VnReview
Hà Nội

Điểm danh những vũ khí của cuộc "Chiến Tranh Lạnh mới"

Chiến Tranh Lạnh (Cold War) là một giai đoạn đặc biệt trong lịch sử nhân loại hiện đại. Cuộc chiến "không chính thức" này đã kéo theo cuộc chạy vũ trang của 2 khối quân sự lớn nhất thế kỷ 20. Gần 1/4 thế kỷ trôi qua sau khi cuộc chiến này kết thúc, dường như thế giới đang chuẩn bị bước vào cuộc chiến thứ 2 khác.

7 năm sau khi Chiến Tranh Lạnh bắt đầu, Mỹ đưa quân đến đồn trú tại châu Âu để ngăn ngừa "làn sóng đỏ" bao phủ hết cựu lục địa. Và 24 năm sau khi cuộc chiến này kết thúc, siêu cường này lại một lần nữa triển khai vũ khí hạng nặng ở bờ đông châu Âu, đặc biệt ở các nước Baltic. Dù vậy, có vẻ ở lần này, phía Nga (trước đây là Liên Xô) không vội vàng như trước.

Trong cuộc Chiến Tranh Lạnh đầu tiên, khối NATO do Mỹ dẫn đầu nhìn chằm chặp vào nhất cử nhất động của các quốc gia theo hiệp ước Warsaw do Liên Xô dẫn đầu. Trong một giai đoạn kéo dài suốt 40 năm, châu Âu bị chia rẽ thành 2 trại lính khổng lồ đối lập nhau. Thậm chí đỉnh cao của cuộc chiến không chính thức này là cuộc tranh đua tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của cả 2 khối, nhằm mục đích huỷ diệt toàn bộ đối phương trong trường hợp cần thiết. Đã có lúc cả 2 phe chỉ chực chờ bên kia nổ súng là cả hành tinh sẽ chìm trong khói lửa...

ICBM

May thay, điều tệ hại đó đã không xảy ra.

Vào những năm đầu 90 của thế kỷ trước, Liên Xô sụp đổ và Chiến Tranh Lạnh kết thúc, tất nhiên là trong sự hân hoan của liên minh do Mỹ dẫn đầu. Mỹ trở thành siêu cường quân sự lớn nhất thế giới khi không còn đối thủ cạnh tranh. Khối NATO mở rộng, kết nạp thêm thành viên mới. Trong số đó có cả các nước từng thuộc hiệp ước Warsaw thậm chí cả các nước tách ra từ Liên Xô cũ.

Nhưng nước Nga không lụi tàn. Cựu nhân viên KGB, Vladimir Putin, trở thành tổng thống nước này trong suốt 2 nhiệm kỳ từ 2000 - 2008. Tiếp đó ông trở thành thủ tướng trong nhiệm kỳ 2009 - 2012. Từ 2013, ông có tiếp nhiệm kỳ tổng thống Nga lần 3. Trong suốt 15 năm Putin lãnh đạo, "con gấu" Nga đã thức dậy trở lại sau đêm dài ngủ quên vì Chiến Tranh Lạnh. Nga đã đưa quân vào quốc gia láng giềng Georgia ở phía nam và mới đây, mở rộng tiếp lãnh thổ của mình về phía tây sau khi sát nhập một phần diện tích Ukraine, nơi có những người ủng hộ Nga.

Có vẻ như, ý thức hệ không phải là vấn đề chính. Nó vẫn chỉ là những cuộc xung đột lợi ích giữa các cường quốc như thế giới đã từng chứng kiến trong Chiến tranh thế giới lần thứ 1 (WW1) và Chiến tranh thế giới lần 2 (WW2). Và liệu chăng một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới đang bắt đầu?

Song nhiều năm đã trôi qua và các khí tài quân sự đã thay đổi nhiều. Chúng ta hãy thử điểm qua những thay đổi trên và thử xem liệu nếu cuộc chiến "không chính thức" mới nổ ra, cả 2 phe Nga - Mỹ đang có những vũ khí nào để "cân sức".

