VnReview
Hà Nội

Apple phản pháo dự luật của EU: Nếu bỏ cổng Lightning, rác thải điện tử sẽ tràn ngập

Apple cho rằng điều luật về một chuẩn chung cho bộ sạc và cáp của EU có thể ngăn cản sáng tạo và gây hại cho môi trường. Nhưng thực tế thì Apple cũng đã gián tiếp khiến hàng triệu tai nghe có giắc 3.5mm trở nên vô dụng khi bỏ cổng 3.5mm trên iPhone.

Trong một động thái gần đây, EU đang tính ban hành điều luật mới nhằm thống nhất và chuẩn hóa các bộ sạc và cáp nối sử dụng trên smartphone. Đặc biệt, EU muốn giảm số lượng bộ sạc và phụ kiện lãng phí vì không tương thích công nghệ sạc. Nếu như điều luật trên được thông qua, Apple sẽ buộc phải tuân thủ điều luật trên bằng cách bán ra những bộ sạc có chuẩn USB-C hoặc microUSB thay vì tiếp tục trung thành với cổng Lightning.

Không ngạc nhiên khi Apple đã phản pháo lại điều luật trên với những dẫn chứng về nguy cơ phát sinh ra nhiều loại rác thải điện tử.

Theo Slashgear, Apple cho rằng nếu EU đưa ra điều luật như vậy, nó sẽ kìm hãm sự đổi mới và gây hại cho ngành công nghiệp và môi trường. Táo Khuyết nhấn mạnh, điều luật thực tế sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề rác thải điện tử khi hàng ngàn thiết bị sử dụng cổng Lightning của Apple coi như vô dụng.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, lập luận trên của Apple quả thực khó hiểu khi chính hãng cũng đã khiến hàng trăm chiếc tai nghe có giắc cắm 3.5mm trở nên vô dụng khi loại bỏ cổng 3.5mm trên iPhone 7. Bên cạnh đó chính Apple cũng đã áp dụng cổng USB-C trên MacBook Pro và iPad Pro.

Điều này cho thấy, vấn đề không nằm ở việc hãng có muốn thay đổi hay không mà nằm ở việc, Apple vẫn muốn duy trì thế độc quyền với cổng Lightning và kiếm tiền từ việc bán phụ kiện.

Đã hơn một thập kỷ kể từ khi Ủy ban Châu Âu (EC) thúc đẩy việc các hãng tự nguyện áp dụng chung một tiêu chuẩn bộ sạc, thực tế là hướng tới tất cả smartphone đều sử dụng chung cổng sạc USB-C.

Mặc dù vậy vẫn còn một số hãng và các model smartphone, chủ yếu là tầm trung và giá rẻ vẫn gắn bó với microUSB. Có lẽ EC hiểu rằng, không thể trông mong vào sự tự nguyện của các hãng sẽ phát huy tác dụng mà sẽ phải cần tới một chế tài bắt buộc và mạnh tay hơn.

Dĩ nhiên Apple là một trong những hãng vi phạm lớn nhất mục tiêu này của EC khi vẫn tiếp tục duy trì cổng Lightning độc quyền trên dòng iPhone, iPad, iPod Touch.

Mặt khác, cổng USB-C cũng chưa hẳn là giải pháp cuối cùng cho mọi vấn đề mà EU đang lo ngại. Rõ ràng việc không tuân thủ các tiêu chuẩn công nghệ chung và muốn nắm lợi thế bằng công nghệ độc quyền đã khiến các hãng không thể ngồi lại cùng nhau để tạo ra bộ sạc chung. Phải mất gần nửa thế kỷ qua, các nhà sản xuất thiết bị và phụ kiện giờ đây mới bắt tay hợp tác và tiến tới việc phổ cập USB-C.

Tiến Thanh

Chủ đề khác