VnReview
Hà Nội

Hàn Quốc: 141 ca Covid-19 âm tính rồi lại dương tính, vẫn chưa tìm ra nguyên nhân thực sự

Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), nước này phát hiện 141 ca bệnh đã có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng sau đó không lâu lại dương tính với virus SARS-CoV-2.

Hàn Quốc: 51 ca nhiễm Covid-19 âm tính rồi lại dương tính, nghi virus 'kích hoạt lại'

Tờ SCMP cho biết, tính đến hết ngày 16/4, Hàn Quốc đã xác định được ít nhất có 141 người đã âm tính nhưng sau đó không lâu lại dương tính với virus SARS-CoV-2. Hầu hết các trường hợp này tập trung ở Daegu và Bắc Gyeongsang - 'tâm dịch' Covid-19 tại Hàn Quốc. Đặc biệt hơn, 55 trường hợp như vậy là những người ở độ tuổi từ 20 - 40.

Phó giám đốc KCDC - Kwon Jun-wook cho biết: 'Trong những trường hợp nhiễm Sars và Mers trước đây, chúng tôi không thấy ai dương tính trở lại sau khi đã hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, điều đó lại xảy ra với Covid-19'.

Tình trạng bệnh nhân Covid-19 dương tính trở lại sau khi đã hồi phục hoàn toàn diễn ra trong bối cảnh các nhà chức trách Hàn Quốc tìm cách nới lỏng các chính sách cách ly xã hội sau khi số ca nhiễm mới ở nước này giảm xuống từ hàng trăm người mỗi ngày xuống còn khoảng 20 người/ngày.

Hiện các chuyên gia tại Hàn Quốc đang chưa xác định được nguyên nhân chính thức 141 bệnh nhân kể trên vì sao đã hồi phục nhưng vẫn dương tính trở lại. Nhiều chuyên gia cho rằng bệnh nhân âm tính rồi lại dương tính là do còn còn một số mảnh virus SARS-CoV-2 trong cơ thể sau khi họ đã hồi phục. Những mảnh đó trong cơ thể không có nghĩa là bệnh nhân vẫn bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể bị phát hiện khi xét nghiệm axit nucleic. Một chuyên gia cho biết: 'Kết quả xét nghiệm của các trường hợp đó có thể vẫn dương tính nhưng họ không còn bị nhiễm trùng'.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng không chắc chắn về giả thuyết này bởi theo nhiều nghiên cứu gần đây thì virus SARS-CoV-2 có nhiều chủng khác nhau. Vì vậy, trường hợp một bệnh nhân đã âm tính với chủng virus SARS-CoV-2 này nhưng lại dương tính với chủng virus SARS-CoV-2 khác là không phải không thể xảy ra. Nếu điều này được xác nhận thì việc phát triển và sản xuất vắc xin sẽ gặp vô vàn khó khăn.

Giám đốc của KCDC - Jeong Eun-kyeong là một trong số những người cho rằng trường hợp bệnh nhân âm tính rồi lại dương tính với SARS-CoV-2 là do virus được 'kích hoạt lại' trong cơ thể bệnh nhân dù ông cũng không đưa ra một kết luận chắc chắn nào. Trên thế giới cũng có một số loại virus gây nhiễm trùng dai dẳng có thể có thời gian trễ và 'tái hoạt động' như một phần vòng đời của chúng. Sau khi gây ra nhiễm trùng ban đầu, những virus này vẫn ở trong tế bào chủ, không nhân lên cho đến khi chúng được 'kích hoạt lại'. Ví dụ, virus gây nên bệnh thủy đậu thường tấn công trẻ em nhưng chúng vẫn có thể kích hoạt lại và gây nên bệnh zona thần kinh ở người lớn. Tuy nhiên, việc 'tái hoạt động' là không phổ biến với đa phần các loại virus.

Khoảng 20% trong số các trường hợp âm tính rồi lại dương tính với virus SARS-CoV-2 là những người khỏe mạnh với hệ thống miễn dịch rất tốt. Các nhà nghiên cứu hiện nay vẫn đang tiến hành các thử nghiệm để xác định xem bệnh nhân có bị tái nhiễm không hay virus đã biến đổi và bằng cách nào đó phá vỡ hệ miễn dịch của cơ thể.

KCDC hiện tại vẫn chưa công bố trong số 141 bệnh nhân kể trên thì bao nhiêu người có triệu chứng nhiễm bệnh. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là một số người trong số họ có biểu hiện sốt nhẹ. Hiện nay, cơ quan chức năng của Hàn Quốc chưa công bố bất kỳ trường hợp bệnh nhân Covid-19 âm tính rồi lại dương tính nào lây bệnh cho người khác.

T.T

Chủ đề khác