VnReview
Hà Nội

Phụ thuộc quá nhiều vào đối tác Trung Quốc, Apple có thể đang tự hại chính mình

Bất chấp chiến tranh thương mại đang căng thẳng, Apple vẫn cho thấy sự phụ thuộc đáng kể vào các nhà sản xuất và cung ứng Trung Quốc.

Lần đầu tiên, số lượng các nhà cung cấp Trung Quốc và Hồng Kông của Apple đang nhiều hơn cả các đối tác Mỹ và Nhật Bản.

Sự gia tăng nhanh chóng của các hãng cung ứng Trung Quốc là hệ quả từ sự tiến bộ vượt bậc về công nghệ của quốc gia tỷ dân trong nhiều năm qua. Apple luôn đòi hỏi nguồn cung linh kiện phải thật tốt để đảm bảo các sản phẩm như iPhone, iPad, Macbook,… đạt chất lượng cao nhất và Trung Quốc đang dần đáp ứng được điều đó.

Hiện tại, các nhà cung ứng Trung Quốc và Hồng Kông chỉ xếp thứ hai sau Đài Loan về nguồn cung linh kiện trong danh sách 200 nhà cung cấp của Apple. Theo chuyên trang tài chính Nikkei, Đài Loan và Nhật Bản hiện có 46 và 38 nhà cung cấp linh kiện.

Trong khi đó, số lượng các nhà cung ứng Trung Quốc là 41 trên tổng 200 nhà cung cấp của Apple, chiếm hơn 20%. Ước tính số lượng đối tác cunng ứng Trung Quốc đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 2012 trong khi các công ty của Mỹ đã giảm 32% xuống chỉ còn 37 công ty. Ngoài ra số nhà máy sản xuất thiết bị của Apple tại Trung Quốc cũng tăng lên con số 380, chiếm 50% tổng số nhà máy trong chuỗi cung ứng của Apple.

Số lượng các nhà cung ứng linh kiện Trung Quốc của Apple đang nhiều hơn cả các đối tác Mỹ. Ảnh Nikkei

Con số 200 nhà cung ứng này chiếm tới 98% nguồn linh kiện chính và tham gia vàp quy trình sản xuất và lắp ráp thiết bị phần cứng cho Apple. Danh sách này có thể coi là như cơ sở để so sánh xem Apple phụ thuộc nhiều nhất vào các đối tác cung ứng từ những quốc gia nào.

Từ những con con số trên có thể thấy ngoài Đài Loan, Apple có vẻ đang ngày càng phụ thuộc vào các đối tác Trung Quốc, mặc dù hiện nay Trung Quốc và Mỹ vẫn đang đối đầu nhau trong cuộc chiến thương mại.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã để lại hệ lụy khá nghiêm trọng đối với báo cáo kinh doanh của Apple trong Q1/2019. Tác động từ cuộc chiến khiến Apple mất đi lượng lớn khách hàng tại thị trường Trung Quốc, qua đó làm giảm lợi nhuận và khiến các nhà đầu tư lao đao suốt thời gian qua.

Tuy nhiên điều này dường như không làm thay đổi một sự thực rằng, Apple vẫn còn phải nhờ cậy rất nhiều vào các đối tác Trung Quốc nhờ những lợi thế mà các công ty ở nơi đây có được.

Chiu Shih-fang, một nhà phân tích chuỗi cung ứng và smartphone thuộc Viện nghiên cứu kinh tế Đài Loan chia sẻ: "Các công ty Trung Quốc đang ngày cảng trở thành đối thủ đáng gờm của các công ty Đài Loan và Nhật Bản. Đơn giản vì họ có cơ hội học hỏi từ các nhà đầu tư nước ngoài, sau đó họ mua các cơ sở sản xuất, từ đó tự xây dựng cho mình một danh mục bằng sáng chế và cải thiện năng lực sản xuất".

Theo Shih-fang, các nhà đầu tư nước ngoài cũng góp phần đầu tư về kỹ năng chuyên môn cho các kỹ thuật viên, kỹ sư và cả công nhân dây chuyền của Trung Quốc. Nhờ đó, năng lực sản xuất của các đối tác ngày càng được nâng cao và chứng minh được sự uy tín trước Apple.

Một số đối tác cung ứng Trung Quốc đã vươn lên nhờ chứng minh được thực lực, ví dụ như Luxshare-ICT. Công ty này là đối tác lắp ráp tai nghe AirPods cho Apple từ cuối năm 2017 và đã tham gia vào chuỗi cung ứng của Apple kể từ năm 2012. Sự xuất hiện của Luxshare-ICT đã chấm dứt sự thống trị kéo dài hàng thập kỷ của nhiều nhà sản xuất Đài Loan và tạo thế cân bằng hơn trong cạnh tranh.

