VnReview
Hà Nội

Google mong chờ điều gì ở mảng kinh doanh smartphone của HTC?

Google đã mua lại khối tài sản trị giá hơn 1 tỷ USD của HTC, bao gồm 2.000 nhân viên và quyền truy cập tới các tài sản về trí tuệ để có thể "chơi tất tay" ở mảng phần cứng di động.

> HTC mua lại một phần mảng smartphone của HTC với giá 1,1 tỷ USD

Tuy Google sáng tạo ra và sở hữu hệ điều hành Android, gã khổng lồ công nghệ này vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tự làm ra điện thoại thông minh và máy tính bảng của riêng mình (ảnh: Reuters)

Google tuyên bố họ đã mua lại một phần lớn của mảng kinh doanh di động của HTC với mức giá 1,1 tỷ USD, cho HTC thêm thời gian và nguồn vốn để có thể trụ lại ở thị trường. Nhưng mục đích của Google trong thương vụ này là gì?

Google không mua lại toàn bộ HTC, và cũng không mua cả mảng kinh doanh kính thực tế ảo Vive như nhiều người nhận định. Với số tiền đã bỏ ra, Google sở hữu một nửa nhóm nghiên cứu và phát triển của HTC – khoảng 2.000 nhân viên – và một giấy phép không độc quyền với tài sản trí tuệ của HTC, cho phép Google tận dụng những thành tựu công nghệ smartphone mà HTC đang sở hữu.

Theo ông Rick Osterloh, phó Chủ tịch cấp cao mảng phần cứng của Google, HTC sẽ có một khoản tiền lớn để đầu tư và tìm lại ánh hào quang của mình, còn Google sẽ tiếp tục "đặt cược" vào phần cứng di động.

Neil Shah, Giám đốc nghiên cứu của Counterpoint Technology Market Research nhận định rằng thương vụ này "vừa là một quyết định kinh doanh để tiếp cận tới một trong những nhóm nghiên cứu và phát triển tốt nhất", "vừa là một quyết định đầy tình cảm để cứu lấy đối tác thân thiết của Google".

Lịch sử phần cứng "khiêm tốn"

Trong khi Google là người tạo ra hệ điều hành Android, hiện đang được hơn 2 tỷ thiết bị sử dụng mỗi tháng, hay 89% số thiết bị di động theo số liệu của IDC, họ vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc làm ra những điện thoại thông minh và máy tính bảng của riêng mình. Google thường hợp tác với các công ty như HTC, LG và Huawei để tạo ra các thiết bị Nexus, với số máy bán ra khiêm tốn và chỉ đóng vai trò "khoe hàng" mỗi khi có phiên bản Android mới ra mắt.

Google từng mua lại Motorola trong năm 2011 với giá 12,5 tỷ USD, và trong khi nó được vận hành như một công ty chuyên biệt bán điện thoại thông minh hướng tới phân khúc bình dân, thương vụ mua lại này thực chất là để Google có được một lượng lớn các bằng sáng chế quan trọng.

Theo David McQueen, Giám đốc nghiên cứu tại ABI Research: "Lí do chính của thương vụ mua lại Motorola là để Google có thể bảo vệ bản thân trước Apple (và Microsoft), đồng thời tăng sức cạnh tranh với Samsung (dù Google sẽ không bao giờ thừa nhận điều này)".

Google đã bán Motorola cho công ty Lenovo của Trung Quốc vào năm 2014 với số tiền 2,9 tỷ USD, không bao gồm các bằng sáng chế.

Điện thoại Pixel của Google, với HTC là đối tác sản xuất (ảnh: TheGuardian).

Phải đến năm 2013, thiết bị phần cứng đầu tiên do chính tay Google làm ra mới xuất hiện – Google Chromebook Pixel, một chiếc laptop có giá hơn 1.300 USD, chủ yếu được dùng trong nội bộ của công ty. Google cũng đã ra mắt thiết bị hỗ trợ trình chiếu thông minh Chromecast vào năm 2013, thứ đã trở thành thành công về phần cứng lớn nhất của họ với hơn 30 triệu đơn vị được bán ra kể từ ngày ra mắt.

