VnReview
Hà Nội

Ai là người đã đưa Oppo dẫn đầu cuộc đua sạc nhanh trên smartphone?

Sạc nhanh là một trải nghiệm xa xỉ với người dùng iOS, còn trong thế giới Android, đó lại là một tiêu chuẩn phổ biến. Và công ty cung cấp sạc nhanh nhanh nhất hiện nay chính là Oppo.

Điều tệ hại nhất với những chiếc iPhone của tôi không nằm ở hiệu năng trong quá trình sử dụng. Thay vào đó là việc tôi không thể chạm vào máy trong thời gian dài. Chiếc iPhone XS có giá 1.200 USD nhưng lại chỉ đi kèm cục sạc tiêu chuẩn 5W, và nó "bắt" tôi phải chờ đợi đến 3 giờ để sạc đầy. Mẫu XS Max có dung lượng pin cao hơn, vậy nên phải tốn thêm 30 phút nữa.

Dù iPhone có giá cao ngất ngưởng, củ sạc đi kèm chỉ là 5W khiến nhiều người chế giễu Apple

Trong khi Apple nổi tiếng với giá bán cao, họ lại không bán iPhone kèm theo bộ sạc nhanh tiêu chuẩn, dù những mẫu mới nhất đã hỗ trợ sạc nhanh 30W. Trái ngược với điều này là các hãng Android, cung cấp bộ sạc nhanh tiêu chuẩn theo máy - flagship Android cũng thường có giá thấp hơn iPhone. Những hãng mà tôi đã kinh qua chỉ mất khoảng một phần ba thời gian để sạc đầy so với "cơn ác mộng" 5W kia.

Tuy nhiên, dù là công nghệ sạc nhanh của Huawei, Qualcomm (loại phổ biến nhất) hay Samsung, không ai đem lại trải nghiệm nhanh khủng khiếp như Oppo và OnePlus (hãng con của Oppo). Ở chiếc Oppo Find X phiên bản đặc biệt Lamborghini và chiếc Oppo R17 Pro, sạc từ 0 đến 100 phần trăm hoàn thành chỉ sau 35 phút.;

Trong khi với iPhone, ngay cả khi tôi chấp nhận bỏ ra thêm 50 USD để có một bộ sạc nhanh tiêu chuẩn. Tốc độ nhanh nhất có thể cũng mất đến một giờ để sạc đầy điện thoại. Điều trái ngược tiếp theo, điện thoại của Oppo có dung lượng lớn hơn (khoảng 3700 mAh), còn iPhone XS của tôi chỉ là 3100 mAh. Dung lượng ít hơn tức iPhone đáng lẽ ra phải tốn ít thời gian hơn để nạp đầy, nếu Apple có công nghệ tốt bằng đối thủ Android của mình.

Công nghệ sạc nhanh VOOC độc quyền của Oppo

Qua trải nghiệm bản thân, tôi đánh giá Oppo và OnePlus đang là những hãng làm tốt nhất về công nghệ sạc nhanh trên thị trường hiện nay. Quick Charge của Qualcomm hay công nghệ của Apple, MediaTek đều đẩy điện áp (V) lên cao để sạc, trong khi Oppo lại tăng cường độ dòng điện (A). Nghe có vẻ như công ty Trung Quốc đang chống lại cả thế giới, và người đàn ông có chủ ý kì quặc đó, là Zhang Jialiang (Jeff).

Công nghệ VOOC của Oppo hay công nghệ sạc nhanh của OnePlus đều là một. Để sử dụng nó, bạn phải đồng bộ từ điện thoại, dây sạc và củ sạc, tuy nhiên tôi có thể lấy bộ sạc của Oppo dùng cho điện thoại OnePlus. Trong ngành điện, điện áp (V) là lực để đẩy dòng điện đi từ A đến B. Còn dòng điện (A) là tốc độ các hạt mang điện đi qua điểm mạch. Ví dụ như lực đẩy động cơ đưa xe tiến lên sẽ là điện áp, còn tốc độ bản thân chiếc xe di chuyển là dòng điện (A).

