VnReview
Hà Nội

iPhone khóa mạng, mấy lần vượt luật

iPhone 5C bản khóa mạng đã "âm thầm" cuỗm đi không ít tiền của người dùng khi làm một số thao tác trên máy là một trong những chuyện liên quan đến chiếc điện thoại, thu hút sự quan tâm của người dùng lẫn các… cửa hàng bán máy nhất trong thời gian qua. Thế nhưng, đó chỉ là các tranh cãi quan tâm kỹ thuật, vấn đề lớn hơn nằm phía dưới sự mặc nhiên thừa nhận và cố gắng khắc phục lỗi ấy.

Công khai… hàng lậu

Theo Nghị định 187/2013/NĐ-CP; của Chính phủ và Thông tư số 04/2014/TT-BCT của Bộ Công thương, điện thoại đã qua sử dụng là mặt hàng tiêu dùng bị cấm nhập khẩu, điều này có hiệu lực hơn 1 năm nay và đã giúp các nhà phân phối điện thoại phải kiện toàn dịch vụ cũng như phần chăm sóc khách hàng để cạnh tranh khách hàng mua máy mới. Thế iPhone 5C và các dòng khác bản khóa mạng là gì, hàng mới chăng?

Bản khóa mạng là cách Apple thỏa thuận với các nhà mạng trong cách phân phối sản phẩm của mình. Một nhà mạng bán ra sản phẩm iPhone sẽ có một hợp đồng thỏa thuận với người mua nhằm ràng buộc người mua phải sử dụng mạng điện thoại của mình trong 1 khoảng thời gian và các chi phí khác nhất định. Chiếc iPhone mà ở đây là dòng 5C ấy được can thiệp và khóa mạng máy lại, chiếc iPhone chỉ có thể hoạt động với sim của riêng nhà mạng này. Máy có được bán ra thì các sim của nhà mạng khác cũng không thể sử dụng được. Vì thế, mỗi chiếc máy iPhone khóa mạng bán ra chính là chiếc máy đã có người ký thỏa thuận sử dụng, dù ở quốc gia nào, của nhà mạng nào. Đã là một chiếc máy có người sử dụng thì khi tuồn về Việt Nam đây chính là mặt hàng bị cấm nhập khẩu, có được quảng cáo là "như mới 98%" thì món hàng này vẫn không thể nhập chính ngạch.

Khi được quảng cáo là hàng xách tay, tức người dùng mang về nước và để lại Việt Nam, thật khó hình dung hàng ngàn hay hàng chục ngàn người đã đăng ký sử dụng hết thời gian hợp đồng hay phá vỡ hợp đồng để bán lại chiếc máy với giá rẻ ở thị trường Việt. Theo các chủ cửa hàng bán iPhone bản khóa mạng này thì đây là hàng được các thương lái thu gom ở các đầu mối tại Hồng Kông và chuyển về Việt Nam theo ngả Trung Quốc. Phần lớn là các bản khóa mạng của nhà mạng Docomo-nhà mạng lớn nhất Nhật Bản, một số ít khác là hàng của các nhà mạng Mỹ như AT&T hay Verizon. Với khối lượng máy khổng lồ đang bán ra trên thị trường, có thể dễ dàng hình dung các chuyến đánh hàng lậu lớn và đường chân rết phân phối khắp các tỉnh thành.

Lừa 2, 3 lớp

Khi công khai bàn cách sử dụng cho hiệu quả các bản khóa mạng này, người dùng đang bàn đến việc sử dụng hàng lậu, thứ hàng đang khiến nền kinh tế Việt Nam gặp khó khăn. Khi công khai quảng cáo, bày bán hàng khóa mạng này, người bán đang công khai thực hiện một hành vi trái pháp luật có thể trả giá bằng nhiều năm tù giam. Nhưng sự "lạ" chưa dừng lại ở đó.

Như đã nói, các phiên bản máy khóa mạng này hoặc là các máy đã dùng hết thời gian hợp đồng hoặc là các máy ký khống với nhà mạng để mua giá rẻ và tuồn ra "gỡ gạc". Với các máy đã hết hạn hợp đồng-thông thường là gói 2 năm, thì sự mới 98% quảng cáo là không tưởng, máy cũng đã khấu hao phần lớn giá trị rồi. Với các máy được tuồn ra sau khi ký hợp đồng, đó là người mua đi bán lại, lẫn người sử dụng đã vi phạm các điều khoản trong việc ký kết với các nhà mạng bản địa. Để có được chiếc máy rẻ, người ta xem nhẹ cả cam kết của bản thân và phá vỡ các giao ước bằng biện pháp kỹ thuật.

