VnReview
Hà Nội

Tròn 1 năm sau scandal Cambridge Analytica, Facebook vẫn phải đối mặt với hàng loạt bê bối khác

Tuần này đánh dấu tròn một năm sau vụ bê bối Cambridge Analytica khiến dữ liệu của hơn 87 triệu người dùng bị rò rỉ nhưng có vẻ như sóng gió vẫn chưa qua đi với Facebook ngay cả trong năm 2019 này.

Facebook đã có một năm 2018 đầy khó khăn với hàng loạt bê bối liên quan đến bảo mật dữ liệu người dùng.

Nhưng ngay cả khi Mark Zuckerberg khẳng định sẽ siết chặt kỷ luật và có nhiều biện pháp để bảo vệ người dùng thì Facebook vẫn khó có thể thoát khỏi những tác động khác từ môi trường chính trị và xã hội tại các quốc gia mà nó có mặt.

Tại nhiều quốc gia, Facebook đang bị tố gian lận quảng cáo chính trị và mới đây nhất mạng xã hội tỷ dân còn bị lãnh đạo các nước thúc giục phải giải quyết sớm hậu quả từ vụ kẻ khủng bố tại New Zealand livestream cảnh giết người trên Facebook.

Trong bối cảnh phải đối mặt với hàng loạt thách thức từ bê bối Cambridge Analytica, cáo buộc chia sẻ dữ liệu người dùng trái phép, văn hóa doanh nghiệp, bất đồng chính kiến hay cả những góc khuất trong môi trường văn phòng tại Facebook, đã có không ít nhân sự cao cấp rời Facebook trong thời gian qua.

Theo CNN, sự ra đi của các nhân sự cao cấp tạo ra một lỗ hổng lớn trong bộ máy điều hành của Facebook. Thậm chí mạng xã hội tỷ dân đã có thời điểm hoạt động rất chểnh mảng, dẫn tới những vụ sập Facebook liên tiếp trong thời gian qua.

Tuần này đánh dấu kỷ niệm một năm sau vụ bê bối Cambridge Analytica, scandal tai tiếng nhất trong lịch sử Facebook và khiến mạng xã hội này đánh mất niềm tin của công chúng.

Thời điểm mới nổ ra bê bối, Facebook trở thành mục tiêu nhắm đến hàng đầu của các chính trị gia đến các cơ quan quản lý. Mạng xã hội bị dính líu tới hàng loạt cáo buộc liên quan đến thỏa thuận chia sẻ dữ liệu người dùng cho các bên thứ ba hay làm lộ thông tin người dùng.

Nhưng khó khăn của Facebook không chỉ là vấn đề bảo mật dữ liệu người dùng, quảng cáo mà còn ở việc mạng xã hội này đang bị giới chức các nước giám sát chặt chẽ.

Daniel Ives, một nhà phân tích chuyên theo dõi Facebook chia sẻ: "Đó thực sự là một tuần ác mộng đối với Zuckerberg và Facebook.Các nhà đầu tư công nghệ thì ngày càng lo lắng hơn về những sóng gió đang chờ đợi Facebook phía trước".

Cổ phiếu của Facebook đã giảm tới 4% trong phiên giao dịch hôm thứ Sáu (15/3). Đại diện Facebook không bình luận gì thêm về sự suy giảm uy tín của công ty.

Cam kết mạnh mẽ là vậy nhưng Facebook vẫn còn nhiều điều phải lo, nhất là vấn đề nhân sự

Facebook đã bắt đầu một năm 2019 với nhiều cam kết mạnh mẽ. Hồi tháng 1/2019, công ty báo cáo lợi nhuận kỷ lục trong quý cuối cùng của năm 2018. Thông qua báo cáo, Facebook muốn gửi đi một thông điệp rằng, những bê bối trong suốt năm vừa qua không làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của hãng.

Cũng trong một cuộc họp với các nhà phân tích để bàn thảo về kết quả kinh doanh, CEO Mark Zuckerberg đã đưa ra một tuyên bố khá tự tin: "Chúng tôi đã bắt đầu nhìn thấy những tín hiệu khả quan trong kinh doanh".

Bây giờ có vẻ như Facebook đang chuyển sang một ngã rẽ mới. Trong một bài đăng trên blog vào hồi đầu tháng này, Mark Zuckerberg đã vạch ra những kế hoạch dài hạn nhằm tái định vị lại Facebook như một nền tảng "tập trung vào bảo mật và quyền riêng tư". Để đạt được mục tiêu này, Mark khẳng định Facebook sẽ tìm ra các giải pháp mã hóa và bảo vệ tin nhắn riêng tư cho người dùng.

Dù có những động thái tích cực hơn nhằm lấy lại lòng tin của người dùng nhưng mọi thứ là chưa đủ để duy trì được lòng tin ngay trong nội bộ Facebook. Chris Cox, giám đốc sản phẩm của Facebook và là cánh tay phải lâu năm của Zuckerberg mới đây khẳng định sẽ sớm rời công ty ngay trong tháng này. Ngoài ra, Chris Daniels, giám đốc điều hành WhatsApp sẽ rời Facebook ngay trong tháng 3/2019.

Trước đó cả đồng sáng lập Instagram và CEO WhatsApp đã rời Facebook chỉ vì không tìm được tiếng nói chung với Mark Zuckerberg. Rõ ràng Facebook đang rất cần những con người mới và niềm hứng khởi mới vì tác động từ sau vụ bê bối Cambridge Analytica đã khiến nội bộ của công ty phần nào trở nên rệu rã và không còn mục tiêu phấn đấu.

Việc tìm kiếm những ứng viên mới là giải pháp tốt nhất trong lúc này đối với Facebook. Sau rất nhiều scandal, Mark Zuckerberg luôn nhắc với truyền thông về việc Facebook đang nỗ lực thuê thêm hàng ngàn nhân sự để quản lý nội dung, xây dựng hệ thống AI để bảo vệ người dùng khỏi tin giả mạo, nội dung tuyên truyền sai lệch và video bạo lực.

Mặc dù đã và đang đầu tư khá nhiều cho bảo mật hay quản trị nội dung nhưng Facebook vẫn chưa làm cách nào giải quyết được triệt để những vấn đề như vụ livestream của kẻ khủng bố tại New Zealand. Mặc dù Facebook khẳng định đã xóa 1,5 triệu video liên quan đến vụ thảm sát và chặn 1,2 triệu video chưa kịp tải lên. Nhưng đó là khi Facebook được cảnh sát New Zealand cảnh báo về sự xuất hiện và lan truyền của video bạo lực. Hiện có rất nhiều bản sao của đoạn livestream 17 phút vẫn còn trên Facebook, YouTube và Twitter.

Nói cách khác, Facebook vẫn chưa thực sự làm đúng trách nhiệm của một nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới. Facebook vẫn luôn bị động trong nhiều vụ việc và chỉ khi mọi chuyện đã muộn, mạng xã hội này mới "xin lỗi" người dùng.

Rõ ràng sự chủ động của Facebook là điều người dùng mong đợi nhất trong lúc này. Dẫu biết rằng việc bảo vệ Facebook theo như Mark Zuckerberg là một "cuộc chiến không hồi kết" nhưng nếu mạng xã hội này có những biện pháp chủ động hơn trong mọi tình huống, có lẽ đã không có những vụ bê bối vừa qua.

Tiến Thanh

Chủ đề khác