VnReview
Hà Nội

FPT và hai cuộc “truyền ngôi” bất thành

Chỉ sau hơn 3 năm từ nhiệm, ông Trương Gia Bình - Tổng giám đốc đầu tiên của FPT trong suốt 21 năm (1988 – 2009) đã vừa phải quay trở lại đảm nhiệm vị trí này sau khi hai người kế nhiệm ông là ông Nguyễn Thành Nam và ông Trương Đình Anh phải rút lui, không thể tiếp tục chèo lái con thuyền FPT.

Sự trở lại của ông Trương Gia Bình cũng như sự ra đi của ông Nguyễn Thành Nam và ông Trương Đình Anh đều cho thấy một điều: FPT đang bị khủng hoảng về người lãnh đạo và đường lối lãnh đạo. Cả hai người kế nhiệm ông Bình tưởng chừng là những lựa chọn sáng giá của FPT nhưng rốt cuộc đều chưa đạt yếu tố nhân hòa.

fpt ceo

Ba thế hệ CEO FPT (từ trái sang): ông Trương Gia Bình, ông Nguyễn Thành Nam, ông Trương Đình Anh.

TGĐ Nguyễn Thành Nam (từ tháng 4/2009 - 3/2011)

Cách đây 3 năm, ông Trương Gia Bình rút khỏi vị trí điều hành với ý định chuyển giao trọng trách điều hành công ty cho thế hệ mới trẻ hơn. Tuy nhiên quyết định lựa chọn ông Nguyễn Thành Nam khi đó vào ghế Tổng Giám đốc đã khiến nhiều người nghi ngại cho rằng ông thích hợp. Không thích hợp không phải vì ông Nam không có năng lực bởi ông Nam đã từng lãnh đạo FPT Software khá thành công, mà vì tính cách của ông Nam vốn "xuề xòa, luôn ăn nói vui vẻ và khôi hài trong đối nhân xử thế" tuy được nhiều người yêu mến nhưng dường như không hợp với vai trò đầu tàu của một tập đoàn lớn.

Nguyễn Thành Nam fpt

Báo chí, giới công nghệ và các diễn đàn cũng từng mổ xẻ bài diễn văn nhậm chức của ông Nam, có báo cho rằng bài diễn văn thể hiện tâm huyết của ông với FPT nhưng có phần "nhảm nhí" khi ông sử dụng khá nhiều ngôn từ bình dân mà những người ở cương vị lớn như ông sẽ không dùng. Ngay trong bài diễn văn này, ông Nam đã đề cập đến một số "căn bệnh" của FPT và ông kêu gọi một sự cải tổ, đổi mới để "mỗi thành viên của FPT là một niềm tự hào của gia đình, dòng họ".

Ở FPT dưới thời trị vì của TGĐ Nguyễn Thành Nam, mọi thứ dường như đều êm ả, không có biến động gì lớn. Song rốt cuộc, ông đệ đơn từ chức sau chưa đầy 2 năm tại vị, với lời giải thích từ FPT rằng đây là lộ trình chuyển giao cho thế hệ lãnh đạo thứ hai của FPT và ông Nam nằm trong kế hoạch chuyển tiếp, là thế hệ lãnh đạo "một rưỡi" của Tập đoàn.

Chưa rõ nội tình đằng sau việc ông Nam từ chức thực sự là gì, nhưng kể từ sau khi thôi giữ chức Tổng Giám đốc FPT hồi tháng 2/2011, ông Nguyễn Thành Nam liên tục rời khỏi hầu hết các vị trí trọng yếu tại FPT. Tháng 3 và tháng 10/2011, nguyên TGĐ FPT lần lượt không còn là Chủ tịch HĐQT tại Công ty Thương mại FPT (FTG) và Công ty Phần mềm FPT (FPT Software). Sau đó, ông Nam cùng 5 lãnh đạo kỳ cựu khác của FPT cũng không còn có mặt trong HĐQT khóa mới của Tập đoàn này. Hiện nguyên TGĐ FPT chỉ còn giữ chức Giám đốc Dự án Phát triển thị trường Nigeria tại FPT, với nhiệm vụ khai phá và phát triển hoạt động kinh doanh của FPT tại quốc gia này, và rộng hơn là các quốc gia châu Phi.