Để có thể sử dụng được bản khóa mạng này, người dùng có 2 cách: mua các mã mở khóa của nhà mạng sở hữu máy-việc này khá tốn kém và ngày càng khó thực hiện, các trang rao trên mạng cho thấy phải mất 2 - 5 triệu đồng để có thể để bản khóa mạng trở thành bản quốc tế, tức sử dụng được mọi loại sim. Cách thứ 2 đơn giản và rẻ tiền hơn, người dùng sử dụng sim ghép. Các sim ghép này thường được nơi bán máy khóa mạng "khuyến mãi" luôn cho khách hàng hoặc bán chỉ với giá khoảng 200 ngàn đồng. Sim ghép thực chất là một bản mạch nhỏ dùng để đính kèm với sim nano của nhà mạng cần dùng, việc can thiệp này giúp đánh lừa máy nhằm để máy khóa mạng nhận diện và sử dụng được các nhà mạng khác. Loại sim Heicard là loại được sử dụng phổ biến nhất cho việc đánh lừa này hiện nay. Loại sáng tạo để đánh lừa này, tất nhiên, cũng đến từ ngả nhập máy lậu, Trung Quốc. Ngoài việc phải lừa cả chính thiết bị mình bỏ tiền ra mua để có thể sử dụng được, người dùng phải đối mặt nhiều vấn đề như sóng chập chờn, hao pin, lỗi danh bạ, không nạp tiền theo cách thông thường được… và cả nguy cơ về bảo mật như với các thiết bị phần cứng không rõ nguồn gốc có xuất xứ từ Trung Quốc.

Dư vị khó tả

Bất chấp tất cả những phiền toái khi sử dụng đó, bất chấp cả việc đang biến mình thành kẻ phạm pháp khi bán và mua hàng lậu, để có được chiếc iPhone giá chỉ rẻ hơn cùng loại chính hãng chỉ khoảng 2-3 triệu đồng, khá nhiều người dùng chấp nhận. Ngay cả khi ngân sách dành cho việc mua điện thoại của người dùng chỉ dừng ở mức mua được hàng lậu khóa mạng thì vẫn còn hàng loạt lựa chọn khác cho họ, những sản phẩm được nhập khẩu đúng quy trình thuế quan, có đóng góp cho ngân sách, đảm bảo về chất lượng sử dụng cũng như dịch vụ. Một người dùng thông minh không phải là người dùng có thể vượt rào pháp luật để kiếm 1 số lợi ít ỏi, người dùng thông minh là người với số tiền ấy có thể tìm cho mình một sản phẩm không đem lại rắc rối cho mình ở mặt pháp lý và không đẩy mình vào các tình huống khó khăn không đáng có khi sử dụng.

Câu chuyện bị trừ tiền âm thầm của người sử dụng iPhone 5C bản khóa mạng chỉ là một phần rủi ro nhỏ mà người dùng khi quyết định lựa chọn sử dụng hàng lậu phải chấp nhận, không có gì đáng để lên án hay phàn nàn.

Chỉ có việc tại sao trong một thời gian ngắn một khối lượng iPhone đã qua sử dụng khổng lồ như vậy có thể đi lậu qua biên giới trót lọt và bày bán công khai, quảng cáo khắp các cửa hàng trên cả nước và cả trên internet mà không gợi sự chú ý của cơ quan chức năng nào? Tại sao người bán và người mua có thể "hồn nhiên" đến như thế với một thiết bị di động xuất hiện từ việc làm trái pháp luật, dường như không ai nghĩ rằng mua bán, sử dụng hàng rác thải điện tử nhập lậu là phạm pháp? Những câu hỏi để lại một thứ dư vị khó tả, thứ dư vị không dễ chịu gì đối với những người sản xuất và người dùng chân chính, luôn muốn làm đúng pháp luật!

PHAN THÀNH

Chủ đề khác