VnReview
Hà Nội

Nhìn lại những xu hướng smartphone thú vị và nhàm chán nhất năm 2018 [phần 2]

Tiếp nối phần 1, chúng ta hãy cùng đọc tiếp phần 2 của bài viết tổng kết thị trường smartphone năm 2018, tổng hợp từ trang GSMarena.

>>;Nhìn lại những xu hướng smartphone thú vị và nhàm chán nhất năm 2018 [phần 1]

4. Sự xuất hiện của các cụm camera nhiều ống kính, sức khỏe số và trí tuệ nhân tạo

Smartphone nhiều camera

Những tiến bộ trong sức mạnh xử lý đã dẫn đến nhiều cải tiến đối với camera trong năm 2018, nhưng thay đổi quan trọng nhất vẫn là sự xuất hiện của những cụm camera nhiều ống kính. Khi mà mọi người vừa mới làm quen với những cụm camera kép, thế giới smartphone lại rúng động với những thiết bị có đến 3 hoặc 4 camera.

Huawei tiếp tục cải tiến cụm 3 camera của hãng với series Mate 20 mới - cụm 3 camera thế hệ 2 này có một camera zoom, một camera góc rộng và một camera góc siêu rộng. Honor cũng làm điều tương tự với cụm 3 camera trên Magic 2, trừ việc họ thay thế camera zoom bằng một cảm biến chiều sâu.

LG cũng tung ra một chiếc điện thoại với 3 camera tương tự Mate 20, chính là flagship V40 ThinQ. Nhưng LG là hãng đầu tiên trang bị camera góc siêu rộng cho điện thoại, từ thời LG G5 vào năm 2016, do đó bạn đừng cho rằng LG đang chơi đuổi bắt với Huawei. Cụm camera kép truyền thống của LG, gồm một camera góc rộng và một góc siêu rộng, đã tiến hóa trong năm 2018 với việc thêm vào một camera telephoto, và tất nhiên ai cũng dự đoán trước được điều này.

Samsung tung ra một thiết bị tầm trung với 3 camera - Galaxy A7. Nó không có gì ấn tượng, gồm một camera 24MP, một camera góc siêu rộng 8MP, và một cảm biến chiều sâu, do đó cụm từ "3 camera" có vẻ chỉ là một mánh khóe marketing mà thôi. Nhưng nó cho thấy hướng đi mà cả ngành công nghiệp di động đang hướng tới.

Một thời gian ngắn sau Galaxy A7, Samsung vén màn Galaxy A9 với cụm 4 camera ở mặt sau - cũng giống A7, nhưng có thêm một camera telephoto 10MP. Chắc chắn cụm camera này sẽ là một tính năng sáng ngời mà Samsung tận dụng để quảng cáo, ngay cả khi hiệu năng của nó không quá xuất sắc.

Và dù Nokia 9 vẫn chưa được hé lộ, mọi tin đồn cho thấy nó sẽ là chiếc điện thoại đầu tiên trên thị trường có đến 6 camera sau. Wow!

Hiển nhiên, xu hướng nhiều camera đang bùng nổ rất mạnh mẽ, và chẳng mấy chốc, những mẫu điện thoại cao cấp với 3 đến 4 camera sau sẽ trở thành một thứ gì đó rất bình thường.

Kỹ thuật chồng ảnh trong khi chụp là một bước tiến mới liên quan camera, xuất hiện trên nhiều thiết bị trong năm nay nhờ những cải tiến trong sức mạnh xử lý. Kỹ thuật này giúp giải quyết vẫn đề dải tần nhạy sáng vốn giới hạn của những camera nhỏ nhắn trên điện thoại, và nó còn giúp tạo ra những bức ảnh rõ ràng hơn, nhiều màu sắc hơn trong điều kiện thiếu sáng. Dòng điện thoại Pixel của Google là ví dụ nổi bật nhất khi nói đến chồng ảnh, nhưng kỹ thuật này cũng xuất hiện trên rất nhiều smartphone khác ở nhiều khoảng giá khác nhau.

Sức khỏe số trở thành vấn đề được quan tâm

Với những cải tiến trên smartphone, chúng ta ngày càng sử dụng chúng cho nhiều mục đích hơn, đôi lúc thay thế của những chiếc máy tính để bàn ở nhà. Với các ứng dụng di động và game được thiết kế theo cách gây nghiện nhất có thể, vấn nạn sử dụng điện thoại quá mức cũng bắt đầu trở nên đáng báo động hơn.

