VnReview
Hà Nội

Nên hay không nên ăn trứng ít đi? Các lời khuyên trái ngược làm người Mỹ đau đầu

Hướng dẫn dinh dưỡng của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) có những lời khuyên trái ngược về việc nạp cholesterol. Trong khi hai Bộ cho rằng không cần lo ngại việc duy trì tỉ lệ tiêu thụ cholesterol trong giới hạn nhất định và nên ăn cholesterol ít nhất có thể thì gần đây, một nghiên cứu dài hạn kết luận rằng, thường xuyên ăn trứng và thức ăn giàu cholesterol có thể gia tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Những mâu thuẫn này đang khiến người Mỹ lúng túng.

Cholesterol "tốt" có thể ảnh hưởng xấu đến một số người

Những điều bất ngờ ít biết về trứng

Thường xuyên ăn trứng, thức ăn quen thuộc trong bữa sáng có thể gia tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Đó là kết luận của một nghiên cứu lớn, tổng hợp 6 nghiên cứu đoàn hệ theo dõi gần 30 ngàn người trưởng thành trong vòng 17,5 năm. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA) hồi thứ Sáu tuần trước (15/03).

Theo đó, việc ăn từ 3 – 4 quả trứng mỗi tuần có liên quan tới tỉ lệ gia tăng nguy cơ tim mạch thêm 6% và nguy cơ chết vì mọi nguyên nhân trong thời gian nghiên cứu cũng tăng thêm 8%, so với những trường hợp không ăn trứng.

(Ảnh: Getty Images);

Lý giải điều này, các nhà nghiên cứu cho rằng đó là do cholesterol. Ăn 300 mg cholesterol mỗi ngày liên quan tới tỉ lệ gia tăng nguy cơ tim mạch thêm 17% và nguy cơ chết vì mọi nguyên nhân trong thời gian nghiên cứu cũng tăng thêm 18%, so với những trường hợp không tiêu thụ cholesterol.

Các tác giả nghiên cứu đến từ trường y khoa Feinberg của đại học Northwestern kết luận, người Mỹ nên giới hạn lượng tiêu thụ trứng và cholesterol. Mục cholesterol trong hướng dẫn dinh dưỡng hiện nay của Mỹ cần được xem xét lại.

Theo Live Science, những kết luận này trái ngược với hướng dẫn chế độ ăn của Mỹ do Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp nước này (USDA) công bố năm 2015. Trong hướng dẫn, việc duy trì tỉ lệ tiêu thụ cholesterol trong giới hạn nhất định là không đáng lo.

Trên thực tế, với hàm lượng cholesterol mỗi lòng đỏ trứng là 186 miligram, trứng là một trong những thực phẩm chứa cholesterol cao nhất mà người Mỹ tiêu thụ.

Để tìm hiểu xem người Mỹ nên dựa vào cơ sở nào để điều chỉnh việc ăn trứng, Live Science đã liên lạc với một số chuyên gia không tham dự vào nghiên cứu mới.

Tiến sĩ Andrew Freeman, giám đốc chương trình Sức khỏe và phòng ngừa bệnh tim mạch tại bệnh viện Sức khỏe người Do Thái Quốc gia ở Denver, cho biết, các dữ liệu luôn khuyến cáo rằng, trứng có thể gia tăng cholesterol và gây nguy cơ bệnh tim.

Theo ông, có bằng chứng rõ ràng về việc các sản phẩm động vật và sản phẩm có hàm lượng cholesterol cao nên được giới hạn. Nếu các nghiên cứu trước đây không tìm được liên kết giữa trứng và một số hình thức tiêu thụ cholesterol khác với nguy cơ bệnh tim thì nghiên cứu mới đã điều chỉnh các thực phẩm khác trong chế độ ăn một cách kỹ lưỡng để tập trung vào hệ quả của trứng và cholesterol.

