VnReview
Hà Nội

Điều gì sẽ xảy ra nếu Microsoft phát minh ra hệ điều hành Android?

Có khá nhiều nguyên nhân khiến việc Microsoft phát minh ra một hệ điều hành như Android là điều bất khả thi. Tuy nhiên, nếu đó là sự thật, thế giới công nghệ có thể đã rẽ sang một hướng rất khác so với hiện nay.

Microsoft thử đưa Android lên Windows 10 với tính năng screen mirroring beta mới

Cuộc chiến điện thoại thông minh đã qua từ lâu; và hai "thế lực" đã giành được chiến thắng cuối cùng là hai nền tảng Android và iOS. Đa số các đối thủ khác đã từ bỏ cuộc chơi được một thời gian dài; và không nằm ngoài quy luật ấy, Microsoft cũng đang đặt những viên gạch cuối cùng để xây lên "nấm mồ" dành cho nền tảng đi dộng Windows Phone, vốn một thời đã được gã khổng lồ xứ Redmond dành công sức và đặt rất nhiều kỳ vọng.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Microsoft không có những tiếc nuối và day dứt. Chẳng thế mà, mới đây, nhà đồng sáng lập Microsoft, tỷ phú Bill Gates đã gọi việc công ty không thể tạo ra một nền tảng di động như Android là một trong những sai lầm lớn nhất trong sự nghiệp của ông.

"Sai lầm lớn nhất của tôi là đã có những thiếu sót trong khâu quản lý dẫn đến việc Microsoft không thể tạo ra một thứ giống như Android. Hiện tại, Android là nền tảng tiêu chuẩn dành cho điện thoại không đến từ Apple. Đáng ra, Microsoft đã có thể dễ dàng dành chiến thắng trong cuộc chơi này," Gates phát biểu tại một sự kiện do một quỹ đầu tư Hoa Kỳ tổ chức gần đây.

Phát biểu này của Bill Gates đã gợi ra hai câu hỏi. Đầu tiên, tại sao Microsoft, với tiềm lực tài chính mạnh mẽ và sở hữu rất nhiều bộ óc thiên tài, lại không thể sáng tạo ra một nền tảng tương tự như Android? Và liệu nếu Microsoft thành công, thì thế giới công nghệ khi ấy sẽ khác với ngày nay như thế nào?

Không phải Microsoft không muốn bước chân vào thị trường điện thoại di động thông minh. Từ nhiêu năm trước khi Android và iOS có mặt trên thị trường, Microsoft đã dành hàng năm trời phát triển nhiều thiết bị cầm tay khác nhau (hồi ấy được gọi là các thiết bị PDA).

Tuy nhiên, khi iPhone và hệ điều hành iOS, và rồi Android xuất hiện, Microsoft đã có những bước đi sai lầm và phải mất nhiều năm để bắt kịp các hãng đối thủ. Ngay cả việc mua lại mảng kinh doanh smartphone của Nokia cũng là một trong những nỗ lực tuyệt vọng của Microsoft nhằm lấy lại vị thế trong ngành công nghiệp. Tuy nhiên, cuối cùng họ cũng đã từ bỏ.

Và dĩ nhiên, có một số nguyên nhân giải thích vì sao Microsoft đã không và không thể tạo ra một nền tảng tương tự như Android, chứ chưa nói đến iOS.

Phóng viên chuyên trang công nghệ ZDNet nhận định rằng, một trong những vấn đề lớn nhất của Microsoft nằm ở cách tiếp cận của hãng này. Trong một khoảng thời gian dài, công ty coi smartphone chỉ là những phiên bản thu nhỏ của chiếc máy tính desktop tiêu chuẩn (họ còn từng có một nhãn hiệu là Pocket PC, có nghĩa là những chiếc PC bỏ trong túi quần).

Với một công ty chuyên tập trung vào mảng máy tính cá nhân như Microsoft thì điều đó không có gì đáng ngạc nhiên, tuy nhiên Microsoft đã không nghĩ đến việc tạo ra một giao diện người dùng hoàn toàn mới tối ưu hoá cho các thao tác chạm và cảm ứng, cũng như một phương thức mới đơn giản và tiện lợi hơn để cài đặt và sử dụng các ứng dụng (ngày nay chúng ta quen gọi là các "app"). Nhớ lại khi iPhone lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường, nền tảng này mới chỉ có khoảng 500 ứng dụng, so với con số 18.000 ứng dụng mà nền tảng Windows Mobile của Microsoft đang sở hữu. Song, bước ngoặt đã đến khi iOS và Android tích hợp các cửa hàng ứng dụng của riêng mình vào hệ điều hành, mang đến một phương thức tải và sử dụng phần mềm hoàn toàn mới, đơn giản hơn rất nhiều dành cho người dùng.

