VnReview
Hà Nội

6 lý do khiến tôi "gút-bai" Facebook

Cách đây không lâu, một vlog đã thuyết phục cộng đồng mạng lý do nên bỏ Facebook từ trải nghiệm cá nhân cũng như những con số thống kê phức tạp. Tuy nhiên, nếu như vlog dài gần chục phút đó chưa đủ sức thuyết phục thì hãy đọc thêm chia sẻ dưới đây trên tạp chí Forbes.

Đây là bài viết chia sẻ về những lý do từ bỏ Facebook của Tim Maurer, một biên tập viên của tạp chí Forbes. Những lý do này là của riêng Tim Maurer, nhưng vẫn rất đáng để mọi người suy ngẫm, nhất là trong thời đại có nhiều người "nghiện" Facebook.

Facebook đã hút hết thời gian, cuộc sống của tôi, và không giống như tiền bạc, thời gian mất đi không bao giờ lấy lại được. Tuy nhiên, nói công bằng hơn, thì thời gian dành cho Facebook cũng đã soi sáng cho tôi được nhiều điều. Chẳng hạn, người bạn tốt của tôi, Nick Selvi – một người chồng, người cha, người thầy giáo và là một nhạc sỹ - đang bị ung thư ruột giai đoạn 4, và trang Facebook của anh giúp tôi nắm được các thông tin về cuộc chiến mà anh và gia đình anh đang vật lộn. Tôi sẽ bỏ lỡ mất những điều đó nếu không vào Facebook. Nhưng hy vọng rằng tôi sẽ là một người bạn thực sự và sẽ trực tiếp gọi điện, đến thăm để ủng hộ, động viên anh.

Hầu hết bạn bè trên Facebook của tôi không phải là những người bạn thật sự (ngoài đời). Họ không phải là kẻ thù. Cũng không phải là tôi muốn họ ốm yếu, gặp điều không may, nhưng phần lớn những người bạn này, chúng ta không nên kết giao với họ bên ngoài. Không phải vì khoảng cách địa lý hay vì họ không có địa chỉ email hay số điện thoại – chỉ đơn giản họ không phải là những người bạn … thật sự của chúng ta. Khi mới tham gia Facebook, chúng ta có tự hào về vấn đề bạn bè này? khi thường hỏi nhau "bạn có bao nhiêu người bạn trên Facebook?"

Có nhiều cách khác tốt hơn để chia sẻ ảnh. Ngắm những bức ảnh của gia đình và bạn bè, và chia sẻ những bức ảnh riêng của mình là điều tôi thích nhất về Facebook. Một bức ảnh và một lời chú thích có thể mang đến cho tôi nụ cười hoặc những dòng nước mắt. Tôi cũng biết rằng việc trao đổi những bức ảnh gia đình là lý do khiến đến 90% các bậc ông bà đến với Facebook. Giờ đây, thay vì chỉ dùng Instagram để bổ sung những thiếu sót về kỹ năng chụp ảnh của mình và sau đó tải lên Facebook, đơn giản tôi chỉ dùng Instagram như một phương tiện chia sẻ ảnh, chỉ mời những người bạn bè thân thiêt và thành viên gia đình cùng xem.

Tôi học được nhiều hơn trên Twitter. Twitter đối với Facebook chỉ như một bản tiểu sử so với một cuốn tiểu thuyết. Tôi biết không có gì sai khi đọc tiểu thuyết, nhưng tôi bị ám ảnh rằng mình đã làm gì đó sai trái khi dành thời gian để đọc những thứ không (hoặc sẽ không) thực sự xảy ra. Tôi thích Twitter, như là tôi thích đọc một cuốn tiểu sử hay, nhưng đồng thời tôi cũng cảm thấy mình tốt hơn sau khi đọc – như thể tôi đã học được một điều gì đó bổ ích. Twitter hiện là nguồn cung cấp tin tức và các ý kiến giá trị hàng đầu, và cũng như một điểm kết nối quan hệ.

Sự có mặt của các quảng cáo trên Facebook ngày càng thô lỗ. Tôi quan tâm nhiều đến bạn hơn việc bạn thích trang của công ty Cherry Coke. Tôi chắc chắn là quan tâm đến bạn nhiều hơn bất cứ gì Facebook muốn tôi mua, song dường như ngày càng có nhiều quảng cáo hơn. Hẳn tôi không phải là người duy nhất nhận ra điều đó.

Ít hơn là nhiều hơn. Tôi muốn đơn giản hoá cuộc sống của mình, sống chậm hơn để "nhấm nháp" các hương vị cuộc sống, chứ không chỉ là nềm qua. Tôi không muốn trốn đằng sau mọi thứ, như vẻ "tôi thực sự là người bận rộn". Tôi muốn hạn chế số những đối tượng, sự vật có thể ganh đua sự chú ý của tôi, vì thế tôi có thể dành nhiều sự chú ý hơn đến những thứ mà tôi quan tâm nhất. Lúc này, ít hơn nghĩa là sẽ mang lại nhiều cái mới khác hơn.

Vĩnh biệt Facebook.

Hoàng Lan

Chủ đề khác