Google tiếp tục ra mắt phiên bản mới của Chromebook Pixel vào năm 2015, nhưng đến năm 2016 thì họ mới làm ra điện thoại thông minh Pixel của riêng mình. Pixel và Pixel XL là những sản phẩm cao cấp nhắm thẳng vào iPhone của Apple và được sản xuất bởi HTC, mặc dù không có thương hiệu hay bất kì sự đề cập nào đến HTC trên sản phẩm hoặc bao bì.

Pixel là thứ tượng trưng cho tham vọng tấn công trực diện vào đối thủ Apple, thay vì tiếp tục cuộc chiến với những nhà sản xuất điện thoại sử dụng Android khác như Samsung.

Với thương vụ HTC, Google đã mua lại những chuyên gia và trí tuệ đứng sau sự thành công của Pixel vào năm ngoái và đưa họ về dưới trướng của mình.

Thomas Husson, phó Chủ tịch và là nhà phân tích chính của Forrester nhận định: "Hai tuần trước khi những thông tin về điện thoại Pixel đời mới và các thiết bị phần cứng khác, việc mua lại một phần lớn của HTC cho thấy sự tận tụy của Google với không gian thiết bị tiêu dùng. Việc phát hành những sản phẩm mới vào ngày 4/10 tới đây sẽ chứng minh rằng Google cuối cùng cũng đã nghiêm túc trong việc phát triển một hệ sinh thái được kiểm soát chặt chẽ hơn".

Những cặp mắt "dính chặt" vào màn hình (và cả quảng cáo)

Khi tỉ lệ sở hữu điện thoại thông minh ở các quốc gia phát triển đã trở nên bão hòa và sự khác biệt về phần cứng đã gần như không còn, cuộc chơi smartphone dần tập trung vào các dịch vụ mà điện thoại có thể mang lại, thay vì chính bản thân điện thoại ấy.

Đối với Google, điều này đồng nghĩa với rất-nhiều-dịch-vụ-web. Từ Gmail, Google Play cho đến Google Assistant, tất cả đều có mục tiêu là giữ người dùng ở trong hệ sinh thái của Google. Người dùng càng dành nhiều thời gian vào các sản phẩm của Google, càng có nhiều thông tin mà công ty này có thể thu thập và sử dụng chúng làm nền tảng cho quảng cáo.

Đó chính là lí do mà Android được phát triển, khi Google nhìn thấy tiềm năng của điện thoại di động và cảm nhận được sự cần thiết của các dịch vụ của họ trong thế giới smartphone. Đó cũng là lí do chính khiến Google trả Apple 3 tỷ USD mỗi năm để được làm nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm mặc định trên iPhone.

Nhưng khi các dịch vụ ngày càng trở nên quan trọng, các nhà sản xuất điện thoại Android bên thứ ba, tiêu biểu là Samsung, đã bắt đầu phát triển những dịch vụ của riêng mình. Bixby rõ ràng là đòn tấn công nhắm đến Google Assistant, trong khi HTC và những công ty khác đang dần tích hợp Alexa của Amazon.

Ngoài ra, Liên minh châu Âu (EU) hiện cũng đang điều tra Google với những hành vi vi phạm luật chống độc quyền, điều có thể khiến công ty này buộc phải dừng việc cài đặt sẵn Google Search cho các thiết bị Android bên thứ ba, cùng nhiều thứ khác nữa.

Đối mặt với viễn cảnh Android không còn là nhà phân phối các dịch vụ Google hiệu quả nữa, việc tự sản xuất thiết bị phần cứng của riêng mình trở nên hợp lí hơn bao giờ hết.

Trải nghiệm "thuần" Google

Ông Osterloh khẳng định: "Mục tiêu của nhóm chúng tôi là cung cấp trải nghiệm Google tốt nhất – giữa phần cứng, phần mềm và các dịch vụ - cho mọi người trên toàn thế giới".

Với dòng smartphone Pixel, Google có cơ hội mang lại một trải nghiệm "thuần" Google cho người dùng, không còn bị ảnh hưởng bởi các dịch vụ khác và không còn phải lo lắng đến cuộc điều tra của EU. Như Apple đã chứng minh trong suốt thời gian qua với iPhone, khi bạn nắm quyền kiểm soát hoàn toàn phần cứng và phần mềm trên một thiết bị, bạn có thể làm nhiều thứ với hệ sinh thái dịch vụ-thiết bị hơn.