TGĐ Trương Đình Anh (tháng 2/2011 - 9/2012)

Khi ông Trương Đình Anh được bầu vào vị trí Tổng Giám đốc FPT hồi tháng Hai năm ngoái, nhiều người hy vọng rằng con người trẻ tuổi và quyết đoán, nhiều tham vọng và hoài bão này sẽ thổi một luồng sinh khí mới cho người khổng lồ FPT đang trở nên chậm chạp và già nua. Chắc chắn Hội đồng Quản trị FPT và bản thân ông Trương Đình Anh khi đó cũng không ngờ chỉ sau hơn 1 năm, Tập đoàn này lại phải thay tướng. Tính cách quyết đoán của Trương Đình Anh giờ lại bị cho là cực đoan, thiếu mềm dẻo khiến cho không khí làm việc của FPT trở nên "ngột ngạt".

trương đình anh fpt

Ít ngày sau khi nhậm chức, ông Trương Đình Anh đã trình HĐQT xem xét Phương án Quỹ lương, Quỹ thưởng mới cho các công ty thành viên thuộc lĩnh vực cốt lõi, đưa ra một số chính sách cứng rắn như: "Sẽ cách chức những ai trong 3 quý không hoàn thành kế hoạch", "Cứ 2 quý, nhân viên nào có 5/6 tháng có lương Max sẽ được tăng Level, tăng bậc lương F, 3/6 tháng có lương dưới bậc lương F sẽ bị giảm bậc lương F, giảm Level; 4/6 tháng có lương Min sẽ bị xem xét cho thôi việc"…

Theo bài viết "TGĐ Trương Đình Anh trở lại, văn hóa FPT xưa, liệu có còn?" đăng trên báo Giáo dục Việt Nam mới đây, thì ngay từ khi mới nhậm chức, TGĐ Trương Đình Anh gây "sốc" với dư luận khi đưa ra quan điểm kinh doanh tất cả vì doanh số và lợi nhuận. Ai kiếm tiền giỏi được ông biệt đãi, người kinh doanh hiệu quả được ông trọng dụng. Và trên thực tế, như nhiều người ghi nhận, trong hàng tổng và phó tổng các công ty thành viên, không ít người đã bị ông Trương Đình Anh lạnh lùng "phế vị". Chỗ nào không hiệu quả là ông "chặt". Thời kì tập quyền "One FPT" của một Trương Đình Anh "rắn", "chắc" dường như trái ngược hẳn với tính cách và "thời đại" của vị TGĐ cũ Nguyễn Thành Nam khiến cho nhiều người cảm thấy ngột ngạt và có phần o ép?!

Như vậy, dường như ông Trương Đình Anh đã quá nôn nóng cải tổ FPT, quá tự tin vào chính sách quản lý cứng rắn đã được ông áp dụng tại công ty con FPT Telecom và cuối cùng đã "dục tốc bất đạt", không được lòng người, vấp phải những hàng rào lớn từ ngay trong Hội đồng quản trị.

