VnReview
Hà Nội

CEO Nguyễn Tử Quảng: Bkav đặt đặt nền móng và đang hàng ngày thúc đẩy ngành công nghiệp smartphone của Việt Nam

CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng trong bài chia sẻ sáng sớm nay trên Facebook tự hào rằng "Bkav đã đặt nền móng và đang hàng ngày thúc đẩy ngành công nghiệp smartphone của Việt Nam, do người Việt Nam làm chủ".

CEO Nguyễn Tử Quảng tự hào

Trong lời chúc mừng Qualcomm thiết lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) mới đây tại Hà Nội, ông Nguyễn Tử Quảng nhớ lại khi đi dự lễ khai trương, ông "toàn gặp người quen".

"Đặc biệt đội kỹ sư và quản lý của Qualcomm Việt Nam hoàn toàn là người Việt. Điều hiếm thấy đối với một tập đoàn đa quốc gia. Hơn nữa, những kỹ sư đầu tiên ở đây là do Bkav đào tạo", CEO Bkav viết.

"Có thể nói không có Qualcomm thì không có Bphone và không có Bphone thì không có Qualcomm Việt Nam lớn mạnh như ngày hôm nay".

Để có như ngày hôm nay là cả một quá trình nhiều năm và không hề dễ dàng. CEO Bkav từng cho biết những ngày đầu nghiên cứu, chế tạo smartphone (trước năm 2009), BKAV đã tiếp cận và ngỏ lời với Qualcomm Việt Nam nhưng đã bị từ chối giúp sức vì không tin BKAV có thể tự mình làm ra một cái smartphone mà không sử dụng các mô hình sản xuất máy có sẵn.

CEO Nguyễn Tử Quảng tự hào

Hình ảnh quá trình hình thành khung Bphone 2017. Ảnh: Tinh Tế

CEO Nguyễn Tử Quảng tự hào

Tới năm 2013, khi Bkav đưa bo mạch đầu tiên chạy được sang Qualcomm Việt Nam để tiếp tục nhờ hỗ trợ, bởi BKAV tin rằng khi thấy được nỗ lực và sự cố gắng của mình trong 4 năm qua thì Qualcomm sẽ nghĩ lại. Và đúng thế, Qualcomm lần này đã gật đầu. Họ bắt đầu làm việc với BKAV để chuẩn bị cho sự ra đời của chiếc điện thoại Bphone đầu tiên năm 2015.

Sự kiên trì và không sợ thất bại của tập đoàn công nghệ Việt Nam đã giúp Qualcomm thay đổi hoàn toàn thái độ. Phát biểu tại sự kiện ra mắt Bphone 2017, ông Mantosh Malhotra nói hãng thực sự ấn tượng với năng lực kỹ thuật của Bkav và sự cống hiến của họ trong lĩnh vực R&D. Bkav đã cho thấy năng lực trong những mảng cốt lõi của ngành công nghệ điện thoại thông minh. Ông tin tưởng Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm thiết kế và sản xuất lớn, không chỉ đối với điện thoại di động, mà còn các công nghệ và sản phẩm khác giúp ngành công nghiệp 4.0 trở thành hiện thực.

CEO Nguyễn Tử Quảng tạ hào Bkav đặt nền móng cho ngành smartphone Việt

Bảng mạch điện tử 12 lớp do các kỹ sư Bkav thiết kế, do đối tác Nhật Bản gia công. Ảnh: Tinh tế

Một năm sau, Qualcomm bắt đầu hé lộ kế hoạch thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam để đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất lớn và hỗ trợ cho các công ty Việt Nam tham gia vào việc thiết kế, sản xuất các thiết bị, xuất khẩu ra thế giới.

Nhưng đến tháng 6/2020, kế hoạch này mới trở thành hiện thực, với ba phòng thí nghiệm của Qualcomm đặt tại Hà Nội: Một phòng thí nghiệm tần số vô tuyến (Radio Frequency) để kiểm tra chip vô tuyến, đánh giá thiết kế và hiệu chuẩn. Một phòng thí nghiệm để kiểm tra mức tiêu thụ năng lượng và hiệu suất (PPT). Phòng cuối cùng được sử dụng để thử nghiệm, kiểm tra, đánh giá các bộ cảm biến hình ảnh (ISP) và nhận diện dấu vân tay ảo.

Và với những gì Bkav đã làm được, cùng với 4 thế hệ Bphone đã ra mắt thị trường, CEO Bkav tự hào khẳng định "Bkav đã đặt nền móng và đang hàng ngày thúc đẩy ngành công nghiệp smartphone của Việt Nam, do người Việt Nam làm chủ".

Nghĩa Hưng

Chủ đề khác