan trọng này lại được tập trung cho chuyện của vợ ba Bá Kiến với Lý Cường, anh hát rong (anh này biết cả múa rối nước). Liên tục những đoạn cao trào xuất hiện giữa các nhân vật này khiến cuối cùng không biết bộ phim nói về số phận của ai - Lão Hạc, Bá Kiến, vợ ba Bá Kiến, Lý Cường hay là Cậu Vàng. Từ đây, bộ phim bị tách ra làm những đoạn không liên quan đến nhau cho lắm, các câu chuyện rời rạc, thiếu liên kết và đạo diễn cũng không có cách nào để gắn chúng lại liền mạch.

Ekip làm phim dành quá nhiều thời gian để khắc họa nhân vật vợ ba Bá Kiến, có lẽ là để tăng thêm tính thu hút. Câu chuyện tình cảm của người này được miêu tả vô cùng chi tiết nhưng gần như chẳng liên quan gì đến mạch chuyện tổng thể. Cũng vì điều này mà bộ phim có quá nhiều chi tiết thừa thãi, không đáng có như cảnh Lão Hạc nói chuyện với vợ ba Bá Kiến, cảnh Lý Cường đối đầu với anh hát rong...

Thẳng thắn mà nói chú chó thuộc giống Shiba Inu trong 'Cậu Vàng' với khả năng diễn xuất tốt là ngôi sao chứ không phải là nguyên nhân thất bại của tác phẩm này. Theo nhận định của tác giả bài viết, nếu bộ phim thay chú chó này bằng một chú chó khác thuần Việt hơn thì với nội dung thảm họa như đã đề cập, doanh thu của nó cũng sẽ thất bại mà thôi.

Những chi tiết vô lý cực độ

Nhiều khán giả khi xem xong 'Cậu Vàng' thắc mắc rằng tại sao nó béo quá trong khi sinh sống trong thời kỳ vô cùng đói kém mà con người cũng chả có cái ăn. Thực ra, đây là điều bình thường bởi trong tác phẩm gốc nhà văn Nam Cao cũng đã mô tả về chú chó Vàng trong đoạn hội thoại giữa Lão Hạc và ông giáo Thứ như sau: 'Thì ra cậu Vàng cậu ấy ăn khoẻ hơn cả tôi ông giáo ạ. Mỗi ngày cậu ấy ăn thế, bỏ rẻ cũng mất hào rưỡi, hai hào đấy. Cứ mãi thế này thì tôi lấy tiền đâu mà nuôi được ? Mà cho cậu ấy ăn ít thì cậu ấy già đi, bán hụt tiền, có phải hoài không ? Bây giờ cậu ấy béo trùng trục, mua đắt, ngườ ta cũng thích...'.

Tuy nhiên, điều vô lý trong bộ phim là các nhân vật sinh sống trong thời kỳ đói kém nhưng nhìn đi nhìn lại chẳng ai giống kiểu nghèo khổ. Từ Lão Hạc, ông giáo Thứ, vợ ông giáo Thứ, Binh Tư, dân làng... ai cũng đẹp và không ai trông có vẻ gầy gò. Dân làng phải chịu sưu cao, thuế nặng, cuộc sống lầm than, nghèo khổ, đói rách cùng cực nhưng đêm về vẫn có tâm trạng đi xem múa rối nước, ngày làm ruộng nhàn nhã, hát ca, trêu ghẹo nhau.

Nhân vật Binh Tư đi tù về, sinh sống trong thời nghèo khổ vẫn có một chiếc áo măng tô để mặc, chân đi giày da, thân hình 6 múi vạm vỡ. 3 bà vợ nhà Bá Kiến ai cũng đẹp xuất sắc, quần áo đầy màu sắc. Phải chăng, ngôi làng mà Lão Hạc sinh sống là nơi giàu nhất Việt Nam thời xưa?

Nói chung, với tạo hình các nhân vật ai cũng đẹp đẽ, da dẻ mịn màng, ngày đối đáp giao duyên ngoài ruộng, tối về đi xem múa rối trong bối cảnh những năm 1945 ở Việt Nam đã là một điều sai lầm của tác phẩm.

Rồi sự xuất hiện nhân vật người tình của vợ ba Bá Kiến cũng là một dấu hỏi lớn cho logic phim. Anh này xuất thân là người miền Nam nhưng không hiểu vì lý do gì lưu lạc tận ra Bắc để đi hát rong. Và rồi trong cái thời cơm chẳng có mà ăn anh vẫn lưu luyến với tình cũ, chẳng nề hà gì dắt theo vợ ba nhà Bá Kiến chạy trốn. Và đến khi xem xong 'Cậu Vàng' tác giả bài viết vẫn không hiểu đạo diễn bộ phim khắc họa chuyện tình của 2 nhân vật này để làm gì?

Cùng với đó, đoàn hát mà nhân vật người tình của vợ ba Bá Kiến tham gia cũng có vấn đề. Làm gì có đoàn hát rong nào trong thời kỳ đói kém về các thôn làng biểu diễn với trang phục, đạo cụ đẹp hơn cả các sân khấu chuyên nghiệp ngày nay. Đoàn hát này còn đẳng cấp đến nỗi vừa có thể hát xẩm, vừa có thể múa rối nước trên sông.

Tóm lại, 'Cậu Vàng' thất bại là điều rất dễ hiểu. Đây là một bộ phim thiếu logic, nội dung chậm rãi nhưng lại rất lan man và cố tình kết thúc theo kiểu thần thánh hóa chú chó Vàng. Doanh thu thấp của tác phẩm này không phải do lỗi của chú chó thuộc giống Shiba Ini mà là do bộ phim có chất lượng kém.

T.T

Chủ đề khác