VnReview
Hà Nội

Samsung bỏ lỡ cơ hội sở hữu Android vì coi nó là "thứ vô dụng"

Vào năm 2005, thị trường di động nói chung và smartphone nói riêng vẫn còn khá non trẻ. Khó ai có thể ngờ rằng Android – một "con gà đẻ trứng vàng" cho Samsung chỉ một vài năm sau đó – đã từng bị ruồng bỏ bởi chính hãng điện thoại Hàn Quốc này.

Andy Rubin, người đứng đầu Android lúc bấy giờ đang bắt đầu viết một hệ điều hành dành cho máy ảnh kĩ thuật số nhưng đã sớm chuyển đối tượng sang smartphone. Sự nghiệp của ông bắt đầu là một kỹ sư robot của hãng Carl Zeiss nhưng sau đó lại viết hệ điều hành cho các thiết bị cầm tay và là người đứng đằng sau chiếc T-Mobile Sidekick. Bên cạnh kinh nghiệm của mình, Rubin còn được hỗ trợ bởi một vài nhà phát triển khác.

Vào tháng 10/2003, ông chính thức khởi động dự án Android. Tuy vậy, chỉ một năm sau, dự án này đã bắt đầu hết tiền và không có người tài trợ. Android không được công ty lớn nào hậu thuẫn và cũng không có chủ sở hữu để ra tay cứu giúp.

Sau những gì phát triển được trong một năm, Rubin phải mời gọi một công ty nào đó để đón nhận Android. Công ty đầu tiên mà Rubin nghĩ tới không phải là Google – chủ nhân hiện tại của Android – mà là Samsung. Toàn bộ đội ngũ phát triển của Android gồm có 8 người phải bay tới Seoul, Hàn Quốc để gặp mặt một trong những công ty điện thoại lớn nhất lúc bấy giờ.

andy rubin Samsung

Andy Rubin (trái) và lãnh đạo Samsung tại buổi ra mắt Galaxy Nexus

Bao quanh bởi 20 vị lãnh đạo của Samsung, Rubin nói về những điều tuyệt vời của Android một cách hào hứng. Tuy nhiên, thay vì sự hứng thú và những câu hỏi, thứ mà ông nhận được chỉ là sự im lặng. Sau đó, đội ngũ lãnh đạo của Samsung bắt đầu lên tiếng:

"Ông và đội quân nào sẽ tạo nên thứ này? Các ông chỉ có 6 người. Các ông đang say à?". "Samsung đã cười vào chúng tôi trong phòng họp. 2 tuần sau, Google đã mua lại chúng tôi", Rubin cho biết. Dù vậy, sau này, Rubin cho rằng Samsung thành công là do cách tổ chức, không hẳn bởi Android.

Vào đầu năm 2005, Larry Page – người đồng sáng lập ra Google – đã đồng ý gặp Andy Rubin. Sau cuộc họp, ông không chỉ đồng ý giúp Android bằng tiền mặt mà còn quyết định Google sẽ mua lại hệ điều hành này. Cảm giác rằng ngành công nghiệp di động cần phải thay đổi đã thôi thúc người đồng sáng lập của Google. Sự thay đổi đó đã được Larry Page cùng Sergey Brin bàn luận từ lâu, đi kèm những lo lắng rằng Microsoft sẽ nhanh chân hơn. Thật may mắn, Rubin đã tới đúng lúc.

Google mua lại Android với giá 50 triệu USD. Đến giữa năm 2005, toàn bộ đội ngũ Android ban đầu gồm 8 người đã chuyển tới Mountain View tại Mỹ, nơi đóng trụ sở của gã khổng lồ tìm kiếm. Từ đây, đà phát triển vũ bão của Android sắp bắt đầu. Tháng 3/2013, Andy Rubin chính thức rời bộ phận di động của Google để chuyển sang mảng robot, nhường chỗ cho Sundar Pichai.

Tuy nhiên, cũng khó nói trước bởi vì chưa chắc Android đã có được thành công như hôm nay nếu thuộc về Samsung, độc giả VnReview nghĩ sao về cơ hội đã bị bỏ lỡ của Samsung với Android?

Việt Dũng

Nguồn PhoneArena

Chủ đề khác