VnReview
Hà Nội

Samsung khó đảm bảo sản xuất smartphone nếu khủng hoảng Nhật - Hàn kéo dài lâu hơn bốn tháng

Công ty Hàn Quốc đang làm tất cả những gì có thể để vượt qua cuộc khủng hoảng mang đậm màu sắc chính trị.

Một nguồn tin nói với tờ Nikkei rằng công ty đang lấy một loại hóa chất quan trọng cần cho sản xuất xuất chip từ Bỉ. Họ đang cố giảm thiểu thiệt hại có gây gián đoạn sản xuất, nếu nguyên vật liệu công nghệ cao bị thiếu. Park Jae-keun, một giáo sư tại Đại học Hanyang, cho biết họ đang mua chất cản quang EUV từ một công ty hóa chất Bỉ. Theo ông, Samsung đặt mua số hóa chất trị giá 6 đến 10 tháng, đảm bảo nếu khủng hoảng kéo dài sang năm sau.

Các nhà phân tích dự đoán đó có thể là EUV Resist Manufacturing & Qualification Center, liên doanh giữa JSR và IMEC thành lập năm 2016. JSR chính là một trong ba đối tác cung cấp chất cản quang EUV cho Samsung, nhưng họ thuộc diện phải xin cấp phép nếu xuất khẩu chất này từ Nhật sang Hàn. Có lẽ Samsung đã tìm cách lách luật khi mua từ công ty con của họ ở Bỉ, liên doanh này thuộc sở hữu của JSR Micro, công ty con JSR. Samsung từ chối xác nhận chuyện này, cho biết đang cố gắng đa dạng nguồn cung.

Cơ sở tại Bỉ của JSR, cung cấp chất cản quang EUV cho Samsung

Mới đây, chính phủ Nhật thông báo đã cấp phép cho một lô hàng chất cản quang tới Hàn Quốc. Số hàng này được cho là của Shin-Etsu Chemical. Samsung sẽ sử dụng để sản xuất chip cho các khách hàng ở dây chuyền đúc chip của mình. Công ty Hàn Quốc cũng đang thử nghiệm các loại khí ăn mòn đến từ Đài Loan, Trung Quốc nhằm giảm tác động từ lệnh hạn chế xuất khẩu. Phó chủ tịch Lee đã nhắc nhở nhân viên rằng: "Cứ cảnh báo, nhưng đừng sợ hãi. Chúng ta hãy vượt qua cuộc khủng hoảng này";trong một cuộc họp gần đây.

Công ty cũng đang lo lắng cho việc sản xuất smartphone bị rơi vào trì trệ. Ngài Koh Dong-jin, CEO phụ trách mảng di động, nói rằng nếu hạn chế xuất khẩu kéo dài quá lâu, họ có thể gặp rắc rối. Ước tính lượng linh kiện và thành phần dự trữ đủ cho ba đến bốn tháng tới, nếu lâu hơn thì ngay cả sản xuất smartphone cũng sẽ bị trì trệ. Công ty phụ thuộc vào nguồn cung Nhật Bản giống như bất kỳ công ty smartphone nào khác, không có đủ linh kiện thiết yếu, họ không thể sản xuất smartphone. 

Samsung đảm bảo việc sản xuất Galaxy Note 10 sẽ không gặp vấn đề

"Chúng tôi không thể tuyên bố rằng không có vấn đề gì với sản xuất smartphone" - ngài Koh nói trong hội nghị ra mắt Galaxy Note 10 - "Chúng tôi có trữ lượng các thành phần đủ trong ba đến bốn tháng nữa, nhưng nếu khủng hoảng kéo dài vượt quá giới hạn đó, mọi chuyện sẽ trở nên cực kỳ khó khăn".

Sau khi kiểm tra thông tin từ các nhà cung ứng cấp 1 và cấp 3, Samsung cho rằng không có vấn đề gì nếu đi vào sản xuất Galaxy Note 10 và Galaxy Fold. Họ vừa ra mắt chiếc Note mới nhất ngày 7 tháng Tám ở New York, Mỹ. Ngài Koh bày tỏ lo ngại họ không thể tính toán hết được ảnh hưởng từ việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu. Tạm thời thì công ty có thể đảm bảo kinh doanh smartphone suôn sẻ, nhất là khi Galaxy Note 10 vừa ra mắt.

Mọi chuyện không may lại xảy đến đúng thời điểm kết quả kinh doanh smartphone, chất bán dẫn yếu ớt. Kết quả quý mới nhất, lợi nhuận công ty giảm 56% xuống 5,6 tỷ won. Lợi nhuận từ bán dẫn giảm 71% còn smartphone giảm 42%. Galaxy S10 bán dưới kỳ vọng là một trong những nguyên nhân. Rõ ràng những tháng tới sẽ trở nên khắc nghiệt hơn, khi hai nước vẫn chưa tìm thấy tia sáng hòa giải bất chấp nỗ lực trung gian của Mỹ.

Hai nước vẫn chưa tìm thấy tia sáng hòa giải bất chấp nỗ lực trung gian của Mỹ

Thực tế thì giới chính trị gia đang không cho thấy dấu hiệu tích cực nào. Mới đây, ông Kim Min-seok, phó chủ tịch một ủy ban đặc biệt về "vấn đề xâm lăng kinh tế Nhật Bản" thuộc đảng Dân chủ Hàn Quốc, đề nghị phong trào tẩy chay Nhật Bản nên lan sang cả thể thao. Ông phát biểu tại một diễn đàn bày tỏ ý kiến người dân Hàn nên tẩy chay luôn cả Olympic Tokyo 2020, sự kiện Nhật Bản làm nước chủ nhà vào năm tới. Cuộc thi hoa hậu thế giới diễn ra tại Nhật Bản năm nay, nhiều khả năng Hàn Quốc cũng sẽ không tham dự để thể hiện thái độ tẩy chay. Ông Kim thậm chí còn chỉ trích gay gắt Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật, cáo buộc ông ta đang đi theo "con đường của Hitler" năm xưa. Căng thẳng giữa hai nước chỉ có thể được hòa giải nếu ngài Abe từ chức, theo chính trị gia Hàn Quốc.

Và không chỉ các công ty Hàn ngán ngẩm khi bị kéo vào cuộc chiến giữa chính trị gia hai nước, ngay cả các nhà cung ứng Nhật Bản cũng đang khó khăn. Việc hạn chế xuất khẩu làm giảm trực tiếp đến doanh thu của họ. Để cứu vãn, một số bắt đầu nghĩ đến giao dịch thông qua nước trung gian, né tránh việc phải xin cấp phép nếu xuất khẩu trực tiếp từ Nhật. Morita Chemical Industries sẽ bắt đầu sản xuất khí HF siêu tinh khiết tại Trung Quốc, thông qua một liên doanh bắt đầu từ năm nay. Ý đồ cung cấp khí ăn mòn cho các nhà sản xuất chip Trung Quốc và Samsung. Nếu chuyện này lặp lại trong tương lai, họ có thể chủ động giao hàng từ Trung Quốc sang Hàn Quốc, không bị phụ thuộc vào giấy phép của chính quyền Nhật Bản.

Ambitious Man

Chủ đề khác