VnReview
Hà Nội

Nồi cơm điện cao tần là gì? Nồi cơm điện cao tần hoạt động thế nào?

Nồi cơm điện cao tần là bước ngoặt lớn của công nghệ nồi cơm điện tử. Nó xuất hiện từ năm 1988 khi nhà sản xuất đồ gia dụng Nhật Bản Matsushita Electric Industrial Co., hãng nhiều năm dẫn đầu về phát triển nồi cơm điện, đã tạo ra nồi cơm điện cao tần (IH) đầu tiên.

Nồi cơm điện

Cho đến nay, nồi cơm điện tử vẫn sử dụng đốt nhiệt trực tiếp – nhiệt được phân tán dưới đáy nồi bằng đĩa dẫn nhiệt. Nhược điểm của nó là nhiệt lượng tác dụng lên gạo yếu hơn dẫn đến cơm không được chín đều. Do vậy, hệ thống IH được người Nhật phát minh ra với hy vọng làm cho nồi cơm điện cao tần tốt hơn nồi sử dụng mâm đốt nhiệt trực tiếp.

Để đạt được kết quả như vậy phụ thuộc vào cách nồi cơm điện cao tần hoạt động thế nào. Một dòng điện truyền qua các cuộn dây xung quanh nồi tạo ra từ trường (ảnh bên phải), từ đó tạo ra một dòng điện trong kim loại của nồi. Kim loại nóng lên khi dòng điện chạy qua nó, vì vậy toàn bộ nồi nhanh chóng tăng lên đến nhiệt độ cao và nấu gạo chín đều.

Nồi cơm điện cao tần

Lúc đầu, người ta nghĩ rằng nồi cơm điện cao tần IH có thể không bán chạy lắm, vì hệ thống IH khá đắt (hiện nay có nồi cơm điện cao tần của Nhật giá bán đến hơn 15 triệu đồng) và tiêu thụ rất nhiều điện. Nhưng thực tế đã chứng minh nồi cơm điện cao tần đang ngày càng phổ biến hơn, nhất là tại Nhật Bản bởi vì nhiều người muốn nấu ăn có thể làm cho cơm ngon hơn, ngay cả khi họ tốn thêm một chút. Ngày nay, hơn một nửa số nồi cơm điện được bán trên khắp Nhật Bản thuộc loại IH. Ngoài các nhà sản xuất Nhật Bản, các hãng đến từ Hàn Quốc và cả nhà sản xuất Trung Quốc cũng đã tung ra các mẫu nồi IH.

Không giống như các loại nồi cơm điện khác, với nồi cơm điện IH, không cần phải ngâm gạo trong nước trước khi nấu. Tất cả những gì bạn cần làm là thêm lượng nước phù hợp, sử dụng các vạch bên trong nồi để đo lượng nước phù hợp và chọn cài đặt bạn muốn (chẳng hạn như bạn muốn nấu cơm như thế nào). Bí quyết cuối cùng để làm cho cơm ngon nhất có thể là trộn nhẹ xung quanh ngay khi cơm chín để hơi nước thừa thoát bớt đi.

Thuý Hồng

Chủ đề khác