VnReview
Hà Nội

Những “bình loạn” công nghệ sai lầm của các CEO hàng đầu (phần 2)

Nhiều phát biểu của các CEO hàng đầu thế giới khiến người ta bất ngờ vì sự thiển cận hay bảo thủ với công nghệ mới của họ. Cho đến hôm nay, những phát ngôn ngớ ngẩn đó còn đúng hay không?

Nối tiếp phần 1, mời độc giả VnReview cùng tìm hiểu chủ đề thú vị này qua phần hai trong loạt bài hai phần Những "bình loạn" công nghệ sai lầm của các CEO hàng đầu.

Steve Ballmer bàn về iPhone đầu tiên

"Năm trăm USD?;Với một gói cước được trợ cấp hoàn toàn? Tôi nghĩ rằng đây là chiếc điện thoại đắt nhất thế giới", nguyên văn phát biểu của cựu CEO Microsoft về chiếc iPhone đầu tiên ra mắt hồi năm 2007.

"Nó sẽ không hấp dẫn các doanh nhân vì không có lấy một cái bàn phím. Điều này sẽ khiến nó không phải là cỗ máy email tốt".

(Tại Mỹ, khi bạn mua điện thoại qua một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, bạn sẽ có nhiều lựa chọn gói cước khác nhau về giá điện thoại, giá dịch vụ, lộ trình thanh toán).

Ngày nay, không ai lại không biết iPhone phổ biến như thế nào. Sau khi ra đời, iPhone trở thành nguồn doanh thu quan trọng của Apple. Theo Fortune, đã có 1 tỉ iPhone được bán ra từ khi iPhone được tung ra thị trường vào tháng 6/2007 cho đến tháng 7/2016, chiếm gần 70% doanh thu hàng năm của Apple (tương đương 155 tỉ USD).

Ảnh: iPhone đầu tiên được Apple tung ra thị trường vào tháng 6/2007 (Ảnh: TechnoBuffalo)

Chủ tịch Nintendo khu vực Bắc Mỹ nói về game trên điện thoại di động

Trong một cuộc phỏng vấn trên GameTrailers TV năm 2011, lãnh đạo Nintendo tại Bắc Mỹ Reggie Fils-Aime bảo vệ các game 3DS giá từ 35-45USD đồng thời vẫn chỉ trích mạnh mẽ các loại game di động "định giá ở mức 1 và 2 USD thật sự là quá cao""một cách thẳng thắn, một trong những rủi ro lớn nhất của ngành công nghiệp game hôm nay là các game giá rẻ chỉ dùng một lần rồi bỏ, nhìn từ góc độ người tiêu dùng".

Quan điểm của Reggie sẽ phải thay đổi khi Pokemon Go có đến 65 triệu người dùng tích cực mỗi tháng, theo lời John Hanke, CEO công ty phát triển game Niantic khai sinh ra Pokemon Go vào dịp đầu tháng 4 vừa qua.

Pokemon được phát hành miễn phí từ tháng 7 năm ngoái (2016).

(Ảnh: Twitter)

CEO Motorola chê iPod

Tại một hội nghị về lãnh đạo ở California năm 2006, đáp lại một câu hỏi về iPod Nano của Apple, CEO Mototola Ed Zander hỏi ngược lại: "Siết ốc Nano lại. Nano làm được cái quái gì? Ai cần nghe tới 1.000 bài hát?"

Sau này, công ty Motorola đã đính chính lại, cho rằng dịch vụ tin tức của IDG, nơi đầu tiên tường thuật vụ này đã không hiểu đúng bối cảnh của câu nói trên. Theo các quan chức Motorola, Zander đã ca ngợi Apple, iPod và câu trả lời trên chỉ là vài phút đùa cợt vui vẻ của ông. Zander đến hội nghị không phải để nói về Nano mà là để thảo luận về tương lai của ngành công nghiệp khi kết hợp điện thoại và âm nhạc.

Bình luận về dung lượng phát nhạc lên tới 1.000 bài của iPod cũng chỉ là một câu hài hước của Zander để trả lời một phần câu hỏi về lý do vì sao model Motorola ROKR, điện thoại đầu tiên dùng iTune của Apple để chơi nhạc chỉ có tối đa 100 bài. Trên thực tế, chính Apple đã áp đặt giới hạn này để sản phẩm của Motorola không ảnh hưởng tới doanh thu iPod.

