VnReview
Hà Nội

Tàu ngầm Trường Sa "đại tu" toàn diện, ra biển cuối tháng 7

Do chân vịt bị hỏng sau cuộc thử nghiệm ở cảng biển Diêm Điền (Thái Bình), ông Nguyễn Quốc Hòa, cha đẻ tàu ngầm Trường Sa 01 đã cho nghiên cứu và thiết kế lại gần như toàn bộ hệ thống vận hành của con tàu nhằm chuẩn bị cho lần ra biển tiếp theo.

Trao đổi với phóng viên VnReview sáng 23/7, ông Nguyễn Quốc Hòa, chủ nhân của tàu ngầm Trường Sa 01 cho hay, ngoài sự cố gãy chân vịt, ông cũng phát hiện thêm các số lỗi kỹ thuật còn tồn tại ở chiều hướng lái, thông tin liên lạc và đã thực hiện nhiều cải tiến cho tàu ngầm Trường Sa 01.

Về nội thất, điều dễ nhận thấy đầu tiên là hệ thống điều khiển tàu đã được tập trung lại và sắp xếp cho gọn gàng hơn. "Trước đây người lái tàu phải di chuyển xung quanh khoang lái do các đồng hồ, bảng điều khiển được bố trí khắp con tàu, nhưng nay thì thủy thủ trên tàu chỉ cần đứng một chỗ là có thể quan sát và điều khiển tàu, giống như ngồi lái ô tô", ông Nguyễn Quốc Hòa hào hứng chia sẻ.

Có rất nhiều đồng hồ điều khiển và mỗi chỉ số đều cần có sự theo dõi một cách chặt chẽ và thường xuyên. Ảnh Đất Việt

Hệ thống tuần hoàn khí sử dụng công nghệ AIP cũng được các kỹ sư của công ty cơ khí Quốc Hòa giảm từ 4 bình xử lý khí thải (dung tích 2m3) xuống còn 2 bình (dung tích; m3). Lý giải cho điều chỉnh này, ông Hòa cho biết việc giảm số lượng bình xử lý khí thải sẽ giúp tàu có thêm diện tích để lắp đặt thêm máy tính điều khiển, bộ phận phát điện và cả… hệ thống điều hòa loại dành cho xe hơi 7 chỗ. Bên cạnh đó, điều chỉnh này cũng giúp tàu ngầm Trường Sa 01 có thể mang tối đa 4 thủy thủ, thay vì một người như trước kia.

"Việc giảm bình xử lý khí thải này không làm giảm sức mạnh của tàu ngầm Trường Sa 01, tàu vẫn lặn được sâu 50m, vẫn hoạt động tốt trong bán kính 800km tuy nhiên thời gian lặn sẽ giảm xuống một nửa so với trước. Hiện tàu chỉ lặn được trong khoảng 2 - 2,5 giờ", ông Hòa nói.

Tàu ngầm Trường Sa 01 sẽ không dùng 4 bình xử lý khí thải như trước kia

Có lẽ, thay đổi quan trọng nhất của tàu ngầm Trường Sa 01 là việc được trang bị thêm cảm biến đo nồng độ khí Oxi cho động cơ đốt trong. Nguyên lý của động cơ đốt trong là sử dụng lực đẩy do nhiên liệu cháy nổ (ở đây là ô-xy) để đẩy pittông bên trong xi – lanh. Để tàu vận hành, trước đây người lái tàu cần linh hoạt điều chỉnh tăng/giảm lượng ô-xy bằng cách nghe tiếng của động cơ. Việc trang bị cảm biến khí ô-xy vừa giảm tối đa sự cố cháy, nổ, vừa tăng tính ổn định cho động cơ tàu ngầm.

"Tuy chỉ nhỏ bằng ngón tay cái và dài khoảng 10 cm nhưng cảm biến theo dõi nồng độ khí Oxi này được nhập khẩu từ Hàn Quốc, giá hiện hơn 100 triệu đồng", chủ nhân tàu ngầm Trường Sa tiết lộ với VnReview.

Về thiết kế bên ngoài, nếu trước đây, tàu chỉ có hai chân vịt phía sau, thì hiện đã được trang bị thêm hai chân vịt nữa ở mũi tàu. Điều này cho phép Trường Sa 01 giữ cân bằng tốt hơn cũng như có thể linh hoạt trong việc đổi hướng, đối mặt với dòng hải lưu mạnh.

Tàu ngầm Trường Sa mini có thêm bánh lái ở phía mũi tàu. Ảnh VnExpress

Do tất cả thiết bị mới đều được nhập khẩu từ nước ngoài nên theo ước tính, tổng chi phí cho lần "đại tu" này của tàu ngầm Made in Vietnam rơi vào khoảng 500 triệu. Theo dự kiến tàu ngầm Trường Sa 01 sẽ được đưa đi thử nghiệm tại cảng Diêm Điền cuối tháng 7.

VnReview sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về tàu ngầm Trường Sa 01 và nếu điều kiện kỹ thuật cho phép, VnReview sẽ truyền hình ảnh trực tiếp tàu ngầm Trường Sa 01 thử nghiệm lặn biển sắp tới. Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi.

Tin liên quan:

Tàu ngầm Trường Sa đã lặn dưới biển 30 phút!

Vì sao Bộ KH&CN không cấp phép thử nghiệm tàu ngầm Trường Sa 01?

Tàu ngầm Trường Sa thay áo mới, chuẩn bị ra biển

GL

Chủ đề khác