Mỹ trước đây: Xe tăng M1 Abrams

M1 Abrams

Xuất hiện mờ nhạt trong;Chiến tranh thế giới lần thứ 1 nhưng trở thành những cỗ máy chiến tranh đáng sợ trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2, xe tăng trở thành một trong những cuộc chạy đua về lực lượng giữa Liên Xô và NATO trong Chiến Tranh Lạnh. Cả 2 phe thậm chí đã dàn tăng ra "gằm ghè" nhau dọc đường biên Fulda (cắt đôi Đông và Tây Đức). Đến 1980, Mỹ đã triển khai chiếc tăng M1 Abrams đến Fulda và phiên bản nâng cấp của nó vẫn còn đang phục vụ quân đội Mỹ đến tận ngày nay.

Mỹ hôm nay: Xe chiến đấu bộ binh Bradley

Bradley Fighting Vehicle

Cũng đồng thời có mặt bên những chiếc Abrams là xe chiến đấu bộ binh Bradley. Lần đầu tiên nó được đưa vào hoạt động là 1981, sau nhiều năm dài phát triển và đối mặt với các phức tạp trong thiết kế.

Bradley là một phương tiện đa năng, được thiết kế để có thể vừa làm trinh sát, chở lính cũng như chiến đấu hạng nhẹ. Sau Chiến Tranh Lạnh, hình ảnh của Bradley bị mờ nhạt trong cuộc chiến Iraq và Afghanistan bởi các "đồng sự" như MRAP. Tuy vậy, chiếc MRAP không có hoả lực mạnh như Bradley song nó có thể sống sót tốt hơn nếu bị tấn công bởi IED (mìn nổ tự tạo cải tiến).

Nga trước đây: Xe tăng T-80

Soviet T-80

Được ra mắt vào lúc Chiến Tranh Lạnh gần kết thúc, T-80 là đỉnh cao của việc chế tạo tăng lúc bấy giờ khi được trang bị những công nghệ như máy đo khoảng cách bằng laser và máy tính đạn đạo. Động cơ turbine khí của T-80 cho phép nó đạt một tốc độ cực kỳ ấn tượng (so với những chiếc tăng khác) tới 70 km/h. Lớp giáp phía trước thân nó đủ mạnh để chịu đựng các quả đạn chống tăng của NATO lúc bấy giờ, cho phép nó đủ "càn" thẳng vào Tây Đức để mở đường cho bộ binh xông lên.

Nga hôm nay: Xe tăng Armata T-14

Armata Tank

Armata là chiếc tăng mới nhất, bóng bẩy nhất và cũng chết người nhất do Nga chế tạo. Tuy gặp vài sự cố nhỏ trong ngày xuất hiện ăn mừng chiến thắng phát xít, nhưng nó vẫn là niềm tự hào cho nước Nga. Ít nhất về mặt thông số, nó sở hữu một nòng pháo tầm xa uy lực và một cơ chế phòng thủ chủ động lẫn bị động cực mạnh mẽ trước các khí tài chống tăng hiện có. Và nếu nó hoạt động đúng như thiết kế, T-14 chạy nhanh hơn T-80 tới gần 20 km/h.

Mỹ trước đây: Tàu sân bay USS Abraham Lincoln

USS Lincoln

Những chiếc tàu chuyên chở máy bay lớp Nimitz của người Mỹ lần đầu tiên được ra mắt vào 1975. Và chiếc cuối cùng góp mặt trong Chiến Tranh Lạnh là CVN Abraham Lincoln. Cũng như Abrams và Bradley, những chiếc Nimitz được đóng ra cho mục đích chiến tranh. Chúng có khả năng chở tới 60 máy bay, một vài trong đó còn có khả năng ném bom hạt nhân.

Đến ngày nay, những chiếc Nimitz vẫn tiếp tục hoạt động trong hải quân Mỹ. Chiếc Abraham Lincoln đã tham gia vào cuộc chiến 2003 và cho xuất kích hàng loạt chuyến bay tấn công vào các mục tiêu ở Iraq. Tổng thống Mỹ George W. Bush đã hạ cánh trên con tày này với tấm băng rôn "Hoàn thành nhiệm vụ" để chào mừng các chiến binh của mình. Khi không đậu trong âu tàu để sửa chữa, chiếc Abraham Lincoln chở trên mình những tiêm kích F-18 Super Hornet, máy bay tác chiến điện tử EA-6B Prowler, trực thăng săn ngầm SH-3 Sea King và một số máy bay khác.

