VnReview
Hà Nội

Người dùng quen xài chùa, cơ hội nào cho Spotify tại Việt Nam?

Dịch vụ âm nhạc Spotify vừa chính thức vào Việt Nam đã gây xôn xao trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội cho tới các trang tin lớn. Nhưng với thói quen "xài chùa" của nhiều người Việt cũng như các ứng dụng đối thủ đã tồn tại từ lâu, liệu Spotify có cơ hội nào?

> Mục tiêu của Spotify ở Việt Nam là thay đổi thói quen nghe "nhạc lậu"

Trước đó, Apple Music cũng là một ứng dụng nghe nhạc nổi tiếng của nước ngoài nhảy vào Việt Nam và ít nhiều gây được sự chú ý của cộng đồng người nghe nhạc trong nước. Tuy nhiên, thứ mà Apple Music mang đến chủ yếu là dành cho tín đồ của iOS hơn là tín đồ âm nhạc đại chúng. Đơn giản là vì Apple chỉ Việt hóa ứng dụng và cho phép người Việt thanh toán để sử dụng Apple Music, chứ không thực sự dành nhiều sự quan tâm để đưa âm nhạc Việt Nam lên thư viện của họ. Đó cũng là cơ hội cho Spotify, hãng đã dành thời gian 6 tháng để thuê biên tập viên âm nhạc người Việt làm việc tại TP.HCM để đưa các bài hát Việt lên kho nhạc Spotify trước khi ứng dụng này ra mắt tại Việt Nam vào ngày 13/3 vừa qua. Tuy nhiên, đối thủ của Spotify tại Việt Nam không chỉ là Apple Music...

Giải mã bài toán thay đổi thói quen người dùng

Thực tế đáng buồn là đa số người dùng Internet Việt Nam vẫn còn thói quen "xài chùa" (sản phẩm không có bản quyền, sản phẩm bẻ khóa,...), bao gồm cả phần mềm, phim ảnh và đặc biệt là âm nhạc. Đến ngay cả những dịch vụ nghe nhạc trực tuyến nổi tiếng nhất tại Việt Nam như Zing MP3, Nhaccuatui,... cũng từng gặp các scandal liên quan tới vi phạm bản quyền âm nhạc. Đây có lẽ là rào cản lớn nhất với Spotify khi thâm nhập thị trường Việt Nam.

Với những người sẵn sàng trả tiền để nghe nhạc từ Spotify, thì khả năng thanh toán khi đăng ký dịch vụ lại đang là một trở ngại. Mức giá thuê bao hàng tháng của Spotify là 59.000 đồng, bằng với Apple Music (gói tiêu chuẩn) nhưng lại chỉ có thể thanh toán qua thẻ tín dụng, khiến dịch vụ này khó tiếp cận tới phần đông người dùng Việt - vốn không có thói quen thanh toán qua thẻ tín dụng (dù có thể họ đã sở hữu thẻ), đặc biệt là đối tượng trẻ. Một số khách hàng cho biết họ sở hữu thẻ Visa do Vietcombank phát hành mà vẫn không thể nào thanh toán được. Trong khi đó, tại nhiều thị trường khác, Spotify còn có thêm hình thức bán thẻ nạp tại siêu thị hoặc cung cấp các gói đa dạng với giá tốt hơn cho gia đình (Family) cũng như sinh viên (Student). Hy vọng Spotify sẽ sớm khắc phục điều này.

Thách thức tiếp theo đến từ nguồn nhạc Việt trên Spotify: hiện vẫn chưa thực sự phong phú, đa dạng khi một số bài nhạc mới không xuất hiện trên nền tảng này. Chẳng hạn như các bản nhạc underground đang được giới trẻ ưa chuộng, bạn sẽ không thể tìm thấy bài "Đưa nhau đi trốn" của Linh Cáo trên Spotify vào thời điểm này. Nguyên nhân lớn nhất có thể liên quan tới bản quyền khi các dịch vụ nội muốn cung cấp nội dung độc quyền. Thêm vào đó, một số bài hát cũ, nhạc underground có chất lượng kém, bị trùng lặp hay sai tên người hát đến từ chính ý thức sở hữu, chất lượng thu âm chưa chuyên nghiệp từ một số nghệ sỹ những năm trước đây.

Spotify mua bản quyền nhạc qua cả các hãng thu âm (studio) nhỏ và nghệ sĩ độc lập tại Việt Nam nên đôi khi Spotify dễ bị dính tới vấn đề sai sót về bản quyền. Nên nhớ, các bản nhạc underground thời kỳ 2010 thường khó tìm được bản gốc và chất lượng cao để người nghe hiện nay so sánh và phân biệt. Lý do là giai đoạn đó hầu hết là miễn phí và bán cũng chả có người mua, nên có rất nhiều bản nhạc thời đó rơi vào cảnh "tam sao thất bản", giống như cách mà các trang nhạc tự đánh dấu, thêm credit vào các bản nhạc mà họ tải lên, chẳng hạn như vụ nghe nhạc từ Spotify lại thấy giọng nói đánh dầu chủ quyền từ;Sonhai như một bài báo mới đây đề cập, khiến Spotify khó kiểm chứng khi mà cả hai bên đều tuyên bố họ giữ bản quyền bài hát.

