VnReview
Hà Nội

Facebook sẽ thẳng tay “trừng trị” những nội dung cổ xuý cho trào lưu chống vắc-xin

Những người theo chủ nghĩa "bài" vắc-xin vẫn đang tiếp tục lan truyền những quan niệm sai lầm, chẳng hạn như bệnh sởi có thể giúp ngăn ngừa ung thư và chúng ta có thể dùng kháng sinh để chữa khỏi căn bệnh này.

"Không tiêm vắc-xin" là một trong những đe dọa sức khỏe toàn cầu lớn nhất năm 2019

Trước những ý kiến chỉ trích từ dư luận về việc Facebook "làm ngơ" cho các tin đồn thất thiệt và thuyết âm mưu chống việc sử dụng vắc-xin xuất hiện và lan truyền trên nền tảng của mình, hôm thứ Năm vừa qua, công ty đã lên tiếng công bố quy trình gồm các bước để loại bỏ các thông tin sai sự thật khỏi mạng xã hội này.

Động thái trên diễn ra sau một bức thư do Adam Schiff (Đại diện bang California, Mỹ) được gửi tới Facebook vào tháng trước, trong thư ông nêu lên quan ngại rằng việc các thông tin phủ nhận vai trò của vắc-xin lan truyền trên mạng xã hội này có thể làm sai lệch quan niệm của các bậc cha mẹ về tác dụng của việc tiêm chủng an toàn. Schiff cũng đặt dấu chấm hỏi đối với việc Facebook vẫn nhận tiền của các đối tượng liên quan và chạy các quảng cáo có nội dung chống vắc-xin.

Facebook không phải là "gã khổng lồ" truyền thông duy nhất bị chất vấn; Schiff cũng đã gửi một bức thư tương tự tới Google, phản đối việc các quảng cáo có nội dung tương tự cũng xuất hiện trên YouTube. Song, có vẻ như người ta đang tập trung nhiều hơn đến vai trò của Facebook trong sự việc này.

Tuần trước, trong một phiên điều trần của Thượng viện Mỹ thảo luận về sự lan truyền ngày càng rộng rãi của các thông tin sai lệch về vắc-xin (phiên họp có tựa đề Vắc-xin có thể cứu người), một thiếu niên đến từ bang Ohio đã đưa ra ý kiến nhằm thẳng vào Facebook. Đó là Ethan Lindenberger, 18 tuổi, nổi tiếng trên khắp nước Mỹ vì đã tự đi tiêm vắc-xin bất chấp việc mẹ anh quyết liệt phản đối và có quan điểm chống vắc-xin. Anh nhấn mạnh, niềm tin sai lầm của mẹ đến từ một nơi: đó là Facebook. Khi một thượng nghị sĩ hỏi Lindenberger rằng thế anh lấy thông tin đúng đắn về vai trò của vắc-xin qua phương tiện nào, thì anh đã cười và trả lời rằng, "không phải từ Facebook".

"[Tôi lấy thông tin] Từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tạp chí khoa học… tóm lại là các nguồn uy tín đã được công nhận," Lindenberger cho biết.

Với tuyên bố được đưa ra vào hôm thứ Năm, Facebook lên kế hoạch cung cấp các nguồn tin đáng tin cậy trên nền tảng của mình. Nói rộng hơn, gã khổng lồ mạng xã hội sẽ cố gắng tăng cường vai trò của các thông tin chính xác, có căn cứ và có thể kiểm chứng được, đồng thời với việc ngăn chặn sự lan truyền của các thông tin sai lệch về vắc-xin, cả trên bảng tin (news feed) lẫn các nội dung đề xuất của người dùng. Mạng xã hội này cũng sẽ ngăn chặn các quảng cáo chứa nội dung sai sự thật.

Để xác định những nguồn tin nào là sai lệch và nguồn tin nào là đáng tin cậy, Facebook cho biết họ sẽ dựa vào các thông tin của Tổ chức Y tế Thế giới và Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ để lọc ra những tin đồn thất thiệt về vắc-xin.