Mỹ hôm nay: Chiến hạm Zumwalt

Zumwalt Destroyer

Những tàu sân bay lớp Nimitz bắt đầu "có tuổi" và sắp được thay thế bởi lớp Ford đang chuẩn bị được đưa vào hoạt động. Những "cục thép đồ sộ" này có khả năng "ném" máy bay lên trời nhờ hệ thống máy phóng điện từ. Nhưng như thế cũng chưa đủ viễn tưởng bằng những con tàu nhỏ hơn nhiều và gần như đang được sản xuất thử nghiệm.

Khu trục hạm Zumwalt là một chiếc tàu công nghệ cao như vậy và dự kiến sẽ nhận nhiệm vụ vào cuối năm nay. Nó có thiết kế tàng hình, với bãi đáp trực thăng nằm ở đuôi, một máy phát điện đủ mạnh để một ngày nào đó, có thể bắn ra tia laser công suất cao hoặc đạn động lực (railgun) - những thứ vũ khí mà Mỹ vẫn còn chưa hoàn tất thiết kế.

Nhờ thiết kế nhỏ gọn, số lượng thuyền viên thấp và vũ khí chết người, Zumwalt sẽ là một phiên bản hiện đại của những chiếc chiến hạm khổng lồ (battleship) và người ta tự hỏi, liệu thời kỳ hồi sinh của những chiếc Bismarck hay Yamato có trở lại bằng những tháp pháo laser hay đạn động lực không?

Nga trước đây: Tàu ngầm Severodvinsk

Submarine Severodvinsk

Chiếc K-329 Severodvinsk thuộc lớp Yasen là một con tàu hiện đại, nhưng ý tưởng của nó đã có từ những ngày cuối cùng của Chiến Tranh Lạnh. Nó được sinh ra chủ yếu để... săn tàu ngầm, nó sẽ "lùng sục" khắp đại dương để tìm kiếm những chiếc "boomer" (loại tàu ngàm có khả năng phóng đầu đạn hạt nhân).

Ngày nay tuy bị tàu ngầm hiện đại của Mỹ vượt trội về số lượng, những chiếc Yasen vẫn là những kẻ huỷ diệt đáng sợ. Thậm chí nó còn mang cả tên lửa phòng không ở trên mình để "âm thầm" tập kích máy bay địch từ mặt nước.

Nga hôm nay: Tàu đổ bộ Mistral (có thể)

Mistrals

Pháp là một trường hợp lạ lùng ở cả Chiến tranh thế giới lần 2 lẫn Chiến Tranh Lạnh. Mặc dù là một thành viên NATO, quốc gia xứ gà trống này vẫn đóng tàu chiến cho Nga. Chiếc tàu tấn công "lưỡng cư" (đất và nước) lớp Mistral được sản xuất ra để chở bộ binh và trực thăng tấn công, những thứ mà một nước dùng để xâm lược nước khác từ bờ biển. Tuy vậy việc sáp nhập bán đảo Crime vào lãnh thổ Nga của Ukraine đã khiến Pháp ngưng việc giao hàng cho Nga, và có lẽ hợp đồng này sẽ bị huỷ bỏ. 

Mỹ trước đây: Máy bay cường kích A-10

A-10

Chiếc A-10 Thunderbolt II, hay còn có biệt danh Warthog (Lợn Rừng), là một chiếc máy bay của không quân Mỹ được yêu mến từ những lực lượng... ngoài không quân, vì khả năng hỗ trợ các binh chủng khác trong chiến đấu.

Ra mắt lần đầu hồi 1975, A-10 là một "con lợn bay" chậm chạp nhưng rất khoẻ và chuyên để diệt tăng nhờ một cây súng cực mạnh được gắn vào thân. Nó có tiếng ồn rất riêng biệt và thứ đấy có thể xé nát những lớp giáp sắt bên dưới mặt đất.