Và dù việc bắt buộc mọi người phải hạn chế sử dụng smartphone là điều phi thực tế, trong năm 2018, cả Google và Apple đều bắt đầu cung cấp các công cụ để theo dõi quá trình sử dụng smartphone của bạn, hay nói cách khác, theo dõi tình trạng "sức khỏe số" của bạn.

Apple có Screen Time trên iOS với chức năng theo dõi thời gian sử dụng các ứng dụng và đưa ra nhiều cảnh báo, hay thậm chí cấm một số ứng dụng nhất định khởi chạy khi bạn đã vượt quá giới hạn thời gian sử dụng đặt ra trước đó. Nó có thể đồng bộ thời gian sử dụng điện thoại xuyên suốt mọi thiết bị của Apple, từ đó áp dụng những giới hạn nói trên hiệu quả hơn.

Về phía Google, họ có Digital Wellbeing, chức năng tương tự như Screen Time, nhưng nghiêm khắc hơn nhiều trong việc giới hạn thời gian sử dụng điện thoại. Trong khi Apple cho phép bạn thoải mái mặc kệ giới hạn một cách dễ dàng, Google không như vậy. Nếu muốn tiếp tục sử dụng ứng dụng khi đã hết thời gian cho phép, bạn cần phải mò mẫm trong cài đặt mới thay đổi giới hạn được.

Tất nhiên, những giới hạn phần mềm do người dùng đặt ra sẽ không làm được gì nhiều nếu bản thân người dùng không có đủ ý chí để tuân thủ chúng. Nhưng dù sao, đây cũng là một công cụ hữu ích để các bậc phụ huynh kiểm soát việc con trẻ sử dụng điện thoại.

Trí tuệ nhân tạo (AI) chỉ là tên gọi khác dành cho những tối ưu được thực hiện dựa trên dữ liệu có sẵn.

Cuối cùng, nhân nói về phần mềm, đừng quên AI. Các nhà sản xuất tiếp tục tăng cường sức mạnh cho AI trên điện thoại, và trong năm 2018, ngay cả những smartphone tầm trung cũng bắt đầu được trang bị chip tăng tốc phần cứng riêng biệt để thực thi các tác vụ AI. Dù vậy, những mánh khóe marketing đã được thực hiện nhằm khiến người dùng hiểu lầm về quy mô cũng như năng lực thực sự của AI.

Khi nhắc đến AI, mọi người hình dung ra một con robot biết suy nghĩ, và giới marketing cực kỳ thích tận dụng hình ảnh này. Nhưng trên thực tế, AI trên điện thoại chỉ là một kiểu tối ưu hóa phần mềm dựa trên dữ liệu có sẵn, cho phép smartphone thực hiện các tác vụ theo khuôn mẫu mà không cần phải được lập trình đặc biệt cho việc đó. Khuôn mẫu ở đây là những khuôn mẫu trong thói quen sử dụng ứng dụng, khuôn mẫu trong việc đánh thức điện thoại, hay thậm chí là khuôn mẫu trong các khung cảnh - những khuôn mẫu trong những tấm ảnh của bạn để AI có thể nhận biết các vật thể trong đó và các khuôn mẫu trong khung cảnh mà bạn dự định chụp hình để AI có thể điều chỉnh màu sắc và độ sáng.

Chúng ta cần làm rõ một điều rằng: AI không có nghĩa là smartphone của bạn có trí tuệ robot siêu đẳng. Nó có nghĩa là hệ thống máy tính được "huấn luyện thành thục" thông qua các phương thức học máy để nhận diện các khuôn mẫu nó chưa từng thấy trước đây. Nó có thể nhận ra bạn đang hướng điện thoại vào một con thú cưng dù cho nó chưa bao giờ thấy con vật cụ thể đó trước đây. Nó có thể nhận biết một khuôn mặt người cụ thể trong nhiều bức ảnh trong ứng dụng Gallery của bạn dù cho chưa bao giờ thấy người đó trước đây. Nó có thể lập danh sách mọi bức ảnh có hình chai lọ, hay hóa đơn, hay các vật thể có thể xác định khác với một từ khóa tìm kiếm đơn giản. Nhưng chức năng của AI không vượt quá mức độ đó.