Theo nguồn tin từ betanews.com, sau sự việc trên Motorola đã khá vất vả để dọn dẹp dư luận, dù bản thân Zander chẳng có thành kiến gì với iPod mới. Ông thậm chí đã mua tới hai chiếc iPod Nano sau khi sản phẩm này được phát hành.

Ảnh: iPod Nano đời thứ hai ra mắt năm 2006 (Ảnh: Les Numeriques)

Steve Ballmer nói về Google

"Google không phải là một công ty thật sự mà chỉ là một hệ thống dễ vỡ", một lần nữa lại là CEO Microsoft Steve Ballmer đã hét lên như thế khi sắp mất một trong những nhân viên giỏi nhất của mình.

Đó là lúc Mark Lucovsky, cựu kỹ sư xuất sắc của Microsoft và là giám đốc kỹ sư cũ của Google (ảnh) thông báo với Steve Ballmer về việc chuyển đến Google vào năm 2004. Ballmer khi đó đã tức giận tới nỗi vớ đại một chiếc ghế ném ra khỏi phòng, thốt ra những tiếng chửi thề về Eric Schmidt (CEO Google), và cuối cùng là lời "tiên tri" hoàn toàn sai ở trên.

Lucovsky là người xây dựng nên kiến trúc chính của Windows NT, sau này phát triển thành Win XP, một trong những hệ điều hành thành công nhất của Microsoft. Sau khi gia nhập Google với vai trò giám đốc kỹ sư, Lucovsky là một phần không thể thiếu trong việc tạo nên các API nổi tiếng của Google, trong đó có API tìm kiếm quan trọng nhất.

Hôm nay, theo FactSet đầu tháng 5/2017, vốn hóa thị trường của Alphabet, công ty mẹ của Google là 658,6 tỉ USD, cao hơn Microsoft đến 125 tỷ (giá trị của Microsoft là 533,2 tỉ USD).

Vốn hóa thị trường (market capitalization, thường được gọi là market cap) là một cách gọi khác để chỉ giá trị của toàn bộ cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường.

Nhà sáng lập 20th Century Fox bàn về truyền hình

"TV sẽ không thể chiếm lĩnh bất kỳ thị trường nào nó gia nhập chỉ sau 6 tháng đầu tiên. Mọi người sẽ nhanh chóng mệt mỏi với việc tối nào cũng chăm chú nhìn vào một chiếc hộp ván ép".

Daryl Zanuck, nhà đồng sáng lập 20th Century Fox đã đúng. Giờ đây, lúc nào chúng ta cũng chỉ nhìn chăm chú vào màn hình điện thoại.

Thomas Siebel nói về CRM

"Microsoft sẽ đánh bại (Salesforce)", Bloomberg dẫn lại một câu nói thẳng thắn của Thomas Siebel, nhà sáng lập kiêm CEO Siebel trong năm 2003.

Siebel Systems là công ty dẫn đầu thị trường giải pháp quản trị quan hệ khách hàng (CRM), từng được Deloitte công nhận là "công ty tăng trưởng nhanh nhất" lịch sử nước Mỹ với tỉ lệ tăng trưởng gần gấp 8 lần trong 5 năm. Có thời điểm Siebel đạt được doanh thu hàng năm 2 tỉ USD, vốn hóa thị trường lên tới 30 tỉ USD với 8.000 nhân viên ở 32 quốc gia.

Salesforce là đối thủ lớn của Siebel trên thị trường CRM vào thời điểm đó.

Vậy mà chỉ hai năm sau câu nói của Thomas (2005), Siebel System đã bị Oracle mua lại với giá rất "rẻ": 5,85 tỉ USD.

Còn về Salesforce, hiện nay hãng này đang dẫn đầu thị trường CRM, chiếm 21% thị phần thế giới, bỏ xa những gã khổng lồ về phần mềm doanh nghiệp như SAP, Oracle, Microsoft... (xem ảnh). Vốn hóa thị trường năm 2017 của Salesforce là 60 tỉ USD, xếp thứ 158 trong Forbes 2000 công ty lớn nhất, đứng thứ ba trong lĩnh vực ứng dụng doanh nghiệp, chỉ sau SAP và Oracle.

