VnReview
Hà Nội

Trên tay Galaxy Z Fold 2 tại Việt Nam: Lột xác toàn diện so với thế hệ cũ, giá không đổi

Lột xác hoàn toàn so với thế hệ đầu tiên, chiếc Galaxy Z Fold 2 có hàng loạt cải tiến về thiết kế, màn hình, hiệu năng, phần mềm trong khi mức giá vẫn được giữ nguyên ở mức "đụng nóc" 50 triệu đồng.

Video trên tay Galaxy Z Fold 2 tại Việt Nam

Ngay sau buổi ra mắt toàn cầu vào tối ngày 1/9, Samsung đã mang chiếc Galaxy Z Fold 2 về thị trường Việt Nam. So với thế hệ Galaxy Fold đời đầu ra mắt một năm trước, Fold 2 được cải tiến lớn về màn hình hiển thị cũng như tối ưu lại thiết kế. Cụ thể, phần màn hình ngoài đã thanh thoát hơn hẳn, viền mỏng gọn, tràn sát ra các mép, gần như chiếm trọn mặt trước. Kích thước màn hình và độ phân giải đều tăng lên đáng kể, lần lượt đạt mức 6.2 inch, HD+ (2260x816 pixel). Tấm nền vẫn là Super AMOLED đặc trưng của Samsung nhưng tỷ lệ được kéo dài thành 25:9, thuộc loại dài nhất hiện nay.

So với màn hình chỉ 4.6 inch độ phân giải 720x1680 pixel, tỷ lệ 21:9 của Galaxy Fold đời đầu, rõ ràng màn hình của Fold 2 đã có bước tiến lớn. Màn hình của Fold 1 lọt thỏm ở mặt trước, bao bọc bởi phần viền "không thể dày hơn". Kích thước màn hình quá nhỏ khiến việc gõ phím, thao tác khó khăn. Ngay cả việc duyệt web, lướt phây, xem video trên màn hình này cũng đem đến trải nghiệm không mấy dễ chịu. Đối chiếu với Fold 2, cảm giác như Fold 1 chỉ như một bản thử nghiệm, với các tính năng chưa hoàn thiện.

Trong khi đó, trên Z Fold 2, với việc tăng kích thước, thu gọn viền, nội dung hiển thị thoáng đãng, rộng rãi hơn nhiều. Thao tác trên màn hình này cũng trở nên thuận tiện vì các nội dung, biểu tượng hay phần bàn phím ảo có nhiều "đất diễn". Màn hình ngoài được bảo vệ bằng kính cường lực Corning Gorilla Glass Victus mới nhất hiện nay.

Màn hình ngoài tỷ lệ siêu dài 25:9 của Fold 2 tỏ ra thích hợp nhất khi xem phim điện ảnh, giúp hạn chế được phần viền đen trên dưới.

Máy cũng dễ dàng đứng trên mặt phẳng mà không cần gắn thêm bất cứ phụ kiện nào vì chỉ cần mở phần màn hình ra một chút là có thể tạo thành chân đế. Kiểu sử dụng này sẽ rất tiện lợi khi cần xem video, xem phim trong thời gian dài, không tiện cầm máy trên tay.

Samsung bố trí một camera selfie dạng nốt ruồi đặt chính giữa màn hình ngoài, tương tự như dòng Galaxy Note 20. Camera này có thông số tương tự Fold 1 với độ phân giải 10MP, khẩu độ F2.2, góc nhìn 80 độ, điểm ảnh 1.22μm.

Với màn hình chính phía trong, Z Fold 2 cũng có sự cải tiến đáng kể. Dễ nhận ra nhất là sự ra đi của phần "tai trâu" thô kệch trên đời đầu và chuyển sang thiết kế "nốt ruồi" thanh thoát, hiện đại. Viền màn hình của Z Fold 2 cũng được làm thanh mảnh hơn, các góc bo vuông vắn hơn. Đồng thời, tấm nền màn hình được đẩy sát hơn với phần khung nên hình ảnh hiển thị nổi khối, sống động hơn. Kích thước màn hình tăng lên mức 7.6 inch, độ phân giải QXGA+ (2208x1768) tương đương khoảng 2.5K, tấm nền Dynamic AMOLED 2X, tỷ lệ 5:4 gần như một hình vuông.;

Điểm mới nữa trên màn hình chính của Z Fold 2 là việc đã được trang bị tần số quét cao 120Hz. Và tần số 120Hz này chạy được ở độ phân giải 2.5K chứ không bị hạ xuống mức Full HD+ như Note 20/S20 Ultra. Vì vậy, người dùng không phải đánh đổi giữa độ mượt mà hay sự sắc nét mà có thể tận hưởng cả 2 cùng lúc.

