VnReview
Hà Nội

Màn hình Galaxy Note 10 giống loại trên S10, kém sắc nét hơn Note 8 và Note 9

Samsung đã ra mắt Galaxy Note 10 tại New York hồi tuần trước. Điện thoại gây ấn tượng mạnh ở màn hình đục lỗ và được tổ chức DisplayMate đánh giá cao.

Tuy vậy, thực chất tấm nền OLED của Note 10 vẫn là loại đã trang bị trên S10 trước đó, tên mã M9. Mặc dù khác về độ phân giải giữa hai phiên bản Note 10 và Note 10+, nhưng hai tấm nền không có khác biệt lớn về cấu hình quang học, chất lượng ngang nhau. Đó là thông tin đến từ trang công nghệ;The Elec chuyên cung cấp tin tức về ngành công nghiệp Hàn Quốc.

Một thay đổi dễ nhận ra trên thế hệ Note mới là thiết kế đục lỗ Infinity-O. Samsung cho biết di chuyển từ góc ra giữa sẽ cung cấp trải nghiệm thị giác tốt hơn. Kích thước lỗ này cũng nhỏ hơn, chỉ bằng 1/4 so với lỗ của S10.

Note 10 và S10 dùng chung loại tấm nền OLED mã M9

Một thay đổi nữa là mật độ điểm ảnh (ppi), trên Note 10 thấp hơn so với S10. Cụ thể, Galaxy Note 10 dùng màn hình 6.3 inch 401 ppi; Note 10+ 6.8 inch 498 ppi; còn trên Galaxy S10 là 6.1 inch 550 ppi; S10+ là 6.4 inch 522 ppi. Ở hai thế hệ trước, Note 9 có 516 ppi còn Note 8 là 521 ppi. Về lý thuyết, mật độ điểm ảnh giảm có thể ảnh hưởng đến độ sắc nét khi hiển thị.

Về vật liệu hữu cơ, Samsung tiếp tục đặt mua từ các công ty Mỹ và Nhật để sản xuất tấm nền cho Note 10. Đối với vật liệu chế tạo tấm nền OLED, dựa theo vai trò sẽ có hai loại là kiểm soát (host) và phát sáng (dopant). Loại kiểm soát để tạo điều kiện hoạt động thuận lợi, còn loại phát sáng chính là vật liệu sẽ phát sáng khi có dòng điện kích thích.

Màn hình trên điện thoại là loại RGB OLED, có nghĩa mỗi điểm ảnh gồm các điểm ảnh phụ phát sáng Red - Green - Blue. Sẽ có ba cặp vật liệu tương ứng với ba màu phát sáng. Vật liệu kiểm soát màu đỏ được mua từ Dow Chemical (Mỹ), chất phát sáng màu đỏ từ UDC (Mỹ). Vật liệu kiểm soát xanh lá từ NSMC - công ty con Nippon Steel (Nhật), chất phát sáng tương ứng cũng của UDC. 

Màn hình Note 10 kém mịn hơn Note 9 và Note 8 do giảm mật độ điểm ảnh

Đối với màu xanh dương, Samsung mua vật liệu kiểm soát từ SFC. Đây là liên doanh giữa Hodogaya Chemical (Nhật) và Samsung Electronics, cổ phần tương ứng lần lượt là 54% và 33%. Vật liệu phát sáng thay đổi từ Idemitsu Kosan sang JNC, cả hai đều là công ty của Nhật.

Một chuyên gia về công nghệ OLED cho biết, JNC đã thu hẹp biên độ rộng giữa cực đại quang phổ (FWHM: Full width at half maximum) của màu xanh bằng cách sử dụng Boron và Nitrogen. "Cách này giúp độ tinh khiết màu sắc cao hơn, sản sinh nhiều màu hơn mà không làm màu xanh trở nên quá sâu" - ông bổ sung.

Ambitious Man

Chủ đề khác