VnReview
Hà Nội

Samsung chưa từ bỏ công nghệ OLED, sẽ có TV Quantum Dot OLED năm 2019 đối đầu LG OLED

Thị trường truyền hình vốn chia làm hai phe đối đầu LCD và OLED. Về chất lượng hình ảnh, OLED đã giành chiến thắng thuyết phục theo con mắt giới chuyên gia, về thị phần, TV LCD (bao gồm cả QLED) áp đảo hoàn toàn thị trường và chỉ chừa cho OLED một phần phân khúc cao cấp. Hiện tại, Samsung Electronics vẫn kiên quyết trung thành với QLED, tuy nhiên, "người anh em" Samsung Display thì không nghĩ vậy, theo CEO Lee Dong-hoon thì họ đang phát triển công nghệ mới QD-OLED và sẽ ra mắt năm 2019.

Tại hội nghị International Information Display Exhibition (IMID) tổ chức tại Seoul, CEO của Samsung Display Co. là ông Lee Dong-hoon đã trả lời báo chí về tin đồn họ đang bí mật theo đuổi công nghệ QD-OLED (Quantum Dot OLED). "Chúng tôi đang phát triển công nghệ chuẩn bị cho loại tấm nền Quantum Dot OLED cỡ lớn" - ông Lee phát biểu - qua đó chính thức xác nhận sự tồn tại của công nghệ này. Từ đầu năm 2018, tin đồn đã râm ran trong ngành công nghiệp nhưng Samsung Electronics liên tiếp phủ nhận.

Bây giờ với lời nói chính thức từ đại diện hàng đầu của Samsung Display - bộ phận chuyên phát triển các công nghệ màn hình của Samsung - người hâm mộ và dân công nghệ có thể vui mừng trước thông tin thú vị này. Vị CEO cũng xác nhận tiến triển công việc khả quan, họ có thể sản xuất thí điểm vào năm tới.

;Lee Dong-hoon, Chủ tịch Samsung Display, tham gia sự kiện IMID 2018 (ảnh: The Bell)

Theo truyền thông Hàn Quốc từ trước và báo Digitimes vừa xác nhận gần đây, kế hoạch nghiên cứu công nghệ QD-OLED của Samsung Display là thật và nó vẫn đang ở giai đoạn đầu tư. Công ty sẽ chuyển đổi một nhà máy sản xuất màn hình LCD Gen 8.5 sang màn hình QD-OLED vào nửa đầu năm 2019. Nhà máy có tên L8-1, công suất tối đa đạt 200.000 chất nền mỗi tháng, cho phép Samsung Display sản xuất khoảng 160.000-180.000, xem như hãng chấp nhận loại bỏ một cơ sở chế tạo tấm nền LCD cỡ lớn.

Theo kế hoạch, nhà máy hiện đang sản xuất các tấm nền LCD 49 và 55 inch, nhưng công ty muốn cắt giảm tổng sản lượng tấm nền TV xuống còn 30 triệu trong năm tới. Thực chất, TV Samsung không hoàn toàn dùng tấm nền Samsung Display mà còn từ Sharp và các hãng Trung Quốc, sau khi Sharp cắt hợp đồng thì họ tìm đến cả LG Display nữa. Bản thân Samsung Display cũng không còn mặn mà với LCD, họ đã đóng cửa năm dây chuyền sản xuất Gen 5 và một Gen 7, chấp nhận nhường sân chơi này cho Trung Quốc giống LG Display.

Đối với dây chuyền sau khi chuyển đổi, họ dự tính chế tạo thí điểm 5.000 chất nền mỗi tháng trước, nếu thuận lợi sẽ tăng dần lên tùy vào tình hình. Ngân sách cho dự án này dự kiến khoảng 8,95 tỉ USD trong giai đoạn 2019-2021, và không có gì đảm bảo mọi chuyện sẽ thuận lợi, trong trường hợp không may, kế hoạch vẫn có thể bị hủy.

Samsung đang là hãng TV lớn nhất thế giới, đẩy mạnh thương hiệu QLED đối đầu với OLED của LG

Bạn đọc VnReview hẳn vẫn còn lạ lẫm với công nghệ mới này, chúng tôi sẽ khái quát như sau về QD-OLED. Màn hình OLED về cơ bản chia làm ba loại là RGB OLED, White OLED (WOLED) và Blue OLED.

Loại RGB OLED chính là các màn hình mà dùng ta dùng trên smartphone, tablet và một số smartwatch hiện nay. Các điểm ảnh hữu cơ phát ra ánh sáng màu là Red, Blue và Green, không liên quan đến loại ma trận sắp xếp điểm ảnh RGB hay Pentile (RGBG hoặc RBGB).