Chắc chắn chúng ta sẽ được nghe nhiều hơn về AI trong năm 2019, nhưng AI sẽ cần phải có một sự nâng cấp đáng kể về chức năng để khiến những người sành công nghệ hài lòng. Ít nhất thì điều này có nghĩa chúng ta vẫn chưa tiến đến ngày mà máy móc thống trị loài người. Đúng chứ?

5. Giá smartphone leo thang, sự xuất hiện của những tay chơi mới trên thị trường

Năm 2018, xu hướng tăng giá bán điện thoại tiếp tục và đạt một tầm cao mới. Apple là hãng "chơi lớn" nhất với giá iPhone XS Max chạm nóc (đó là chưa kể đến các mẫu smartphone dung lượng 512GB). Nhưng xu hướng này hiện diện trong cả ngành công nghiệp, chỉ có một số ngoại lệ. Những cải tiến và tính năng được nâng cấp trên mỗi mẫu điện thoại mới luôn đi kèm với mức giá tăng lên một cách đều đặn, và điều đó áp dụng với mọi mẫu flagship đến từ mọi hãng, bao gồm OnePlus, Samsung, Huawei, Sony và LG.

Tin xấu là xu hướng giá tăng cao sẽ tiếp tục trong năm 2019. Bởi trong khi một số nhãn hiệu tăng giá để bù đắp cho giá thành sản xuất mới và chi phí duy trì bản quyền bằng sáng chế, các nhãn hiệu khác lại tăng giá vì đó là điều các đối thủ đang làm.

Tin tốt là, cùng với sự xuất hiện của các flagship 1.000 USD, một loại smartphone mới đã hình thành.

Những tay chơi mới

Xiaomi Pocophone F1 thực sự đã định nghĩa lại mức giá thế nào là hợp lý đối với một chiếc điện thoại với cấu hình đầu bảng. Giữa những đối thủ đắt đỏ đến mức quá đáng, Xiaomi đã thực hiện chiến lược tương tự OnePlus và tung ra một "kẻ hủy diệt flagship" thật sự. Pocophone F1 có mọi thứ được xem là cao cấp nhất ở thời điểm đó, từ màn hình, chipset, camera, thời lượng pin và khả năng kết nối. Nhưng mức giá mới là thứ giúp Pocophone lọt vào danh sách cân nhắc của mọi người - nó chỉ có giá khoảng 7-8 triệu đồng mà thôi! Dù OnePlus mới là kẻ từng dẫn đầu cuộc nổi dậy chống lại những chiếc flagship - OnePlus 6/6T là những chiếc smartphone thú vị - nhưng họ đã bị Xiaomi soán ngôi "kẻ hủy diệt" trong năm 2018.

Sẽ rất khó để Xiaomi lặp lại thành công vang dội của Pocophone F1, cũng như OnePlus từng rất khó để tiếp nối chiếc "flagship killer" đầu tiên của hãng là OnePlus one. Nhưng cả hai hãng đều tập trung nỗ lực nhằm đối đầu với thực trạng hiện tại của thị trường và giành được những thắng lợi nhất định. Tiếp tục giữ vững phong độ nhé!

Cuối cùng, Realme, từng là công ty con của Oppo, đã chinh phạt thị trường cấp thấp tại Ấn Độ với những mẫu smartphone cấu hình tầm trung đi kèm mức giá tốt không gì sánh được. Realme 1 và 2 Pro vẫn nằm trong số những mẫu máy có giá cả hợp lý nhất tại các thị trường Đông Nam Á mà hãng này hoạt động và chúng ta có thể thấy xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2019.

Như vậy, trong khi những gã khổng lồ trong ngành công nghiệp bệ vệ ngồi trên những chiếc ghế thoải mái, mang đến cho chúng ta những nâng cấp mới ở mức giá cao hơn, chính những công ty nhỏ của Trung Quốc đã tận dụng cơ hội và trỗi dậy như OnePlus ngày xưa.

6. Sự trỗi dậy và sụp đổ của các hãng smartphone

Rất nhiều điều đã diễn ra trong năm 2018, và khung cảnh thị trường smartphone đã có những chuyển dịch theo hướng tích cực. Một số công ty trỗi dậy, số khác sụp đổ. Một số khiến người dùng ngạc nhiên, số khác gây thất vọng nặng nề.

