VnReview
Hà Nội

Các công ty công nghệ vẫn kiếm bộn tiền giữa đại dịch

Thế giới mà chúng ta từng biết đã đi đến hồi kết, và các đại gia công nghệ chẳng lo lắng là bao.

Từ quan điểm giải trí thuần tuý, thật đáng tiếc khi phiên điều trần của bốn ông lớn công nghệ - Amazon, Apple, Facebook, và Google - trước Quốc hội Mỹ diễn ra vào thứ tư thay vì tuần tới. Bởi chỉ một ngày sau cuộc họp nhằm xác định xem liệu những ông lớn này có thực sự quá lớn hay không, thì ba trong số bốn công ty tham gia điều trần đã "phình to" hơn nữa. Một ngoại lệ là Alphabet, công ty mẹ của Google, phải chứng kiến mức doanh thu giảm khoảng 2%, chủ yếu vì mảng kinh doanh quảng cáo trong các kết quả tìm kiếm không được như mong đợi - nhưng kết quả của họ vẫn tốt hơn so với nhiều nhà phân tích từng dự báo.

Nếu bạn chưa biết, thì phiên điều trần nói trên có mục tiêu làm rõ phương thức mà các công ty công nghệ tận dụng để củng cố quyền lực của họ. Virus corona dường như giúp quá trình củng cố đó trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Không có gì bất ngờ, khi có thông tin rằng phiên điều trần chống độc quyền bị trì hoãn rồi sau đó tái bố trí vào thời điểm ngay trước các cuộc họp báo cáo kết quả tài chính. Hiển nhiên chẳng công ty nào muốn những con số tài chính của họ được đọc to lên trước khi các câu hỏi được đưa ra. Chỉ trong một quý, bốn ông lớn công nghệ đã thu về lợi nhuận tổng cộng lên đến... 28,6 tỷ USD.

Đừng tỏ ra ngạc nhiên khi biết trong quý thứ hai của năm 2020 - quý đầu tiên mà virus corona bắt đầu bùng phát dữ dội - những ông lớn công nghệ bỗng làm ăn khấm khá. Hầu hết chúng ta đều ở nhà mỗi khi có thể. Virus lây lan khắp mọi nơi. Tất nhiên chúng ta sẽ phải tìm cách nào đó để giải toả bản thân - cứ nhìn vào số liệu YouTube là biết ngay. Mặc cho chi tiêu dành cho quảng cáo giảm mạnh, doanh thu của YouTube vẫn tăng lên 3,8 tỷ USD so với mức 3,6 tỷ USD năm ngoái. Mô hình kinh doanh của Facebook cũng chủ yếu dựa vào quảng cáo - và doanh thu của họ cũng tăng lên 18,7 tỷ USD trong bối cảnh người dùng mạng xã hội nằm nhà lướt newsfeed chờ đại dịch trôi đi, mặc cho nhiều công ty thời gian qua đã công khai tẩy chay nền tảng của tỷ phú Mark Zuckerberg.

Trong khi đó, lợi nhuận của Amazon tăng gấp đôi nhờ việc ngày càng nhiều người đặt hàng qua mạng: 5,2 tỷ USD trong quý này, từ mức 2,6 tỷ USD năm ngoái. Và đừng quên Apple, công ty phải đóng cửa nhiều cửa hàng trong phần lớn quý II, vẫn thu về lợi nhuận 11,25 tỷ USD khi mà mọi người bỏ tiền ra mua các thiết bị của hãng để giải trí qua mùa dịch.

Trong khi các công ty công nghệ nở nụ cười chiến thắng, thì phần còn lại của nền kinh tế không may mắn như vậy. Tổng giá trị nền kinh tế Mỹ đã sụt giảm 32% vào quý vừa qua so với cùng kỳ năm 2019. Đó là một kỷ lục đen tối, quý tệ nhất từng diễn ra trong 70 năm gần đây nhất. So với sự sụt giảm đó của nền kinh tế, bạn có thể thấy tại sao các nhà đầu tư của Alphabet vẫn khá vui mừng trước mức sụt giảm doanh thu 2% của công ty.

Cần nhớ rằng các công ty công nghệ - bao gồm cả những công ty không báo cáo tài chính trong hôm nay, như Microsoft, vốn cũng có một mùa dịch sinh lời - đã phản ứng rất nhanh trước COVID-19 bằng cách đóng cửa các văn phòng và cửa hàng. Hôm thứ hai, Google nói rằng họ không trông chờ việc nhân viên sẽ trở lại văn phòng cho đến sớm nhất là tháng 7/2021. Hồi tháng 5, Facebook nói rằng họ có thể cho phép một lượng lớn các nhân viên làm từ xa vĩnh viễn. Hầu hết các nhân viên Apple cũng sẽ làm việc tại nhà cho đến năm 2021 - theo lời CEO Tim Cook.

Nếu những nơi khác đi theo trào lưu này, các ông lớn công nghệ sẽ là những công ty hưởng lợi từ làm việc từ xa. Ví dụ, Amazon như vớ được phao cứu sinh từ ứng dụng video chat Zoom, bởi bộ phận dịch vụ đám mây AWS của hãng hiện đang là nơi "cư trú" của một lượng lớn dữ liệu từ Zoom. AWS thậm chí còn được xướng tên trong cuộc họp báo cáo tài chính của Zoom nữa! Bởi nhu cầu sử dụng Zoom tăng vọt trong đại dịch, công ty này không thể mở rộng các trung tâm dữ liệu của chính mình đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu. CEO Zoom, Eric Yuan, đã cảm ơn AWS trong bài phát biểu vì "mang lại phần lớn các máy chủ mới mà chúng tôi cần đến, đôi lúc thêm vào hàng ngàn một ngày trong nhiều ngày liên tiếp".

Đại dịch quả thực đã mang lại cho các công ty công nghệ một loạt tin tốt: họ đã phản ứng nhanh gọn và chính xác. Nhà báo Casey Newton của;TheVerge hồi tháng 3 từng viết rằng: "Trong một thay đổi lớn so với vài tuần trước, tin tức về các ông lớn công nghệ đã trở thành điểm sáng trong thời điểm sợ hãi và đau khổ. Ngày càng nhiều nhà báo tự hỏi rằng liệu những tranh cãi chống lại các công ty công nghệ trong 3 năm rưỡi qua phải chăng đã đi đến hồi kết".

Phiên điều trần chống độc quyền vừa qua cho thấy câu trả lời là "không phải". Người Mỹ vừa lệ thuộc ngày càng lớn vào các ông lớn công nghệ, vừa ít tin tưởng vào họ hơn. Ví dụ, những email vừa mới bị tiết lộ từ Mark Zuckerberg cho thấy Facebook tìm cách "đốn giò" các đối thủ cạnh tranh theo mọi cách có thể. Một loạt các email liên quan đến điều trần, lần này từ Jeff Bezos, thì cho thấy Amazon quyết định mua lại Ring chỉ để chiếm lấy thị trường của hãng này.

Khi ngày càng nhiều người lệ thuộc nhiều hơn vào web để làm việc, học tập, và giao tiếp xã hội, những sự dò xét xoay quanh các động thái chống cạnh tranh của các ông lớn công nghệ cũng sẽ tăng lên. Nhưng như kết quả kinh doanh quý vừa qua đã cho thấy, các công ty công nghệ kia sẽ luôn nhanh tay kiếm được một khoản tiền kha khá trước đó rồi!

Minh.T.T theo TheVerge

Chủ đề khác