Không có gì ngạc nhiên về sự xuất hiện của nó ở châu Âu nhằm sẵn sàng cày nát những chiếc tăng Liên Xô nằm kề biên giới. Đến hôm nay nó vẫn còn hoạt động mặc dù đã sắp tới ngày "về hưu". Là một lão tướng nhưng nó vẫn còn tráng kiện.

Mỹ hôm nay: Máy bay tiêm kích F-35

F-35

Sau Chiến Tranh Lạnh, Mỹ đã cho ra đời 3 chiếc máy bay tàng hình. Chiếc F-117 Nighthawk với kiểu thiết kế và hình dạng kỵ quặc nay đã nghỉ hưu. Còn tiêm kích F-22 Raptor có thể xem là chiến đấu cơ đáng sợ nhất trên bầu trời hiện nay, hiện đang có 187 chiếc còn hoạt động.

Sau cùng, là con "vịt bay" F-35 gặp nhiều sự cố và tai tiếng, gồm 3 phiên bản với giá thành đội lên cả trăm triệu USD. Được thiết kế để dùng cho cả không quân, hải quân và lính thuỷ, F-35 đến với 3 cái tên F-35A (bản chuẩn), F-35B (cất và hạ cánh thẳng đứng) và F-35C (cánh dài hơn, gấp được dùng cho tàu sân bay).

Mặc dù gặp nhiều trục trặc, Lầu Năm Góc vẫn lên kế hoạch dùng nó để thay thế nhiều máy bay khác, kể cả A-10. Người Mỹ tự tin tới mức đặt hàng tới 2.500 chiếc F-35.

Nga trước đây: Máy bay cường kích Su-25 Frogfoot

Su-25 Frogfoot

Su-25 có thể xem là phiên bản rẻ tiền của A-10. Nhưng thay vì được trang bị một khẩu pháo chống tăng mạnh như A-10, Su-25 dường như sinh ra để đối phó với quân nổi dậy. Bị NATO đặt biệt hiệu Frogfoot (Chân Ếch), Su-25 giống một tiêm kích cận chiến (CAS) hơn. Nó săn lùng bộ binh và các phương tiện chiến đấu mặt đất hơn là để đánh nhau với những máy bay khác.

Trong sự cố máy bay MH17 bị bắn rơi trên bầu trời Ukraine, Su-25 bị truyền thông đưa ra như là kẻ chịu trách nhiệm cho vụ việc. Tuy vậy, chiếc máy bay có trần bay thấp hơn đa số các máy bay thương mại hiện nay, nó cũng không được trang bị tên lửa không đối không (AAM), nên lời cáo buộc trên dần trở nên vô nghĩa. Đặc biệt dường như hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) tầm trung BUK có mặt trong vùng mới là kẻ đã gây ra vụ việc.

Nga hôm nay: Máy bay tiêm kích Su-35

Su-35

Su-35 là một cỗ máy chết người, sinh ra chuyên để diệt các máy bay khác. Được nâng cấp từ Su-27, Su-35 là một tiêm kích cực nhanh, mạnh, khả năng nhào lộn trên không cực đỉnh và được vũ khí tận răng.

Trong một nỗ lực nhằm thu hẹp khoảng cách về thế hệ máy bay chiến đấu thứ 5 (tàng hình) với Mỹ, Sukhoi đã tiến hành một chương trình nâng cấp 4++ cực mạnh cho với đầy đủ các loại cảm biến và radar mới nhất, giúp nó có khả năng đương đầu với F-35 hoặc thậm chí cả F-22, trước khi dự án PAK FA hoàn tất.

Mỹ trước đây: Đề xuất Phòng thủ Chiến thuật (SDI)

Strategic Defense Initiative

Theo luật quốc tế, không quốc gia nào được phép có vũ khí trong không gian. Đó là nhờ Hiệp ước Không gian, vốn được ký kết bởi cả Nga và Mỹ, cùng đồng ý không đặt các vũ khí hạt nhân, hoặc vũ khí huỷ diệt hàng loạt, hoặc thứ vũ khí khác trên bầu trời. Hiệp ước này cũng đồng thời cấm việc thử nghiệm quân sự hoặc xây dựng các pháo đài trên Mặt Trăng hoặc các thiên thể ngoài vũ trụ khác.

