VnReview
Hà Nội

Bất chấp Apple liên tục phản đối, EU quyết tâm về một chuẩn sạc chung nhằm giảm rác thải điện tử

Nghị viện châu Âu đang tích cực xây dựng một tiêu chuẩn sạc chung cho các nước thuộc Liên minh châu Âu EU với một quyết tâm cực kỳ lớn. Nhưng chắc chắn Apple không thích điều này.

Như trong một bài viết gần đây có đề cập, Liên minh châu Âu đang tìm cách thống nhất giải pháp sạc cho smartphone. Để thực hiện hóa mục tiêu này, cơ quan lập pháp EU mới đây đã thông qua nghị quyết về việc thống nhất giải pháp sạc cho smartphone với 582 phiếu thuận và 40 phiếu chống.

Nghị viện đang yêu cầu Ủy ban châu Âu gấp rút xem xét dự thảo nghị quyết trên trước tháng 7 tới trước khi thông qua thành luật.

Theo Reuters, Ủy ban châu Âu chịu trách nhiệm soạn thảo luật với tư cách là cơ quan thực thi pháp luật chung cho các nước thuộc khối EU. Ủy ban châu Âu được cho đã bắt đầu nghiên cứu giải pháp thống nhất tiêu chuẩn sạc trên smartphone cách đây hơn 1 thập kỷ.

Cách đây 10 năm trước, EU thúc giục các nhà sản xuất smartphone lớn, bao gồm Apple tự nguyện xây dựng một tiêu chuẩn sạc chung. Nhưng giờ đây các nhà lập pháp tin rằng, để các bên tự nguyện chưa bao giờ là giải pháp hay. Đó là lý do, EU muốn thông qua bộ luật mới để đưa mọi thứ vào khuôn khổ.

Theo đó nghị quyết nhắc đến thỏa thuận tự phát giữa một số công ty công nghệ đã giúp giảm đáng kể các loại sạc lưu hành trên thị trường. Tuy nhiên vẫn chưa có một tiêu chuẩn chung trong ngành. Do đó, người tiêu dùng gặp phải muôn vàn khó khăn với hàng tá bộ sạc khác nhau cho từng thiết bị.

Tất nhiên sạc không dây có thể giải pháp thống nhất chung khả thi nhất nhưng các nhà lập pháp cho rằng, Ủy ban Châu nên chú ý đến tình trạng phân mảnh và đảm bảo rằng, mọi thiết bị cuối cùng sẽ phải dùng chung một tiêu chuẩn sạc.

Điểm cốt lõi của nghị quyết trên là nhằm giảm lượng rác thải điện tử. Năm 2016, châu Âu đã thải ra khoảng 12,3 triệu tấn rác thải điện tử, tương đương khoảng 16,6kg/người. Cơ quan lập pháp châu Âu tin rằng, việc hợp nhất chung một chuẩn sạc sẽ giúp giảm đáng kể lượng rác thải điện tử.

Mặc dù vậy, nghị quyết trên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các công ty sử dụng công nghệ độc quyền, ví dụ như Apple. Táo Khuyết là một trong số ít hãng vẫn đang sử dụng chuẩn sạc Lightning của riêng mình. Do đó nghị quyết trên sẽ tác động không nhỏ đến Apple.

Tất nhiên Apple hiểu rõ điều này và đã lên tiếng phản pháo nghị quyết trên của EU với hàng loạt lý do, thoạt nghe có vẻ "hợp lý và rất thuyết phục". Đó là việc hợp nhất của EU sẽ làm "cản trở sáng tạo" và tạo ra nhiều rác thải điện tử hơn. Tuy nhiên thực tế, chính Apple cũng đã khiến nhiều chiếc tai nghe có giắc 3.5mm trở nên "vô dụng" khi loại bỏ cổng âm thanh quen thuộc này kể từ iPhone 7.

Theo nghiên cứu của công ty Sustainably SMART, hầu hết chất thải điện tử từ smartphone chủ yếu là cục sạc, chứ không phải là dây sạc. Vậy nên công ty này đưa ra khuyến nghị về việc các nhà sản xuất không nên tặng kèm bộ sạc mới trong hộp và để người dùng sử dụng bộ sạc cũ cho máy. Và với sự ra đời của nghị quyết trên, lời khuyên trên có vẻ khá hợp lý.

Mặc dù Google đã yêu cầu các hãng sớm hỗ trợ tiêu chuẩn sạc USB Power Delivery trên smartphone nhưng một số hãng smartphone Android hiện nay vẫn đang giữ công nghệ sạc độc quyền của riêng mình, đơn cử như Oppo, Vivo hay OnePlus.

Mai Huyền

Chủ đề khác