VnReview
Hà Nội

Huawei mong được đàm phán với chính quyền Biden để thoát “vòng kim cô”

Hãng công nghệ Trung Quốc Huawei đang rất nóng lòng sắp xếp một cuộc đàm phán riêng với chính quyền Biden để giải quyết các bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc, từ đó dần hóa giải lệnh cấm đang đè nặng lên vai Huawei.

Huawei đang kỳ vọng các cuộc đàm phán với chính quyền Biden sẽ giúp xóa bỏ lệnh cấm thương mại đang kìm kẹp công ty hiện nay. Ngoài ra, Huawei cũng mong muốn sẽ có một cuộc đàm phán "riêng biệt" giữa Washington và Bắc Kinh để hóa giải bất đồng, nhằm gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu mà Mỹ đang áp đặt lên các sản phẩm của hãng.

Theo tờ NikkeiAsia, các cuộc đàm phán cũng sẽ thảo luận về việc giam giữ giám đốc tài chính (CFO) Mạnh Vãn Chu của Huawei. Bà Mạnh dự kiến ​​sẽ xuất hiện tại một tòa án tại Canada vào ngày 1/3 trong phiên điều trần cuối cùng để biết kết quả liệu bà có bị dẫn độ về Mỹ hay không.

Tim Danks, phó chủ tịch quản lý rủi ro và quan hệ đối tác tại Huawei Technologies USA cho biết: "Chúng tôi muốn có một cuộc thảo luận riêng biệt với chính quyền Mỹ và chính phủ Trung Quốc. Chúng tôi không muốn bị cuốn vào cuộc tranh luận đó".

Hiện tại Huawei vẫn chưa trao đổi với chính quyền mới của Biden nhưng hy vọng một cuộc thảo luận chính thức sẽ sớm được sắp xếp trong thời gian tới.

Hồi giữa năm 2019, chính quyền Trump đã đưa Huawei vào danh sách đen của Bộ thương mại Mỹ với lý do rủi ro an ninh quốc gia. Theo đó, sắc lệnh hành pháp cấm tất cả các công ty Mỹ xuất khẩu công nghệ, bao gồm cả phần cứng lẫn phần mềm cho Huawei. Lệnh cấm này sau đó đã khiến Huawei rơi vào vòng xoáy nghiệt ngã khi không thể tiếp cận hệ điều hành Android và nhiều đối tác quan trọng dừng cung cấp chip và linh kiện cho Huawei.

Mặc dù sắc lệnh hành pháp đã nhiều lần được trì hoãn, thậm chí Mỹ còn cho phép TSMC bán một số dòng chip chạy trên tiến trình cũ như 28mm cho Huawei nhưng những nới lỏng như vậy là không đủ để Huawei có thể vượt qua cơn bĩ cực này.

Kể từ khi chính quyền Biden nhậm chức, Huawei kỳ vọng những thay đổi mới sẽ tạo điều kiện giúp thương hiệu này có thể sớm lật ngược tình thế. Nếu như nhận được cái gật đầu và giấy phép tạm thời của chính quyền mới, Huawei có thể lại được mua công nghệ từ các đối tác Mỹ.

Tim Danks chia sẻ thêm rằng: "Trong thời gian tới, việc bán hàng tại thị trường Mỹ không phải là ưu tiên của Huawei. Ưu tiên của chúng tôi là chuỗi cung ứng".

Tuy nhiên, ứng cử viên Bộ trưởng Thương mại của Biden, Gina Raimondo trước đó đã tuyên bố rằng bà "sẽ bảo vệ Mỹ và mạng của quốc gia này khỏi sự can thiệp của Trung Quốc hoặc bất kỳ ảnh hưởng nào từ back-door trong mạng của chúng tôi, cho dù đó là Huawei, ZTE hay bất kỳ công ty nào khác".

Vì vậy vẫn còn phải xem chính quyền mới của Mỹ sẽ theo đuổi lập trường nào, ngay cả khi các cuộc đàm phán với Huawei có thể diễn ra.

Dưới áp lực của chính quyền Mỹ, Huawei đã buộc phải bán thương hiệu con Honor hồi cuối năm ngoái. Mới đây nhất, Huawei đã bị tụt xuống vị trí thứ 6 trong danh sách các nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới trong Q4/2020.

Cũng theo thông báo mới nhất, Huawei dự kiến ghi nhận mức giảm 60% sản lượng smartphone xuất xưởng trong năm nay vì thiếu linh kiện.

Tiến Thanh (Theo Nikkei)

Chủ đề khác