Thị phần ứng dụng CRM toàn cầu năm 2015 (Nguồn: Apps Run The World) 

Chủ tịch Western Union nói về điện thoại

Năm 1876, khi công ty Western Union có cơ hội mua lại sáng chế cách mạng của Graham Bell, chủ tịch William Orton đã cười châm chọc "Có thể dùng món đồ chơi điện tử mà công ty này chế ra vào việc gì?"

Đến năm 1879, Western Union lại tham gia vụ kiện công ty của Bell về bằng sáng chế điện thoại!

Mọi chuyện bắt đầu từ việc Elisha Gray, nhà phát minh nổi tiếng của Illinois, Mỹ được cho là người phát minh ra điện thoại cùng lúc với Alechxander Graham Bell nhưng nộp đơn cấp bằng sáng chế trễ hơn Bell 2 giờ. Western Union chê cười Bell nhưng hối tiếc nên đã thuê Gray và một nhà sáng chế nổi tiếng khác là Thomas Edison nghiên cứu công nghệ điện thoại của riêng mình. Sau cùng tòa tối cao Mỹ vẫn ra phán quyết bằng sáng chế điện thoại thuộc về Bell.

Ngày nay, khi điện thoại đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta thì thật khó hình dung thế giới sẽ ra sao nếu không có phát minh của thiên tài Alechxander Graham Bell. Có thể điện thoại di động sẽ không ra đời và iPhone, iPad, game di động cùng những lời bình luận của Steve Ballmer, các CEO Motorola, Nintendo ở trên chỉ là những câu chuyện viễn tưởng đáng mơ ước! 

Công ty điện thoại của Bell chính là tiền thân của AT&T (American Telephone and Telegraph), ông trùm viễn thông số một nước Mỹ và thế giới với doanh thu năm 2016 là 163 tỉ USD, vốn hóa 249,3 tỉ, xếp thứ 17 và 15 trên thế giới theo Forbes.

Rõ ràng, quyết định từ chối đầu tư vào điện thoại của Orton ngày nào đã khiến Western Union thiệt hại quá lớn. Dù vẫn phát triển tốt cho đến hôm nay và nằm trong số 2.000 công ty lớn nhất thế giới như AT&T nhưng kết quả kinh doanh của Western Union năm 2016 vẫn kém xa AT&T, doanh thu "chỉ có" 5,42 tỉ USD, xếp thứ 1.544 trong danh sách của Forbes. Western Union cũng xếp thứ 1.284 về vốn hóa thị trường với trị giá 9,2 tỉ USD. 

Tim Maurer nói về các robot cố vấn quản lý tài sản

Trong một chương trình bình luận trên đài CNBC, Tim Maurer cho rằng các dịch vụ quản lý tài sản thường yêu cầu "những nhà cố vấn có giáo dục, uy tín, kinh nghiệm làm người được ủy thác cho khách hàng và chủ động tham gia trong mối quan hệ với họ. Tôi chẳng thấy dịch vụ (nhà tư vấn robot) nào có đủ khả năng cạnh tranh với dịch vụ quản lý tài sản toàn diện (của con người)".

Tim Maurer là giám đốc tài chính cá nhân của BAM Alliance, cộng đồng gồm 140 công ty quản lý tài sản độc lập ở Mỹ. Anh cũng là nhà tư vấn tài sản của công ty quản lý tài sản Buckingham hơn 20 năm kinh nghiệm ở South Carolina, cộng tác viên về tài chính, cuộc sống cho Forbes, Time, CNBC...

Hôm nay, nhờ sự tiến bộ của tự động hóa và các giải thuật, các công ty đầu tư tự động đang hy vọng cung cấp các dịch vụ robot tư vấn đầu tư với ít robot hơn, nối tiếp 2 doanh nghiệp tiên phong trong ngành là Betterment và Wealthfront.

Steve Trần (tổng hợp)

Chủ đề khác