Cơ hội của Spotify và cũng là cơ hội cho người nghe nhạc trong nước

Bảng giá của Apple Music tại Việt Nam

Không có sẵn lượng người dùng hệ sinh thái iOS để lôi kéo như Apple Music, cũng không có thêm các bản Student hay Family như ứng dụng nghe nhạc của Apple, Spotify sẽ phải nỗ lực hết mình để thuyết phục người dùng chuyển qua nền tảng nghe nhạc của họ, dù đó là bản tính phí hay miễn phí. May thay, Spotify đã có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng về mặt truyền thông lẫn nội dung, thông qua việc nỗ lực đưa các bản nhạc Việt lên thư viện của họ.

Thế nhưng, bất chấp có Apple Music thì người dùng trong nước vẫn có thói quen lên các nguồn nhạc lớn như Zing MP3 hay Nhaccuatui cùng hàng tá trang web nhỏ lẻ khác để nghe nhạc giải trí, dựa vào hệ sinh thái của Zing hay tên miền dễ nhớ Nhaccuatui cùng kho nhạc Việt phong phú. Tuy nhiên, cả Zing MP3 hay Nhaccuatui đều dính hàng loạt scandal về bản quyền và nội dung chủ yếu được người dùng tải lên cũng như các bài hát được thường upscale chứ không phải là chất lượng cao thực sự, nên chúng ta vẫn không thể xếp hai nguồn nhạc này vào chung hàng với các nhà cung cấp nhạc có bản quyền uy tín thực sự, kể cả khi dùng tài khoản VIP của Zing hay Nhaccuatui đi chăng nữa.

Quay trở lại với thói quen, phải nói ngay từ đầu rằng Spotify không có trách nhiệm hay sứ mệnh phải thay đổi thói quen nghe nhạc lậu của người Việt, mà trách nhiệm đó thuộc về chính chúng ta, chính người nghe nhạc Việt Nam và khi Spotify - một ứng dụng nghe nhạc có bản quyền nhảy vào Việt Nam cùng bản miễn phí bên cạnh bản tính phí thì đây chính là cơ hội cho chúng ta. Giờ đây, Spotify được kỳ vọng sẽ thay đổi được thói quen xấu đó, giống như các nhà làm luật từng thay đổi thói quen "không đội mũ bảo hiểm" khi đi xe gắn máy của người Việt. Nói cách khác, bạn có thể thoát khỏi mác "nghe nhạc lậu" dễ dàng khi xài Spotify... bản miễn phí. Nếu muốn nghe nguồn nhạc ngoại phong phú, rõ ràng Spotify là một lựa chọn không tồi.

Trên phương diện một người dùng Spotify hơn hai năm, anh Cù Đình Kiên hiện đang là sinh viên tại Đại học RMIT ở TP.HCM chia sẻ với VnReview.vn: "Tôi đánh giá cao dịch vụ nghe nhạc này với những điểm mạnh sau: Thứ nhất, Spotify cho phép stream nhạc với tốc độ vô cùng nhanh, gần như không mất thời gian tải dù sử dụng ở bất cứ quốc gia nào. Thậm chí, việc chuyển đổi thiết bị, nghe tiếp bài hát gần như không bị ngắt quãng và rất mượt mà. Ưu điểm thứ hai của Spotify là nguồn nhạc mới được cập nhật rất nhanh, đầy đủ, hệ thống machine learning gợi ý nhạc rất ưng ý, đáp ứng tốt nhu cầu của một người thích nghe nhạc ngoại. Điểm cộng cuối cùng khiến nền tảng này áp đảo Apple Music chính là khả năng hỗ trợ rất nhiều thiết bị, từ iOS, Android, TV, PC, Mac cho tới cả máy chơi game PS4".

Giao diện của ứng dụng nghe nhạc Spotify

Bên cạnh đó, không thể phủ nhận Spotify có những lợi thế riêng về giao diện người dùng (UI) và nhất là kho nhạc và playlist phong phú cũng như khả năng chia sẻ nhạc tiện lợi. Với kiểu chơi nhạc dựa theo danh sách gợi ý và có sẵn từ những người khác như Spotify đề xuất, bạn có thể tự chọn một playlist để nghe giải khuây kể cả lúc... không biết nghe gì!

Một tháng miễn phí tài khoản Premium để kiểm chứng?

Ý thức được khó khăn nên bản thân Spotify coi việc mở rộng thị trường với các nước đang phát triển như Việt Nam sẽ giúp làm phong thú thư viện của họ hơn là chú trọng về doanh thu. Hơn nữa, một tháng miễn phí tài khoản Premium cho người dùng mới có lẽ chính là khoảng thời gian thử thách dành cho Spotify tại Việt Nam và cũng là dịp để "nhìn nhận cơ hội thay đổi thói quen nghe nhạc bản quyền của người Việt" như bà Sunita Kaur - Giám đốc điều hành của Spotify khu vực châu Á - từng chia sẻ tại buổi ra mắt ở Việt Nam. Đối với người chuộng nhạc ngoại, đây là dịch vụ nghe nhạc có thể coi là hoàn hảo. Nhưng Spotify sẽ còn phải nỗ lực hơn nhiều để chiều theo thị hiếu của người nghe nhạc Việt, đặc biệt là đối tượng người dùng trẻ.

TM

Chủ đề khác