Samsung, một trong những nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, đã tung ra một vài mẫu flagship Android được đánh giá là tốt nhất thị trường. Galaxy S9 và Note 9 lọt top những điện thoại Android bán chạy nhất năm và hoàn thành được mọi thứ hãng đã hứa hẹn với người dùng. Dù một số bản cập sau đó đã mang nhiều tính năng mới lên Galaxy S8/Note 8, khiến chủ nhân những dòng máy này dường như chưa tìm được lý do hợp lý để nâng cấp, nhưng không thể phủ nhận được những thành quả tuyệt vời mà series 9 đã đạt được.

Trong khi làm rất tốt ở phân khúc flagship, Samsung hoàn toàn thất bại ở phân khúc giá rẻ và tầm trung. Người dùng sẽ không còn trung thành với các thương hiệu nữa nếu giá cả của chúng khiến túi tiền của họ bị ảnh hưởng. Đặc biệt trong bối cảnh OnePlus đang bán những mẫu flagship với giá rẻ hơn cả các mẫu tầm trung của Samsung, còn dòng Mi A của Xiaomi chỉ rẻ bằng 1/3 so với dòng Galaxy A của hãng điện tử Hàn Quốc. Có thể Samsung sẽ mang camera 3 hoặc thậm chí là 4 ống kính lên các thiết bị tầm trung của mình, nhưng nếu vậy, giá của chúng sẽ bị đẩy lên đến ít nhất là 600 Euro - một bằng chứng khác cho thấy chiến lược của Samsung đang có vấn đề.

Sony, mặt khác, sở hữu một dòng flagship cực tốt nhưng doanh số lại èo uột. Mọi mẫu flagship Xperia đều có chất lượng tuyệt vời, đặc biệt là Xperia XZ2 Premium và XZ3 màn hình AMOLED, nhưng chúng lại không đủ cuốn hút đối với người tiêu dùng. XZ2 Premium quá đắt đỏ và chậm chạp trong bắt kịp xu hướng thiết kế smartphone hiện đại. XZ3 tuy bước đúng hướng về mặt thiết kế, nhưng nó chỉ là một bản nâng cấp nhẹ so với XZ2 và xuất hiện trên thị trường quá muộn. Sony còn tung ra một vài mẫu tầm trung XA2, khá tốt, nhưng cũng không để lại ấn tượng nhiều.

HTC và LG tạo ra được những mẫu flagship nhiều người yêu thích, với cấu hình mạnh và thiết kế tốt, nhưng cả hai đều thất bại trong việc tạo ra khác biệt. Từng là những gã khổng lồ trong ngành công nghiệp smartphone, hiện nay HTC và LG đang ngày càng nhạt nhòa. Những chiếc flagship sắp ra mắt của họ không còn tạo ra được sự hứng khởi như chúng ta từng thấy trong quá khứ và bị người tiêu dùng thờ ơ. Ngoài ra, việc thiếu vắng những mẫu tầm trung đáng chú ý cũng sẽ khiến 2019 trở thành một năm đầy thách thức với hai hãng smartphone này.

LG thường xuyên chậm chân trong cuộc đua smartphone, hoặc đơn giản là thụt lùi so với đối thủ, còn với HTC, sự hứng thú với các điện thoại của hãng đã cạn kiệt. Dù vậy, chúng ta vẫn nên đặt niềm tin vào cả hai và hi vọng họ sẽ sớm trở lại danh sách yêu thích của người tiêu dùng - xét cho cùng, thị trường càng có tính cạnh tranh cao, người dùng càng được hưởng lợi.

HMD, hãng bán điện thoại dưới thương hiệu Nokia, có một năm khá thành công - đặc biệt là ở phân khúc trên của tầm trung. Nokia 7.1 với màn hình HDR và ống kính ZEISS được đón nhận rất nhiệt tình ở nhiều thị trường, có lẽ vì thiết kế đẹp và các tính năng hấp dẫn. Chúng ta còn được nghe tin đồn về mẫu Nokia 9 với đến 6 camera sau - một tính năng sẽ giúp độ phổ biến của HMD tăng cao hơn nữa, và hãng cũng cần một mẫu flagship như vậy, bởi dù thành công ở phân khúc tầm trung, bất kỳ hãng smartphone nào cũng muốn sở hữu một mẫu flagship khác biệt trong số các sản phẩm của mình.