Như đã nói ở trên, Oppo và OnePlus dùng chung một công nghệ, và họ khác biệt với phần còn lại của thế giới - cũng như đem lại hiệu quả cao nhất. Các hãng khác tập trung việc cung cấp nhiều sức đẩy động cơ hơn, còn riêng họ lại tìm cách tăng tốc độ tối đa của chính chiếc xe khi di chuyển.

Người kỹ sư đứng sau công nghệ sạc nhanh cách mạng từng bị coi là kỳ quặc

Một kỹ sư của Oppo kết luận vào năm 2012 (khi ấy anh 35 tuổi), hướng đi của các công nghệ sạc nhanh này sẽ sớm gặp giới hạn. Việc đẩy điện áp sẽ chịu ảnh hưởng của vật lý, đó là tích tụ nhiều nhiệt. Zhang (đồng nghiệp hay gọi thân mật là Jeff) quyết định chọn một phương pháp khác hiệu quả hơn và an toàn hơn là ngừng tập trung đẩy điện áp. Thay vào đó, sử dụng các giải pháp thông minh để giúp dòng điện tăng tốc và di chuyển hiệu quả.

Để làm như vậy, Jeff và nhóm của mình phát triển một đầu sạc "thông minh" để kiềm chế điện áp trước khi vào bảng mạch điện thoại. Dòng điện cao hơn sau đó được giải quyết bằng cách sử dụng cáp sạc dày hơn, rộng hơn.

Tuy nhiên, ban đầu ý nghĩ này bị phản bác bởi các đồng nghiệp khác. Họ nói với Jeff rằng: "Nếu như các hãng Apple, Huawei và Qualcomm đang làm giống nhau, tại sao chúng ta lại phải đi theo một hướng khác?" Và chính anh cũng thừa nhận một trở ngại nữa, cách làm này sẽ khiến chi phí sản xuất bộ sạc tăng lên.

Bộ thiết bị tạm thời mà Zhang và cộng sự tạo ra trong thời gian rảnh rỗi bằng tiền của họ

Do không được hỗ trợ chính thức từ phía công ty, cũng như không được cấp quyền truy cập các nguồn tài sản khác, anh phải tự mình nghiên cứu. Làm việc cho Oppo từ năm 2004 khi họ còn nổi tiếng với đồ âm thanh, Zhang đã xây dựng đủ uy tín trong công ty để làm việc tự do. Sau những giờ làm việc ở trung tâm R&D của Oppo, Zhang ra về và bắt tay vào phát triển công nghệ sạc nhanh đẩy cường độ dòng điện, giữ điện áp của riêng mình.

Zhang thuyết phục một số đồng nghiệp khác, gồm cả người từ OnePlus, tham gia dự án riêng vẫn còn là bí mật. Bốn người gặp thất bại liên tục khi thử nghiệm ý tưởng. Cùng với đó, do đây không phải một dự án chính thức mà mang tính cá nhân (trái phép), họ chỉ được cấp quyền sử dụng phòng thí nghiệm sau giờ làm. Tiền để mua các thiết bị nghiên cứu cũng là tiền túi bỏ ra, ví dụ chip điều khiển từ Fairchild.

Sau một năm thử nghiệm vất vả, họ hoàn thiện một nguyên mẫu đầu tiên. Mang đi trình diễn với những người ban đầu đã từ chối ý tưởng kì quặc, Zhang đã nhận được sự chú ý từ giám đốc đều hành của Oppo và chính sếp của anh. Quá ấn tượng, họ quyết định sẽ thương mại nó trên flagship sắp tới, Oppo Find 7 (ra mắt năm 2014).

Công nghệ VOOC lần đầu xuất hiện trên chiếc Oppo Find 7

Tốc độ sạc của họ khi ấy là không có đối thủ, mất 50 phút để sạc đầy Find 7. Tuy nhiên khi ấy Oppo chủ yếu kinh doanh ở châu Á. Mãi đến khi OnePlus được cấp phép công nghệ này và bán flagship OnePlus 3 ở châu Âu, Hoa Kỳ năm 2016, giới công nghệ và truyền thông thế giới mới biết đến nó.

