VnReview
Hà Nội

Sony đã biến cơn sốt toàn cầu “Demon Slayer” thành cỗ máy in tiền như thế nào?

Tại Nhật Bản lúc này, cơn sốt "Demon Slayer" được ví như một cỗ máy in tiền mà ai cũng muốn tham gia. Dần dần, hiện tượng văn hóa đang trở thành một hệ sinh thái sinh lợi khổng lồ.

Bộ phim Demon Slayer The Movie: Mugen Train khởi chiếu tại Nhật từ ngày 16/10, hiện đã kiếm được 247 triệu USD và liên tiếp lập các kỷ lục phòng vé, trở thành tác phẩm hoạt hình ăn khách nhất 2020. Sau hàng loạt thành công của nguyên tác manga gốc, TV series và mới đây là phần phim chiếu rạp đầu tiên, thương hiệu giờ đã được vô số công ty Nhật tận dụng làm truyền thông, sản phẩm ăn theo nhằm tăng doanh số.

Thành công này không đơn giản là phong trào nhất thời. Nó dựa trên chiến lược marketing được tính toán cẩn thận từ trước, khai thác triệt để sự phổ biến của tác phẩm. Chuỗi nhà hàng sushi Kura Sushi là một ví dụ. Kể từ khi hợp tác với thương hiệu Demon Slayer, doanh thu tháng Chín của nhà hàng đã tăng 7,9% so với cách đây một năm.

Các công ty Nhật Bản đổ xô theo cơn sốt 'Demon Slayer' để thu hút khách hàng (ảnh: moshimoshi-nippon)

Chuỗi cửa hàng tiện lợi Lawson thì bán ra các hộp cơm nắm đặc biệt, tạo hình theo các nhân vật trong anime. Đã có hơn 10 triệu đơn vị sản phẩm được tẩu tán khỏi kệ hàng chỉ trong 10 ngày đầu tiên, doanh thu đem về đã lên tới 5 tỷ yên. Và đó đã là chiến dịch marketing thứ tư của họ dựa trên cơn sốt anime này, hiệu quả đem về chưa bao giờ khiến họ phải thất vọng.

Chiến dịch đầu tiên đã được lên kế hoạch từ tận tháng Tư năm 2019, khi mà bản truyền hình anime bắt đầu phát sóng những tập đầu tiên. Lúc ấy, họ nhanh chóng tung ra hơn 70 vật phẩm ăn theo phim với một nỗ lực quảng bá lớn chưa từng có. Lawson rất có kinh nghiệm hợp tác với các dự án anime, tích lũy qua hai thập kỷ lâu dài.

Lần này, họ dựa trên mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Aniplex nhằm khuếch trương cực đại thành công của cả hai. Aniplex là công ty con của tập đoàn Sony, chịu trách nhiệm lập kế hoạch và sản xuất dự án chuyển thể anime Demon Slayer, dựa trên nguyên tác manga cùng tên của mangaka Koyoharu Gotoge. Bản thân Sony đã có nhiều kinh nghiệm từ các dự án chuyển thể Sword Art Online, Fate,... nên lần này họ tiến hành rất bài bản.

Chịu trách nhiệm lập kế hoạch và sản xuất dự án anime là Aniplex, trực thuộc Sony Music Japan trong tập đoàn Sony (ảnh: Sony)

Minh chứng là thành công vô tiền khoáng hậu của Demon Slayer The Movie: Mugen Train, đang khuynh đảo phòng vé Nhật Bản. Anime trở thành phim đầu tiên trong lịch sử vươn đến cột mốc 20 tỷ yên doanh thu, chỉ vỏn vẹn sau ba tuần trình chiếu. Đồng thời, nó cũng là phim đạt 10 tỷ yên nhanh nhất, mở màn cao nhất và doanh thu từ định dạng IMAX cao nhất.

Khoảng 50 đến 60% tiền bán vé sẽ thuộc về hai đơn vị phát hành là Toho và Aniplex. Tập đoàn mẹ Sony cũng đã nâng dự báo doanh thu của hoạt động kinh doanh âm nhạc có phần Aniplex đóng góp. Chủ tịch Aniplex từng chia sẻ với Nikkei, ông muốn biến dự án anime này thành một màn phô diễn sức mạnh tổng lực. Và theo tờ báo Nhật, dường như họ sẽ nhận được khoản thu nhập khổng lồ từ thành công của bản phim chiếu rạp, chưa kể còn rất nhiều nguồn lợi khác ở sau.

Cũng chia sẻ với Nikkei về kế hoạch tiếp thị dựa trên sức hút của Demon Slayer, trưởng phòng marketing của Lawson là ông Ariko Shirai, nói rằng đội ngũ của họ thấu hiểu rất rõ "niềm đam mê anime". Họ có kinh nghiệm hợp tác chặt chẽ với các bên sở hữu bản quyền như là Aniplex, cũng như các bên sản xuất sản phẩm ăn theo, nhằm tạo nên một chiến dịch thành công.