"Nếu những thông tin sai sự thật về vắc-xin xuất hiện trên Facebook, chúng tôi sẽ có những biện pháp loại bỏ chúng," công ty cho biết. Facebook cũng đưa ra một số ví dụ về cách đối phó với một số trường hợp cụ thể: "Nếu quản trị viên của một nhóm (group) hoặc một trang (page) đăng tải các thông tin sai lệch về vắc-xin, chúng tôi sẽ loại bỏ nhóm hoặc trang đó khỏi mục "Đề xuất" của người dùng, giảm tần suất xuất hiện của trang/nhóm đó trên bảng tin (news feed) và kết quả tìm kiếm, cũng như từ chối chạy quảng cáo đối với các thông tin sai lệch đó."

Những thông tin sai lệch biến đổi liên tục

Thành công của kế hoạch trên phụ thuộc vào việc liệu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ có "theo kịp" và cập nhật được những thông tin sai lệch và các "thuyết âm mưu" chống vắc-xin mới nhất hay không. Chẳng hạn, các tin đồn về việc vắc-xin có thể gây ra bệnh tự kỷ, đã từng lan truyền mạnh mẽ trong cộng đồng trong thời gian vừa qua, thì giờ đây về cơ bản đã được "dập tắt" hoàn toàn. Song, lại có những tin đồn thất thiệt khác xuất hiện và lan truyền một cách khó kiểm soát. Chẳng hạn, một số người đang "phao tin" rằng ngành công nghiệp vắc-xin đang là "con gà đẻ trứng vàng" cho các tập đoàn lớn như Big Pharma (trong khi trên thực tế, doanh thu từ việc sản xuất và phân phối vắc-xin là khá thấp), và kêu gọi mọi người đừng "làm giàu" cho các "ông lớn" đó nữa.

Gần đây, lại xuất hiện một số thông tin sai lệch được những người ủng hộ việc không sử dụng vắc-xin ủng hộ, đó là không cần phải phòng ngừa bệnh sởi. Thậm chí, họ còn cho rằng mỗi người nên mắc sởi một lần trong đời vì nó có tác động tích cực tới cơ thể và giúp phòng chống ung thư (!?). Dĩ nhiên, đây đều là những quan niệm sai lầm. Sởi là một căn bệnh nguy hiểm, có thể dẫn tới một số khuyết tật ở trẻ em, chẳng hạn như điếc và chậm phát triển trí tuệ. Nó thậm chí còn có thể gây chết người. Chẳng hạn, dịch sởi hiện đang bùng phát tại Madagascar đã lấy đi sinh mạng của hơn 1000 trẻ em.

Còn quan niệm rằng bệnh sởi có thể giúp ngăn ngừa ung thư có lẽ bắt nguồn từ sự hiểu lầm một kết quả nghiên cứu về việc các sử dụng các phiên bản virus đã được chỉnh sửa bằng công nghệ sinh học để làm liệu pháp trị bệnh ung thư. Nhưng đây không phải là những chủng virus đã gây ra bệnh sởi. Không có bằng chứng đáng tin cậy nào cho rằng các ca mắc bệnh sởi trong quá khứ sẽ "miễn nhiễm" với ung thư trong tương lai.

Trớ trêu hơn, một nhà làm luật đến từ bang Texas, Mỹ lập luận rằng ông không lo lắng về dịch sởi bởi tại Mỹ, "chúng tôi có kháng sinh chống lại loại bệnh đó". Trên thực tế, kháng sinh chỉ có thể điều trị các loại bệnh do vi khuẩn gây ra. Còn bệnh sởi bắt nguồn từ một chủng virus. Chưa kể, đến nay vẫn chưa có cách điều trị nào để tiêu diệt virus sởi đã gây bệnh.

Do sự lan truyền của các thông tin sai sự thật này mà hiện nay, nước Mỹ đang phải chống lại sáu vụ bùng phát bệnh sởi trên toàn quốc, và đã có 11 bang xác nhận có bệnh nhân mắc sởi. Chỉ tính riêng tại bang Washington, đã có tới 800 trường hợp trẻ em có nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh bị cấm đến trường để phòng ngừa lây lan.

Quang Huy

Chủ đề khác