VnReview
Hà Nội

Tại sao WHO không thể xử lý đại dịch Covid-19? – Phần 2

Bị Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích, bị ngó lơ bởi những thành viên quan trọng nhất, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang phải đối đầu với một cuộc khủng hoảng lớn. Trong khi đó, giờ đây là lúc mà chúng ta cần tổ chức này nhất.

Tại sao WHO không thể xử lý đại dịch Covid-19? - Phần 1

Dường như đôi khi WHO tỏ ra yếu đuối hoặc không cương quyết trong giải quyết dịch corona đang diễn ra, rất khác so với cách của bà Brundtland. Một phần nguyên nhân do những vấn đề mà tổ chức này đã gặp phải trong thập kỷ qua. Từ năm 2009, WHO phải đối mặt với sự lên án từ báo chí và cộng đồng quốc tế do cách mà tổ chức này xử lý các cuộc khủng hoảng, tất cả xuất phát từ các nguồn tài chính cũng như quan hệ ngoại giao của tổ chức này bắt đầu đổ vỡ.

Đầu tiên là sự xuất hiện của cúm H1N1, hay còn gọi là dịch "cúm lợn". Loại virus mới này được phát hiện tại Mexico vào tháng 3/2009, đến tháng 6/2009 thì WHO công bố dịch, có đến hơn 28 nghìn ca nhiễm tại 74 nước. Trong suốt một năm sau đó, WHO đã điều phối các biện pháp chống dịch trên toàn cầu và đến tháng 8/2010 thì công bố hết dịch, dù các biện pháp của WHO ít quyết liệt hơn so với hồi dịch SARS.

Gần như ngay lập tức sau đó, các quyết định của WHO bị đưa ra xem xét kỹ lưỡng. Tổng số người chết là 18.500 người trên toàn cầu, con số này thấp hơn nhiều so với dự kiến ban đầu, đặc biệt là đã có đến 200 nước có dịch. "Đột nhiên bạn và mọi người bảo rằng: ‘Chờ đã, điều này thật sự đáng để đau xót sao?'", Wenham cho biết. Truyền thông và các chính trị gia nổi tiếng ở châu Âu đặt câu hỏi rằng liệu có phải WHO đã sai lầm khi gióng lên hồi chuông cảnh báo dịch bệnh và "tiêu tốn một khoản tiền lớn cũng như gây hoang mang không cần thiết", Paul Flynn, cựu Nghị sĩ Đảng Lao động, người chủ trì một trong những buổi điều trần, trả lời tờ Times vào năm 2010.

Cho đến nay, vẫn có hai luồng ý kiến về dịch cúm H1N1. "WHO luôn có nguy cơ bị chỉ trích khi họ hành động quá nhiều hoặc quá ít", Keiji Fukuda cho biết, ông là cựu trợ lý tổng giám đốc WHO, người đứng đầu công tác chống dịch H1N1. Hầu hết các cựu nhân viên WHO và các học giả đều đồng ý rằng có một quy tắc cứng trong lĩnh vực y tế công cộng là: nếu bạn hành động chậm và bạn sẽ không thể ngăn chặn cái chết do dịch bệnh gây ra; nếu bạn hành động quyết liệt và ngăn chặn dịch bệnh trước khi nó trở nên nghiêm trọng và bạn sẽ bị cho là phản ứng thái quá. Sau cùng thì với trường hợp hai, sẽ không có gì quá xấu xảy ra, vậy thì tại sao phải làm lớn chuyện từ đầu?

Fidler hoàn toàn đồng ý với phản ứng nhanh chóng của WHO, ông tin rằng phản ứng dữ dội từ bên ngoài đã khiến WHO (lúc đó dưới sự chỉ huy của tổng giám đốc Margaret Chan) trở nên quá thận trọng trong việc kêu gọi hành động trong tương lai. Đây cũng là giai đoạn mà tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 ảnh hưởng đến kinh phí hoạt động của tổ chức. "Một lượng lớn tiền tài trợ bị cắt giảm", Andrew Cassels, giám đốc chiến lược của WHO từ năm 2008 đến 2013, cho biết. "Các khoảng cắt giảm tác động đến các chương trình ứng phó khẩn cấp, cũng như phải cắt giảm nhân sự". Năm 2012, nguồn kinh phí được tài trợ chỉ ở mức 300 triệu USD. Toàn bộ các văn phòng đều đóng cửa, kể cả nhóm các nhà khoa học xã hội đang làm việc liên quan đến phòng, chống dịch bệnh.