Nghiên cứu mới "đã làm tốt việc xem xét dữ liệu và xác định cholesterol qua ăn uống như một thành phần độc lập riêng lẻ của chế độ ăn", một vấn đề liên quan tới tỉ lệ tử vong và bệnh tim, theo Dana Hunnes, nhà dinh dưỡng cao cấp ở trung tâm y khoa Ronald Reagan thuộc đại học California ở Los Angeles.

(Ảnh: Shutterstock) 

Những khuyến cáo về trứng mới đây đã khiến trứng trở thành một chủ đề gây lúng túng khi trao đổi với bệnh nhân, và nên có thêm dữ liệu rõ ràng hơn về chủ đề gây tranh cãi này để thông báo cho các bệnh nhân lẫn thông tin tốt hơn về các hướng dẫn dinh dưỡng trong tương lai, đó là ý kiến của bác sĩ chuyên khoa tim mạch Seth Martin về nghiên cứu mới. Bác sĩ Seth là trợ lý giáo sư tại trường y khoa đại học John Hopkins, một trong những trường y hàng đầu nước Mỹ.

Những lúng túng xoay quanh vấn đề cholesterol trong chế độ ăn bắt nguồn từ hai phát biểu mâu thuẫn nhau hướng dẫn dinh dưỡng 2015 của Mỹ: "cholesterol không phải là một chất dinh dưỡng để lo lắng về việc tiêu thụ quá mức" và "các cá nhân nên ăn cholesterol ít nhất có thể theo chế độ ăn uống lành mạnh".

Các chuyên gia đồng ý với nhau rằng, lý do của mâu thuẫn trên là vì ảnh hưởng của ngành công nghiệp thực phẩm và nông nghiệp lên hướng dẫn và việc hạ thấp mối liên hệ giữa cholesterol trong ăn uống và bệnh tim.

USDA giám sát cả hai thứ: ngành nông nghiệp trong đó có ngành trứng và các hướng dẫn chế độ ăn. Do đó, họ không thể thoát khỏi sự thiên vị.

Tuy vậy, các nghiên cứu không có ý nói bạn phải cố tình bỏ qua trứng. Như các loại thực phẩm khác, vừa đủ vẫn là lời khuyên tốt, theo bác sĩ Satjit Bhusri, chuyên gia tim mạch tại bệnh viện Lenox Hill ở thành phố New York.

Việc giới hạn cholesterol đặc biệt quan trọng với những người đã có nguy cơ tim mạch.

"Với số lượng tử vong và bệnh tim từ các bệnh mãn tính ở đất nước chúng ta, tôi cho rằng việc tiêu thụ ít trứng hơn mỗi tuần là điều tốt mà hầu hết mọi người nên làm, đặc biệt là những ai đang mắc các bệnh mãn tính hay các vấn đề sức khỏe khác", lời khuyên qua email của nhà dinh dưỡng cao cấp Dana Hunnes.

Theo thống kê 2015 của trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh Hoa Kỳ (CDC), số người chết vì bệnh tim ở nước này lên tới 600.000 người, chiếm 25% tỉ lệ tử vong hàng năm. Tim mạch là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở cả nam và nữ, và hơn phân nửa số người chết vì bệnh tim ở Mỹ năm 2009 là các quý ông.

Trong công trình trên, các tác giả nghiên cứu cũng nêu rõ, hầu hết cholesterol được tìm thấy trong trứng là trong lòng đỏ trứng, như vậy vẫn còn lòng trắng trứng (tuy nhiên, lòng trắng trứng chứa nhiều đạm-protein, vì vậy chúng ta cũng không nên ăn lòng trắng quá nhiều!).

Rachael Rettner của Live Science cũng lưu ý những vấn đề quan trọng trong nghiên cứu này: các nhà khoa học chỉ tìm thấy duy nhất một mối liên hệ giữa trứng hoặc cholesterol và bệnh tim chứ chưa chứng minh được là trứng/cholesterol trực tiếp gây bệnh tim. Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ đánh giá bữa ăn của người tham gia ở một thời điểm nhất định, không tính đến các thay đổi có thể xảy ra trong suốt thời gian nghiên cứu trong chế độ ăn của họ.

Linh Trần theo Live Science

 


Chủ đề khác