VnReview
Hà Nội

Tại sao những kẻ xả súng New Zealand sẽ không bị tử hình?

Sáng nay 16/3, kẻ xả súng sát hại 49 người tại hai nhà thờ Hồi giáo ở Christchurch, New Zealand một ngày trước đó, đã ra hầu tòa. Hắn phải đối mặt với mức án cao nhất là tù chung thân.

Theo báo Anh Guardian, tay súng 28 tuổi Brenton Harrison Tarrant xuất hiện tại tòa án ở Christchurch sáng nay, mặc áo tù trắng, bị còng tay và đi chân trần. Hắn bị buộc tội giết người và có thể thêm nhiều tội danh khác nữa. Tuy nhiên, mức án cao nhất hắn phải đối mặt là tù chung thân. Tại sao kẻ sát nhân hàng loạt này không bị tử hình?

Xả súng New Zealand

Brenton Harrison Tarrant xuất hiện tại tòa án ở Christchurch sáng nay

Nguyên nhân là New Zealand đã bỏ hình phạt tử hình từ lâu. Theo tài liệu từ trang web Lịch sử New Zeland của chính phủ New Zealand, tù nhân cuối cùng thi hành án tử hình ở New Zealand là Walter Bolton, vào ngày 18/2/1957. Hắn bị buộc tội đầu độc vợ và bị treo cổ tại nhà tù Mount Eden. Án tử hình ở New Zealand được bãi bỏ vào năm 1961 và có những tuyên bố rằng điều này một phần là do có liên quan đến vụ án của Bolton.

Vụ xử tử Bolton khi đó đã đặt ra những câu hỏi thông thường về án tử hình. Một số người tin rằng hình phạt tử hình là hợp pháp hóa tội giết người và việc lấy mạng người khác theo cách này là sai trái về mặt đạo đức. Những người khác phản đối hình phạt tử hình trên cơ sở tôn giáo hoặc với lý do sai lầm đã được thực hiện.

Dấu vết của asen đã được tìm thấy với liều lượng nhỏ trong tách trà của bà Beatrice, vợ Walter Bolton. Nhưng thử nghiệm nguồn nước trong trang trại của Bolton cũng tìm thấy có chứa asen, và dấu vết của asen cũng được tìm thấy ở chính trong người Walter và một người con gái của ông. Luật sư bào chữa cho rằng do cừu đã vô tình xâm nhập vào nguồn nước của trang trại. Quan điểm của phía công tố được củng cố bằng bằng chứng cho thấy ông Bolton đã thừa nhận đã ngoại tình với em gái của vợ mình, bà Florence. Quan điểm phía biện hộ rằng cái chết của bà Beatrice do vô tình nhiễm độc asen vì thế bị yếu đi. Sau 130 phút cân nhắc, bồi thẩm đoàn đã chuyển hướng sang có tội. Khi thẩm phán hỏi Bolton có bất kỳ lý do nào mà ông ta không nên bị tuyên án tử hình, Walter Bolton trả lời: 'Tôi không nhận tội, thưa ngài'.

Sau đó, một điều tra của báo đã tuyên bố rằng vụ xử tử Bolton đã sai lầm khủng khiếp. Đây trở thành trường hợp điển hình để những người phản đối án tử hình củng cố quan điểm: rằng các vụ hành quyết là tàn nhẫn và vô nhân đạo. Thay vì để tù nhân bị gãy cổ ngay khi cửa bẫy mở ra, Bolton được cho là từ từ bị siết cổ đến chết. Tất nhiên, sẽ không thể làm gì sau một vụ hành quyết nếu sau đó người bị tử hình được chứng minh vô tội - và có một số người vẫn cho rằng Bolton vô tội.

Trở lại vụ thảm sát tại hôm qua, Brenton Harrison Tarrant đã xả súng giết hại hàng chục người tại các thánh đường Hồi giáo ở Christchurch. Tarrant còn phát hình trực tiếp cảnh y lái chiếc xe chở đầy súng đạn và lạnh lùng bắn vào những người đang cầu nguyện trong nhà thờ. Trước khi ra tay, hắn đã đăng một bản 'tuyên ngôn' dài 74 trang, trong đó tự nhận đến từ tầng lớp lao động, gia đình thu nhập thấp.

Brenton Harrison Tarrant lớn lên ở thị trấn Grafton, bang New South Wales, Australia. Tên này từng sống ở thành phố Dunedin, cách nơi y gây án khoảng 360km về phía nam.

Tarrant sẽ tiếp tục bị giam và ra tòa lần tiếp theo vào ngày 5/4. Nhưng mức án cao nhất hắn phải đối mặt là tù chung thân.

Hồng Thuý

Chủ đề khác