Tuy vậy điều này không có nghĩa rằng không có ai nghĩ tới chúng, hoặc thực hiện chúng một cách lén lút. Do đó mà SDI, do tổng thống Ronald Reagan đưa ra hồi 1983, nhằm nghĩ ra cách đặt vũ khí trong không gian nhằm bảo vệ Mỹ trước các đe doạ hạt nhân. Chương trình này, dù sao, đã không thành công vì tính tham vọng quá lớn. Đến 1993, nó bị tổng thống Bill Clinton sửa thành Tổ chức Phòng thủ Tên lửa Đạn đạo (BMDO) và đến 2002, bị thu gọn thành Cục Phòng vệ Tên lửa.

Mỹ hôm nay: - Máy bay X-37B

X-37B

Các vệ tinh của không quân Mỹ có mặt ở khắp nơi, cung cấp các thông tin tình báo cho chính phủ, cũng như dữ liệu thời tiết và định vị toàn cầu cho cả quân sự và dân sự. Và họ đã làm ra một thiết bị có khả năng bảo vệ được những vệ tinh trên.

X-37B có thể là một vật như vậy, tính năng của nó vẫn không được biết hết. X-37B giống một robot không gian hơn, được phóng vào không gian và làm chuyện gì đó không ai biết. Chúng ta chỉ biết nó có những động cơ mang phong cách Star Wars và được sử dụng bởi NASA. Nhiều nhiệm vụ của X-37B hoàn toàn không rõ ràng. Hiện tại tuy chúng ta không rõ liệu nó có mang theo vũ khí hay không, nhưng nếu người Mỹ có, thì X-37B là ứng cử viên tốt nhất để làm việc đó.

Nga trước đây: Vệ tinh Salyut 3

Salyut 3

Tuy ký kết hiệp ước, nhưng chính trị là trò chơi mà ai cũng có thể nói dối. Gần như không ai có thể kiểm chứng những gì mà Nga hay Mỹ phóng lên không gian. Chiếc vệ tinh do thám quân sự Salyut 3 có thể là một ví dụ như vậy.

Có báo cáo cho rằng nó được trang bị một khẩu pháo 30 mm, nhằm bảo vệ bản thân trước các vũ khí không gian (vệ tinh) khác của Mỹ. Nhưng thực tế ra sao thì không ai biết được.

Nga hôm nay: Vũ khí không gian Object 2014-28E

Object 2014-28E

Chúng ta thực sự không chắc Object 2014-28E là gì. Được theo dõi bởi các máy dò vệ tinh, nó dường như được đưa lên trong một lần phóng vệ tinh quân sự của Nga. Và nó không được tuyên bố hay có một thông cáo chính thức nào khác. Ban đầu các nhà thiên văn nghĩ nó là một món rác vũ trụ.

Song người ta phát hiện ra điều kỳ lạ khi nó di chuyển theo những quỹ đạo có chủ ý. Nó đã "ghé thăm" những vệ tinh khác của Nga. Có thể là để sửa chữa chúng, nhưng có người lại nghĩ nó đang phục hồi lại những "sát thủ" vệ tinh cũ từ thời Liên Xô hoặc không thì được tạo ra với mục đích nghiên cứu khả năng tiêu diệt vệ tinh.

Cho đến nay không có thông tin chính xác nào về vật thể không gian này. Nhưng rõ ràng nó có thể được làm ra cho ý đồ chiến tranh. Giả dụ nó có thể phá huỷ các vệ tinh GPS, Mỹ sẽ mất khả năng điều khiển những vũ khí dựa trên đó, như tên lửa hành trình hoặc đạn đạo.

Nếu Chiến Tranh Lạnh lần 2 đang diễn ra, không gian chính là địa điểm tốt nhất để không ai biết có cuộc đụng độ nào vừa kết thúc.

Huyền Thế

Theo Popular Science

Chủ đề khác