VnReview
Hà Nội

Chỉ mất 10 giây để kiểm tra TV có bị burn-in hay không?

Chiêu "cà khịa" đối thủ của Samsung đã mang lại cho người dùng một công cụ kiểm tra TV, đặc biệt là các TV OLED, có bị burn-in hay không cực kỳ nhanh chóng và hiệu quả.

Hiện nay, thị trường TV có hai công nghệ màn hình chủ đạo là LCD và OLED. Trong đó, màn hình OLED là nguyên nhân gây nên nỗi ám ảnh mang tên "burn-in" khiến nhiều người lo ngại khi sử dụng và lựa chọn TV. Burn-in hay còn gọi là hiện tượng lưu hình hoặc bóng mờ, là hiện tượng hình ảnh tĩnh khi chiếu một thời gian dài sẽ in bóng mờ vào màn hình TV.

Tại sao burn-in lại là vấn đề chỉ riêng với OLED? Chúng ta đều biết OLED còn có tên gọi Organic LED (màn hình LED hữu cơ) để nhắc đến chất hữu cơ dùng trong từng điểm ảnh phụ, khi phát sáng sẽ ra các màu cơ bản (đỏ, xanh lục và xanh lam). Các chất này có vòng đời không giống nhau, sau một thời gian phát sáng thì các điểm ảnh phụ sẽ dần bị thoái hóa với tốc độ khác nhau. Chính điều này dẫn đến burn-in. Thường thì các khu vực hiển thị ảnh tĩnh trong thời gian dài sẽ dễ bị nhất, ví dụ các menu, hướng dẫn chương trình, logo kênh trên màn hình...

Hình ảnh TV OLED bị lỗi burn-in khá nặng.

Tại các khu vực này, điểm ảnh được lệnh hiển thị cố định một nội dung, trong khi những điểm ảnh khác xung quang lại thay đổi nội dung liên tục. Kéo dài trong một thời gian sẽ dẫn đến chênh lệch giữa các điểm ảnh, bạn càng dùng với cường độ cao thì chênh lệch càng lớn. Điều đó giải thích tại sao các TV OLED trưng bày thường rất nhanh bị burn-in.

Vì đặc tính công nghệ như vậy, burn-in đến nay vẫn được xem là "tính năng" của màn hình OLED. Gần như, người dùng loại màn hình TV này phải chấp nhận sống chung với hiện tượng đó. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm hiện tượng burn-in thì bạn có thể áp dụng những biện pháp để làm chậm tiến độ phát triển của "tính năng" này.

Video của Samsung giúp người dùng kiểm tra hiện tượng burn-in TV chỉ trong 10 giây.

Trong nỗ lực đẩy mạnh chiến dịch cảnh báo người dùng về tình trạng burn-in hay xảy ra trên TV OLED, Samsung đã cung cấp một phương pháp trực quan để kiểm tra màn hình TV của bạn có gặp phải lỗi này hay không. Đó là một đoạn video trên Youtube giúp chỉ ra những hình ảnh trực quan mà bạn có thể sử dụng để kiểm tra lỗi lưu ảnh. Đoạn video này bao gồm 10 giây hình nền màu đỏ tràn toàn bộ màn hình TV khiến các phần bị ám màu (dấu hiệu của burn-in) trên màn hình hiển thị trở nên rõ ràng hơn.

Có lẽ cũng vì burn-in mà thời gian bảo hành của hai loại TV OLED và LCD có sự khác nhau. Các TV OLED thường chỉ có thời gian bảo hành trong 2-3 năm, còn các TV LCD như Samsung bảo hành tới 10 năm cho các TV QLED.

Hiện tại, các nhà sản xuất TV OLED như LG và Sony không bảo hành với hiện tượng burn-in trên các sản phẩm TV. Tuy vậy, các hãng này khuyến cáo người dùng một số biện pháp để hạn chế hiện tượng burn-in như không nên để hình ảnh tĩnh có màu sáng trong thời gian quá lâu, giảm độ sáng màn TV, hiển thị toàn màn hình để loại bỏ các vạch đen.

TD

Chủ đề khác