Hơi đáng tiếc khi chỉ có màn hình chính phía trong của Z Fold 2 được trang bị tần số quét cao 120Hz, còn màn hình ngoài vẫn chỉ có tần số quét 60Hz thông thường.

Nhìn lại màn hình chính của Galaxy Fold 1, với kích thước 7.3 inch, độ phân giải QXGA+ (2152x1536), tỷ lệ 4.2:3 bị "chiếm đóng" bởi phần "tai trâu" thô kệch cùng viền màn hình "bánh dày", có thể thấy Samsung đã có những bước tiến lớn trên Z Fold 2.

Tuy nhiên, nếu để ý kỹ, có thể thấy phần nốt ruồi trên màn hình chính của Z Fold 2 lớn hơn hẳn nốt ruồi ở màn hình ngoài. Dù thông số camera selfie của 2 nốt ruồi hoàn toàn giống nhau với độ phân giải 10MP, khẩu độ F2.2, góc nhìn 80 độ, điểm ảnh 1.22μm. Có lẽ do chất liệu của màn hình chính là loại OLED dẻo, có thể gập lại được, khác với chất liệu kính thông thường nên Samsung đã phải đục lỗ lớn hơn cho phần camera này.

Theo Samsung, màn hình gập của Z Fold 2 được trang bị loại kính bảo vệ siêu mỏng UTG (Ultra Thin Glass) giống trên chiếc Galaxy Z Flip. Thực tế trải nghiệm cho thấy màn hình này cho cảm giác chắc chắn, cứng cáp hơn so với màn hình nhựa trên Fold 1. Vết hằn ở nếp gấp giữa màn hình cũng khó nhận ra hơn nếu nhìn trực diện. Samsung vẫn dán sẵn một miếng bảo vệ màn hình bằng nhựa mỏng lên trên lớp kính UTG để chống xước.

Vết hằn sẽ xuất hiện nhiều hơn nếu nhìn chéo từ 2 góc trái phải và khi miết tay vào giữa màn hình nhưng không gây ảnh hưởng quá lớn khi sử dụng thông thường.

Với màn hình chính lớn tới 7.6 inch, viền mỏng và tỷ lệ 5:4, Z Fold 2 trông hệt như một chiếc tablet mini và phù hợp để làm việc, duyệt web, soạn thảo văn bản hay chơi game. Samsung cũng đã tối ưu lại phần mềm để việc chuyển đổi nội dung giữa màn hình ngoài và màn hình chính luôn liền mạch. Bạn có thể tùy biến ứng dụng nào sẽ tiếp tục được mở trên màn hình ngoài khi gập máy lại.

Màn hình chính tỷ lệ vuông của Z Fold 2 chỉ tỏ ra bất tiện đôi chút khi xem video hay xem phim do hầu hết các video hiện nay đều theo tỉ lệ dài dạng hình chữ nhật. Nếu cố zoom hết cỡ để lấp đầy các viền đen, video sẽ bị cắt lẹm quá nhiều vào nội dung chính.

Tương tự Fold 1, trên Fold 2 bạn vẫn có thể sử dụng song song tới 3 ứng dụng cùng lúc để tận dụng hết màn hình kích thước lớn của máy nhằm tối đa hóa khả năng đa nhiệm. Fold 2 cho phép tùy biến đa dạng cách bố trí các cửa sổ app để bạn có thể thoải mái sắp xếp các ứng dụng sao cho phù hợp nhất với nhu cầu của mình.