Hay như O-film Technology, đối tác cung ứng mô-đun camera và mô-đun bảng cảm ứng cũng là một ngôi sao đang lên trong số các đối tác Trung Quốc. Công ty này đang cạnh tranh trực tiếp với cả các công ty chuyên cung cấp mô-đun lâu năm cho Apple như Sharp, LG Innotek, TPK Holding.

Gần đây nhất, BOE cũng đã tham gia vào chuỗi cung ứng của Apple với việc trở thành đối tác cung ứng màn hình và hứa hẹn sẽ sớm cạnh tranh sòng phẳng với cả LG Display hay Japan Display.

Phụ thuộc là vậy nhưng Apple không dại "bỏ tất cả trứng vào một giỏ"

Apple đang ngày càng quan tâm hơn tới các đối tác sản xuất tại Ấn Độ và Việt Nam, hai quốc gia láng giếng với Trung Quốc và có những lợi thế nhất định về chi phí nhân công và sự thuận lợi khi di chuyển dây chuyển.

Tất nhiên sự hiện diện của các đối tác Trung Quốc tại Ấn Độ, Việt Nam chưa thể nhiều bằng Samsung. Hãng điện tử Hàn Quốc từ lâu đã phát hiện thấy tiềm năng của các quốc gia này và đã sớm xây dựng nhiều nhà máy sản xuất thiết bị di động tại đây từ năm 2008. Mặc dù vậy con số này đang dần tăng lên.

Chuỗi cung ứng của Apple đã vận hành 8 cơ sở sản xuất tại Ấn Độ trong năm ngoái, tăng từ 5 cơ sở vào năm 2017. Các nhà máy mới do các đối tác như Foxconn, Wistron điều hành với nhiệm vụ sản xuất iPhone cho Apple.

Ấn Độ hiện còn có 3 cơ sở lắp ráp iPhone và 5 nhà máy sản xuất linh kiện khác, bao gồm một số cơ sở của Công ty bao bì YuTo Thâm Quyến chuyên sản xuất vỏ hộp đựng cho iPhone tại thị trường Ấn Độ.

Không chỉ có Ấn Độ, Việt Nam cũng là một quốc gia đầy tiềm năng vì có lợi thế chi phí nhân công rẻ và giao thương thuận tiện với Trung Quốc. Tờ Nikkei tiết lộ, GoerTek, nhà cung cấp linh kiện sản xuất tai nghe AirPods đang xem xét việc chuyển dây chuyền sang Việt Nam. Hay như Luxshare-ICT cũng đã có một nhà máy sản xuất tại Bắc Giang, Việt Nam.

Nhận định về việc liệu các công ty Trung Quốc sẽ tiếp tục lớn mạnh và trở thành một phần không thể thiếu trong chuỗi cung ứng của Apple hay không, Kota Ezawa, một nhà phân tích tại Citi Research cho rằng, tác động từ cuộc chiến thương mại có thể ngăn Apple tăng các đơn hàng từ các đối tác Trung Quốc.

Tuy nhiên theo nhà phân tích Chiu thuộc Viện nghiên cứu kinh tế Đài Loan, dù có muốn thoát ly dần khỏi các đối tác Trung Quốc thì Apple cũng chưa thể làm ngay bây giờ.

Bởi lẽ việc chọn và thay thế một đối tác chất lượng khác tốn khá nhiều thời gian. Đó là chưa kể việc chia tách chuỗi cung ứng linh kiện có thể khiến việc sản xuất một chiếc iPhone trở nên tốn kém hơn nhiều do tốn thêm chi vận chuyển iPhone tới các nhà máy lắp ráp ở nước khác.

Đây cũng là nỗi băn khoăn của nhiều nhà phân tích bởi rõ ràng, việc chuyển hướng sang các đối tác sản xuất ở nước khác ngoài Trung Quốc trong lúc này là một lựa chọn mạo hiểm, nếu không muốn nói là "tự sát" với Apple. Nhưng nếu xét về lâu dài, việc đa dạng hóa nguồn cung mới chắc chắn là "thượng sách" vì Apple sẽ không thể mãi ở thế bị động và phụ thuộc quá nhiều vào chuỗi cung ứng Trung Quốc.

Apple hiện chưa đưa ra phản hồi nào về thông tin của chuyên trang Nikkei.

Tiến Thanh

Chủ đề khác