VnReview
Hà Nội

Smartphone Huawei chạy HarmonyOS sẽ ra mắt vào năm sau

Năm 2019, sau khi bị Bộ Thương mại Mỹ liệt vào danh sách đen, cấm tiếp cận với chuỗi cung ứng nước này, Huawei đã nỗ lực tìm giải pháp thay thế.

Ông chủ Huawei: "HarmonyOS sẽ có thể cạnh tranh Apple iOS trong 2 năm tới"

Trong đó, ảnh hưởng xấu nhất có lẽ là việc Google không được phép phân phối dịch vụ Google Mobile Services (GMS) lên các thiết bị di động Huawei ra mắt sau ngày 16/5/2019. Mặc dù ở Trung Quốc, các ứng dụng của Google bị cấm là không thành vấn đề nhưng trên thị trường quốc tế, việc không được trang bị hệ sinh thái ứng dụng Google lên smartphone đã khiến thị phần và doanh số bán của Huawei giảm sút.

Vào tháng 8/2019, Huawei bất ngờ tuyên bố một hệ điều hành mới có tên Harmony đang trong giai đoạn phát triển. Nhiều người tin rằng Huawei sẽ lập tức "hất chân" Android ngay sau khi HarmonyOS sẵn sàng thương mại hóa.

Richard Yu, Giám đốc điều hành mảng tiêu dùng của Huawei cũng bày tỏ tham vọng phủ sóng HarmonyOS lên nhiều thiết bị thông minh như máy tính bảng, loa, đồng hồ, máy tính và ô tô bên cạnh smartphone truyền thống. Điều này đồng nghĩa với việc HarmonyOS sẽ có thể hoạt động trên nhiều thiết bị cấu hình thấp, khá giống với Windows Phone của Microsoft ngày trước. Tuy nhiên cho đến nay, hệ điều hành riêng của Huawei chỉ mới được cài sẵn trên các sản phẩm TV thông minh.

Theo MyFixGuide, ông Yu cho biết vào năm 2021, Huawei sẽ xuất xưởng chiếc điện thoại đầu tiên chạy hệ điều hành HarmonyOS. Để mở đường cho dự án sắp tới, vào thứ Năm ngày 10/9, Huawei sẽ giới thiệu phiên bản kế tiếp của HarmonyOS trong Hội nghị các nhà phát triển HDC 2020. Dự kiến, các mẫu đồng hồ thông minh chạy hệ điều hành mới sẽ sớm ra mắt vào cuối năm nay.

Ngoài ra, ông Yu còn thừa nhận Huawei đã tích hợp thành công HarmonyOS lên một nguyên mẫu smartphone nhưng do thỏa thuận với Google còn hiệu lực nên hãng chưa công bố. Song điều đó không có nghĩa Huawei không đặt nhiều hy vọng vào nền tảng này. Vị giám đốc tin rằng HarmonyOS sẽ trở thành nền tảng di động toàn cầu bên cạnh Android hay iOS.

Trong một bài phát biểu trước đó, Richard Yu cho biết dòng Huawei Mate 40 sắp tới sẽ được cung cấp sức mạnh bởi vi xử lý Kirin 9000, được sản xuất dựa trên tiến trình 5nm tiết kiệm điện hứa hẹn mang đến hiệu năng vượt trội hơn.

Tuy nhiên một quy tắc xuất khẩu mới mà Mỹ đặt ra đã ngăn các nhà sản xuất chip có sử dụng công nghệ Mỹ hợp tác với Huawei. "Trớ trêu thay, lệnh trừng phạt của Mỹ đã khiến TSMC chỉ có thể sản xuất các đơn hàng đặt trước ngày 15/9. Từ ngày 15/9 về sau, công ty sẽ không thể cung cấp chip cho Huawei. Vì vậy, khả năng cao Kirin 9000 sẽ là thế hệ chipset cao cấp cuối cùng của chúng tôi", ông Yu cho biết.

Huawei được xem là đối tác lớn thứ hai của TSMC, xếp sau Apple vào năm ngoái. Nhưng hiện công ty sản xuất chip lớn nhất thế giới sẽ không được phép giao hàng cho Huawei sau ngày 14/9. Trước khi lệnh cấm có hiệu lực vào thứ Hai tuần sau, TSMC được cho là đang vận hành tối đa công suất hoạt động của dây chuyền sản xuất để đáp ứng đủ yêu cầu của Huawei.

Trong khi đó, "lá cờ đầu" trong mảng sản xuất chất bán dẫn tại Trung Quốc – SMIC không được xem là giải pháp thay thế khả thi khi công ty này đang đi sau TSMC nhiều năm về số mm trên tiến trình sản xuất chip.

Một cái tên khác là MediaTek cũng đã xin giấy phép phát triển chip cho Huawei. Nhưng công ty này sẽ khó lòng được chính phủ Mỹ chấp thuận, nhất là khi MediaTek còn đang phụ thuộc vào TSMC để sản xuất chip cho riêng mình. Đồng thời, các quan chức Mỹ phàn nàn về khả năng Huawei lách luật để vượt qua lệnh cấm danh sách đen.;

Minh Hoàng theo PhoneArena

Chủ đề khác