VnReview
Hà Nội

Tại sao các gia đình ở Ý không thể nói lời từ biệt người chết vì Covid-19?

Ý đã cấm hoàn toàn các hoạt động tang lễ vì đại dịch COVID-19. Đối với nhiều người, virus quái ác SARS-CoV-2 không chỉ gây chết người mà còn cướp đi cơ hội nói lời tạm biệt cuối cùng.

Hình ảnh bên trong bệnh viện ở Bắc Ý khiến châu Âu phải tỉnh ngộ về dịch Covid-19

""Chúng tôi đặt quần áo gia đình gửi vào lên trên xác chết, như thể họ đang mặc. Một chiếc áo trên đầu, một chiếc váy bên dưới".

"Đại dịch này khiến trái tim mọi người chết hai lần", Andrea Cerato, làm việc trong một nhà tang lễ ở Milan nói. "Đầu tiên, nó khiến bạn phải cách ly với những người thân yêu. Sau đó, nó khiến bạn phải ra đi trong im lặng, cô đơn".

'Họ không có lựa chọn nào khác ngoài tin tưởng chúng tôi'

Tại Ý, nhiều nạn nhân Covid-19 đang trải qua những cái chết âm thầm trong bệnh viện mà không có bất kỳ người thân gia đình hay bạn bè nào. Các chuyến thăm bị cấm vì nguy cơ lây nhiễm quá cao.

Mặc dù các cơ quan y tế cho biết virus này không thể lây truyền sau khi bệnh nhân ra đi, nhưng nó vẫn có thể tồn tại trên quần áo trong vài giờ. Điều này có nghĩa là xác chết cần được niêm phong ngay lập tức.

Massimo Mancastroppa, một người đảm nhận công việc tang lễ ở Cremona nói: "Rất nhiều gia đình hỏi chúng tôi rằng họ có thể nhìn thấy người thân đã chết một lần cuối không? Không, điều đó bị cấm".

Người chết không được chôn cất trong bộ quần áo đẹp nhất và yêu thích của họ. Thay vào đó, họ ẩn danh nghiệt ngã trong bộ áo choàng bệnh viện.

Nhưng Massimo đang làm những gì ông có thể.

"Chúng tôi đặt quần áo gia đình gửi vào lên trên xác chết, như thể họ đang mặc", ông nói. "Một chiếc áo trên đầu, một chiếc váy bên dưới".

Trong tình huống chưa từng có này, những người như ông Massimo đột nhiên thấy mình như trong vai vừa là người thân gia đình vừa là bạn bè của người chết, thậm chí là linh mục.

Những người gần gũi với những người chết vì virus sẽ phải tự cách ly.

"Chúng tôi chịu mọi trách nhiệm", Andrea nói. "Chúng tôi gửi cho gia đình một bức ảnh về chiếc quan tài được sử dụng, sau đó chúng tôi đưa xác từ bệnh viện và chôn cất hoặc hỏa táng. Họ không còn cách nào khác ngoài tin tưởng chúng tôi".

Điều khó khăn nhất đối với Andrea là không thể làm dịu nỗi đau khổ của người chết. Thay vì nói với gia đình tất cả những điều ông có thể làm, giờ đây ông buộc phải nói tất cả những gì ông không còn được phép làm.

"Chúng tôi không thể mặc quần áo cho họ, chúng tôi không thể chải tóc, chúng tôi không thể trang điểm. Chúng tôi không thể làm cho họ trông đẹp lên và thanh thản, yên bình. Thật đáng buồn".

Andrea đã làm công việc tang lễ trong 30 năm, giống như cha ông trước đây. Ông nói những điều nhỏ nhặt thường rất quan trọng đối với người mất.

"Vuốt má họ một lần cuối, nắm tay họ và trang nghiêm, kính cẩn với họ. Không thể làm điều đó thật sự là nỗi đau thương".

Trong thời gian dịch bệnh này, những người đảm nhận công việc tang lễ thường phải gặp gia đình người xấu số ở hai bên cánh cửa đóng kín.