Không chỉ đạt tốc độ nhanh hơn, rút ngắn thời gian sạc, công nghệ trên Find 7 còn an toàn hơn khi không sinh ra nhiệt đáng kể. Nếu bạn đang dùng điện thoại hỗ trợ Quick Charge, quá trình sạc nhanh sẽ khiến nhiệt độ tăng lên. Sau sự cố Galaxy Note 7 của Samsung, các hãng hẳn càng cẩn trọng hơn với công nghệ sạc nhanh.

Vấn đề duy nhất của công nghệ này là sự phổ biến. Muốn đạt tốc độ cao nhất, bạn phải đồng bộ đầy đủ bộ sạc và điện thoại. Và vì nó là công nghệ độc quyền của Oppo/OnePlus, nếu quên sạc thì bạn rất khó mượn được bộ sạc đúng chuẩn từ bạn bè.

Super VOOC là phiên bản mới nhất và cũng là công nghệ sạc nhanh nhất hiện nay

Kể từ khi Find 7 ra mắt và được khen ngợi ở công nghệ sạc nhanh, đội ngũ của Zhang đã không ngừng cải tiến nó. Phiên bản mới nhất "Super VOOC" sử dụng thiết kế hai viên pin song song, giúp đạt được tốc độ điên cuồng mà không công nghệ nào hiện nay đuổi kịp. Như tôi đã chia sẻ, bạn chỉ mất 35 phút để sạc đầy Find X Lamborghini Edition và Oppo R17 Pro. Với iPhone XS và củ sạc 5W đi kèm, đó là 180 phút!

Điện thoại sẽ tập trung sạc nhanh khi ở mức 40 đến 50% trước, sau đó giảm dần khi pin đầy 90%. Điều này tương tự đua xe, tốc độ đạt đỉnh ở giữa đường đua, không phải khi mới bắt đầu hoặc cuối đường. Việc chia dung lượng 3400 mAh thành hai viên pin giúp rút ngắn thời gian để đi đến trung điểm nhanh hơn, chính là khi pin đang ở 40% và tốc độ được đẩy lên cao nhất.

Oppo Lamborghinni Edition chỉ mất 35 phút để sạc đầy dung lượng 3400 mAh 

Tất nhiên, thế giới vẫn đang chuyển dần qua sạc không dây. Hướng đi này chưa được Oppo/OnePlus đi theo. Tuy nhiên, Zhang tỏ vẻ không bận tâm đến việc công nghệ của mình bị coi là lỗi thời. Sau tất cả, khó mà có công nghệ sạc nhanh không dây nào hiện nay bắt kịp tốc độ sạc của họ. Sạc không dây sẽ phù hợp với những người sạc qua đêm, hoặc những ai làm văn phòng chỉ đặt điện thoại lên bàn và nguyên đó. Nếu cần sạc gấp thường xuyên và ghét phải chờ đợi (giống như chờ iPhone sạc đầy vậy), bạn vẫn sẽ chọn sạc có dây.

Và cuối cùng, Zhang cũng chia sẻ rằng họ đang tìm hiểu về sạc nhanh không dây. Họ đã đạt được những đột phá nhất định rồi nhưng chưa sẵn sàng để công bố nó ra thế giới. Ai mà biết được công nghệ đó có phải một bước nhảy so với cách làm hiện tại của các hãng. Đội ngũ của anh kỹ sư dám nghĩ khác, làm khác so với lựa chọn của số đông, biết đâu có thể tạo ra "điều thần kỳ" một lần nữa?

Bài viết của reviewer công nghệ Ben Sin từ Forbes chia sẻ trải nghiệm của mình đối với công nghệ sạc nhanh của Oppo.

Ambitious Man

Chủ đề khác