Đầu tháng 8, báo chí rộ lên tin đồn ông Trương Đình Anh bị "trảm" khỏi ghế TGĐ vì không hoàn thành chỉ tiêu cam kết, sau đó tin từ đại diện truyền thông FPT khẳng định ông Đình Anh chỉ xin nghỉ phép 2 tháng, rồi có tin ông Đình Anh xin nghỉ phép vì "dỗi" với HĐQT… Đến cuối tháng 8, ông Trương Đình Anh chính thức lên tiếng, tuyên bố mình nghỉ phép vì lý do sức khỏe và sẽ trở lại làm việc vào giữa tháng 9. Sau những tin đồn quanh việc nghỉ phép dài ngày, khi trở lại, ông Trương Đình Anh vẫn quả quyết với con đường và lựa chọn của mình: "Tôi chủ trương cần mạnh tay điều chỉnh, cải tổ thật nhanh ở những đơn vị không hoàn thành kế hoạch". Ông cũng nhấn mạnh rất cần Ban Lãnh đạo Tập đoàn cùng chia sẻ cách nhìn với ông trong các quyết sách cần sự sắc bén và hành động quyết liệt.

Tin ông đệ đơn từ chức hôm qua, 26/9, thực sự là một bất ngờ, bởi trước đó Trương Đình Anh đã tuyên bố "không bao giờ từ chức, trừ khi bị bãi nhiệm". Rõ ràng là nội bộ ban lãnh đạo FPT đang có những mâu thuẫn lớn dẫn đến quyết định gây sốc này.

Tân TGĐ Trương Gia Bình: "Chuyển giao lãnh đạo FPT không dễ"

Trở lại với vị trí Tổng Giám đốc FPT sau hai lần "truyền ngôi" bất thành, ông Trương Gia Bình đã thừa nhận trên báo VnExpress: "Chuyển giao lãnh đạo FPT không dễ" và cho biết HĐQT FPT sẽ thay đổi quan điểm tìm kiếm và phát triển thế hệ lãnh đạo kế cận, đảm bảo sự trường tồn của tập đoàn.

Trương Gia Bình fpt

Theo ông Trương Gia Bình, "Đình Anh đã làm được điều này (khả năng quyết định một cách quyết liệt) ở đơn vị do mình phát triển, nhưng gặp vô vàn khó khăn khi lên điều hành ở quy mô tập đoàn, khi phải lãnh đạo cả những đơn vị không do mình trực tiếp xây dựng, trong những lĩnh vực không thuộc thế mạnh của mình. Tôi nhìn nhận đó là sự khác biệt, còn Đình Anh có thể xem là bất đồng quan điểm".

Giải thích về sự trở lại của mình, ông Bình chia sẻ: "Chúng tôi có nhiều ứng viên cho vị trí Tổng giám đốc. Kinh nghiệm từ hai lần chuyển giao và sau khi tham khảo ý kiến nhiều lãnh đạo trong tập đoàn, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức cán bộ FPT đề xuất phương án tôi quay trở lại. Và tôi đã chấp nhận với trách nhiệm cao nhất của mình. Vấn đề đó đưa ra Hội đồng quản trị cũng đã được phê duyệt. Tôi luôn muốn chuyển giao thế hệ nên đã chủ động rút khỏi vị trí điều hành từ năm 2009, mở đường cho thế hệ lãnh đạo kế cận. Bây giờ trở lại, tôi coi đó là trách nhiệm của người sáng lập lúc Tập đoàn khó khăn".

Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT Trương Gia Bình sẽ kiêm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc từ ngày 26/9/2012 cho đến khi việc ông Trương Gia Bình kiêm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng giám đốc được Đại hội đồng cổ đông thường niên FPT phê chuẩn, dự kiến diễn ra vào đầu năm 2013.

Cổ phiếu FPT sáng nay đã tăng khá mạnh, tăng 1600 đồng lên 38.600 đồng sau đợt khớp lệnh giá mở cửa, sau đó giảm xuống còn 38.000 đồng (tăng 1000 đồng so với phiên hôm qua) khi kết thúc phiên giao dịch hôm nay. Tất cả giới công nghệ và các nhà đầu tư đều đang chờ đợi những quyết sách mới của tân Tổng Giám đốc Trương Gia Bình. Việc ông Bình trở lại với vai trò CEO của FPT được đánh giá là một phương thuốc tốt cho tình hình bất ổn của FPT thời điểm này.

Đông Phong

Chủ đề khác