Dưới bàn tay sắp xếp của Aniplex, anime đã trở thành một hiện tượng văn hóa tại Nhật (ảnh: Nikkei)

Chuyên gia về tác quyền Kazuo Rikukawa đánh giá cao cách làm của Lawson, từ việc hợp tác mật thiết với Aniplex cho tới các bên sản xuất vật phẩm ăn theo. Cuối cùng, chuỗi cửa hàng tiện lợi tạo ra những món đồ độc đáo, gắn liền với tên tuổi của họ. Chính sự khác biệt này làm tăng thêm giá trị của món hàng giới hạn, khiến họ "nổi bật trước đám đông nhờ tính độc đáo, chất lượng".

Một công ty khác cũng tranh thủ tận dụng thành công của anime là hãng sản xuất đồ uống Dydo Drinco. Họ tung ra một loại đồ uống coffee đóng hộp, kèm theo 28 mẫu đồ họa Demon Slayer khác nhau. Một người mua coffee cho biết "nó y như là chơi gacha vậy", ám chỉ việc may rủi mở trúng mẫu đồ họa mà mình mong muốn. Bất kỳ ai là fan cuồng của anime cũng đều muốn sở hữu những món đồ độc lạ như vậy.

Kết quả Dydo Drinco thu hoạch được quả là vô cùng mỹ mãn. Ba tuần đầu ra mắt chiến dịch, hơn 50 triệu lon đã được tẩu tán, khiến cho doanh thu tháng Mười của mặt hàng coffee tăng 50%. Chỉ ba tháng bán hàng ăn theo Demon Slayer thôi cũng đem về tương đương 6% tổng doanh thu cả năm tài khóa 2019.

Thành công của 'Demon Slayer' không chỉ thể hiện ở thành tích phòng vé mà còn ở các công ty như Lawson, Bandai, Dydo Drinco (ảnh: Nikkei)

Đơn vị chuyên sản xuất đồ chơi của Bandai Namco - Toymaker Bandai Spirits - cũng đưa ra những món đồ chơi dựa trên anime từ tháng Năm 2019. Rất nhanh chóng, họ đã cháy sạch số đơn hàng đặt trước dự kiến giao vào tháng Hai năm 2021.

Thành công của Demon Slayer không chỉ thể hiện ở thành tích phòng vé mà còn ở các công ty như Lawson, Bandai, Dydo Drinco. Chủ tịch Atsuhiro Iwakami của Aniplex, đơn vị đứng sau dự án, nhận xét thắng lợi bây giờ đã vượt qua cả "những giấc mơ ngông cuồng nhất" của họ khi bắt đầu. Từ mục tiêu phô diễn sức mạnh dựa trên kinh nghiệm chuyển thể các dự án anime trước đó, giờ nó đã là một hiện tượng văn hóa.

Theo Nikkei, Aniplex đã giúp đưa thành công của Demon Slayer vượt ra khỏi biên giới nước Nhật. Một tuần sau khi phát sóng anime tại quê nhà, công ty đã đưa series này lên các nền tảng streaming như Abema, Amazon Prime Video, Netflix. Điều đó tạo ra làn sóng làm mới anime, đảm bảo nó tồn tại trên Internet để người ta có thể xem đi xem lại sau khi đã chiếu trên truyền hình. Dẫn tới sự phổ biến hơn bao giờ hết.

Dự án do Aniplex triển khai có sự tham gia của nhà xuất bản Shueisha, tác giả Koyoharu Gotoge và xưởng sản xuất ufotable (ảnh: Nikkei)

Bên cạnh anime, công ty con của Sony cũng không giấu giếm việc đưa Demon Slayer lấn sân sang các hình thức giải trí đa phương tiện khác, nhằm khai thác lợi nhuận tối đa. Chủ tịch Atsuhiro Iwakami nói tiếp: "Chúng tôi muốn đưa nó tới càng nhiều người càng tốt, không lệ thuộc nền tảng nào. ‘Demon Slayer' đã trở thành một ví dụ tiêu biểu siêu thành công cho chiến lược đó".

Một chuyên gia trong ngành công nghiệp anime là Furio Kurokawa đánh giá cao kế hoạch của Sony. Ông dự đoán rằng cách kết hợp phát sóng truyền hình với chiếu trực tuyến sẽ nhanh chóng phổ biến trong ngành, sau thành công của loạt phim. Thực tế, Sony có cả kinh nghiệm lẫn lợi thế trong việc phân phối bản quyền tới các dịch vụ trực tuyến, điều khiến họ khác biệt với những đơn vị sản xuất anime khác ở Nhật.

Trong kế hoạch của họ để tận dụng tài sản trí tuệ quý giá này, đã bao gồm cả việc phát hành trò chơi điện tử trên các hệ iOS, Android và PlayStation. Với tất cả nguồn lực trong tay, từ cấp phép cho các đơn vị phát trực tuyến, cấp phép sản xuất vật phẩm ăn theo trong các chiến dịch marketing của đối tác, phụ trách bài hát chủ đề của phim (ca sĩ LiSA của Sony Music trình bày),... Sony đã biến dự án anime Demon Slayer thành một hiện tượng văn hóa toàn cầu. Đồng thời, cũng là một cỗ máy in tiền cho các công ty khác tham gia khai thác cùng.;

Ambitious Man

Chủ đề khác