Các nhân viên của WHO tập huấn cho y tá các mang đồ bảo hộ tại Freetown, Sierra Leone trong dịch Ebola năm 2014 (Ảnh: Michael Duff/AP)

Các nhân viên của WHO tập huấn cho y tá các mang đồ bảo hộ tại Freetown, Sierra Leone trong dịch Ebola năm 2014 (Ảnh: Michael Duff/AP)

Khi dịch Ebola bùng phát tại Tây Phi năm 2014, sự kết hợp giữa việc WHO thận trọng hơn cũng như cắt giảm ngân sách đã gây ra thảm họa. Trái ngược với dịch bệnh trước đó, phản ứng của WHO quá chậm và khiến tình hình trở nên mất kiểm soát trên diện rộng. Cuối cùng, Mỹ và một số nước khác phải triển khai hơn 5.000 quân theo yêu cầu của các nước bùng phát dịch và một ủy ban đặc biệt của Liên Hợp quốc được thành lập để đảm nhiệm nhiệm vụ của WHO.

Dịch Ebola đã giết chết 11.310 người, đa số thuộc ba nước Guinea, Liberia và Sierra Leone. Ebola cũng khiến hệ thống y tế các nước này tê liệt hàng tháng trời và gây hoang mang trên toàn thế giới. Các nhà khoa học đáng giá phản ứng của WHO là "sự thất bại nặng nề".

Hầu hết chỉ trích đổ dồn lên Margaret Chan. Bà có vẻ sốc và căng thẳng khi trả lời báo chí rằng WHO là một tổ chức tư vấn về mặt kỹ thuật, chính phủ các nước mới là người phải chịu trách nhiệm cao nhất cho sức khỏe của người dân của nước mình. "Bà ấy muốn WHO trở thành một tổ chức chính trị, giống như hỗ trợ kỹ thuật thôi. Bà ấy có sự do dự khi không muốn sử dụng toàn bộ quyền hạn của WHO", Sara Davies, giáo sư sức khỏe toàn cầu tại Đại học Griffith, Úc, cho biết.

Văn hóa tiếp cận táo bạo, chủ động của WHO được hình thành sau dịch SARS đã trở nên phai dần. Fidler tin rằng việc WHO trì hoãn tuyên bố Ebola là tình trạng khẩn cấp dẫn đến không thực hiện các biện pháp khống chế dịch trên toàn cầu đã cho thấy lãnh đạo của WHO "không còn tin vào quyền hạn của chính họ nữa".

Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Tedros, WHO tìm thấy vai trò mới của mình. Không chỉ trong đối mặt với dịch bệnh lớn nhất trong lịch sử của tổ chức, mà WHO còn tự bảo vệ mình trước quốc gia mà tổ chức này phụ thuộc vào nhất. Đề cập đến cuộc họp báo gần đây, trong đó Trump đề nghị đưa ra một "điều khoản quyền lực" kèm nguồn kinh phí Mỹ tài trợ cho WHO. Fidler cho biết "Trong hơn 25 năm làm việc trên lĩnh vực sức khỏe toàn cầu, tôi không thể nhớ ra từng có lãnh đạo nào của nước phát triển đã đe dọa trừng phạt WHO như Tống thống Trump đã làm". Cũng trong cuộc họp báo này, Trump cũng cáo buộc WHO che giấu thông tin, phản ứng quá chậm trước virus và trên hết là tỏ ra thiên vị đối với Trung Quốc.

Kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, ông Tedros liên tục bị cáo buộc đã quá mềm mỏng đối với Trung Quốc. Gần đây, thượng nghị sĩ Marco Rubio trả lời Fox News rằng chính phủ Trung Quốc đã "lợi dụng WHO để lừa dối thế giới" và cho rằng WHO "đã đồng lõa hoặc vô dụng đến mức nguy hiểm". Thượng nghị sĩ Mỹ Rick Scott còn thằng thừng cáo buộc WHO đã "giúp đỡ Trung Quốc che đậy dịch bệnh toàn cầu này". Trong khi đó, Tedros đã từng cảnh báo sự nguy hiểm khi chính trị hóa virus.

Mãi cho đến gần đây, WHO được xem là một chiến trường trung lập để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng. "Trung Quốc thích tìm những con đường trong hệ thống quốc tế để tạo dựng hình ảnh tiên phong và nhân từ. WHO là chính là một nơi để thực hiện điều này", Rana Mitter, giám đốc Trung tâm Trung Quốc tại Đại học Oxford, cho biết.

