VnReview
Hà Nội

Tụt hậu công nghệ so với Huawei là nguyên nhân khiến Samsung mất thị phần ở Trung Quốc?

Samsung đang trải qua thời kỳ khó khăn ở thị trường smartphone Trung Quốc, ngày càng nhiều người bỏ qua dùng iPhone hoặc thương hiệu nội địa. Theo giới phân tích, chậm chạp trong việc đưa ra công nghệ mới có thể là nguyên nhân cho điều này.

Công ty Hàn Quốc đã phải đóng cửa một nhà máy ở Thiên Tân, Trung Quốc. Việc sản xuất smartphone được chuyển dịch sang Việt Nam và Ấn Độ, phản ánh nhu cầu yếu ớt của thị trường Trung Quốc. Chi phí nhân công tăng trong khi hiện diện yếu ớt, Samsung buộc phải cắt giảm chi phí bằng cách đóng cửa một trong hai cơ sở ở đây. Thay vào đó, một số mẫu điện thoại của họ được chuyển qua hình thức hợp đồng ODM, giống như Xiaomi.

Trong khi Apple cũng suy giảm doanh số nặng nề giống Samsung, công ty Mỹ lại có lợi thế ở việc nắm giữ phần lớn phân khúc cao cấp. Còn thương hiệu Hàn Quốc đang bị đe dọa bởi nhóm "tứ hoàng" Huawei, Oppo, Vivo và Xiaomi trên tất cả phân khúc. Trước đây Samsung thường cung cấp những mẫu điện thoại với công nghệ mới, tạo hình ảnh cạnh tranh sòng phẳng với Apple. Tuy nhiên họ đã đánh mất điều đó trong năm 2018, còn các hãng Trung Quốc thì nổi lên mạnh mẽ, ngày càng thu hẹp khoảng cách kĩ thuật với Samsung.

Ham Young-min, một nhà phân tích cho biết: "Người dân Trung Quốc không còn nghĩ Samsung mang lại cho họ một trải nghiệm cao cấp nữa. Thay vào đó, mua điện thoại Huawei sẽ giúp họ trải nghiệm những công nghệ mới nhất của điện thoại Android". Nhận định rằng công ty đang bị mất thị phần phân khúc cao cấp bởi đối thủ Huawei. Ông bổ sung: "Khoảng ba đến bốn năm trước, Samsung đã xây dựng cho mình hình ảnh luôn đi đầu về công nghệ mới trên điện thoại Android. Trong khi những người mua iPhone vẫn cho rằng mình đang sở hữu một sản phẩm đặc biệt, thì nhóm khách hàng đã từng mua điện thoại Galaxy trước kia (vì lí do ở trên) lại đang dốc hầu bao để mua điện thoại mới của Huawei".

Samsung đang dần hụt hơi trước Huawei;

Ham Young-min chỉ ra rằng Samsung bị mất thị phần từ phân khúc giá rẻ cho đến cao cấp bởi họ đã thất bại trong việc gây chú ý với khách hàng thông qua các tính năng mới. Galaxy S10 sẽ có bản mặt lưng gốm, cảm biến vân tay trong màn hình, camera đa ống kính, cấu hình thuộc nhóm mạnh nhất, những thứ đó đều đã được các công ty Trung Quốc cung cấp trước rồi. Camera của Huawei đang dẫn đầu bảng xếp hạng DxOMark với cảm biến IMX600 của Sony. Mới đây, thương hiệu Honor của họ trình làng điện thoại camera 48MP đầu tiên trên thế giới sử dụng cảm biến IMX586. P20 Pro ra mắt đầu 2018 là điện thoại ba ống kính đầu tiên trên thế giới, với thiết kế gradient đã mở ra một trào lưu trong giới smartphone. Dòng A và J năm qua thì hoàn toàn mờ nhạt, trong khi chúng thường đóng góp lớn cho doanh số điện thoại Galaxy.

Cảm biến vân tay dưới màn hình đã được Vivo giới thiệu đầu tiên, trong khi nhận diện khuôn mặt 3D đã có Xiaomi và Oppo làm. Điện thoại vỏ gốm, hai màn hình, trượt cơ khí, RAM và bộ nhớ lớn,... họ cũng đều đi trước Samsung. "Thêm nữa, một công ty Trung Quốc vô danh đã ra mắt điện thoại gập đầu tiên trên thế giới, trước cả Samsung. Mặc dù vẫn còn tồn tại những khiếm khuyết, nó cũng tác động vào tâm trí khách hàng rằng họ có thể tự hào vì các thương hiệu nội địa đang dẫn đầu công nghệ", ông bổ sung. Các hãng như Xiaomi, Oppo, Huawei đều đang nghiên cứu điện thoại gập, sẵn sàng đón đầu Samsung trong chiến trường tương lai.

Công ty thậm chí còn gặp khó sau chuỗi thảm họa mang tên Galaxy Note 7 và cuộc khủng hoảng chính trị THAAD. Samsung đã cố gắng phục hồi niềm tin của khách hàng Trung Quốc sau vụ triệu hồi Note 7, nhưng không thể làm gì khi người Trung Quốc giận dữ trước việc triển khai hệ thống tên lửa THAAD của Hoa Kỳ hồi tháng Ba năm 2017. Gây ra tâm lý chống đối bán đảo Triều Tiêu lan rộng trong cộng đồng. Báo cáo thị phần của Counterpoint Research nói Samsung chỉ còn xấp xỉ 1% thị phần ở đây. Trong khi Strategy Analytics nói quý 3 họ bán chưa nổi 1 triệu máy ở Trung Quốc.

Ambitious Man

Chủ đề khác