Một lý do chủ yếu khác khiến Microsoft không thể tạo ra một nền tảng tương tự như Android là bởi Android đã từng (và hiện nay, trong một chừng mực nào đó vẫn là) một sản phẩm mã nguồn mở. Lúc bấy giờ, Microsoft vẫn dành nhiều hoài nghi đối với các sản phẩm mã nguồn mở. Nhưng bản chất nguồn mở của Android đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất điện thoại có thể tuỳ biến nó theo cách mà họ mong muốn, từ đó giúp "đội quân" Android "len lỏi" vào trong từng ngõ ngách của đời sống công nghệ.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả nằm ở chỗ Android không tốn nhiều chi phí để sử dụng. Việc không cần phải lo lắng về những khoản phí cấp phép đắt đỏ đồng nghĩa với việc các thiết bị chạy Android sẽ có giá thành sản xuất rẻ hơn và việc thử nghiệm nền tảng này cũng không tiềm ẩn quá nhiều rủi ro. Điều đó tất yếu đã dẫn đến sự bùng nổ các thiết bị cầm tay chạy Android trên thị trường. Những công ty khác, sau khi bị mất thị phần vào tay Android, mới chịu từ bỏ mô hình thu phí cấp phép đối với các sản phẩm của mình, nhưng khi ấy đã quá muộn (một vài năm sau đó, Microsoft cũng cho phép người dùng nâng cấp miễn phí lên Windows 10 trong một năm, một động thái cho thấy mô hình kinh doanh theo kiểu của Google đã thành công như thế nào).

Chỉ có một chỗ đứng duy nhất dành cho một nền tảng hệ điều hành di động có tính chất phổ thông, "đại chúng", và đó là Android. Còn Apple đã "yên vị" với thị trường cao cấp ngay từ đầu.

Dù vậy, nếu chúng ta bỏ qua tất cả các yếu tố kinh tế, kĩ thuật và tổ chức nêu trên, thì hãy thử hình dung xem chuyện gì sẽ xảy ra nếu Microsoft là công ty sáng tạo ra Android, hoặc một sản phẩm nào đó tương tự.

Bản thân Gates đã có quan điểm rõ ràng về việc này: "Chỉ có một vị trí duy nhất dành cho một hệ điều hành không-phải-của-Apple. Và vị trí ấy đáng giá thế nào? [Nếu chuyện đó xảy ra], thì 400 tỷ USD giá trị thị trường sẽ được chuyển từ công ty có chữ cái bắt đầu là G sang công ty có chữ cái đầu là M," ông phát biểu. Như vậy, theo Gates, nếu Microsoft là công ty sáng tạo ra Android, thì công ty sẽ có thêm 400 tỷ USD giá trị thị trường, con số mà Google của hiện tại đang sở hữu.

Nói ngắn gọn: một Google nhỏ hơn, và một Microsoft lớn mạnh hơn. Có thể, nếu Microsoft trở thành một công ty lớn trong lĩnh vực di động, thì hãng sẽ không chuyển hướng tập trung vào đám mây như hiện nay, và có thể Google sẽ như Microsoft của hiện tại - dành nhiều nguồn lực đầu tư vào nền tảng đám mây của mình nhiều hơn. Rất khó để đoán định tác động của một sự thay đổi lớn như vậy.

Còn đối với người dùng cá nhân, cần nhớ rằng đa số lợi nhuận mà Google thu được từ Android đến từ các dịch vụ như bản đồ, tìm kiếm và thư điện tử (email) được tích hợp cùng với hệ điều hành. Đó là lý do vì sao Google có thể dễ dàng "cho không" các nhà sản xuất điện thoại cả một nền tảng di động như vậy – bởi nhờ đó mà các dịch vụ của Google mới có thể đến gần hơn với nhiều người.

Đó là một trong những đột phá lớn của Google đối với Android, nhưng về cơ bản, những dịch vụ của Google vẫn kiếm tiền dựa vào việc thu thập thông tin của người dùng. Android đã đóng một vai trò quan trọng trong việc "bình thường hoá" nhận thức của người dùng về việc họ phải đánh đổi quyền riêng tư để được sử dụng các dịch vụ này miễn phí (hoặc với chi phí rất thấp).

Đa số chúng ta đều vui vẻ với sự đánh đổi đó. Nhưng gần đây, cũng ngày càng có nhiều người bày tỏ sự quan ngại về mối quan hệ với các công ty chuyên khai thác dữ liệu người dùng như Google; nhất là sau hàng loạt vụ bê bối của mạng xã hội Facebook..

Liệu Microsoft có thể tạo ra một nền tảng thành công như Android nếu không sử dụng chiến lược tương tự hay không? Có thể, nếu hãng có thể sử dụng điện thoại thông minh làm trung gian để bán được nhiều dịch vụ trả phí như những gì họ đã làm với nền tảng Windows ở thời điểm hiện tại.

Có lẽ nếu Microsoft là người tạo ra Android, thì sẽ mất nhiều thời gian hơn để các công ty chuyên "theo dõi người dùng" như Google có thể trở thành tiêu chuẩn trong cả ngành công nghiệp, nơi các sản phẩm miễn phí được ưa chuộng nhưng cái giá đổi lại là người dùng phải chịu sự "giám sát" chặt chẽ của các công ty công nghệ. Tuy nhiên cũng có thể điều đó sẽ không xảy ra. Có thể sẽ có một công ty khác thay Google tạo ra một nền tảng với chiến lược phát triển tương tự như Google, và mọi thứ sẽ diễn ra chẳng khác gì ở thời điểm hiện tại.

Nhưng bạn hãy luôn nhớ rằng, "tiêu chuẩn" không phải là một thứ bất biến, có thể nó sẽ thay đổi trong tương lai gần, thậm chí là ngay ngày mai.

Quang Huy

Chủ đề khác