Xiaomi có lẽ là hãng điện thoại duy nhất không chỉ hiểu được khá kỹ thị trường tầm thấp và tầm trung, mà còn tự tay viết nên luật chơi riêng tại các phân khúc này. Redmi Notes là một lựa chọn phổ biến với người dùng tầm thấp, Mi A1 và A2 là hai trong sỗ những mẫu tầm trung tốt nhất bạn có thể mua được, trong khi flagship Mi 8 có rất nhiều tính năng mà giá vẫn hợp lý. Dòng Mi Mix có những bước tiến lớn và vẫn luôn là ao ước của nhiều người dùng.

Pocophone F1 của Xiaomi hóa ra lại là một kẻ quấy phá thị trường thực sự, khi mà nó mang lại hiệu năng và tính năng của những mẫu flagship ở một mức giá rẻ giật mình. Xiaomi đã buộc phải sử dụng những phương thức không chính thống để trợ giá sản phẩm, như hiển thị quảng cáo trong giao diện người dùng, hay thậm chí là bán chấp nhận lỗ để xây dựng thương hiệu mới. Nhưng dù sao đi nữa, Pocophone F1 đã tạo nên một đợt sóng thật sự, trong khi số còn lại chỉ là những gợn lăn tăn mà thôi.

Realme, công ty con của Oppo, đã có một năm thành công, giống như Pocophone đã làm ở phân khúc flagship, nhưng là ở phân khúc tầm trung. Realme 1 và 2 Pro là những mẫu tầm trung xuất sắc được bán với mức giá tầm thấp đầy tính cạnh tranh, và đây có lẽ là công ty duy nhất có thể cạnh tranh gay gắt với Xiaomi. Như đã nói ở trên, thị trường càng có tính cạnh tranh, người dùng càng hưởng lợi.

Oppo cũng có một số mẫu máy rất tốt trong năm 2018. Find X là một viên ngọc thực sự với thiết kế trượt bằng mô-tơ, trong khi R15 và R17 khá mạnh mẽ và lôi cuốn. Vivo cũng gây ấn tượng với những mẫu NEX thiết kế lạ.

Huawei tiếp tục tung ra một loạt các điện thoại tốt trên mọi phân khúc. Hãng có 2 mẫu flagship đang nhở trong năm là P20 và Mate 20. Những mẫu tầm trung cũng được cải tiến đáng kể với chip Kirin 710. Và thương hiệu con Honor cũng đang trên đà tiến tới với chiếc Honor Play tạo được dấu ấn lớn trong phân khúc trên tầm trung không kém Pocophone F1.

Trong khi đó, Apple, Googe, và OnePlus đều mang đến cho chúng ta một số mẫu flagship hấp dẫn, tuy nhiên những hãng này chưa dám chấp nhận rủi ro, do dó những mẫu flagship của họ về cơ bản không khác nhiều so với thế hệ trước, chỉ nhanh hơn và tốt hơn đôi chút mà thôi.

Năm 2018 chứng kiến sự ra đi của một hãng smartphone nổi tiếng: Gionee. Công ty đã gặp khó khăn được một thời gian, nhưng đòn đánh chí mạng hạ gục họ là khi Liu - nhà sáng lập và chủ tịch công ty - thua bạc 144 triệu USD tại một sòng bài. Ông này khẳng định không hề sử dụng tiền của công ty, nhưng thừa nhận có "mượn" một ít quỹ công ty. Dù sự thật là thế nào, Gionee cũng đã nợ 648 chủ nợ một khoản tiền tổng cộng khoảng 3 tỷ USD, do đó chẳng sớm thì muộn, công ty này cũng sẽ tuyên bố phá sản.

Tổng kết

Như đã nói, 2018 là một năm rất thú vị trong thế giới công nghệ tiêu dùng. Bên cạnh việc được chứng kiến những thiết bị mang tính thử nghiệm, chúng ta còn thấy những xu hướng năng động được lèo lái bởi các công ty Trung Quốc. Trong năm nay, chúng ta sẽ được thấy nhiều hơn nữa những thay đổi trong thiết kế và tính năng của smartphone. CES đã sắp tới, và MWC cũng không còn xa nữa, hãy cùng ngồi xuống, nhấm nháp ly cafe và chờ đón một loạt những thiết bị mới của năm 2019 này!

Minh.T.T

Chủ đề khác