VnReview
Hà Nội

eSport đã trở thành một ngành kinh doanh béo bở với Razer như thế nào?

Khi Min-Liang Tan lập công ty sản xuất phụ kiện chơi game vào 13 năm trước, anh đã phải đối mặt với rất nhiều hoài nghi.

"Tôi nghe người ta nói rằng, 'Game hả? Không phải cái đó dành cho lũ con nít sao?'" - anh nói - "Không ai muốn tham gia vào lĩnh vực này".

Ngày nay, công ty đóng trụ sở tại Singapore mang tên Razer của anh đã trở thành một trong những nhà cung cấp phần cứng và phần mềm gaming lớn nhất trên thế giới, với giá trị thị trường vào khoảng 1,6 tỷ USD. Một phần lớn trong thành công của Razer đến từ việc họ đã sớm nhận ra tiềm năng của eSports - một ngành công nghiệp nơi các game thủ chuyên nghiệp thi đấu tranh giành các giải thưởng danh giá và sự ủng hộ của người hâm mộ.

Razer thiết kế ra các sản phẩm như headset (tai nghe), controller (tay cầm chơi game), và bàn phím. Nhưng công ty chỉ bắt đầu bùng nổ vào năm 2005 với một con chuột máy tính được thiết kế đặc biệt dành cho các game thủ.

"Chúng tôi nói rằng chúng tôi sẽ làm ra một thứ gì đó đánh bại mọi con chuột khác trên thị trường" - Tan nói - "Do đó chúng tôi gọi con chuột đầu tiên của mình là Razer Boomslang, theo tên của một con rắn sống trên cây ở châu Phi".

razer

Min-Liang Tan, nhà sáng lập Razer

Thiết kế đậm chất tương lai của Boomslang khiến nó nổi bật so với các sản phẩm dành cho máy tính ở cùng thời điểm. Razer bán con chuột này với một slogan mà trong nhiều năm sau đó đã định nghĩa nên thương hiệu của họ: "For gamers, by gamers" (Dành cho game thủ, tạo ra bởi game thủ).

Qua nhiều năm, Razer đã phát triển thêm hàng trăm sản phẩm nữa, bao gồm cả laptop và smartphone. Mục tiêu của họ là đáp ứng nhu cầu của các game thủ về các sản phẩm nhanh và siêu nhạy, vốn tối quan trọng trong các sự kiện eSports - nơi những sự chậm trễ dù là nhỏ nhất cũng có thể khiến công sức của cả một hiệp đấu đổ sông đổ biển.

"Bạn đang nói đến những sự kiện với giải thưởng tiền mặt lên đến hàng triệu đô-la, nơi thắng hay thua có thể chỉ cách nhau một mili-giây nếu ai đó có khả năng click chuột nhanh hơn" - Tan nói.

Công ty này tiếp tục tung ra những phiên bản mới và cải tiến của con chuột chơi game trứ danh đầu tiên của mình. Sản phẩm gần đây nhất là Mamba Hyperflux, một con chuột có thể sạc không dây từ đế lót của chính nó.

razer

Chuột Razer Mamber Hyperflux

Razer hiện có hơn 1.500 nhân viên, với hai trụ sở đặt tại Singapore và San Francisco. Công ty có văn phòng tại nhiều thành phố trên toàn thế giới, bao gồm Seoul, Thượng Hải và Hamburg.

Tuy nhiên, họ vẫn có nhiều việc phải làm để thuyết phục các nhà đầu tư.

Doanh thu của Razer tăng 39%, đạt 274 triệu USD trong nửa đầu năm 2018. Nhưng công ty vẫn đang thua lỗ, và giá trị cổ phiếu của họ đã sụt giảm gần 60% trong năm qua.

Điều đó đã gây tác động tiêu cực lên tài sản của Tan. Anh từng có thời được xem là tỷ phú tự thân trẻ nhất Singapore. Nhưng Forbes đã hạ cấp giá trị tài sản ròng của anh xuống mức 690 triệu USD vào năm ngoái.

Dù vấp phải sự cạnh tranh từ các đối thủ như công ty công nghệ Logitech của châu Âu, Tan vẫn tự tin vào tương lai của Razer, khẳng định rằng nhu cầu đối với các sản phẩm gaming tiên tiến đang ngày càng tăng nhờ sự phổ biến của eSport.

razer

Razer đầu tư rất mạnh vào eSport

Năm nay, các tựa game thi đấu trực tuyến sẽ chính thức xuất hiện lần đầu bên cạnh các bộ môn thể thao khác tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á ở Manila, đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với ngành công nghiệp gaming. Razer đã "đánh dấu lãnh thổ" khi nhanh chóng trở thành nhà tài trợ chính thức cho sự kiện này.

"Đây là một lĩnh vực kinh doanh nghiêm túc, do đó chúng tôi đang đầu tư mạnh vào nó" - Tan nói.

Minh.T.T

Chủ đề khác