VnReview
Hà Nội

Ứng dụng/dịch vụ OTT (Over-The-Top) là gì?

Gần đây, dịch vụ/ ứng dụng OTT được nhắc đến nhiều lần trên các phương tiện truyền thông và trở thành một mối lo ngại thực sự cho các nhà mạng.

Vậy ứng dụng hay dịch vụ Over-The-Top (OTT) là gì? Truyền thông OTT hay dịch vụ/ ứng dụng đa phương tiện OTT khác như thế nào so với một ứng dụng thông thường?

Bài viết này hy vọng đem lại một giải thích về OTT đơn giản, dễ hiểu nhất.

Đối với người sử dụng Internet thường xuyên, một ứng dụng hoặc dịch vụ OTT là một cái gì đó đại loại như:

; - YouTube, Vimeo, Netflix hoặc Apple TV cho streaming video

  - Skype hay FaceTime cho các cuộc gọi thoại/video

  - WhatsApp hay iMessage cho nhắn tin trên thiết bị di động

   - Xbox 360 hay World of Warcraft để chơi game

   - Ứng dụng hay dịch vụ OTT (Over-The-Top) là gì?

Về cơ bản, các dịch vụ hoặc ứng dụng OTT là những dịch vụ trên Internet mà không phải do các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) trực tiếp đưa đến. Tất nhiên, đối với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông/ ISP, điểm đáng lưu tâm nhất của một ứng dụng hoặc dịch vụ OTT là người dùng không phải trả tiền cho họ.

Những năm 2008 và 2009, thuật ngữ "ứng dụng/dịch vụ OTT" chủ yếu được áp dụng cho các dịch vụ video như Netflix hay Hulu. Vào thời điểm đó, một số nhà cung cấp dịch vụ lớn của Mỹ như Comcast và AT & T đã tung ra dịch vụ video theo yêu cầu và gặp phải sự thách thức từ Netflix và Hulu. Các công ty này đã đưa đến những dịch vụ OTT thông qua kết nối Internet mà không cần bất kỳ sự tương tác nào với các nhà cung cấp dịch vụ Internet (cũng như không tạo ra bất kỳ khoản chi phí nào cho người dùng).

Sau đó, OTT được áp dụng cho một loạt các ứng dụng nhắn tin, thay thế cho các dịch vụ nhắn tin SMS tốn phí truyền thống do các công ty viễn thông cung cấp. WhatsApp, Apple iMessage, BlackBerry Messenger (BBM), TU Me ... và hàng trăm hàng trăm ứng dụng khác thi nhau xuất hiện. Một vài người thậm chí còn xếp Twitter và Facebook vào dạng ứng dụng này. Hệ quả tất yếu của "sự xâm lăng" này là doanh thu của các công ty viễn thông bị suy giảm nghiêm trọng. Công ty phân tích và nghiên cứu thị trường Ovum đã ước tính sự suy giảm này lên đến 13,9 tỷ USD chỉ tính riêng trong năm 2011.

OTT cũng được áp dụng cho các ứng dụng VoIP như Skype, FaceTime của Apple, Viber, Voxer, Tango…

Gần đây, ý nghĩa của thuật ngữ OTT đã được mở rộng hơn, áp dụng cho bất kỳ nhà cung cấp nội dung nào. Điểm mấu chốt của tất cả điều này là các ứng dụng/dịch vụ OTT không đến từ các công ty viễn thông truyền thống hoặc các nhà cung cấp dịch vụ Internet. Các công ty viễn thông và ISP chỉ đơn thuần là các nhà cung cấp kết nối IP mà các ứng dụng OTT hoạt động trên đó. Hiểu nôm na, các công ty viễn thông và ISP chỉ đơn thuần là những "ống dẫn to béo và ngốc nghếch".

Một vài công ty viễn thông và ISP đã nhận thấy những gì đang xảy ra và cố gắng để trở thành "ống dẫn to béo nhất" trên mạng, cung cấp dịch vụ tốt nhất có thể. Một số tung ra các ứng dụng/dịch vụ OTT riêng không giới hạn đối với cơ sở khách hàng của mình.

Một vài các công ty viễn thông khác thì lại cố gắng gia nhập Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) nhằm điều tiết các ứng dụng OTT và các nhà cung cấp thông qua Hội nghị Thế giới về Viễn thông quốc tế (WCIT). Họ hy vọng WCIT sẽ là một phương tiện để khôi phục lại doanh thu của mình và bằng cách nào đó bắt đầu tính phí đối với các nhà cung cấp OTT.

Kết luận

Khi nói về các ứng dụng hoặc dịch vụ OTT, người ta thường đề cập đến các ứng dụng và dịch vụ hoạt động trên các kết nối Internet nhưng không có bất kỳ mối quan hệ nào với các nhà cung cấp những kết nối Internet đó.

Các ứng dụng và dịch vụ OTT là một trong những nguyên nhân của cuộc chiến tranh đang diễn ra giữa "các nhà cung cấp nội dung" và "các nhà cung cấp truy cập" ... một sự cạnh tranh căng thẳng trong thế giới Internet và rất khó để giải quyết trong một sớm một chiều.

Quang Sáng

Chủ đề khác