McQueen chia sẻ: "Lần này, Google chỉ mua một phần của HTC, nhưng đó là một phần có thể giúp họ mang lại smartphone với thiết kế cao cấp, thanh lịch, đồng thời tạo mối liên kết chặt chẽ giữa phần cứng, hệ điều hành Android và các dịch vụ của Google".

Theo số liệu trong năm 2016, cả Google và HTC đều bị Samsung áp đảo (ảnh: Anthony Wallace)

Mặc dù là người sáng lập ra Android, nhưng Google hiện đang phải đối mặt với một thị trường smartphone vô cùng khốc liệt. Theo số liệu của IDC, Samsung thống trị thị trường điện thoại thông minh toàn cầu trong năm 2016 với 21% thị phần, 311 triệu đơn vị máy bán ra. Apple đứng thứ hai với 15%, 215 triệu đơn vị, còn Huawei đứng thứ ba với thị phần 9%, 139 triệu đơn vị. Google chỉ bán được khoảng 2 triệu máy Pixel vào năm 2016, còn HTC bán ra 13,9 triệu máy, thị phần chỉ khiêm tốn ở mức 0,9%.

McQueen nhận định: "Mặc dù Pixel chỉ bán ra được khoảng 2 triệu máy, nhưng đây lại là điều tốt cho Google. Nó sẽ giúp công ty phát triển quy mô ở phân khúc cao cấp, đồng thời biến họ trở thành một mối đe dọa cạnh tranh lớn tới các nhà sản xuất điện thoại Android khác, thay vì chỉ là một điểm tham khảo".

Phần cứng và cuộc chiến trợ lí ảo

Trợ lí ảo hiện đang là một trong những xu hướng công nghệ thông minh có độ "hot" rất lớn. Cuộc cách mạng này hứa hẹn khả năng truy cập vào thông tin ở bất cứ nơi đâu, bất kì lúc nào chỉ bằng một thiết bị - thứ tưởng chừng chỉ xuất hiện trong các bộ phim viễn tưởng

Smartphone là làn sóng đầu tiên trong việc truy cập thông tin mọi lúc mọi nơi, và nó nhiều khả năng cũng sẽ là cầu nối trong tương lai gần. Hầu hết các điện thoại thông minh ngày nay đều có tích hợp công nghệ trợ lí ảo, từ Siri cho đến Google Assistant, Cortana và Alexa.

Đối với Google, giai đoạn này là vô cùng quan trọng. Google Assistant là quân bài chiến lược của họ, kết nối nhiều tính năng với nhau, từ tìm kiếm và khẩu lệnh cho tới bộ bách khoa toàn thư khổng lồ của Google, và họ cung cấp nó không chỉ thông qua điện thoại thông minh mà còn cả loa thông minh, máy tính và thậm chí là ô tô.

Để Google cạnh tranh một cách toàn diện với những đối thủ trong lĩnh vực mới nổi này, họ cần nhiều sự nỗ lực hơn. Loa thông minh Google Home là bước tiến quan trọng đầu tiên của họ, và một phiên bản Google Home mới nhỏ hơn được dự kiến sẽ ra mắt vào ngày 4/10 tới đây.

Geoff Blaber, phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu tại CCS Insight cho biết: "Khi máy điện toán, trí tuệ nhân tạo và tìm kiếm trở nên phổ biến, Google cần phải đảm bảo rằng họ có thể cung cấp các dịch vụ của mình một cách trơn tru và rộng nhất có thể. Để làm được điều đó đòi hỏi họ phải nghiên cứu sâu hơn về phần cứng".

Dù là loa, điện thoại thông minh hay máy tính, trong bối cảnh mà sự cạnh tranh đang ngày một gia tăng, Google cần phải tích hợp phần cứng và phần mềm tốt hơn nữa nếu như dịch vụ của họ vẫn tiếp tục phát triển.

Văn Hoàn

Theo The Guardian

Chủ đề khác