VnReview
Hà Nội

Mỹ tiết lộ lý do siêu phi cơ F-35 bị "nướng chín" khi đang cất cánh

Một sự cố tai nạn tiêu tốn tới 50 triệu USD xảy ra cách đây một năm đã khiến cho toàn bộ các máy bay F-35A bị "trùm mền" vì lý do an toàn. Sau một năm điều tra, các nhà chức trách Mỹ đã tiết lộ nguyên nhân của vụ việc.

Chiếc F-35A bị cháy phần đuôi khi cất cánh từ căn cứ;Eglin

Vụ tai nạn diễn ra vào ngày 23/6/2014, tại căn cứ không quân Eglin, Florida (Mỹ). Một chiếc F-35A thuộc Đội Tiêm kích số 58 bị bốc cháy ở phần đuôi máy bay khi đang cất cánh. Viên phi công đã ngưng được chiếc máy bay và rời khỏi hiện trường. Đội cứu nạn khẩn cấp đã có mặt và dập tắt đám cháy. Ngay sau đó, các tiêm kích F-35A khác đã bị "đắp chiếu" vì lý do an toàn. Thậm chí phát ngôn viên của Không quân Mỹ còn đề nghị chỉ huy các căn cứ Patuxent, Maryland và Eglin cho "trùm mền" F-35C nếu cần thiết.

Và nguyên nhân vụ việc đã được tiết lộ, theo bản báo cáo của Hội đồng Điều tra Tai nạn thuộc Trung tâm Huấn luyện và Đào tạo Hàng không (AETC) của Mỹ. Theo đó, một cánh tay tích hợp nằm trong rotor quay đã bị nứt và gãy ra trong khi chiếc F-35A cất cánh. Mảnh vỡ này đã cắt xuyên qua lồng cánh quạt trong động cơ, khoang động cơ cũng như bình nhiên liệu nằm trong thân máy bay và hệ thống thuỷ lực. Sau cùng nó văng ra ngoài ở vị trí phần trên thân máy bay. Vết cắt mà nó tạo ra đã tạo điều kiện của cho nhiên liệu rò rỉ, dẫn tới bắt lửa và làm cháy xém 2/3 cỗ máy trị giá gần 100 triệu USD.

Tổng thiệt hại của vụ việc ước tính hơn 50 triệu USD, theo báo cáo của AETC.

2/3 chiếc máy bay đã bị "nướng"

Vì sao nên nỗi?

F-35 Lightning II là thế hệ tiêm kích đa nhiệm (multirole fighter) tàng hình thứ 2 được phát triển bởi Mỹ. Mặc dù là phiên bản ra sau nhưng so sánh về tính năng và hiệu quả chiến đấu, F-35 thua kém nhiều đàn anh F-22 Raptor. Trong khi F-22 được thiết kế để chiếm ưu thế trên không tuyệt đối (air dominance) thì F-35 chỉ nhằm để tấn công bất ngờ các mục tiêu mặt đất (air to ground lethality). Tốc độ tối đa, trần bay cũng như khả năng mang vác vũ khí của F-35 đều thua kém so với F-22.

Một trong các nguyên nhân chính của việc "thua chị kém em" là này F-22 chỉ được dùng duy nhất bởi quân đội Mỹ. Raptor hoàn toàn không có phiên bản xuất khẩu và bất kể các quốc gia "thân" Mỹ đến mức nào, họ cũng không được phép sở hữu chiếc tiêm kích này. Còn Lightning II là phiên bản "rẻ tiền" và "cấp thấp" hơn cũng như phục vụ cho "xuất khẩu". Trong khi chi phí của F-22 lên đến 150 triệu USD thì F-35 chỉ vào khoảng 100 triệu USD (tuỳ phiên bản). Chính sách này tương tự như "monkey model" mà Nga vẫn áp dụng xưa nay cho các vũ khí xuất khẩu - phiên bản xuất khẩu không bao giờ có chất lượng bằng "hàng trung ương".