Hiện vẫn chưa rõ mức độ che đậy dịch bệnh, nhưng có một điều không thể bàn cãi, sự bao che đã diễn ra, ít nhất là ở cấp địa phương. Giới chức Trung Quốc biết về sự xuất hiện của bệnh lạ nhiều tuần trước khi có báo cáo cho WHO. Trong suốt thời gian này, các bác sĩ tại Trung Quốc không được tiết lộ thông tin bệnh dịch ra ngoài.

John MacKenzie, cố vấn ủy ban khẩn cấp của WHO, cho biết tổ chức này "có chút sai lầm" về dịch bệnh tại Vũ Hán. Ông nói rằng vào thời điểm chính phủ Trung Quốc cảnh báo WHO vào ngày 31/12, các nhà khoa học tại Trung Quốc đã xác định được rằng loại virus lạ này thuộc họ corona thông qua trình tự gen.

Nhưng chính phủ không xác nhận thông tin này mãi cho đến ngày 7/1 và trình tự gen hoàn chỉnh của virus không được chia sẻ cho đến ngày 12/1. "Quá chậm chạp", MacKenzie nhận xét. "Trong ít nhất hai tuần, chúng ta đã có thể sản xuất nhiều bộ kit và xét nghiệm được nhiều người hơn". MacKenzie còn cho biết thêm rằng số ca nhiễm chính thức trong tuần đầu được Trung Quốc công bố (là 59 ca tính đến hết ngày 5/1) "hoàn toàn không đúng với số ca nhiễm dự đoán". Số liệu do Trung Quốc công bố vẫn đang được kiểm tra lại, trong đó một số báo cáo cho thấy nước này có thể đã khai báo thiếu lượng lớn ca tử vong.

Giữa tháng 1, Trung Quốc cũng đã từ chối yêu cầu của WHO để gửi một nhóm các nhà khoa học đến Vũ Hán quan sát. Tedros chưa từng làm được điều như Brundtland đã làm, đó là khiến Trung Quốc phải trung thực. Thay vào đó, Tedros đã có một cuộc họp kín với Chủ tịch Tập Cận Bình vào ngày 28/1. Hai ngày sau cuộc họp này, Tedros đã ca ngợi những nỗ lực khống chế dịch của Trung Quốc, cho rằng nước này đã "tạo ra một tiêu chuẩn mới trong kiểm soát dịch bệnh".

Cùng ngày (30/1), WHO công bố PHEIC và bắt đầu ban hành các chỉ dẫn cho các nước trên thế giới. Đến ngày 8/2, Trung Quốc mới cho phép các quan sát viên của WHO vào nước này. Với những người ủng hộ Tedros, đây là minh chứng cho chiến lược giữ Trung Quốc về phe mình. Nhưng đối với bên đối lập, việc này quá trễ và quá nhỏ bé.

ổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào ngày 28/1/2020 (Ảnh:  Naohiko Hatta/AFP)

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào ngày 28/1/2020 (Ảnh: ;Naohiko Hatta/AFP)

Khi trở thành tổng giám đốc WHO vào năm 2017, Tedros được hậu thuẫn bởi nhiều nước châu Phi và châu Á, trong đó có Trung Quốc, một trong những nước có sức ảnh hưởng lớn nhất. Davies cho biết đó là một cuộc bầu cử "thật sự thối nát", các cường quốc có truyền thống định hình WHO là Mỹ, Anh và Canada ủng hộ cho một bác sĩ người Anh là David Nabarro. Trong suốt thời gian tranh cử, Tedros bị chỉ trích vì đã phục vụ trong một chính phủ đàn áp người dân với hồ sơ nhân quyền ở mức thấp và thậm chí một trong những nước ủng hộ Nabarro còn cáo buộc Tedros từng che đậy dịch tả trong thời gian làm bộ trưởng Bộ Y tế.

Tedros là người Ethiopia, nơi ông giữ chức bộ trưởng Bộ Y tế và sau đó là bộ trưởng Bộ Ngoại giao từ năm 2005 đến năm 2016. Tedros phủ nhận các cáo buộc trên và cho rằng đây là một "chiến dịch bôi nhọ vào phút chót". Trong khi đó Nabarro trả lời với tờ New York Times rằng ông không cho phép nhóm của ông tổ chức bất cứ chiến dịch nào chống lại Tedros. Davies cho biết nhóm ủng hộ Tedros đã tuyên bố "đáp trả bằng sức mạnh tập thể" và cuối cùng họ đã chiến thắng. Tedros trở thành tổng giám đốc WHO đầu tiên từ một nước đang phát triển kể từ năm 1953.