Tiếp sau màn hình, một thành phần cực kỳ quan trọng nữa của Z Fold 2 là bản lề. Samsung đã liên tục cải thiện cơ chế bản lề kể từ khi những chiếc Galaxy Fold đầu tiên (bản dành cho reviewer) bị phát hiện là khá dễ hỏng. Bản lề của Z Fold 2 nay có 4 chốt để đảm bảo độ cứng cáp xuyên suốt toàn bộ quá trình gập mở, độ linh hoạt cao hơn hẳn Fold 1, cho phép Z Fold 2 có thể hoạt động theo kiểu laptop với việc gập đôi màn hình lại một góc khoảng 90 độ hay gập mở màn hình ở nhiều góc khác nhau thay vì chỉ khoảng 2, 3 góc như Fold đời đầu.

Samsung bổ sung thêm các tính năng phần mềm từng xuất hiện trên Z Flip lên Z Fold 2. Khi gập màn hình theo dạng laptop, các ứng dụng như camera sẽ tự động được điều chỉnh lại giao diện, dồn toàn bộ các nút điều khiển xuống nửa dưới màn hình và chừa phần khung ngắm lại cho nửa trên, tạo cảm giác như một chiếc máy chơi game cầm tay. Đồng thời, bạn có thể tận dụng tính năng này để tự quay vlog, chụp ảnh phơi sáng mà không cần dùng đến tripod vì có thể đặt máy vững chãi trên bàn hay bất cứ mặt phẳng nào.

Kiểu giao diện này cũng được áp dụng khi gập màn hình để xem video bằng ứng dụng mặc định. Người dùng có thể sử dụng nửa dưới màn hình để điều khiển video thuận tiện.

Ứng dụng xem ảnh mặc định trên Z Fold 2 cũng được tối ưu cho màn hình gập. Nửa dưới màn hình cho phép vuốt qua lại để chuyển ảnh hay hiển thị các thông số chi tiết về bức ảnh như khẩu độ, tốc độ, tiêu cự, ISO....

Bên cạnh việc tối ưu giao diện khi gập màn hình lại theo dạng laptop, Samsung còn tận dụng luôn màn hình ngoài của Z Fold 2 làm khung ngắm cho cụm 3 camera chính. Với tính năng này, bạn có thể selfie hay quay vlog với chất lượng cao hơn nhờ tận dụng được cụm 3 camera phía sau với các tiêu cự đa dạng từ góc siêu rộng đến tele.

Mặt sau của Galaxy Z Fold 2 gần như tương tự chiếc Note 20 Ultra với cụm 3 camera "siêu to khổng lồ" nổi bật, cách phối màu cũng hoàn toàn giống nhau với tông đồng ánh kim, chất liệu dạng nhám, giúp chống bám vết mồ, vân tay. Mặt sau được làm bằng kính cường lực Gorilla Glass 6.

Tuy vậy, Z  Fold 2 không có camera 108MP, khả năng zoom quang 5X, zoom lai 50X hay quay phim 8K như Note 20 Ultra. Thông số 3 camera chính trên Z Fold 2 cụ thể gồm:

- 1 camera 12MP góc siêu rộng, khẩu độ F2.22, điểm ảnh 1.12μm, góc nhìn 123 độ.

- 1 camera 12MP góc rộng thông thường, khẩu độ  F1.83, lấy nét Super Speed Dual Pixel AF, chống rung OIS, điểm ảnh 1.8μm, góc nhìn 83 độ.

- 1 camera 12MP tele, khẩu độ F2.4, lấy nét PDAF, chống rung OIS, điểm ảnh 1.0μm, góc nhìn 45 độ, zoom quang 2X, zoong số 10X.

Một số tính năng từng xuất hiện trên các mẫu Galaxy gần đây vẫn được trang bị trên Z Fold 2 như chụp một chạm, chụp đêm hay quay video xóa phông...

Về cấu hình, Galaxy Z Fold 2 tại Việt Nam sử dụng vi xử lý Snapdragon 865 Plus, 12GB RAM, 256GB bộ nhớ trong chuẩn UFS 3.1, không có khe cắm thẻ nhớ, hỗ trợ mạng 5G với cả băng tần sub-6 và mmWave. Đây là cấu hình gần như "đụng nóc" trong thế giới Android hiện nay, thực tế trải nghiệm cho thấy, kết hợp với màn hình 120Hz, Z Fold 2 hoạt động cực kỳ mượt mà, nhanh nhẹn.

Máy chỉ có 1 khay SIM vật lý bên cạnh một eSim.