Thứ hai là WOLED, tồn tại trên tất cả màn hình TV OLED hiện nay. Trong khi RGB OLED được nhiều công ty sản xuất, WOLED chỉ có LG Display phát triển sau khi mua lại nền tảng công nghệ từ Kodak - hãng phát minh ra OLED. Điểm ảnh phát ra ánh sáng trắng (hợp thành từ ánh sáng Yellow và Blue của vật liệu hữu cơ), đi qua bộ lọc màu để có ánh sáng Red, Green, Blue. Bộ lọc màu hoạt động bằng cách chặn các ánh sáng không cần thiết, chỉ cho ánh sáng mong muốn đi qua. Ma trận điểm ảnh là RGBW, bổ sung thêm một điểm ảnh phụ White để bù cho số ánh sáng đã bị chặn, kéo lại độ sáng.

Blue OLED chính là loại mà bài này nói đến. Điểm ảnh hữu cơ phát ra ánh sáng Blue, đi qua bộ chuyển đổi màu để có đủ ba ánh sáng Red, Green, Blue cuối cùng theo ma trận RGB.

Trong quá khứ, công ty cố theo đuổi TV OLED dùng màn hình RGB OLED tự sản xuất, nhưng sau đó thất bại

Trong trường hợp của Samsung Display, họ đã từng theo đuổi RGB OLED trên tấm nền TV nhưng bị thất bại năm 2013. Công nghệ này về lý thuyết là cách áp dụng đúng nhất của OLED để phát huy tối đa tiềm năng, nhưng do gặp quá nhiều khó khăn, mọi nỗ lực thương mại hóa lên TV màn hình lớn đều thất bại không chỉ riêng Samsung. Dẫn đến tình trạng LGD với WOLED độc tôn thị trường màn hình TV bây giờ. Thực tế, WOLED bị đánh giá kém hơn nhiều RGB OLED.

Theo thống kê, TV OLED chỉ chiếm dưới 2% tổng thị trường TV, còn lại là LCD, bản thân LG Display cũng đang "vắt chân lên cổ" để theo kịp nhu cầu của các hãng làm truyền hình. Samsung Display có rất nhiều cơ hội để phá thế độc quyền hiện nay của đối thủ, đặc biệt là sự kết hợp giữa chấm lượng tử (Quantum Dot) và Blue OLED hứa hẹn vượt trội hơn công nghệ WOLED của LGD.

Công ty sẽ chế tạo bộ chuyển màu chấm lượng tử (Quantum Dot Color Converter: QDCC). Phần điểm ảnh phụ Red và Green chứa chấm lượng tử sẽ hấp thụ ánh sáng Blue từ vật liệu hữu cơ và phát ra màu sắc tương ứng. Phần điểm ảnh phụ Blue sẽ được làm rỗng để cho ánh sáng Blue đi xuyên qua, kết hợp với hai phần kia tạo thành ba màu Red, Green, Blue cuối cùng nhằm hiển thị hình ảnh.

Mô tả về White OLED với bộ lọc màu trên TV LG hiện nay và Blue OLED với QDCC mà Samsung đang nghiên cứu (nguồn: Nanosys)

Đây là diễn giải cơ chế của QD-OLED một cách ngắn gọn nhất. Chúng ta không biết liệu công ty Hàn Quốc có thành công hay không khi theo đuổi hướng này? Hy vọng là có. Cũng như liệu Samsung Electronics có quyết định sử dụng màn hình QD-OLED của "người anh em" không hay vẫn trung thành với LCD cải thiện bằng chấm lượng tử?

Tuy nhiên, nếu Samsung Display không bị thất bại trước các rào cản kĩ thuật như công nghệ RGB OLED trước đây (phát sinh khi tăng sản lượng và tăng kích thước tấm nền), đó sẽ là một bước chuyển quan trọng với ngành công nghiệp hiển thị cũng như khách hàng. Nếu Samsung Electronics từ chối, họ hoàn toàn có thể bán các tấm nền cho những công ty thuộc khối OLED của LG, vốn đang "thèm khát" một nguồn cung mới.

*Giải thích một số thuật ngữ trong bài:

- Chất nền: Đơn vị sản xuất trong ngành công nghiệp màn hình, tấm nền sẽ được cắt ra từ một tấm chất nền có diện tích lớn hơn.

- Gen 8.5: Thế hệ nhà máy chế tạo màn hình, con số biểu thị cho khả năng xử lí được tấm chất nền có diện tích lớn. Số thế hệ càng cao thì tấm chất nền càng lớn, tăng năng suất cắt được nhiều tấm nền hơn. Nhà máy lớn nhất hiện nay là Gen 10.5.

Ambitious Man

Chủ đề khác