Dù xuất thân cũng là chính trị gia, những Tedros lại không được thẳng thắn hay có sự đối đầu cần thiết như Brundtland. Fantu Cheru, giáo sư tại Đại học Mỹ và là cựu cố vấn của chính phủ Ethiopia cho biết đảng Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF) của Tedros ở Ethiopia, chủ yếu gồm các nhà cách mạng thế hệ cũ, họ là những người "cứng ngắc như đá tạc tượng". Tedros thì lại khác, ông vui vẻ, hòa nhã và có thể dễ dàng tạo dựng các mối quan hệ cá nhân, Cheru nhận xét. "Ông ấy không quá quan trọng ý thức hệ, ông ấy tin rằng ông có thể làm việc với bất cứ ai", Mehari Taddele Maru, giáo sư tại Viện Châu Âu ở Ý, cho biết. Cheru còn nhận xét rằng Tedros là một người có quan điểm thực dụng. "Nếu không có sự bao bọc của Trung Quốc, Mỹ sẽ tìm cách phá hoại hình ảnh của ông. Tedros biết rõ điều này. Bạn cần nhiều đồng minh hơn là kẻ thù, dù số đồng minh này không có ấn tượng tốt đẹp mấy".

Anthony Costello, giám đốc của Viện Sức khỏe Toàn cầu UCL, cho biết "Tôi không nghị Tedros đã làm bất cứ điều gì mà các giám đốc trước đây không làm. Ông ta cần mối quan hệ tốt với Trung Quốc để có sự hỗ trợ". Ngay cả Lawrence Gostin, người từng phê phán kịch liệt Tedros, cũng cho biết rằng "việc ông ấy thiên vị cho Trung Quốc là có thể hiểu được. Ông ấy đang tìm cách để Trung Quốc đồng ý hợp tác". Tuy nhiên, Tedros cần lưu ý rằng chiến lược của ông có thể khiến "sự uy tín về mặt khách quan của WHO có nguy cơ bị hủy hoại".

Nếu WHO cho rằng có thể hi sinh một chút danh tiếng, như việc làm ngơ những sai lầm hiển nhiên của Trung Quốc từ tháng 12 đến tháng 1 để đổi lấy sự hợp tác vào tháng 2 và nhiều vấn đề khác, thì suy nghĩ này hoàn toàn sai lầm. Sự tranh cãi về sức ảnh hưởng của Trung Quốc đã nổ ra trong nhiều tuần, ít nhất là kể từ khi chỉnh quyền Đài Loan cáo buộc WHO đã bỏ qua báo cáo của họ về nguy cơ lây nhiễm từ người sang người của virus corona nhằm xoa dịu Trung Quốc. Cũng chính vì nguyên nhân này mà Đài Loan không thể tham gia WHO (cũng như Liên Hợp quốc) sau hàng thập kỷ.

Hiện tại, Tổng thống Trump đang phải gồng mình giải thích vì sao Mỹ là quốc gia có số ca nhiễm lớn hơn nhiều so với các nước khác. Và tất nhiên, Trump xem Trung Quốc và cả WHO là kẻ thí mạng cho câu hỏi đó. Fidler cho biết "Tôi không nghĩ chính phủ Mỹ sẽ cắt tiền tài trợ. Nhưng từ những gì đã diễn ra trong dịch bệnh lần này, việc WHO phải lựa chọn giữa cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung, có thể thấy tương lai của WHO không tốt lắm".

Trong khi mọi sự chú ý đổ dồn vào mối liên hệ giữa WHO và Trung Quốc từ tháng 1, thì về mặt dịch tễ học, dịch bệnh đã sang giai đoạn mới. Covid-19 lây lan nhanh hơn và rộng hơn tại châu Âu và Mỹ, dù đây là những quốc gia cung cấp nguồn tiền và nguồn lực chính cho WHO. Trước khi dịch bệnh xảy ra, WHO đã rất chật vật để thuyết phục những nước này chuẩn bị. Đến khi dịch bệnh xảy ra, các nước này trở thành ổ dịch và WHO không thể khiến chính phủ các nước tuân theo chỉ dẫn của tổ chức này.