F-35 thua kém F-22 về mọi mặt

Và điều này không quá khó hiểu. Cả Nga và Mỹ đều không muốn một nước thứ ba nào khác sở hữu được thứ vũ khí tốt hơn mình đang có. Đặc biệt nếu món vũ khí đó được một nước thứ tư (đối đầu) mua lại từ các quốc gia đồng minh, các bí mật công nghệ có thể bị khám phá và đối phương có thể tìm ra cách khắc chế. Lấy ví dụ nếu Nga có được F-22, họ có thể biết được loại sóng điện từ nào mà F-22 không thể "tàng hình" và phát triển loại radar tương ứng để "bắt sóng" Raptor, khiến cho F-22 không thể tung hoành được như trước. Trong khi đó F-35 vốn thua kém F-22, kể cả có bị Nga phát hiện cũng vẫn không đe doạ được không quân Mỹ vì F-22 mới là "xương sống" của lực lượng này.

Song vì F-22 có chi phí sản xuất đắt đỏ, việc trang bị hàng loạt cho mọi binh chủng với số lượng lớn sẽ gặp khó khăn vì ngân sách có hạn. Do vậy mà quân đội Mỹ vẫn đặt hàng số lượng lớn F-35 để dùng thay. Dự tính Không quân Mỹ sẽ mua tới 1.763 chiếc F-35A (phiên bản cất cánh bình thường), Lính thuỷ đánh bộ Mỹ mua 420 chiếc F-35B/C (B là phiên bản cất cánh thẳng đứng như trực thăng, C là phiên bản giống A với cánh xếp được thích hợp cho tàu sân bay) và Hải quân Mỹ mua 260 chiếc F-35C.

Từ trái qua - F-35A, B và C

Từ xa tới gần - F-35A, B và C

Tuy vậy, sau sự cố tai nạn trên (mặc dù chưa cất cánh nhưng thiệt hại đã hơn 1/2 giá trị chiếc máy bay), chương trình huấn luyện bay dựa trên F-35A đã bị hoãn lại. Nhiều nhà làm luật tại Đồi Capitol sử dụng đó như một ví dụ trong kế hoạch triển khai F-35. Nhiều người muốn xem xét vấn đề động cơ của con chim sắt và thậm chí ý kiến về việc cho phép các đối thủ của Lockheed Martin được cung cấp động cơ cho F-35. Ngay trong nội bộ nước này cũng đã có nhiều cuộc tranh cãi về vấn đề chi phí của F-35, về việc nên hay không tiếp tục rót ngân sách cho Lockheed Martin phát triển tiếp.

Chưa kể nhiều quốc gia đồng minh của Mỹ cũng tỏ ra hoài nghi về model này. Ví như Canada quan ngại vấn đề F-35 chỉ có 1 động cơ và nếu chẳng may cỗ máy này bị hỏng động cơ khi đang bay, đó sẽ là thảm hoạ. Nhiều chiến đấu cơ khác như F-15, F-18 có đến 2 động cơ nên trong trường hợp bị mất 1 động cơ, phi công vẫn có thể tiếp tục điều khiển máy bay về căn cứ để sửa chữa. Điều đặc biệt hơn là chi phí phát triển F-35 còn có sự đóng góp của nhiều nước NATO và đồng minh của Mỹ. Song khi chi phí của con chim sắt tăng đột biến, một số nước đã "doạ" sẽ "xem xét" lại việc đặt hàng thêm sản phẩm này của Lockheed Martin.

Động cơ của F-35A, cội nguồn vụ việc

Nên xem chừng, số phận của "vịt bay" F-35 vẫn khá long đong, đặc biệt sau sự cố tai nạn vừa rồi. Vấn đề động cơ có thể sẽ lại làm tăng thêm chi phí phát triển và rất có thể nhiều nước sẽ "nghỉ chơi".

Huyền Thế

Theo AirForceTimes và Wikipedia

Chủ đề khác