VnReview
Hà Nội

HD-981 - mũi tên đa mục đích của Trung Quốc

Chưa khi nào Việt Nam ngây thơ đặt lòng tin vào "người anh em" Trung Quốc, song mức độ nham hiểm và lá mặt lá trái của chính quyền Bắc Kinh thì luôn làm chúng ta đi từ bất ngờ này tới giật mình khác. Động thái hạ đặt giàn khoan dầu nước sâu HD-981 trên vùng biển của Việt Nam khiến không chỉ Việt Nam mà cả Mỹ và các nước trong khu vực đều kinh ngạc trước sự táo tợn của họ. Họ định làm gì?

HD-981,

Tình hình tại khu vực mà HD-981 được hạ đặt vẫn rất căng thẳng và nhiều tàu thuyền của Trung Quốc vẫn đang có mặt ở đó. Nguồn: VnEconomy

Hành động của Trung Quốc đều đang bị các bên quan sát tỏ thái độ lo ngại bởi nó cho thấy một sự coi thường luật pháp quốc tế, thể hiện tư tưởng nước lớn bắt nạt nước nhỏ, muốn bá chủ và thâu tóm toàn bộ vùng biển Đông đang có tranh chấp với một loạt các nước trong khu vực.

Như đã đề cập trong bài viết Dã tâm của Trung Quốc với giàn khoan bán chìm HD-981, Trung Quốc muốn dùng giàn khoan HD-981 như là "lãnh thổ quốc gia di động" và "vũ khí chiến lược" để không chỉ tìm kiếm khai thác dầu mà còn chiếm cứ biển Đông.

Theo phân tích trên báo VnEconomy, phía Trung Quốc đưa ra những tuyên bố "bất nhất" về vấn đề này. Ông Yi Xianliang, Phó tổng vụ trưởng Vụ Biên giới và Đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc đổ lỗi cho phía Việt Nam về các cuộc đụng độ tại khu vực đặt giàn khoan HD-981, và nói phía Trung Quốc đã "kiềm chế tối đa" trong việc sử dụng vòi rồng. Trong khi trước đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nước này Trình Quốc Bình phủ nhận đã có đụng độ trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, tuy nhiên ông này cũng nói hai nước Việt - Trung có thể giải quyết tranh chấp thông qua "đàm phán hòa bình".

Trên kênh ngoại giao, Trung Quốc luôn khẳng định sẽ "đàm phán hòa bình" nhưng thực tế họ luôn có những động thái gây rối khiêu khích, và hành động hạ đặt giàn khoan trên vùng biển đang tranh chấp chính là một hành động leo thang nhằm mục đích kích động bất ổn trên biển Đông.

Nếu lấy dấu mốc từ 19/1/1974 – sự kiện Trung Quốc đánh chiếm đảo Hoàng Sa của Việt Nam - đến nay, mỗi năm, Trung Quốc đều có một hay nhiều vụ "gây gổ" và đụng độ ồn ào trên Biển Đông để phô trương sức mạnh, đồng thời nắn gân, nhắc nhở cho các nước đang tranh chấp chủ quyền với mình biết rằng, không gì (kể cả luật pháp quốc tế) có thể ngăn cản cánh tay Trung Quốc vươn ra biển.

Theo đánh giá của tờ Wall Street Journal, giàn khoan HD-981 có khả năng sẽ là một "nhân tố làm thay đổi cuộc chơi" bởi nó trợ giúp đắc lực cho mục tiêu dài hạn của Trung Quốc: theo đuổi mạnh mẽ hơn việc khai thác các mỏ dầu ở gần "sân nhà". "Trung Quốc luôn có ý định này. Giờ thì họ có khả năng để làm điều đó", chuyên gia Christopher Len thuộc Đại học Quốc gia Singapore đánh giá.

Giới phân tích cho rằng, tình hình căng thẳng hiện nay xoay chủ yếu quanh HD-981, nhưng trung tâm của vấn đề lại nằm ở tiền lệ mà cuộc đối đầu này có thể tạo ra, cũng như việc liệu các quốc gia láng giềng của Trung Quốc và Mỹ có cho phép Bắc Kinh chiếm quyền kiểm soát đối với các nguồn tài nguyên chiến lược trong khu vực bị tranh chấp.

Các chuyên gia về an ninh đánh giá, với động thái trên Biển Đông, Trung Quốc đang "thử" mức độ cam kết của Washington đối với việc hỗ trợ các đối tác trong khu vực. "Phép thử" này diễn ra vào thời điểm mà một số nước trong khu vực lo ngại sự tập trung của chính quyền Barack Obama vào châu Á đang có chiều hướng suy giảm.

Trong chuyến thăm châu Á vào tháng trước, Tổng thống Obama đã trấn an mạnh mẽ các đồng minh của Mỹ trong khu vực. Người đứng đầu Nhà Trắng nói với Nhật Bản rằng, sự đảm bảo an ninh của Mỹ là tuyệt đối và bao hàm các hòn đảo trên biển Hoa Đông mà Nhật Bản đang kiểm soát nhưng Trung Quốc đứng ra tranh chấp. Ở Manila, ông Obama gọi sự hỗ trợ quân sự của Mỹ đối với nước này là "được bọc sắt", nhưng không nói liệu sự hỗ trợ đó có bao gồm hỗ trợ cho Philippines trong tranh chấp biển đảo hay không.

Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trên biển của Việt Nam diễn ra không lâu sau khi ông Obama kết thúc chuyến thăm châu Á "nhấn mạnh quyết tâm của Bắc Kinh nhằm kiểm tra ý chí của việt Nam, khối ASEAN, và Washington" - hai học giả về an ninh Ernest Bower và Gregory Poling thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế của Mỹ nhận định.

Cùng chung nhận định này, nhà chính trị học Nga Grigory Lokshin nói trên tờ Tiếng nói nước Nga, rằng có một số nguyên nhân lý giải hành động của Trung Quốc. Ví dụ, trong ban lãnh đạo Trung Quốc có những mâu thuẫn nội bộ, có những xu hướng và lực lượng khác nhau, và một số lực lượng muốn để Trung Quốc hành động tích cực hơn trong khu vực Biển Đông. Nhưng lý do chính là chính sách của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ. Bắc Kinh thường xuyên kiểm tra sự sẵn sàng của Washington bảo vệ lợi ích không chỉ các đồng minh, mà còn các quốc gia khác, bao gồm các nước Đông Á, kể cả Việt Nam. Bắc Kinh muốn để các nước Đông Á thấy rõ rằng, họ không nên dựa vào Hoa Kỳ, bởi vì chính quyền Washington không đi xa hơn những lời tuyên bố về sự cần thiết phải chung sống hoà bình và giải quyết tất cả các vấn đề thông qua thương lượng. Trung Quốc rõ ràng đang cố gắng "ép" Hoa Kỳ ra khỏi khu vực Đông Á.

Theo ông Grigory Lokshin, bây giờ cuộc khủng hoảng Ukraina tạo môi trường "thuận lợi" cho các hành động mới ở Trung Quốc. Cả Mỹ và châu Âu đang tập trung vào cuộc khủng hoảng này và không thể tìm cách ra khỏi nó. Có lẽ, Bắc Kinh hy vọng rằng, trong điều kiện này Washington không muốn có thêm những cơn đau đầu do tình hình ở vùng biển Đông.

Cho dù mục đích của Trung Quốc là gì, chắc chắn Việt Nam không để họ cắm mũi khoan xuống vùng biển thuộc Việt Nam. Nếu họ muốn thử phản ứng của Việt Nam, họ đã thấy rồi đó.

Đông Phong

Chủ đề khác