VnReview
Hà Nội

GS Ngô Bảo Châu: Cần mạnh về KHCN để bảo vệ độc lập và tự chủ

Việt Nam "đội sổ" khi nằm ở vị trí một trong những quốc gia đóng góp ít nhất cho sự phát triển nhân loại và cả đóng góp;khoa học công nghệ. Để có thêm góc nhìn về kết quả này, VnReview đã có cuộc trao đổi ngắn với giáo sư Ngô Bảo Châu bên lề cuộc thi Hackathon Vietnam 2014 phía Nam vừa diễn ra tại TP.HCM cuối tuần qua.

GS Ngô Bảo Châu: Cần mạnh về KHCN để bảo vệ độc lập và tự chủ

Như các bạn đã biết, theo kết quả khảo sát này, Việt Nam xếp hạng 124/125 trong số các quốc gia đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển của nhân loại, với các chỉ số khá thấp như khí hậu 123/125, sức khỏe và phúc lợi 111/125. Trong khi ở lĩnh vực được coi là "tự hào" này thì Việt Nam cũng đứng thứ 89/125 trong lĩnh vực khoa học công nghệ (KHCN), một vị trí vô thưởng vô phạt và tầm thường nếu như không nói là yếu kém.  

Khi được hỏi về vị trí trong bảng xếp hạng thì GS. Châu nhận định: "Tôi nghĩ vị trí trên bảng xếp hạng phản ánh tương đối đúng với thực trạng KHCN của Việt Nam". Mâu thuẫn nằm ở chỗ, trong các cuộc thi tầm quốc tế ở các bộ môn cơ bản như toán học, hóa học hay vật lý, Việt Nam thường đạt kết quả cao và bản thân chúng ta vẫn hay tự hào vì "người Việt Nam cần cù và hiếu học", nhận xét về sự mâu thuẫn này GS. Ngô Bảo Châu cho rằng, "tri thức chúng ta vẫn chưa được khai thác và phát huy đúng tầm, và kết quả này nói lên trí tuệ của chúng ta hiện đang nằm ở dạng tiềm năng".

GS Ngô Bảo Châu: Cần mạnh về KHCN để bảo vệ độc lập và tự chủ

Quay lại với bài viết trước, trong cuộc trao đổi với Bộ trưởng bộ KH&CN Nguyễn Quân, Bộ trưởng chia sẻ với VnReview rằng, "Nếu nhìn vào thành tựu KHCN thì chúng ta không hề thấp, trong số 37 nước có mức thu nhập trung bình thấp như Việt Nam thì có tới 30 nước còn xếp hạng sau chúng ta".

Về nhận định có phần "tự hào" trên của Bộ Trưởng, GS Ngô Bảo Châu cho rằng, "Đúng là khi nói về trí tuệ người Việt Nam nói chung, chúng ta không có gì phải xấu hổ cả. Rất nhiều người Việt khi ra nước ngoài đã được học ở các trường đại học tốt và sau đó được đi làm ở các công ty và cơ sở tốt, phát huy được tiềm năng trí tuệ và KHCN của họ. Đáng tiếc là ở Việt Nam, chúng ta chưa làm được điều đó.

Đó là hiện thực cho thấy, chúng ta phải cùng bắt tay nhau lại để làm cho nó tốt hơn, bởi đó là tương lai, tương lai của thế giới chính là KHCN. Đất nước không chỉ cần giàu có mà còn cần hùng mạnh để bảo vệ độc lập tự chủ của mình, mà để có được điều đó thì cần phải mạnh về cả KHCN, điều này không chỉ đúng với chúng ta mà còn là xu hướng chung của thế giới".

Chúng ta cần thêm những cuộc thi gắn liền với thực tiễn như Hackathon Việt Nam 2014

Vậy để cải thiện vị trí trong bảng xếp hạng này nói riêng và cái lớn hơn là để thay đổi chất lượng và thực trạng KHCN của Việt Nam nói chung, chúng ta cần phải làm những gì? GS. Ngô Bảo Châu cho rằng, "để nâng cao chất lượng trong KHCN thì đầu tư về tài chính là cần thiết, nhưng cần thiết hơn cả tài chính chính là cơ cấu và đổi mới các chính sách về cơ chế, về tổ chức làm việc. Cách mà chúng ta tổ chức hệ thống khoa học hiện nay đang có rất nhiều vấn đề.

Làm khoa học và nhất là trong khoa học ứng dụng thì không phải do một ai đó đơn lẻ thông minh và có rất nhiều tiền là có thể làm đâu, mà sẽ cần cả một team (đội ngũ) từ nghiên cứu cơ bản cho đến nghiên cứu thực tiễn, từ việc đo đạc số liệu cho đến triển khai áp dụng là cả một hệ thống cần phải triển khai, setup (thiết lập) và xây dựng. Chúng ta chưa có kinh nghiệm để tổ chức công việc kiểu này và cũng chưa có workflow (quy trình làm việc), các cơ chế hiện tại cũng đang cản trở việc xây dựng workflow đó". 

Có thể nói, đổi mới cơ chế là yêu cầu cấp thiết hiện nay bên cạnh những nhu cầu cơ bản khác như đầu tư về nguồn lực tài chính hay thu nạp nhân tài vào những vị trí cốt cán trong lĩnh vực KHCN. Hy vọng rằng những nhà lãnh đạo có tâm và có tầm sẽ sớm nhận ra và đưa ra những quyết sách đúng đắn để dần thay đổi thực trạng đáng buồn hiện nay, không chỉ trong KHCN mà trong nhiều lĩnh vực khác, đó cũng là tâm niệm của GS. Ngô Bảo Châu và những nhà khoa học có tâm huyết đang quan tâm tới độc lập tự chủ và tương lai của đất nước.

Bài liên quan:

Việt Nam đóng góp ít nhất cho sự phát triển toàn cầu

Trí tuệ Việt Nam hơn hẳn các nước thu nhập trung bình thấp

 

Hữu Thắng

Chủ đề khác