Dù có kích thước lớn cùng thân hình dày gấp đôi các smartphone thông thường khi gập lại nhưng viên pin đi kèm Z Fold 2 chỉ có dung lượng 4500 mAh, tương đương chiếc Note 20 Ultra, và nhỉnh hơn một chút so với Fold 1 (4380mAh). Viên pin của Z Fold 2 được chia làm đôi, hỗ trợ sạc nhanh 25W, sạc nhanh không dây và sạc ngược không dây.

Nhờ tối ưu lại phần bản lề và các cạnh viền nên khi gập lại, Z Fold 2 đã thon gọn hơn Fold 1. Ở góc này, có thể thấy Z Fold 2 vẫn có một loa trên đỉnh máy và khi gập lại, màn hình của Fold 2 không phẳng hoàn toàn mà kênh lên một chút. Đây là điều gần như bắt buộc với các smartphone màn hình gập nhằm giảm áp lực lên phần màn hình bị uốn cong, tránh hiện tượng bị nứt, vỡ khi gập lại trong thời gian dài.

So với Fold 1, rõ ràng Fold 2 trông tinh xảo, thanh thoát hơn.

Theo Samsung, bản lề của Z Fold 2 đã cứng cáp hơn cùng khả năng kháng bụi bẩn tốt hơn. Trên thực tế, Galaxy Z Fold 2 là phiên bản thứ 3 của dòng Fold màn hình gập đến từ Samsung, và cơ chế bản lề của nó nói một cách chính xác là phiên bản thứ 4 mà Samsung từng tạo ra. Samsung tuyên bố bản lề của Z Fold 2 còn có những cây chổi quét đàn hồi - giống như chổi quét trong một số loại máy hút bụi - để ngăn bụi bẩn lọt vào bản lề và gây hư hỏng màn hình từ đằng sau. Đằng sau màn hình cũng được gia cố chắc chắn hơn để đảm bảo độ bền và ổn định.

Ở cạnh dưới, Z Fold 2 có thêm một loa ngoài nữa, tạo thành hệ thống loa kép stereo hỗ trợ công nghệ Dolby Atmos, Dolby Digital và Dolby Digital Plus. Cạnh dưới cùng là nơi chứa cổng USB C, mic thoại. Cổng âm thanh 3.5mm tiếp tục bị loại bỏ đi giống Fold 1.

Phía cạnh phải, Z Fold 2 chuyển sang sử dụng giải pháp vân tay tích hợp thẳng vào nút nguồn thay vì tách biệt như Fold 1, khay SIM được đưa xuống sát góc máy.

Cũng từ phía cạnh phải, trên Fold 1 trông dày, thô và "phì nộn" hơn rõ rệt so với thân hình mảnh mai của Fold 2.

Khi mở máy ra, Z Fold 2 cũng thanh thoát hơn, độ dày thân máy lúc này chỉ còn 6.9mm, mỏng hơn đa số các smartphone hiện nay. 

Bên cạnh phiên bản màu đồng, Z Fold 2 còn có phiên bản màu đen. Ngoài ra, Samsung còn cho phép tùy biến màu sắc phần bản lề thành xanh, đỏ, bạc hay vàng.

Bản màu đen sẽ được làm dạng kính bóng thông thường thay kính nhám kiểu mới như bản màu đồng.

Mức giá hiện tại của Galaxy Z Fold 2 tại Việt Nam là 50 triệu đồng, bằng với giá của Galaxy Fold thế hệ đầu khi mới ra mắt đi kèm các ưu đãi như đường dây hỗ trợ ưu tiên 24/7 dành riêng cho khách hàng của dòng Galaxy Z, gói bảo hành mở rộng Samsung Care+, hỗ trợ kĩ thuật tại nhà, phòng chờ thương gia tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng không cần đặt chỗ trước. Với mức giá này, Samsung tiếp tục định vị Z Fold 2 ở phân khúc xa xỉ, chỉ dành cho các đối tượng đặc biệt, thích tìm kiếm một thiết bị độc lạ, không đụng hàng và không quan tâm nhiều đến vấn đề tài chính.

Video trên tay Galaxy Z Fold 2 tại Việt Nam

Thành Đạt

Chủ đề khác