Richard Horton cho biết sau khi WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp, "các nước, đặc biệt là phương Tây, không nghe theo. Hoặc không tìm hiểu sự việc đang diễn ra tại Trung Quốc". Vào ngày 5/2, WHO yêu cầu hỗ trợ 675 triệu USD để chống dịch đến tháng 4, đến ngày 4/3, WHO chỉ nhận được 1.2 triệu USD. Đến khi số ca nhiễm toàn cầu vượt mốc một triệu người thì WHO mới nhận đủ số tiền tài trợ đề nghị.

Thậm chí quyết định tuyên bố dịch vào ngày 13/3, hay còn gọi là PHEIC, cũng bao gồm việc yêu cầu thành viên của WHO có các hành động để phòng, chống dịch. Trong khi đó, Premier League vẫn được tổ chức tại Anh, tuần trước thì Mỹ vẫn còn tổ chức cuộc bầu cử sơ bộ. "Họ phải công bố tình trạng dịch bệnh toàn cầu vì các nước không tuân thủ chỉ dẫn của tổ chức", Adam Kamradt-Scott, giáo sư về sức khỏe toàn cầu tại Đại học Sydney.

WHO nhấn mạnh rằng các hành động cần thiết để chống lại dịch bệnh rất đơn giản. Chính quyền các nơi nên hạn chế tiếp xúc công cộng, đặc biệt là theo dõi và truy tìm tất cả các ca nhiễm, đây là chiến thuật có hiệu quả tại Hàn Quốc và đang được Đức áp dụng. Ở mức độ quốc tế, chính quyền nên chia sẻ thông tin khoa học và các nguồn lực.

Nhưng các nước lại liên tục bỏ qua những chỉ dẫn của WHO. Tại Anh, phản ứng của chính quyền nước này trước dịch bệnh rất bất thường, nó nhập nhằng giữ tiêu chuẩn của WHO và chiến lược riêng của đất nước, điển hình là sự theo đuổi thuyết "miễn dịch cộng đồng" mà đến nay đã sụp đổ. Mãi cho đến 16/3, Mỹ mới khuyến cáo các trường học đóng cửa và hạn chế đi lại. Còn ở Thụy Điển thì các nhà hàng vẫn mở cửa bình thường.

Nhiều nước phát triển không chỉ theo đuổi chiến lược y tế công cộng riêng của mình mà còn rút khỏi các cam kết ngoại giao và thương mại mà họ đã thiết lập. Chẳng hạn như đầu năm nay, NHS đã đặt hàng hàng triệu khẩu trang từ một công ty Pháp có tên Valmy SAS. Nhưng đến đầu tháng 3 thì chính phủ Pháp trưng dụng toàn bộ số khẩu trang sản xuất trong nước, do vậy số khẩu trang mà Anh đã đặt sẽ không bao giờ được chuyển đi. Tuần trước, Đức cũng cáo buộc Mỹ đã thu giữ một lô hàng khẩu trang đến nước này qua một cảng tại Thái Lan. Trong khi trước đó, Đức đã cử thanh tra đến nhà máy của Juchen, một công ty Mỹ, để đảm bảo rằng việc xuất khẩu khẩu trang y tế của họ không bị ảnh hưởng bỏi lệnh cấm.

WHO đang phải chống lại sự rạn nứt trong quan hệ hợp tác quốc tế dù nó đã vượt ngoài tầm kiểm soát. "Các chính phủ đã thu hồi chính sách của họ và vấn đề này diễn ra trước cả khi có dịch bệnh", học giả về sức khỏe Clare Wenham cho biết. Các quốc gia đã quay lưng với các tổ chức quốc tế từ lâu. WHO không phải là một tổ chức quốc tế theo cách của WTO hay IMF, mà là lặng lẽ chống chọi với dịch bệnh bùng phát trong thế giới công nghiệp hóa và kết nối toàn cầu; và thường dựa trên các chuẩn mực hợp tác quốc tế không chính thống.

Trớ trêu thay, WHO lại là tổ chức được gọi tên nhiều nhất vào lúc này, khi mà niềm tin đặt vào các nước đứng đầu trật tự thế giới đang dần suy giảm. Và dường như, Covid-19 chỉ đóng vai trò là chât xúc tác giúp tăng tốc quá trình này. Wenham cho biết "Khi nó tiếp tục diễn ra, người ta sẽ thấy WHO dần trở nên ít quan trọng hơn. Không ai nghĩ đến việc giảm số ca nhiễm toàn cầu, chỉ có giảm con số của họ mà thôi. WHO là một lực lượng quốc tế, nhưng con người lại không có suy nghĩ bao la đến thế".

Minh Bảo theo The Guardian

Chủ đề khác