VnReview
Hà Nội

TSMC sẽ xây dựng nhà máy sản xuất chip trị giá hàng tỷ đô ở Mỹ để chiều lòng Mỹ-Trung

Kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất chip mới của TSMC tại Mỹ được kỳ vọng sẽ giúp "trung hòa" mối quan hệ của hãng sản xuất Đài Loan giữa hai thế lực đối đầu là Trung Quốc và Mỹ.

Trong thời gian qua đã có rất nhiều tin đồn về việc TSMC tính xây dựng nhà máy sản xuất chip ở Mỹ. Tuy nhiên, vì còn nhiều lý do, TSMC vẫn chưa có quyết định chính thức. Nhưng trong một động thái bất ngờ hôm 15/5, TSMC đã thông báo sẽ xây dựng nhà máy sản xuất bán dẫn mới ở bang Arizona với sự hỗ trợ của chính phủ liên bang.

Theo Gizchina, nhà máy ở Arizona sẽ vận hành quy trình sản xuất tấm bán dẫn 5nm. Xưởng đúc dự kiến có công suất 20 ngàn tấm bán dẫn mỗi tháng. Nhà máy cũng hứa hẹn tạo ra thêm 1,6 ngàn việc làm cho các lao động tay nghề cao.

Theo kế hoạch, TSMC sẽ bắt đầu xây dựng nhà máy chip vào năm 2021 và dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất vào năm 2024. Tổng chi phí đổ vào dự án xây dựng nhà máy tại Mỹ của TSMC là khoảng 12 tỷ USD trong giai đoạn từ 2021-2029.

TSMC cho biết, nhà máy tại Mỹ không chỉ cho phép hãng hỗ trợ khách hàng và đối tác tốt hơn mà còn mở ra nhiều cơ hội thu hút nhân tài toàn cầu. Dự án này có tầm quan trọng trong chiến lược mở rộng hệ sinh thái bán dẫn và tạo tính cạnh tranh trên thị trường bán dẫn ở Mỹ. Các công nhân Mỹ nhờ đó sẽ được hưởng lợi lớn từ các xưởng đúc bán dẫn đẳng cấp thế giới.

Hiện nay, TSMC đang có một xưởng đúc chip ở Camas và Washington. Ngoài ra, nhà sản xuất bán dẫn Đài Loan cũng có các trung tâm thiết kế ở Austin, Texas, San Jose và California. Nhà máy sản xuất dự kiến sẽ xây dựng ở Arizona sẽ trở thành cơ sở sản xuất thứ hai của TSMC tại Mỹ, nhưng đây hứa hẹn sẽ là nơi sản xuất bán dẫn dựa trên các quy trình tiên tiến nhất của TSMC.

Dự kiến, xưởng đúc chip của TSMC tại Mỹ sẽ sớm vận hành các dây chuyền sản xuất chip 5mm vào năm 2024. Hiện TSMC đang bắt đầu nghiên cứu các quy trình 3nm và 2nm và nhà máy tại Mỹ chắc chắn sẽ là một trong những lựa chọn sản xuất của TSMC.

Về việc xây dựng nhà máy mới ở Mỹ, các chuyên gia cho rằng, động thái trên của TSMC là khá dễ hiểu để chiều lòng cả hai ông lớn là Trung Quốc và Mỹ. Tuy phải bỏ ra hàng chục tỷ đô để xây dựng nhà máy, chưa kể các chi phí sản xuất khác nhưng động thái này có thể giúp xoa dịu căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, trong khi TSMC lại là bên chịu ảnh hưởng lây.

Trước đó, tổng thống Trump đã nhiều lần gây sức ép với TSMC về việc hãng phải có giấy phép từ Mỹ trước khi bán chip cho Huawei vì nhiều công nghệ sản xuất chip của Huawei vẫn phụ thuộc vào công nghệ Mỹ. Tuy Huawei là kẻ thù của Mỹ nhưng hãng công nghệ Trung Quốc này lại đang là khách hàng lớn thứ hai của TSMC. Chính vì vậy TSMC dường như rất khó xử khi phải đứng giữa hai lằn ranh.

Tiến Thanh

Chủ đề khác