Người thân vẫn cố gắng truyền đạt những mẩu ghi chú viết tay, những vật gia truyền, những bức vẽ và những bài thơ với hy vọng họ sẽ được chôn cất bên cạnh mẹ hoặc cha, anh chị em, con trai hay con gái.

Nhưng không có vật nào được đưa vào quan tài.

Chôn vật dụng cá nhân bây giờ đã trở thành điều bất hợp pháp. Một biện pháp quyết liệt đã được đưa ra để ngăn chặn sự lây lan của bệnh.

Nếu ai đó chết ở nhà, những người làm tang lễ vẫn được phép vào bên trong - nhưng họ phải mặc đầy đủ đồ bảo hộ: kính, khẩu trang, găng tay, áo khoác. Đó là một cảnh tượng đau khổ sâu sắc cho một người vừa nhìn thấy người thân yêu ra đi.

Tuy vậy, mọi thứ vốn đã buồn bã và đau thương, vẫn chưa được yên. Vì một lo lắng lớn đang nổi lên là những người chăm sóc người chết này không có đủ khẩu trang hoặc găng tay.

"Chúng tôi không có đủ đồ bảo hộ trong một tuần nữa", Andrea nói. "Khi hết đồ bảo hộ, chúng tôi sẽ không thể hoạt động. Chúng tôi là một trong những nhà tang lễ lớn nhất trong cả nước. Tôi thậm chí không thể tưởng tượng được phải đối phó với mọi việc như thế nào".

Ý đã ban hành luật quốc gia khẩn cấp, cấm các dịch vụ tang lễ để ngăn chặn sự lây lan của virus. Đây là điều chưa từng có đối với một đất nước có giá trị Công giáo La Mã mạnh mẽ như vậy.

Ít nhất một lần một ngày, Andrea chôn cất một cơ thể và thậm chí không một người nào xuất hiện để nói lời tạm biệt - bởi vì mọi người đều bị cách ly. "Không ai có thể nói một vài lời, tất cả chỉ là sự im lặng".

Một đất nước ngập trong quan tài

Ngành công nghiệp nhà xác của Ý đang quá tải, tràn ngập xác chết và số người chết vẫn tiếp tục tăng. Hơn 7.000 người đã bị COVID-19 giết chết - nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

"Có một hàng xác chết đang đợi bên ngoài nhà tang lễ của chúng tôi ở Cremona," Andrea nói. "Nó gần giống như một siêu thị".

Nhà xác bệnh viện ngập trong xác chết. Một đêm tuần trước, người dân địa phương theo dõi trong im lặng một đoàn xe tải quân đội từ từ lái hơn 70 quan tài qua đường phố. Mỗi quan tài chứa thi thể của một người bạn hoặc hàng xóm của họ, được đưa đến một thành phố gần đó để hỏa táng. Gần như chưa có hình ảnh nào sốc hơn thế, đau buồn hơn thế kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Các bác sĩ và y tá trên khắp đất nước được ca ngợi là những anh hùng, những vị cứu tinh trong giờ đen tối nhất của Ý. Nhưng những người phục vụ tang lễ không nhận được sự công nhận cho những gì họ đang làm.

"Nhiều người coi chúng tôi chỉ là những người vận chuyển linh hồn", Massimo thở dài.

Ông nói rằng nhiều người Ý nhìn công việc của họ như Charon, người lái đò thần thoại nham hiểm của thế giới ngầm, mang linh hồn của những người mới chết qua một dòng sông và chia cắt thế giới của người sống với thế giới của người chết.

#Andratuttobene - "mọi thứ sẽ ổn thôi" - là một hashtag đang nổi lên ở Ý kể từ khi cuộc khủng hoảng dịch bệnh xảy ra. Nó đi kèm với một biểu tượng cảm xúc cầu vồng.

Nhưng tại thời điểm này, chưa có tia nắng mặt trời nào ló rạng. Và mặc dù tất cả đều cầu nguyện, nhưng không ai biết chính xác khi nào mọi thứ sẽ thực sự ổn.

Hoàng Lan theo BBC

Chủ đề khác